.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời (6/1925) và sau đó là phong trào “Vô sản hóa” vào những năm 1928-1929 của hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở đất nước ta: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (8/1929), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9/1929). Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó đã ra đời vào ngày 3/2/1930 từ sự hợp nhất ba tổ chức cộng sản này.
•
SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN
Vào tháng 6/1924 tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) được Quốc tế Cộng sản chỉ định vào Ban Chấp hành những người Cộng sản Châu Á phụ trách Bộ phương Đông và đặc trách Cục phương Nam. Khi tham gia Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản lần thứ IV tại Mátxcơva (Liên Xô) vào tháng 7/1924, Người đã chủ trì soạn thảo và trình bày tại Đại hội “Luận cương về thanh niên thuộc địa”, trong đó nêu lên yêu cầu cấp bách phải tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên cách mạng và hình thành các đoàn thể thanh niên, xây dựng các tổ chức thanh niên cộng sản ở thuộc địa.
Tiếp đó, Quốc tế Cộng sản đã cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc) công tác, nhằm xúc tiến mọi điều kiện để xây dựng một tổ chức cộng sản ở Đông Dương và giúp đỡ các đại biểu cách mạng ở các nước Đông Nam Á. Tháng 2/1925, Người mở lớp học chính trị đầu tiên tại Trung Quốc. Sau lớp học, Người chọn những thanh niên tích cực nhất để lập ra nhóm bí mật là Cộng sản Đoàn làm hạt nhân cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam. Tháng 6/1925, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với nòng cốt là Cộng sản Đoàn. Việc Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cho thấy đây là một tổ chức chính trị theo khuynh hướng vô sản và là bước quá độ, là hạt nhân chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng cộng sản về sau. Do đó, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã công bố Chương trình và Điều lệ, nói rõ mục đích làm cách mạng dân tộc để giành lấy độc lập dân tộc, sau làm cách mạng thế giới để đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), là tài liệu giảng dạy cho hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Người khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng, muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” .
•
VAI TRÒ CỦA PHONG TRÀO “VÔ SẢN HÓA”
Tại Đại hội lần thứ nhất Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (tháng 9/1928), đồng chí Ngô Gia Tự đã nhận định: Cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã rộng khắp toàn xứ nhưng số hội viên là công nhân – những hạt nhân tiên tiến lại chưa có nhiều. Bởi vậy, cần phải đưa các hội viên đi về xí nghiệp, hầm mỏ, bến cảng, đồn điền, nơi tập trung công nhân và là các yết hầu kinh tế để đẩy mạnh phong trào đấu tranh của công nhân, để rèn luyện mình thành người vô sản. Lý lẽ của đồng chí đã nhanh chóng thuyết phục được mọi người. Hội nghị đã quyết định thông qua chủ trương “Vô sản hóa”. Thực hiện chủ trương này, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặc trách theo dõi và vận động công nhân toàn kỳ. Do đó, sau hội nghị, đông đảo hội viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ tỏa đi “Vô sản hóa” khắp các cơ sở công nghiệp trong toàn xứ. Bản thân đồng chí Ngô Gia tự đi “Vô sản hóa” ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội).
Cuối tháng 3/1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, Chi bộ Cộng sản đầu tiên trong nước được thành lập trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng Việt Nam, là hành động tiên phong để tiến tới vận động thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Tại Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên toàn quốc họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 5/1929, đồng chí Ngô Gia Tự và các đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ kiên quyết đấu tranh, nêu yêu cầu thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam nhưng không đạt kết quả. Đoàn đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ tuyên bố thoát ly Đại hội ra về. Về nước, đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng, tuyên truyền vận động ủng hộ việc thành lập Đảng cộng sản. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức ra đời. Đồng chí Ngô Gia Tự tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Cuối tháng 7/1929, đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Nam Kỳ vận động các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tiếp tục thực hiện chủ trương đi “Vô sản hóa”, đồng chí Ngô Gia Tự làm công nhân khuân vác ở bến cảng Sài Gòn. Đồng chí đã đầm mưa, giãi nắng đẩy xe than, xi măng, bốc vác hàng hóa vất vả ở các bến tàu. Qua đó, đồng chí đã tuyên truyền giáo dục cách mạng, tổ chức lãnh đạo công nhân đấu tranh. Do sự hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự, các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng phát triển mạnh ở nhiều nơi, từ Sài Gòn – Chợ Lớn đến Mỹ Tho, từ nhà máy đến các đồn điền ở Nam Kỳ đều có chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.
Thời gian này, phong trào “Vô sản hóa” đã lan rộng và phát triển mạnh mẽ khắp các địa phương trong cả nước, nhất là các thành phố lớn, các khu công nghiệp và vùng mỏ. Trước tình hình thúc bách, những người tiên tiến của cách mạng ở Trung Kỳ cũng nhanh chóng thành lập tổ chức của mình là An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8/1929. Ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng ra đời vào tháng 9/1929.
Từ ngày 6/1/1930 đến đầu tháng 2/1930, Hội nghị thành lập Đảng đã họp tại bán đảo Cửu Long thuộc Hương Cảng (thuộc địa của Anh vào năm 1842, trở về với Trung Quốc năm 1997) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan phong trào cách mạng ở Đông Dương. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960 quyết nghị “từ nay trở đi lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”.
Trong bản Tuyên đạt thành lập đảng của mình, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng chủ trương phải hợp nhất với Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành một tổ chức cộng sản ở xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất mới có thể thực hiện cách mạng cộng sản. Vì thế, sau Hội nghị thành lập Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã yêu cầu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn được chấp nhận gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản (1931) đã kết nạp Đảng ta làm thành viên chính thức.
NGUYỄN VĂN TOÀN