“Vắc-xin tâm hồn” đẩy lùi sang chấn tâm lý trẻ thơ (Bài 2): Nuôi dưỡng hạnh phúc, ươm mầm tương lai

“Vắc-xin tâm hồn” đẩy lùi sang chấn tâm lý trẻ thơ (Bài 2): Nuôi dưỡng hạnh phúc, ươm mầm tương lai

Gia đình là điểm tựa tinh thần, tổ ấm nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mỗi người. Không gì hạnh phúc hơn khi mái ấm thân yêu của các con có cả cha và mẹ. Dẫu thiệt thòi nhưng nhiều trẻ mồ côi đã và đang được đỡ đầu từ những ông bố, bà mẹ thứ hai là tổ chức, cá nhân góp phần bù đắp khoảng trống tâm hồn cho trẻ mồ côi, mở ra cơ hội, tương lai tươi sáng cho các con ở phía trước.

“Vắc-xin tâm hồn” đẩy lùi sang chấn tâm lý trẻ thơ (Bài 2): Nuôi dưỡng hạnh phúc, ươm mầm tương laiĐại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy và Trung tâm Chính trị TP Thanh Hóa, Hội LHPN TP Thanh Hóa trao kinh phí đỡ đầu và tặng quà trẻ mồ côi phường Long Anh (TP Thanh Hóa). Ảnh:PV

Tin liên quan:

  • “Vắc-xin tâm hồn” đẩy lùi sang chấn tâm lý trẻ thơ (Bài 2): Nuôi dưỡng hạnh phúc, ươm mầm tương lai“Vắc-xin tâm hồn” đẩy lùi sang chấn tâm lý trẻ thơ (Bài 1): Sang chấn tâm lý …

    Trẻ em là hạnh phúc của gia đình – chủ nhân tương lai của đất nước. Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều trẻ em chưa được hưởng đầy đủ hoặc một phần quyền cơ bản của mình. Mất đi người thân vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có không ít câu chuyện về những đứa trẻ mất người thân trong đại dịch COVID-19, do tai nạn bất ngờ… luôn gây nhói lòng và ám ảnh.

“Mẹ đỡ đầu – kết nối yêu thương”

“Không rau ăn tạm lá rìu/ Không cha không mẹ nương chìu người dưng” là câu ca dao mà bất cứ ai nghe cũng mủi lòng. Thương hoàn cảnh mồ côi của Trịnh Ngọc Hoài Thu, xã Thuận Minh (Thọ Xuân) cũng độ tuổi con gái mình nhưng kém may mắn hơn là mất đi người mẹ do dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển nông thôn Miền Tây (Thọ Xuân) nhìn thấy con buồn, cúi mặt che đi cảm xúc của mình, chị hiểu rằng, con đang rất khó khăn để vượt qua giai đoạn này. Con chới với trong tâm trạng và suy nghĩ nên có nhiều lúc tâm lý không ổn định. Chị Hồng chia sẻ: Tôi đã nhận đỡ đầu con Hoài Thu và cho con gái đến làm bạn, tâm sự giúp đỡ Hoài Thu học tập, dần làm quen và hòa nhập cuộc sống mới với bạn bè, thầy cô, hàng xóm thân yêu”. Từ nay, chị Hồng có thêm người con mới, chị là “mẹ đỡ đầu” của Hoài Thu mà Hội LHPN huyện, xã kết nối và đã trao hỗ trợ kinh phí 15 triệu đồng/năm nuôi dưỡng con học tập, tạo động lực để con vững tiếp tương lai. Ngoài ra, chị còn nhận đỡ đầu 14 trẻ mồ côi. “Kết nối yêu thương” là cách mà chị Hồng, con gái chị và các nhóm mẹ đỡ đầu trên địa bàn huyện Thọ Xuân đang là sợi dây tình cảm của những con người dành cho nhau thật trân quý.

Chị Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thọ Xuân, cho biết: Huyện có 45/gần 200 trẻ mồ côi khó khăn được các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đỡ đầu từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/cháu/tháng trở lên; 30 hội LHPN xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập “Nhóm mẹ đỡ đầu” trực tiếp giúp các con việc học hành, sinh hoạt, động viên nhằm ổn định tâm lý cho các con. Các cấp hội phụ nữ trong huyện đang tiếp tục vận động, kêu gọi nguồn đỡ đầu trẻ mồ côi để các con đều nhận được sự quan tâm, yêu thương của cộng đồng”.

Bố qua đời do bị ung thư, mẹ bỏ đi nhiều năm không liên lạc, cuộc sống của 4 em nhỏ (Hơ Ta Nính, Hơ Thị Tho, Hơ Thị Xi, Hơ Trọng Nghĩa), ở bản Cá Tớp, xã Pù Nhi (Mường Lát) càng trở nên thiếu thốn về cơm áo lẫn tình thương. Biết được hoàn cảnh ấy, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Chung (Mường Lát) đã giang tay che chở để các con có chỗ dựa. Anh thường xuyên qua lại nhà hướng dẫn, bảo ban để 4 anh chị em có thể chăm sóc nhau. Đặc thù công việc luôn bận rộn, nhưng Thiếu tá Thắng vẫn dành cho trẻ mồ côi nơi đây một phần quan trọng trong trái tim mình và vận động bạn bè, người thân hỗ trợ thêm kinh phí để cùng anh đồng hành với các con khôn lớn, trưởng thành. Việc làm của người lính ấy đã mang mùa xuân ấm áp đến với trẻ em mồ côi vùng biên cương xa xôi, bà con nơi đây vẫn trìu mến gọi anh là “bố Thắng”.

Hành trình đến với những đứa trẻ mồ côi ở khắp các vùng miền trong tỉnh không thiếu những khó khăn, trở ngại do đường sá xa xôi, sự khác biệt về ngôn ngữ giao tiếp hay phong tục sinh hoạt… nhưng có lẽ, nghị lực cùng tình thương yêu dành cho những mảnh đời bất hạnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ và những nhà hảo tâm, những nhóm “Mẹ đỡ đầu”… luôn thôi thúc họ tìm đến và chăm lo cho các con, mong muốn các con có cuộc sống ngày càng tươi sáng hơn.

Chị Nguyễn Thị Dung, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Văn Vật, trưởng nhóm “Mẹ đỡ đầu” xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa), vui vẻ cho biết: “Nhóm chúng tôi có 5 mẹ nhận đỡ đầu con Bùi Sỹ Lâm (sinh năm 2006, thôn Văn Khê) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ mất, ở với bà ngoại từ nhỏ. Các mẹ phân công nhau giúp đỡ việc học, sinh hoạt… của con. Dành sự quan tâm, chăm sóc con đỡ đầu như con của mình, chi hội đã làm từ nhiều năm nay, nhưng việc thành lập nhóm ngay tại cơ sở sẽ giúp nhóm hoạt động cụ thể, sát sao, kịp thời hơn và kết nối với các nhà hảo tâm giúp các con vượt khó”.

Đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thanh Hóa, cho biết: “Quy chế hoạt động của các nhóm “mẹ đỡ đầu” rất chặt chẽ và thiết thực. Hoàn cảnh trẻ mồ côi đa phần rất khó khăn và cần được giúp đỡ. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thanh Hóa và Trung tâm Chính trị thành phố đã nhận đỡ đầu 4 trẻ mồ côi ở xã Đông Vinh và phường Long Anh. Nguồn kinh phí được cán bộ, lãnh đạo hai đơn vị quyên góp. Là cơ quan tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để bù đắp những mất mát về tinh thần và vật chất, giúp các con có động lực vươn lên trở thành người có ích cho đất nước”.

Với phương châm ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có “mẹ đỡ đầu”, trong 6 tháng 2022, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, toàn tỉnh đã thành lập được 512 nhóm mẹ đỡ đầu; số trẻ được nhận đỡ đầu là 1.129/4.020 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do hội LHPN các cấp khảo sát; 75 doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã nhận đỡ đầu các cháu và trao kinh phí tổng trị giá gần 5 tỷ đồng. Nhiều đơn vị nhận đỡ đầu theo giai đoạn 3 năm, 5 năm và đến khi 18 tuổi. Vậy là từ đây, với những trẻ mồ côi, ngôi nhà từng rất buồn và vắng lặng giờ sẽ vui hơn khi có “Mẹ đỡ đầu” và các chị, các mẹ trong thôn, xóm thường xuyên trông nom, lui tới. Bữa cơm các cháu nhờ thế cũng sẽ tươm tất, ấm cúng hơn.

Nuôi dưỡng hy vọng!

Chưa biết khi nào dịch COVID-19 sẽ kết thúc và những rủi ro, tai ương không biết trước được, càng không thể nói trước rằng tất cả trẻ em sinh ra đều có đủ cha, đủ mẹ. Nhưng dù cuộc sống có thế nào thì chúng ta hãy lạc quan, tin tưởng sẽ chiến thắng đại dịch, hãy đoàn kết cùng chống dịch không chỉ bằng vắc-xin trong y học mang lại sức đề kháng cho con người mà còn là liều “vắc-xin tâm hồn” để nâng đỡ những trẻ thơ. Nuôi dưỡng hy vọng và lạc quan chính là “vắc-xin tâm hồn” tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ mồ côi, giúp trẻ ngăn chặn được sang chấn tâm lý, xoa dịu lo âu, giảm trầm cảm để tự tin hơn và có động lực vươn lên trong cuộc sống…

“Cho đi là nhận lại”, đã có nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân dành thời gian, vật chất, công sức để tổ chức và tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Tiêu biểu như: anh Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (nhận đỡ đầu 200 cháu); Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát (nhận đỡ đầu 50 cháu); Công ty TNHH Xi măng Long Sơn – Chi nhánh Thanh Hóa (50 cháu); anh Lê Xuân Tưởng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị và Hóa chất Thăng Long (21 cháu); ông bà: Lê Xuân Thảo, Lê Bích Thắng, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (20 cháu); chị Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển nông thôn Miền Tây (14 cháu); anh Trịnh Tứ Thắng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng – Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát (20 cháu)…

Trong một lần chứng kiến trao hỗ trợ kinh phí đỡ đầu trẻ mồ côi tại huyện Nông Cống, chúng tôi thấy 14 “mẹ đỡ đầu” là đại diện cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đều chuẩn bị những phần quà kèm theo kinh phí trao nhận đỡ đầu cho các trẻ mà thực sự cảm động. Giữa thời buổi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự biến động giá cả thị trường… nhưng nhiều nhà hảo tâm nói chung vẫn luôn đồng hành với hội phụ nữ các cấp để cùng chung tay chia khó thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Cảm kích trước sự đồng hành của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm đã nhận đỡ đầu trẻ mồ côi trên địa bàn huyện, đồng chí Phạm Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện đã bày tỏ sự trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chia sẻ của các “mẹ đỡ đầu” cùng với huyện chung tay chăm lo cho trẻ mồ côi. Đến nay, huyện Nông Cống đã có 84 cháu được nhận đỡ đầu/224 trẻ mồ côi. Tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị sẽ góp phần làm dịu bớt nỗi đau bất hạnh cho trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho các em có cuộc sống tốt, mang lại niềm vui, hạnh phúc và tương lai tươi sáng hơn.

Đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm: “Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đang được các cấp hội làm tốt vai trò kết nối, tổ chức giám sát thực hiện chính sách, tham gia điều phối nguồn lực hỗ trợ bảo đảm công bằng, giúp các em tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Chương trình đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các trẻ mồ côi được sống yên ấm trong tình thương yêu của cộng đồng. Sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ mồ côi không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà đã trở thành nét đẹp truyền thống, ý nghĩa nhân văn của người Việt”.

Ươm mầm thế hệ tương lai

Nếu hỏi những đứa trẻ mồ côi hạnh phúc là gì?, có lẽ các em sẽ khó trả lời được. Nhưng nếu hỏi ước mơ của con là gì?, thì sẽ là con ước có mẹ, có cha… Với độ tuổi quá nhỏ, các em chưa cảm nhận hết nỗi đau mất mẹ, mất cha. Giờ đây, chính sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm là nguồn động viên rất lớn, giúp xoa dịu nỗi đau, tạo điều kiện để trẻ mồ côi được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và khôn lớn thành người. Ngay sau Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tổ chức chương trình “Mẹ đỡ đầu – kết nối yêu thương” nhằm vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu và hỗ trợ nguồn lực cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình. Ngay tại chương trình, ban tổ chức đã nhận được hơn 11 tỷ đồng của nhiều đơn vị, cá nhân, trong đó nhận đỡ đầu gần 500 trẻ mồ côi, trị giá hơn 6 tỷ đồng và 4,6 tỷ đồng thực hiện Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khó khăn. Đến nay chương trình vẫn tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa bởi tính thiết thực, hiệu quả.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: “Mẹ đỡ đầu” là chương trình thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc để lại ấn tượng cảm động lớn trong tỉnh. Thời gian qua, vai trò nòng cốt của tổ chức hội đã phát huy được sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp chung tay giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần giúp các trẻ mồ côi vơi bớt khó khăn, thiệt thòi. Các mẹ đỡ đầu là điểm tựa, động lực và tạo môi trường tốt nhất để nâng cánh các con tiếp tục học tập, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. MTTQ tỉnh sẽ chủ trì các thành viên, phụ nữ là nòng cốt tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa”.

Trẻ mồ côi đã thiếu đi tình cảm gia đình và chỗ dựa kinh tế và nhiều em còn rất bé, nên không thể chỉ là sự hỗ trợ tức thời mà thực sự là chặng đường dài. Do đó, cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần, chăm sóc, thay thế bảo đảm quyền của trẻ em một cách toàn diện để các em có thể tiếp cận học tập, việc làm, có cơ hội nâng cánh ước mơ… Ngoài việc phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức, mỗi cán bộ hội viên, phụ nữ hãy là những tuyên truyền viên sâu sát cơ sở, là cầu nối với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… giúp trẻ mồ côi có nền móng được sống trong tình thương yêu của cộng đồng, xã hội, có nền móng bước vào đời. Xin mượn câu ca dao: “Gió đùng đùng mưa rung lá hẹ/ Cảm thương người có mẹ không cha” để cùng thấu hiểu và sẻ chia với trẻ mồ côi.

Nhóm PV Phòng XDĐ-NC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *