Tư vấn chuyên môn bài viết
BS.CKI HỒ THỊ TUYẾT MAI
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Máy đo huyết áp cơ cho kết quả có độ chính xác cao hơn nhưng khi sử dụng cần có người hỗ trợ; trong khi máy đo huyết áp điện tử được thiết kế nhỏ gọn, có thể tự thực hiện nhưng chi phí cao.
Bố mẹ tôi đã trên 60 tuổi, cần theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà. Tôi tìm hiểu thấy có nhiều loại máy đo huyết áp, trong đó phổ biến và được nhiều người lựa chọn là máy đo huyết áp điện tử và huyết áp cơ. Tôi không biết nên chọn loại máy đo huyết áp nào cho gia đình mình để có được sự thuận tiện và chính xác nhất. Xin bác sĩ tư vấn. (Nguyễn Phi Long, TP HCM)
Trả lời
Trong cuộc khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia lần thứ 3 (NHANES III) diễn ra tại Mỹ, kết quả cho thấy có gần 80% những người từ 50 tuổi trở lên bị tăng huyết áp ít nhất một lần trong đời. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu sẽ có tới 1,56 tỷ người bị tăng huyết áp vào năm 2025.
Tại Việt Nam, WHO cho biết có 12 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp, trong đó có gần 60% chưa được phát hiện và hơn 80% chưa được điều trị. Được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”, huyết áp cao và huyết áp thấp đều là các nguyên nhân dẫn đến những biến chứng tim mạch nguy hiểm, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Do đó, việc đo huyết áp tại nhà sẽ cho phép mỗi người chủ động theo dõi sức khỏe tốt hơn, đồng thời có thể can thiệp kịp thời nếu tình trạng huyết áp có sự thay đổi nghiêm trọng.
Việc chọn máy đo huyết áp cơ hay huyết áp điện tử sẽ phụ thuộc vào điều kiện thực tế của gia đình bạn và khả năng vận hành thiết bị. Mỗi loại máy đều có những ưu, nhược điểm riêng để bạn xem xét lựa chọn và quyết định thiết bị nào là phù hợp nhất.
Máy đo huyết áp cơ có đặc điểm nổi bật là cho kết quả có độ chính xác cao và không bị phụ thuộc vào pin hay các linh kiện khác như máy đo huyết áp điện tử. Không chỉ được tin dùng từ lâu, trải qua các cuộc nghiên cứu và cải tiến để có được độ chính xác cao như ngày hôm nay, máy đo huyết áp cơ còn được đánh giá tốt về độ bền sử dụng và có giá thành rẻ, được dùng nhiều ở các cơ sở y tế.
Bên cạnh các ưu điểm, máy đo huyết áp cơ có cách sử dụng khá phức tạp, luôn cần phải có người hỗ trợ đo để có được kết quả chính xác nhất. Mặc khác, do cách đo thủ công bằng quả bóp và kết quả cuối cùng được đọc bởi người đo, nên đòi hỏi nhiều ở người đo về kiến thức và kinh nghiệm sử dụng máy. Nếu có sai sót từ người đo như nghe sai nhịp, thính lực kém dẫn đến nghe không rõ; hoặc đo không quen, băng quấn tay không đúng kích cỡ… thì rất có thể dẫn đến đọc kết luận sai, máy hiển thị không đúng.
Ngược lại với máy đo huyết áp cơ, máy đo huyết áp điện tử có thiết kế nhỏ gọn nên tính linh hoạt cao, có thể sử dụng bất cứ lúc nào và tự mình thực hiện đo cho bản thân dễ dàng. Hiện nay thị trường có 2 loại máy đo huyết áp điện tử đo ở cổ tay và bắp tay, đi kèm màn hình LCD hiển thị nên người đo có thể đọc kết quả rất tiện lợi. Ngoài ra, máy còn trang bị nhiều công nghệ hiện đại như chức năng cảnh báo nhịp tim bất thường, cảnh báo vòng quấn chưa chính xác hay khả năng lưu kết quả từ các lần đo trước, giúp so sánh và theo dõi tình trạng huyết áp tốt hơn.
Về nhược điểm, máy đo huyết áp điện tử thường có giá thành cao, độ bền không bằng và khả năng cho kết quả không được chính xác bằng máy đo huyết áp cơ. Độ chuẩn xác của kết quả phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng, thế ngồi của người được đo hoặc mức năng lượng của pin đối với máy.
Từ những đặc điểm nêu trên, bạn có thể cân nhắc lựa chọn máy đo huyết áp nào là phù hợp. Nếu bạn muốn chủ động tự đo hoặc bố mẹ bạn không cần nắm quá nhiều kỹ thuật đo, có nhu cầu đo liên tục và không có người hỗ trợ thì có thể suy nghĩ chọn máy đo huyết áp điện tử. Ngược lại, nếu gia đình bạn có người biết sử dụng máy đo huyết áp cơ thì có thể mua máy này vì giá thành rẻ và cho kết quả chính xác hơn.
BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM