Viết về những mảnh đời bất hạnh
PTO- Cuộc sống muôn màu luôn là “mảnh đất rộng” để những người làm báo như chúng tôi thỏa sức vẫy vùng khám phá thể hiện. Tùy vào khả năng mỗi người sẽ tự tìm thấy một lối thể hiện thu hút được sự quan tâm của độc giả. Riêng tôi, ngay từ ngày đầu mới vào nghề, tôi đã thích viết về những mảnh đời bất hạnh. Lý do đơn giản là bởi qua mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện với họ tôi tìm thấy cho mình niềm hạnh phúc được sẻ chia, đồng cảm, yêu thương và hơn thế, tôi tìm thấy ở họ nghị lực sống mãnh liệt sẵn sàng đương đầu với chông gai, thách thức phía trước.
Đại diện CLB Tấm lòng vàng trao tiền giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn của
gia đình bà Lại Thị Tình.
Khi còn ngồi trên giảng đường, có lần GS, TS. Vũ Quang Hào – Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhắn nhủ cánh sinh viên chúng tôi rằng: Trong làm báo, đề tài khó viết nhất nhưng hay nhất đó là viết về chính chân dung con người. Qua gần 4 năm công tác, ngẫm lại lời thầy dạy tôi đã dần hiểu được ý nghĩa câu nói ấy. Quả đúng, viết về chân dung con người khó thật. Khó ở chỗ mỗi con người là một hoàn cảnh, một tính cách, một thái độ ứng xử khác nhau. Phóng viên có nhiệm vụ tiếp cận, khai thác tối đa tư liệu về họ để có những bài viết chân thực nhất, bởi không phải lúc nào nhân vật được phản ánh cũng sẵn sàng trải lòng mình. Bằng sự chân thành và cảm thông sâu sắc mà tôi mới có thể san sẻ nỗi niềm với những mảnh đời éo le ấy. Điều mong ước duy nhất của tôi là khi những bài viết đến tay độc giả sẽ giúp ích phần nào cho người cùng cảnh ngộ thêm niềm tin vào cuộc sống mà vượt lên số phận, tiếp tục vững bước trên đường đời. Nhân vật tôi hướng đến có khi là những em học sinh tật nguyền học giỏi, khi lại là người phụ nữ nuôi con tật nguyền trong vô vọng, hay người thanh niên bị nhiễm HIV biết hối cải muốn làm lại cuộc đời, những em nhỏ hiếu học mà gia đình lại quá khó khăn… Tất cả họ đang hàng ngày, hàng giờ phải đối diện với cơm áo gạo tiền, bệnh tật cùng sự kỳ thị phân biệt đối xử nhiều khi là từ chính người thân và cả xã hội… Có những ước mơ tưởng chừng quá đỗi giản đơn mà sao với họ lại trở nên xa vời đến vậy.
Hình ảnh của Trức – học sinh bị bệnh rò tủy sống ở phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì) vẫn mãi ám ảnh tôi. Cơn bạo bệnh không làm nhụt được ý chí của cậu học sinh nhà nghèo. Kể cả khi nằm trên giường bệnh, ánh mắt và nụ cười ấy vẫn thật hồn nhiên, rạng ngời. Ngày tháng còn được đến trường với em không biết được bao lâu nữa, chỉ có người làm cha mẹ trong hoàn cảnh này mới thấu hiểu nỗi cơ cực song rất đỗi tự hào về đứa con tật nguyền ham học. Hay hoàn cảnh của bà Lại Thị Tình ở phường Nông Trang (thành phố Việt Trì) – người cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vừa nuôi con tâm thần, chồng bị tai biến hàng chục năm qua không đêm nào có được giấc ngủ trọn vẹn cũng thật cảm động. Mong ước cả gia đình được khỏe mạnh, đứa con trai hơn 30 tuổi biết gọi tiếng “mẹ” và một giấc ngủ trọn đêm đối với bà thật khó thực hiện. Dòng nước mắt mẹ khóc thương con mấy chục năm đã cạn khô, sức lực héo hon, song chưa bao giờ bà buông xuôi mà vẫn thương yêu con như đứa trẻ mới lên ba…
Trong xã hội của chúng ta còn biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia từ cộng đồng. Sẻ chia để cuộc đời có ý nghĩa hơn, sẻ chia để chúng ta xích lại gần nhau hơn. Thông qua những bài viết ấy, có người đã nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng. Sau khi đọc được thông tin qua bài viết “Mong ước của cựu TNXP”, CLB Tấm lòng vàng của thanh niên Phú Thọ đã ủng hộ gia đình bà Lại Thị Tình 5.000.000 đồng để có thêm điều kiện chữa bệnh cho chồng con. Hay trường hợp em Nguyễn Văn Trức qua bài “Vững bước tới trường” đã nhận được nhiều suất học bổng của các tổ chức xã hội… Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy sung sướng và tự hào vì mình đã làm việc có ý nghĩa là kết nối tình cảm mọi người trong xã hội. Và tôi luôn tự hứa với lòng mình sẽ còn tìm đến với những con người có hoàn cảnh éo le mà giàu nghị lực, ý chí và niềm tin vào tương lai phía trước để cùng họ sẻ chia và trao gửi yêu thương.
Hồng Nhung