Xô Viết Nghệ Tĩnh – Đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 – 1931

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), một cao trào cách mạng đã dấy lên khắp nơi trong cả nước. Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Mở đầu bằng cuộc biểu tình nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5 tại Vinh – Bến Thủy. Sau ngày 1-5 tại các vùng nông thôn như Nghi Lộc, Anh Sơn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Đô Lương, đã nổ ra các cuộc biểu tình thường xuyên của nông dân.

Đến tháng 8, quần chúng nhân dân đã có những cuộc biểu tình đập phá công đường, dùng áp lực buộc quan lại sở tại phải hứa thực hiện đòi hỏi của nhân dân. Phong trào được đẩy lên đỉnh cao đó là cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên ngày 12-9 với khẩu hiệu như “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc, đả đảo phong kiến”. Thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom và xả súng vào đoàn biểu tình, làm chết 217 người, bị thương 125 người, đốt cháy 177 ngôi nhà. Ngày 12-9 đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam.

Sau ngày 12-9, phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh lên cao, phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang, làm cho hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến bị tê liệt và tan rã ở nhiều nơi. Nhiều tên tri phủ, tri huyện bỏ trốn, một số hào lý mang con dấu trả lại cho tri huyện hoặc xin thôi việc.

Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ Tĩnh, các chi bộ đảng và tổ chức Nông hội đỏ đã đứng ra quản lý và điều hành mọi hoạt động trong làng xã. Một hình thức mới của chính quyền xuất hiện: Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Tuy còn sơ khai nhưng đã thực sự làm chức năng của chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Chính quyền mới đã ban hành nhiều chính sách mới về chính trị, kinh tế, văn hóa. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai nhưng phong trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công nông đầu tiên chưa có tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ.

Thành quả lớn nhất của cao trào 1930 – 1931 và Xô Viết – Nghệ Tĩnh là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng đánh đổ sự thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Đây chính là cuộc Tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của phong trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.

90 năm đã trôi qua nhưng khí thế ngất trời của Xô Viết – Nghệ Tĩnh vẫn bừng cháy trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Tinh thần Xô Viết – Nghệ Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, quyết tâm đưa đất nước “phát triển nhanh và bền vững”, “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.   
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *