Tuổi trẻ Bình Dương

(TG) – Năm 2022, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 95 năm ngày Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, xuất bản Tác phẩm “Đường cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một tài liệu mẫu mực trong việc học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX.

Từ tài liệu quan trọng này, tạo lập các tiền đề tư tưởng lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng nhiều vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tác phẩm vẫn giữ nguyên tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGƯỜI CÁCH MẠNG VÀ ĐẢNG CÁCH MẠNG

Tác phẩm Đường cách mệnh được ra đời vào năm 1927, là tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho các khóa huấn luyện học viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là giai đoạn chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đề cập nhiều đến vấn đề xác định chuẩn mực đạo đức, tư cách một người cách mạng – những hạt nhân cốt của Đảng – người tham gia trực tiếp vào sự nghiệp đầy gian khổ, hy sinh, nhưng vẻ vang của dân tộc. Hồ Chí Minh đã bước đầu thể hiện một quan niệm trở thành triết lý nhân sinh: Lý luận cách mạng hàm chứa các giá trị nhân văn cao cả; cách mạng là sự nghiệp hào hùng, oanh liệt, vẻ vang, người cách mạng phải có nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh thì mới tiếp thu được tinh thần của lý luận, mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng khó khăn.

Về đảng chính trị, Nguyễn Ái Quốc xem đảng cách mệnh, đảng cộng sản là nhân tố quyết định sự thành công của cách mệnh. Bằng những cứ liệu lịch sử và sự phân tích sâu sắc về tính chất, nội dung các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới như: cách mạng Mỹ năm 1776, Cách mạng Pháp 1789, cách mạng Nga 1917. Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận mang tính so sánh với tiến trình vận động lịch sử: Mặc dầu có ý nghĩa to lớn trong tiến trình phát triển của nhân loại, nhưng cuộc cách Mỹ và cách mạng Pháp vẫn là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để. Trong quan niệm của Người, chỉ có cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để. Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trên thế giới”(1). Việc phân tích các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, đối chiếu với nhu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam: Độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học lớn: Dân tộc ta phải đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga, tức là theo con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Người chỉ rõ, để làm cách mạng thắng lợi, điều kiện hàng đầu là phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2). Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.

Nguyễn Ái Quốc nêu ra 23 tiêu chuẩn, quy tụ trong 3 mối quan hệ cơ bản của người cách mạng:

Đối với mình, có 14 tiêu chuẩn: Cần kiệm; hoà mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại (chịu khó); hay nghiên cứu, xem xét; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng tham muốn về vật chất; bí mật.

Đối với người, có 5 chuẩn mực: Với từng người thì khoan thứ; với Đoàn thể thì nghiêm; có lòng bày vẽ cho người; trực mà không táo bạo; hay xem xét người.

Đối với công việc, có 4 tiêu chuẩn: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng; quyết đoán; dũng cảm; phục tùng đoàn thể. Những phẩm chất này làm thành các giá trị về nhân cách con người, nhân cách làm người – Một mẫu người mới đang định hình và xuất hiện trong phong trào cách mạng của dân tộc.

VẬN DỤNG TRONG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG HIỆN NAY

Nhìn lại chặng đường hơn 92 năm cầm quyền của Đảng, cách mạng Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm lịch sử, chúng ta càng thấm thía sâu sắc giá trị lịch sử và hiện thực những điều căn dặn của Hồ Chí Minh về tư cách của người cách mạng và Đảng cách mạng. Chính nhờ thấm nhuần tư tưởng đó, Đảng đã thực sự trở thành một đảng cầm quyền, “chèo lái” con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh với muôn vàn khó khăn, thử thách cam go, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên, hiện nay Đảng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không thể xem nhẹ, đặc biệt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng rất lớn tới uy tín và thanh danh của Đảng. Vì vậy, để khắc sâu lời căn dặn của Người về tư cách của người cách mạng và Đảng cách mạng, thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và quy định của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt mấy vấn đề sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảngphải lấy nhiệm vụ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trước tiên đòi hỏi phải: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên”(4). Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, cán bộ, đảng viên phải đối mặt với những thử thách mới, mà yêu cầu tự tu dưỡng, rèn luyện không hề giảm nhẹ. Điều kiện sống về vật chất ngày càng cao và tham muốn vật chất cũng tăng lên, nhiều khi không vượt qua được sự cám dỗ. Khi có chức, quyền trong tay dễ bị chi phối bởi tham vọng quyền lực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng, lãng phí, sa vào ăn chơi và các tệ nạn xã hội, vi phạm giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Chủ nghĩa cá nhân là thách thức nặng nề chi phối công việc lãnh đạo, quản lý và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ, quan liêu, xa rời quần chúng. Đảng ta chỉ rõ, cán bộ, đảng viên cần thấy rõ trách nhiệm, bổn phận của mình, luôn luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Không ngừng “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”(5).

Ấn phẩm

Ấn phẩm “Đường Kách mệnh”. Ảnh: qdnd.vn

Hai là, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo những giá trị và chuẩn mực Đảng đã xác định.

 

Nhằm đưa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được hiệu quả thiết thực, sâu rộng và bền vững, Đảng ta chủ trương: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”(6). Đạo đức Hồ Chí Minh là tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và cuộc sống sung sướng, hạnh phúc của đồng bào, suốt đời vì nước, vì dân; luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của cách mạng, của tập thể lên trên hết, trước hết. Từ tấm gương đạo đức của Bác Hồ, Đảng từng bước xây dựng những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Đảng ta xác định: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”(7). Chú trọng giáo dục đạo đức trong toàn Đảng: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ”(8). Phải coi giáo dục đạo đức cách mạng là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng của các tổ chức đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Ba là, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và thực hiện nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm.

Trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, cán bộ, đảng viên ưu tú đều nêu cao trách nhiệm nêu gương, có ảnh hưởng sâu sắc trong Đảng và được cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo. Song, thực tiễn vẫn còn có những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thì việc đề cao trách nhiệm nêu gương càng có ý nghĩa lớn lao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Vì vậy, Đảng yêu cầu: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(9). Nêu gương là sự phản ánh tự nhiên bản chất, phẩm hạnh của cán bộ, đảng viên. Điều đó khác với những biểu hiện hình thức, cố tạo ra để “đánh bóng” tên tuổi, nâng cao vị thế cá nhân. Nêu gương xuất phát từ lương tâm, danh dự của Đảng, của người Cộng sản và nêu gương cũng là phong cách chân thực của cán bộ, đảng viên. Nêu gương là tính tiên phong, là bản chất cách mạng của cán bộ, đảng viên, “Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”(10). Để sự nêu gương là thực chất cần có sự kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện đúng và có hiệu quả những quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương và cả những điều quy định đảng viên không được làm. Cho nên phải: “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”(11).

Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác dân vận, giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Lòng dân, sức dân, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân với Đảng, là cội nguồn sức mạnh bảo vệ Đảng. Do đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đặc biệt chú trọng công tác dân vận. Không tẩy sạch thói “xem khinh dân vận” như Hồ Chí Minh từng phê phán, thì Đảng không thể là Đảng chân chính cách mạng trong lòng dân. Dân vận phải gắn liền với dân chủ, đoàn kết và tạo ra sự đồng thuận. Người căn dặn chúng ta phải nêu cao quyết tâm, giữ được tín tâm, có sức hấp dẫn, thu hút lớn bởi sức mạnh đồng tâm từ Đảng tới dân. Vì vậy, Đảng ta chủ trương: “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực, tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dận tộc trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh”(12). Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, đó là một trong những thước đo của xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, đảng viên tăng lên, làm cho niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố.

Năm là, chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt của Đảng.

Đây là vấn đề quan trọng, là cơ sở để củng cố tổ chức, bảo đảm đoàn kết thống nhất, kỷ luật trong Đảng. Vì vậy, phải quán triệt, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, chế độ tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ­ương khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tiếp tục khơi dậy và phát huy tính tích cực, dân chủ, trách nhiệm của đảng viên. Đảng ta chỉ rõ phải: “Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm”(13). Kiên quyết chống quan điểm, tư tư­ởng phủ nhận, xuyên tạc, bóp méo nguyên tắc, chế độ xây dựng Đảng, hòng làm cho Đảng suy yếu về tổ chức, dẫn đến biến chất Đảng theo tinh thần: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nguyên tổ chức và hoạt động của Đảng”(14).

Làm tốt những vấn đề trên là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng là một Đảng chân chính cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Đại tá. TS. Nguyễn Văn Phương 
Viện Khoa học xã hội và nhân văn Quân sự

———————

(1) (2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.2, tr. 304, 289, 304.

(4) (6) (7) (9) (11) (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, 183, 183,184, 183-184, 184, 191.

(5) (8) (10) (13) (14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr.237, 237, 238, 241, 244-245.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *