Xuân Quỳnh – Những nghịch lý của tình yêu và số phận

TP – Để đến được với nhau, Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ đã phải vượt qua bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu bầm dập của cuộc đời. Không chỉ vượt qua những rào cản bên ngoài xã hội mà còn phải vượt qua những giới hạn trong chính con người mình.

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1 Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, một năm trước ngày tử nạn

Mặc những trăn trở, nghi ngại của ngay cả chính những người gần gũi thân thuộc nhất (hồi đó không chỉ mẹ tôi mà cả chị Đông Mai – chị ruột Xuân Quỳnh cũng phản đối tình yêu của họ), anh chị đã quyết tâm sống với nhau, tin tưởng vào tình yêu của mình.

Xuân Quỳnh là một người phụ nữ Á Đông điển hình với những quan niệm rất truyền thống. Chị thực sự là một người đàn bà suốt đời kiếm tìm vun trồng và gìn giữ. Gìn giữ cẩn trọng đến mức lúc nào cũng nơm nớp lo âu, khắc khoải.

Người thì bảo điều đó làm khổ chị. Người lại bảo trạng thái tình cảm đó mới tạo nên vẻ độc đáo và sức cuốn hút trong các bài thơ tình của chị. Bản thân Xuân Quỳnh chỉ giải thích một cách đơn giản đó là do “giời đày”.

Lưu Quang Vũ đón nhận tình yêu một cách quả quyết và nhẹ nhàng hơn. Anh không quá day dứt, lo lắng như Xuân Quỳnh.

Nhân sự kiện này, Lưu Quang Vũ viết thư báo tin cho em trai thứ hai, lúc đó đang học ở Liên Xô (cũ): “Anh đã quyết định lấy chị Xuân Quỳnh. Sau bao nhiêu sóng gió anh chị đã về sống với nhau. Chị Quỳnh là người tốt và hiểu anh. Mong và tin rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho nhau và sẽ làm được nhiều việc có ích cho đời…”.

Quả đúng như vậy. Những năm chung sống, anh chị đã có ảnh hưởng rất lớn với nhau trong đời sống hàng ngày cũng như trong sáng tác. Hai người đã yêu nhau và nương tựa vào nhau để gây dựng tổ ấm và lao động cật lực. Cuộc sống của họ tuy ngắn ngủi, nhưng cả hai đều đã sống và làm việc hết mình, đã có những đóng góp không nhỏ cho đời sống văn học nước nhà.

Khối lượng kịch bản đồ sộ của Lưu Quang Vũ khiến nhiều người kinh ngạc. Bên cạnh đó còn là thơ, là truyện ngắn và hàng trăm bài báo lớn nhỏ khác.

Xuân Quỳnh cũng làm việc với năng suất không kém. Các tập thơ của chị nối nhau ra đời: Tự hát, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may… Và hàng loạt các tập thơ, truyện dành cho thiếu nhi: Bầu trời trong quả trứng, Bến tàu trong thành phố, Vẫn có ông trăng khác, Sự tích Vịnh Hạ Long…

Khi đến với Lưu Quang Vũ, dù đã là một nhà thơ nổi tiếng được bạn đọc yêu mến, Xuân Quỳnh vẫn sẵn sàng chấp nhận mọi sự hy sinh để vun đắp cho sự nghiệp của chồng: Anh thân yêu, người vĩ đại của em – Anh là mặt trời em chỉ là hạt muối – Một chút mặn giữa đại dương vời vợi.

Đây không hề là những lời đề cao, xưng tụng của người đàn bà đang yêu đắm đuối mà đó chính là những suy nghĩ rất thật của một con người nhạy cảm, đầy nữ tính.

Đành rằng phải có sắt tốt mới rèn được dao sắc. Nhưng ngay cả vàng mười ở trong tay kẻ nông cạn, hời hợt cũng trở thành vô dụng.

Bản thân Lưu Quang Vũ cũng đã từng nếm trải cảm giác cay đắng này trong đoạn đời trước đây. Còn với Xuân Quỳnh, chị đã nhận ra tài năng của anh không phải vào lúc chói sáng mà là lúc đang khó khăn nhất. Nhận ra vẻ đẹp của tâm hồn anh vào lúc đang có nhiều đổ vỡ nhất.

Chỉ có sự thông minh sắc sảo và một tình yêu rộng lớn mới có thể hiểu và làm được như thế.

Tôi chưa thấy một người phụ nữ nào lại hội đủ những yếu tố đáng quý như Xuân Quỳnh: xinh đẹp, tài năng, thông minh, giàu nữ tính, yêu đến quên cả bản thân mình.

Thời gian đầu chung sống, nếu như Lưu Quang Vũ phải làm đủ nghề để kiếm sống thì Xuân Quỳnh cũng phải tìm đủ mọi cách để duy trì sinh hoạt của gia đình.

Chị xoay sở kiếm được nhiều việc làm thêm. Từ đính kim sa vào trang phục biểu diễn cho các đoàn văn công, đan áo len, đóng sổ tay gia công đến việc bồi giấy, dán hộp mứt, làm lịch…

Mà đó chỉ là những việc làm thêm. Việc chính chị Quỳnh phải đảm đương ở cơ quan là công việc của một người biên tập. Ở báo Văn nghệ chị biên tập thơ. Khi chuyển về NXB Tác phẩm mới chị lại được phân công làm biên tập văn xuôi. Ngoài ra chị còn phải lo chu toàn việc gia đình, nuôi dạy ba cậu con trai.

Ngày mới về làm dâu, chị nói với tôi: Chị ở tập thể từ nhỏ nên việc nữ công gia chánh vụng về lắm. Đúng là về khoản nấu ăn chị không khéo, có những món anh Vũ làm ngon hơn chị nhiều.

Nhưng chị lại khéo tay trong việc đan lát, cắt may. Chị nhờ người quen mua len sợi bán cân ở nhà máy về tháo ra, nối lại, đan thành những chiếc áo dầy dặn, ấm áp cho chồng con, sửa chữa quần áo cũ của các anh thành bộ đồ tinh tươm cho em.

Chị biết làm rất nhiều thứ. Đi Liên Xô lần đầu tiên, chị mua một bộ tôngđơ về cắt tóc cho cả nhà. Thời gian đầu anh Vũ gọi việc cắt tóc của chị Quỳnh là “nỗi kinh hoàng của cả nhà”.

Lúc đầu chưa quen tay, chị biến cả nhà thành chỗ để thí nghiệm. Có lần cắt hỏng, đầu của mấy bố con trông như cái nồi đất úp lên, trời không rét mà ai cũng phải đội mũ sùm sụp.

Thế rồi tay nghề của chị ngày càng được nâng lên. Cả nhà không bao giờ phải ra cắt tóc ngoài hàng. Chị cười thích thú khoe với mọi người: Thợ cắt tóc nhìn thấy mình khóc rưng rức, làm lợi cho kinh tế gia đình được khối tiền. Chị còn mua một bộ kim tiêm, khi cần thiết là chị có thể tiêm cho mọi người trong gia đình. Tôi vốn nhát gan, nên rất phục chị về khoản này.

Đối với anh Vũ, chị săn sóc, chăm lo tận tuỵ vô điều kiện. Chị luôn dành cho anh tình cảm nồng nhiệt, say đắm như thuở ban đầu. Đã nhiều lần chị nói với tôi: Chị chỉ tìm thấy yên ổn thật sự khi bước chân về nhà mà nhìn thấy anh Vũ.

Tất cả bạn bè của anh chị và cả gia đình tôi đều thấy rõ vai trò của chị Quỳnh đối với sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ. Chính mẹ tôi đã khẳng định điều ấy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM ngày 3-9-1988:

“Quỳnh thật sự là nàng dâu thảo, vợ hiền. Từ khi lấy Vũ, nó đã dốc toàn bộ tình cảm và sự chăm sóc cho chồng, cho con chung và cả con riêng của chồng. Quỳnh chăm sóc thương yêu cháu rất chu đáo, rất tận tình, không tạo cho cháu chút mặc cảm buồn phiền nào hết.

Đối với Vũ, phải nói là Quỳnh yêu thương, chiều chuộng hết mực. Ngay tôi đối với ông nhà tôi (nhà thơ Lưu Quang Thuận) cũng có khi không bằng thế…

Nhớ lại những đêm khuya, khi cả nhà đã ngủ yên, khi đã làm xong mọi việc nhà, Quỳnh mới ngồi vào bàn ghi những vần thơ mới, tôi thương con đứt cả ruột!”.

