Tự điển – Tây Cung Vương Mẫu

Bạn đang tìm kiếm để hiểu ý nghĩa của từ khóa Tây Cung Vương Mẫu. Ý nghĩa của từ Tây Cung Vương Mẫu theo Tự điển Phật học như sau:

Tây Cung Vương Mẫu có nghĩa là:

(西宮王母): có nhiều nghĩa khác nhau:
(1) Tức Tây Vương Mẫu (西王母), tục xưng là Vương Mẫu Nương Nương (王母娘娘), Tây Mụ (西姥), Vương Mẫu (王母), Kim Mẫu (金母), Kim Mẫu Nguyên Quân (金母元君), Diêu Trì Kim Mẫu (瑤池金母); gọi đủ là Bạch Ngọc Quy Đài Cửu Linh Thái Chơn Kim Mẫu Nguyên Quân (白玉龜台九靈太眞金母元君), Bạch Ngọc Quy Đài Cửu Phụng Thái Chơn Tây Vương Mẫu (白玉龜台九鳳太真西王母), Thái Linh Cửu Quang Quy Đài Kim Mẫu Nguyên Quân (太靈九光龜台金母元君). Tục tánh của Tây Vương Mẫu là Hầu (侯), hay Dương (楊); tên Hồi (回), tự là Uyển Linh (婉姈), hay Thái Hư (太虛); là vị nữ thần, tiên nữ trong truyền thuyết thần thoại Trung Quốc, xưa kia dùng làm tượng trưng cho trường sanh bất lão. Tên gọi Tây Vương Mẫu lần đầu tiên xuất hiện trong Sơn Hải Kinh (山海經), phần Tây Thứ Tam Kinh (西次三經): “Tây Vương Mẫu cư trú tại Ngọc Sơn chi sơn, kỳ trạng như nhân, báo vĩ hổ xỉ nhi thiện khiếu, bồng phát đái thắng (西王母居住在玉山之山、其狀如人、豹尾虎齒而善嘯、蓬髮戴勝, Tây Vương Mẫu cư trú tại núi Ngọc Sơn, hình trạng như người, đuôi báo, răng cọp mà khéo gầm thét, tóc bềnh bồng có cài hoa).” Chữ “Tây (西)” chỉ cho phương hướng, “Vương Mẫu (王母)” là thần danh. Tây Vương Mẫu được kết thành từ khí Tây Hoa Chí Diệu (西華至妙) trong nguyên khí hỗn độn của đất trời tự nhiên. Trong Hán Võ Đế Nội Truyện (漢武帝內傳) có diễn tả khi Tây Vương Mẫu đăng điện như sau: “Trước hoàng kim đáp thuộc, văn thái tiên minh, quang nghi thục mục, đái Linh Phi đại thụ, yêu bội Phân Cảnh chi kiếm, đầu thượng Thái Hoa kế, đái Thái Chơn Thần Anh chi quan, lý Huyền Quyết Phụng Văn chi tích; thị chi kahr niên tam thập hứa, tu đoản đắc trung, thiên tư yểm ái, dung nhan tuyệt thế (著黃金褡孎、文采鮮明、光儀淑穆、帶靈飛大綬、腰佩分景之劍、頭上太華髻、戴太眞晨嬰之冠、履玄鐍鳳文之舄、視之可年三十許、修短得中、天姿掩藹、容顏絕世, Bà mặc áo bào vàng ròng, văn hoa sáng ngời, dáng nghi hiền thục, mang dây đai lớn Linh Phi, lưng đeo cây kiếm Phân Cảnh, trên đầu búi tóc Thái Hoa, đầu đội mão Thái Chơn Thần Anh, chân mang hài Huyền Quyết Phụng Văn, mới nhìn khoảng chừng ba mươi tuổi, song có thể trẻ hơn, dáng trời thư thái, dung nhan tuyệt thế).” Hán Võ Đế (漢武帝, tại vị 141-87 ttl.) lạy nhận mệnh của Tây Vương Mẫu. Bà là tông tổ của các tiên nữ, cư trú tại núi Côn Lôn (崑崙), có thành quách cả vạn dặm, lầu ngọc 12 ngôi, cửa khuyết Quỳnh Hoa (瓊華), nhà bằng ngọc Quang Bích (光碧), phòng bằng hạt Tử Thúy (紫翠); bên trái giáp giới với Diêu Trì (瑤池), bên phải bao vòng cả Thúy Sơn (翠山). Trong Bác Vật Chí (博物志) cho rằng nơi Diêu Trì ấy có cây đào tên Bàn Đào (蟠桃), ba ngàn năm mới sanh trái một lần. Từ đó, Tây Vương Mẫu còn có tên gọi là Diêu Trì Kim Mẫu, Diêu Trì Thánh Mẫu, chủ nhân của Hội Bàn Đào. Trên trời dưới đất, Ba Cõi Mười Phương, bất cứ người nữ nào đắc đạo thành tiên, đều phải lệ thuộc vào sự quản lý của Tây Vương Mẫu. Nguyên Thỉ Thiên Tôn (元始天尊) ban cho Tây Vương Mẫu hồ sơ Phương Thiên Nguyên Thống Quy Sơn Cửu Quang (方天元統龜山九光) để tổng quản vạn linh, chư thánh hiền. Tương truyền Chu Mục Vương (周穆王) đã từng xa giá đến vùng Tây Bào (西跑), cách kinh đô mấy vạn dặm, gặp Tây Vương Mẫu bên hồ Diêu Trì, cùng nhau uống rượu thù tạc, thậm chí quên đường về. Như trong Mục Thiên Tử Truyện (穆天子傳) quyển 3 có đoạn rằng: “Thiên tử thương Tây Vương Mẫu vu Diêu Trì chi thượng, Tây Vương Mẫu vi Thiên tử dao (天子觴西王母于瑤池之上,西王母爲天子謠, Thiên tử uống rượu với Tây Vương Mẫu trên hồ Diêu Trì, Tây Vương Mẫu ca hát cho Thiên tử nghe).” Sau này Hán Võ Đế đi tìm thuốc trường sanh bất tử, được Tây Vương Mẫu từ trên trời giáng xuống và ban cho bảy hạt Đào Tiên. Đến thời nhà Hán, hình tượng của Vương Mẫu được tiên nhân hóa, như trong Hoài Nam Tử Lãm Minh Huấn (淮南子覽冥訓) có đoạn: “Nghệ thỉnh bất tử chi dược ư Tây Vương Mẫu, Hằng Nga thiết dĩ bôn nguyệt (羿請不死之藥於西王母、姮娥竊以奔月, Hậu Nghệ xin thuốc bất tử nơi Tây Vương Mẫu, Hằng Nga trộm lấy thuốc ấy đùa với trăng).” Cho nên, Tây Vương Mẫu được xem như là kho báu bí mật của thuốc trường sanh bất tử, là người đào tạo ra các tiên nhân. Đạo Giáo và dân gian đều kính ngưỡng Vương Mẫu như là tượng trưng cho sự trường thọ, xem Bà như là vị chủ thần của Kim Lục Diên Thọ Đạo Tràng (籙延壽道塲), ban bố sự sống lâu. Về ngày đản sanh của Vương Mẫu, có thuyets cho là mồng 3 tháng 3, và có thuyết cho là 18 tháng 7. Vào ngày này, tín đồ Đạo Giáo, đặc biệt là người nữ, thường tập trung tại các Đạo Quán, để dâng hương, chúc mừng Thánh đản và cầu nguyện sức khỏe, sống lâu.
(2) Tây Vương Mẫu còn là tên gọi của một tiểu quốc ngày xưa. Như trong Nhĩ Nhã (爾雅), phần Thích Địa (釋地) cho biết rằng: “Cô Trúc, Bắc Hộ, Tây Vương Mẫu, Nhật Hạ, vị chi tứ hoang (觚竹、北戶、西王母、日下、謂之四荒, Cô Trúc, Bắc Hộ, Tây Vương Mẫu, Nhật Hạ là bốn vùng hoang sơ).” Quách Phác (郭璞, 276-324) nhà Đông Tấn chú thích rõ rằng: “Tây Vương Mẫu tại Tây, giai tứ phương hôn hoang chi quốc (西王母在西、皆四方昏荒之國, Tây Vương Mẫu ở phía Tây, là nước bốn phương đều hoang sơ).”
(3) Ngoài ra, Tây Vương Mẫu còn là tên gọi khác của con hươu; như trong Bão Phác Tử (抱樸子), phần Đăng Trắc (登陟) của Cát Hồng (葛洪, 284-364) nhà Tấn có câu: “Xưng Đông Vương Phụ giả, mi dã; Tây Vương Mẫu giả, lộc dã (稱東王父者、麋也、西王母者、鹿也, gọi Đông Vương Phụ là nai, Tây Vương Mẫu là hươu).” Lý Thương Ẩn (李商隱, 812/813-858), đại thi hào nhà Đường, có để lại bài thơ Diêu Trì (瑤池) như sau: “Diêu Trì A Mẫu ỷ song khai, hoàng trúc ca thanh động địa ai, bát tuấn nhật hành tam vạn lí, Mục Vương hà sự bất trùng lai (瑤池阿母綺窗開、黃竹歌聲動地哀、八駿日行三萬里、穆王何事不重來, Diêu Trì A Mẫu dõi trông ai, trúc vàng lời hát động ngân dài, tám ngựa một ngày ba vạn dặm, Mục Vương cơ sự chẳng về đây).”

Trên đây là ý nghĩa của từ Tây Cung Vương Mẫu trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *