Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngày Thương binh, Liệt sĩ
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
(Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, Tố Hữu)
Trải qua bao năm tháng hào hùng lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều thế hệ cha anh của chúng ta đã không ngần ngại luyến tiếc bản thân mình hi sinh oanh liệt giành lấy độc lập non sông. Những “Chiến sĩ anh hùng” ấy mãi là bức tượng đài vinh quang, là tấm gương sáng để thể hệ trẻ ngày hôm nay noi gương tiếp bước ngọn lửa thiêng liêng của dân tộc. Họ chính là những người làm nên hình hài của Tổ quốc, với sự cống hiến thầm lặng, với quyết tâm giương cao ngọn cờ tự do hòa bình. Chiến công hiển hách của các anh đã lưu danh sử sách muôn đời, tô điểm đẹp thêm trang sử vàng sáng ngời của đất nước. Hòa chung không khí tưởng nhớ nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – liệt sỹ (27/07/1947 – 27/07/2021), chúng ta hãy cùng nhau kính cẩn nghiêng mình để tri ân đến linh hồn của các bậc anh hùng hào kiệt đã vì mảnh đất Việt linh thiêng mà ngã xuống, đánh đổi máu xương vì sự thống nhất, phồn vinh của dân tộc. Với đạo lý Uống nước nhớ nguồn – truyền thống quý báu của con người Việt Nam, chúng ta luôn ý thức được rằng để có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay chính là nhờ một phần lớn công lao các thế hệ cha anh đi trước. Ngày hôm nay là ngày đặc biệt, đôi dòng tưởng nhớ đến những người con ưu tú của quê hương…
Hãy cùng trở về và hoài niệm thêm lần nữa về những ngày tháng đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, biết bao những người con, người chồng, người cha đã giã từ mái nhà tranh vách lá lên đường xung phong chiến đấu: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Chính khi đó, chẳng một lời giã từ hẹn ước ngày trở về, trên tấm lòng nguyện ước một lòng hiếu trung, một lòng vì Tổ quốc “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết chớ lui”. Hơn ai hết, họ đã phần nào đó chuẩn bị thật tốt một tấm thế, lòng tin vững vàng trong những thăng trầm tiếp theo của cuộc chiến đầy gian nan ấy. Dù là vậy mà mỗi người lính vẫn lạc quan, yêu đời vì biết rằng họ đã góp được phần công lao nhỏ bé bảo vệ đất nước thân yêu. Và họ tin vào một ngày thật gần, hòa bình độc lập sẽ là một ước nguyện được trở thành hiện thực. Những thành tích vẻ vang và tên tuổi của các anh giờ đây đã hóa thành bất tử, đã khắc ghi vào lịch sử truyền thống anh hùng dân tộc mãi mãi được người đời nhớ ơn. Các anh ra đi vì lý tưởng cao đẹp, bàn tay của giặc có thể tàn phá xóm làng, ruộng lúa nhưng không thể làm thay đổi được tinh thần thép kiên trung của người lính cụ Hồ bất khuất, gan dạ, hiên ngang.
Trên những nốt thăng trầm của lịch sử, dân tộc Việt Nam sinh ra những người con anh hùng đã lên đường chiến đấu, xung kích tiên phong khi Tổ quốc đã gọi tên trong trận chiến khốc liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ của cách mạng thêm đỏ chói”. Thật đúng là như thế, các anh chiến đấu hy sinh trên đất mẹ quê hương, ra đi không một lời từ giã để lại biết bao niềm xót thương cho những người bà, người mẹ ngày đêm mong ngóng chờ con; bỏ lại người vợ tần tảo từng hôm thương nhớ chờ chồng, và mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình dù chỉ là một lần sau cuối. Sự hy sinh ấy không gì có thể bù đắp và thay thế được, nhưng thay vào đó họ đã làm rạng rỡ sử sách Việt Nam, là khởi đầu khát vọng của một nền hòa bình, bình yên và hạnh phúc. Các anh ra đi nhưng tinh thần và ý chí vẫn sống mãi, tồn tại bất diện, hiện hữu với nước nhà, với đồng chí đồng đội, với thế hệ mai sau. Đó chính là sức mạnh trường tồn, là tấm gương sáng chói lọi và đồng thời chính là lý tưởng, lẽ sống của thế hệ hôm nay mọi miền trên Tổ quốc Việt Nam mến yêu. Các anh ơi! Các chiến sỹ kiên trung – những người anh hùng còn sống mãi:
Có những cái chết mãi thành bất tử
Chiến công này lịch sử dấu còn ghi
Hào khí non sông chung đúc thật diệu kỳ
Tỏa rạng để vang lừng bốn bể
Chúng ta sẽ không bao giờ quên hình ảnh xả thân vì nước của những bậc anh hùng dân tộc, những người lính hùng dũng kiên cường quyết không để giặc cướp từng tấc đất tấc vàng quê hương. Đâu đó trong hoài niệm ta còn ấn tượng câu nói của chàng thanh niên trẻ Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác” thốt ra từ chính người anh hùng năm ấy chỉ mới độ 17 mùa xuân. Chúng ta thán phục trước tinh thần quả cảm của chàng chiến sỹ giao liên Kim Đồng, thấm thía thay từng giai điệu sâu lắng trong từng câu chữ qua bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu. Lại càng cảm động và tự hào biết bao trong tiếng hô vang khẩu hiệu yêu nước của người chiến sỹ trẻ Nguyễn Văn Trỗi trước khi hành hình: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!” Vẻ đẹp của các anh không một dòng văn thơ nào có thể diễn tả hết, vì đó chính là vẻ đẹp bất diệt, nó được vẽ nên bởi ý chí, bởi dòng máu anh hùng. Nét đẹp ấy thể hiện qua tư thế hiên ngang, qua dáng dấp uy nghiêm vững trãi, không lay động trước sự uy hiếp của quân thù. Trong sâu thẳm trái tim người lính cách mạng là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu bất khuất kiên cường. Vẫn biết rằng chiến tranh qua đi để lại mất mát đau thương, vết thương trên da có thể chữa lành, nhưng vết thương trong lòng sẽ còn hiện hữu không nguôi theo dòng thời gian năm tháng.
Lắng nghe bao tấm gương hào hùng mà các bậc cha anh đã tận tụy và cống hiến quên cả bản thân mình cho Tổ quốc, chúng ta thật xót xa trước hình ảnh những thanh niên, những người thiếu nữ tuổi đôi mươi với đôi mắt xa xăm hiện lên ngọn lửa cháy rực tình yêu quê hương đất nước, với một trái tim ấm nồng nhưng cháy bỏng tinh thần dũng cảm, kiên cường bước đi theo tiếng gọi thiêng liêng vinh quang. Những hình ảnh xông pha ra trần, vác trên mình súng đạn ngày đêm vận chuyển cho chiến trường miền Nam, là hình ảnh người chiến sỹ đưa tin liên lạc, cả con đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trải đầy bom đạn…tất cả đã hình thành nên khí thế hào hùng vì độc lập của dân tộc, quyết chiến, quyết thắng, quyết hy sinh. Máu của các anh đã nhuộm màu lòng tin sắt son cho thế hệ trẻ sau này, hồn thiêng của các bậc cha anh vẫn luôn dõi theo trên những bước chân, đường đi tiến bước của quê hương dân tộc Việt Nam anh hùng.
Chiến tranh không một ai muốn, hòa bình độc lập đâu dễ dàng chỉ là chuyện của ngày hôm nay và ngày mai, mà nó còn là cả tương lai phía trước. Có những ngày mưa mới biết yêu thương những ngày nắng, có trải qua đau thương tàn khốc mới biết trân quý những phút giây hòa bình. Sự hy sinh của các anh sẽ không là vô nghĩa bởi chính hậu thế ngày nay sẽ tiếp bước các anh bảo vệ non sông nước Việt trước những thế lực thù địch, không phụ lòng mon mỏi, sự hy sinh của các bậc cha anh. Chiến tranh đã qua đi đã khiến lớp lớp những người lính kiên cường trung dũng không bao giờ quay trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, song di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu không ít đến ngày hôm nay. Ngoài những mất mát hy sinh ngoài tiền tuyến, có những người chiến binh đã để lại trên cơ thể của mình những thương tật, cũng như con cháu sau này. Đó chính là nạn nhân của chất độc màu da cam, đó là những bạn nhỏ vô tội chẳng biết lý do gì đã chịu nhiều di chứng của chiến tranh do cha mẹ đã góp công chiến đấu bảo vệ quê hương, phục vụ cách mạng trên chiến trường…Nỗi đau ấy còn tồn tại, chưa thể xóa bỏ trong nhiều gia đình đến ngày hôm nay. Nhận thức được điều thiêng liêng ấy, chúng ta càng cảm thông và chia sẻ hơn nữa, thấy được những vất vả, hy sinh cao cả của người thương binh, liệt sỹ đối với nền độc lập, tự do của dân tộc.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cùng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã là đạo lý nhân văn có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta đã phát huy truyền thống tốt đẹp này đang được phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác. Hướng đến kỷ niệm 74 năm kỷ niệm ngày Thương binh – liệt sỹ, mỗi người con của dân tộc Việt Nam tiếp tục giữ vững truyền thống ấy xin gửi đến lòng biết ơn sâu sắc đối với những bậc anh hùng dân tộc đã cống hiến, chiến đấu để cho chúng ta có nền độc lập như ngày nay. Hậu thế chúng ta phải lấy đó làm động lực và tấm gương để noi theo, quyết tâm giữ vững thành quả cha ông để lại, duy trì nền tự do, hòa bình ấy.
Là tương lai của đất nước, thế hệ trẻ chúng ta ngày hôm nay có quyền tự hào về thế hệ các vị anh hùng, các bậc cha anh đi trước. Trên tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân quên mình”, mỗi chúng ta hãy noi gương các vị anh hùng liệt sỹ bằng những hành động cụ thể thiết thực, cống hiến hết khả năng mình cho đất nước, làm rạng danh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Riêng chúng ta, là tuổi trẻ mang trong mình lòng nhiệt huyết dưới mái trường Đại học An ninh nhân dân, xứng đáng với truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân nói riêng, mỗi học viên trường Đại học An ninh nhân dân cần ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện hơn nữa. Kiên định mục tiêu và lý tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp một phần sức lực, tài mọn, trí tuệ cho sự phát triền bền vững của đất nước. Năng động, chủ động và sáng tạo, luôn là lực lượng chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, xung kích trong mọi hoạt động phong trào, có tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác cùng nhau tiến bộ. Tích cực huấn luyện và trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ, sẵn sàng là lực lượng dự bị sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chi viện và hỗ trợ. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 hiện nay, với nhiều lần là đơn vị tiên phong xuất quân hỗ trợ địa phương tăng cường lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, tuổi trẻ trường Đai học An ninh nhân dân sẽ tiếp bước truyền thống anh hùng ấy, xứng đáng là những người chiến sỹ Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; phụng sự Đảng và Tổ quốc, phục vụ Nhân dân./.
Học viên Nguyễn Nhựt Phi