Hơn ai hết, Lưu Quang Vũ đã cảm nhận điều ấy một cách vô cùng thấm thía. Anh đã dành cho chị những câu thơ thật nồng nàn, da diết: Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh – Điều mong ước đầu tiên, điều ở lại sau cùng – Chúng ta đã đi bên nhau trên mặt đất – Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật – Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời.

Cuộc sống chung với Xuân Quỳnh đã cho Lưu Quang Vũ một nguồn năng lượng mới. Anh vừa có trong tay một tình yêu lý tưởng, lại vừa có một hạnh phúc đời thường: Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài – Chỉ một người ở lại với anh thôi – Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi – Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới – Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương – Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi – Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh – Khi những điều giả dối vây quanh – Bàn tay ấy chở che và gìn giữ – Biết ơn em, em từ miền gió cát – Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng.

Nhà thơ Nguyễn Duy đã khẳng định rằng những bài thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ viết tặng cho nhau đã làm thành một đối thoại tình yêu đẹp nhất của thế hệ các anh.

Mà đâu phải chỉ trong thơ. Trong đời sống thường nhật họ cũng đã dành cho nhau tình yêu thương sâu thẳm mà ngay cả những cặp uyên ương hạnh phúc nhất cũng khó lòng sánh kịp.

“Đối thoại tình yêu” của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ được thể hiện qua các bức thư họ gửi cho nhau khi xa cách trong những năm tháng chung sống cũng thật đẹp, thật nồng nàn, thật sâu sắc, không kém gì những bài thơ tình nổi tiếng được nhiều người yêu thích của họ.

“9-6-78

Quỳnh nhớ thương

Em đi đã được một tuần. Nhớ em và buồn lắm. Mấy bố con ở nhà vẫn bình thường. Mẹ đi vắng. Mí cứ quấn bố, tối không chịu xuống bà. Hôm nào cũng bảo: bố với em đi đón mẹ đi. Mí ăn được, ngủ được, vẽ thêm nhiều tranh mới. Tuấn Anh xuống bác, bà Tuấn Anh vẫn ở đây, ngày nào Tuấn Anh cũng về đi bơi, xong ăn cơm chiều với bà hoặc với anh rồi lại xuống bác. Kít thì vẫn về luôn.

Anh đang viết gấp cho xong tập sách diễn viên, cũng mới viết được mấy bài thơ và định viết truyện ngắn về Campuchia. Nhuận bút tập thơ của em mẹ bảo có lẽ phải hàng tháng mới có tiền. Mấy bố con cũng túng, nhưng cũng “cầm cự” được vì có cá khô, tôm khô rồi.

Anh làm mọi việc nhà xong, ru con yên thì đã 11 giờ lúc đó mới làm việc. Mới biết em ở nhà làm việc nhà vất vả thật.

Những gì em dặn về nhà cửa, về con anh đều nhớ và lo chu toàn. Chỉ có nhớ em và mong ngày em về. Có lẽ cũng phải 1 tháng nữa em mới về nhỉ.

Em cũng chẳng nên mất thời giờ quá về những việc dự định sẽ mua sắm bên đó, để sức mà đi xem, đi chơi. Đời sống vợ chồng con cái mình rồi cũng đã ổn dần, miễn là mình viết được và in được.

Nhiều việc muốn làm quá, anh rất sốt ruột, sức khỏe thì có hạn. Anh cũng muốn làm xong mọi “com măng” để thư thả mà làm thơ. Anh muốn viết khác đi, hay hơn và chắc rằng sẽ viết được.

Mới đó mà đã giữa năm. Em về 2 vợ chồng sẽ đi đâu với nhau 1 chuyến. Em đi Liên Xô kỳ này, anh cũng rất mừng, sống với nhau, anh chỉ mong em sung sướng và làm việc được. Anh thì mãi mãi vẫn thế: vẫn là anh của em với tất cả những nhược điểm và ưu điểm mà anh có, nhưng sẽ mãi mãi yêu thương em, hơn cả những ngày qua cộng lại.

Mí ngoan và tội lắm, rất khôn. Hôm qua đang chơi cái gì đó, mắng Kít: “Chỉ chuyên phá hoại thôi!”. Mí bắt anh đọc bài “thẩm chừi” anh không thuộc, Mí khóc, bảo anh là: “Bố không thuộc mà lại để mẹ đi Liên Xô mất. Bố không thuộc thì bố đi Liên Xô để mẹ ở nhà đọc với em chứ!”.

Hôm qua Mí vẽ cái tranh gọi tên là: “Mí đứng dưới ba cửa sổ chờ mẹ!” anh gửi cho em đây.

Hôn em. Nhớ em nhiều. Em ở bên đó xứ sở đẹp đẽ, giàu có, có nhớ đến gian buồng và cái sạp của bố con tôi không?

  Anh của em”

“8-6-78

Anh nhớ thương của riêng em

Suốt từ hôm đi, chưa lúc nào mở mắt ra được. Muốn viết cho anh ngay, viết nhiều, nhưng bận quá và căng thẳng quá. Hôm em đi, trời mưa chỉ kịp nhìn anh xuống xe đạp và khoác cái mảnh ni lông trắng.

Em thương nhớ anh muốn khóc nhưng đành phải cười nhạt nhảy lên xe. Em không còn nhớ được em đã nhìn thấy gì cuối cùng trên đất ta ngoài anh và con.

Khi máy bay bay lên, trời mù mịt không thể nhìn thấy ở dưới được. Khi bay gần tới Mạc Tư Khoa, nhìn xuống thì thấy như lúc mờ mờ sáng. Khi xuống ga rồi mới biết là lúc đó đang 11 giờ 30 đêm (giờ Mạc Tư Khoa).

Đoàn em đi về một khách sạn rất thường – em tìm không có 1 tờ giấy để viết thư cho anh đành tắm rửa xong thì đi nằm. Nhưng không sao nhắm mắt được. Em nhớ thương con, nhớ anh quá.

Giá như lúc này họ chỉ cho là “Liên Xô đấy” rồi lại lên máy bay quay về thì sung sướng quá…Chắc bố con ở nhà đang vật lộn với cái nóng. Không hiểu anh đã cắt tóc cho con chưa? Anh bận nhiều, vất vả.

Em nghĩ mà thương anh lắm. Không hiểu anh có nhớ em không, hay lại thấy là đang thoát khỏi sự khó tính bẳn gắt của em? Đừng giận em, em dù có những nhược điểm như vậy nhưng chủ yếu là em bao giờ cũng thương yêu anh lắm.

Cả đời em, em chỉ muốn cố gắng sao cho anh đỡ nhọc nhằn. Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh không phải về tình yêu mà về trí tuệ.

Em cảm thấy em già rồi, già về thể chất đã đành nhưng lại còn già về sự yên phận của người đàn bà, về những sự nhỏ nhen tầm thường của đời sống. Em nhìn mặt em trong gương, em thấy em không xứng đáng với anh.

Tất cả trong anh là cái gì đó đang vươn lên, đang nổi dậy. Tất cả trong anh là sự bắt đầu mà con đường của anh thì còn xa tít tắp. Con người anh như cây đàn, vừa tiếp nhận những luồng gió của cuộc sống vừa trả lại cho cuộc sống biết bao nhiêu âm thanh.

Em, em cảm thấy em khô cằn và bất lực. Em buồn lắm. Em thành thật nói với anh điều đó. Em vẫn cảm thấy hết. Vậy cho nên lúc nào em cũng thấy tình yêu của chúng ta mong manh. Em buồn lắm.

Em không thể hình dung là nếu không có anh em sẽ sống như thế nào. Em rất muốn em trẻ đẹp lại cho tuổi tác và hình thức của mình. Có thể anh không cần như thế, nhưng em cần như thế. Vì chắc chắn rằng em trẻ hơn và đẹp hơn, anh sẽ yêu em hơn.

Anh đừng bảo là em nghĩ cho anh những điều tầm thường. Người ta, nhiều khi tưởng mình đã vượt qua những điều tầm thường rồi thế mà đôi khi vẫn quay lại, sự quay lại còn mạnh mẽ hơn lúc bắt đầu.

Ở người đàn bà, đôi khi chỉ cần nhan sắc thôi, nhan sắc là tài năng. Dẫu rằng có nghĩ về phía tinh thần thế nào đi nữa thì người thông minh tài năng cũng cần có nhan sắc, tài năng mới vẹn toàn.

Đôi khi em nghĩ quẩn là “có khi em phải bỏ anh đi để em khỏi phải mang nỗi tủi nhục là không xứng với anh”. Nhưng em không có can đảm. Em yêu anh và em đã nhập cuộc đời em vào cuộc đời anh, bây giờ đối với em đó chỉ là một cuộc đời thôi, cắt đi làm sao nổi”.

“10-1985

Anh nhớ thương

Có thể anh không mong thư của em, em vẫn viết cho anh. Vì trước tiên là nhu cầu của em, em muốn được trò chuyện với anh.

Anh mới đi có 2 ngày mà em buồn quá. Con và em lại ốm. Hôm nay con đã ăn được tý cơm, em đã đỡ ho. Trời nóng, nhọc mệt nhiều. Chỉ muốn ở bên anh cho đỡ khổ.

Cuộc sống ngắn ngủi, con người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất, vĩnh viễn.

Sống với nhau 12 năm mà ngắn quá dù có vài chục năm nữa ở bên nhau cũng chẳng là dài. Em và anh ngày càng già đi, càng buồn nhiều khi trông thấy những người thân mình ra đi.

Em mong và sẽ cố gắng sao cho những năm sống của chúng ta vui và đỡ nhọc nhằn hơn. Em thương anh nhiều lắm. Anh vất vả chẳng có phút nghỉ ngơi. Làm sao mà đỡ đần sự nhọc nhằn được cho anh!

Nhớ giữ gìn sức khỏe và tình yêu của anh cho em và cho các con. Đừng ở lâu ở Sài Gòn. Em và các con mong anh lắm.

  Em đây”

“7-11-87

Quỳnh thương yêu

…Nhà vẫn bình thường. Tuấn Anh đã đi làm từ ngày 1-11. Mí ngoan, khoẻ. Hôm nọ vừa đi lĩnh giải nhất cuộc thi viết về Liên Xô và hôm qua được Đại sứ quán mời đến liên hoan.

Anh vẫn bận bịu lắm. Vở Chết cho điều chưa có ở nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn. Vở Trương ba hai mươi tháng này sẽ xong. Hôm qua chạy mộc trên sàn anh có mời anh Nguyễn Khải xem. Anh Khải thích lắm, bảo rằng là một vở kịch lớn. Anh mong em về xem, Trương ba sẽ là sự kiện văn hóa trong những ngày tới.

…Anh rất nhớ em. Chúng ta sống với nhau đã 14 năm, nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui. Anh đã làm được nhiều việc, 1 phần cũng nhờ em, và biết rằng dù ở trên đời còn có nhiều cô gái khác – những “yêu tinh” như em vẫn nói – nhưng chỉ có em là yêu thương và hiểu anh, hiểu cả những thói tật đến công việc và những nỗi đam mê.

Ở bên đó em đừng phải lo lắng gì về anh và các con, cũng đừng khổ trí quá về việc mua bán. Phải giữ gìn sức khỏe và tranh thủ đi chơi, đi xem, kẻo về nhà lại bận rộn nhiều việc không tên như bếp núc, chợ búa…

Mẹ khỏe, Thơ về giúp anh và mẹ nhiều việc nhà. Kít tích cực giúp bà. Tuấn Anh xuống chơi luôn. Anh đều để ý chăm sóc cả 3 đứa, em đừng lo.

Anh D.N. Đức và Cần nói rằng Tạp chí Sân khấu Liên Xô (số 10 – 87) có bài viết về anh. Em kiếm cho anh 1 số nhé.

Hôn em nhiều nhiều

Anh Vũ ”

Mối tình của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ kéo dài được 15 năm. Có điều gì như là định mệnh khi chị viết trong một lá thư gửi cho anh vào năm cuối đời: “Chúng ta sống với nhau đã được 15 năm. 15 năm bằng thời gian lưu lạc của cuộc đời cô Kiều”. 15 năm đoạn trường của nàng Kiều đã nhập vào tâm thức người Việt.

Sau 15 năm gắn bó, anh chị lại tiếp tục bên nhau, vĩnh viễn bên nhau cùng tình yêu bất tử của mình. Nó vẫn còn được lưu truyền mãi cùng với những câu thơ bất hủ của Xuân Quỳnh: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em – Như máu thịt đời thường ai chả có – Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa – Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.

Lưu Khánh Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *