Trường Chính trị

Tin tức – Sự kiện

Nắm và vận dụng “tình thế cách mạng” trong Cách mạng Tháng Tám – ý nghĩa hiện nay

Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

      “Tình thế cách mạng” là những điều kiện khách quan chín muồi tạo nên thắng lợi của một cuộc cách mạng. Nắm và vận dụng đúng đắn tình thế cách mạng là một trong những nguyên nhân cơ bản để cách mạng tháng Mười Nga và cách mạng tháng Tám giành được thắng lợi giữa lúc đang diễn ra các cuộc thế chiến.

      Lênin khẳng định cách mạng chỉ có thể nổ ra khi xuất hiện tình thế cách mạng, nhưng chỉ khi nắm và vận dụng được tình thế cách mạng vào điều kiện thực tiễn thì cách mạng mới nổ ra và giành thắng lợi. Lênin viết: “Người mác xít tin rằng không thể có cách mạng nếu không có tình thế cách mạng, nhưng không phải bất cứ một tình thế cách mạng nào cũng dẫn đến cách mạng”. Theo Lênin, tình thế cách mạng “được diễn đạt tóm tắt bằng những tiếng “khủng hoảng kinh tế và chính trị””. Đó là những mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đến mức không thể điều hòa được. Kinh tế, chính trị, xã hội không thể giữ nguyên trạng thái như cũ, nên tất yếu dẫn đến một cuộc cách mạng phải nổ ra.

      Lênin chỉ ra ba dấu hiệu chính của tình thế cách mạng: Một là, khủng hoảng chính trị của giai cấp thống trị. Hai là, nỗi cùng khổ và quẫn bách của giai cấp bị áp bức trở nên nặng nề hơn mức bình thường. Ba là, tính tích cực của quần chúng được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, theo Lênin nếu chỉ bao gồm những điều kiện khách quan của tình thế cách mạng thì chưa đủ dẫn đến cách mạng, mà phải có điều kiện chủ quan. Đó là “giai cấp cách mạng có khả năng phát động những hành động cách mạng có tính chất quần chúng, khá mạnh mẽ để đập tan (hoặc lật đổ) chính phủ cũ”. Với khẩu hiệu “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”, Lênin đã vận dụng đúng đắn tình thế cách mạng vào điều kiện nước Nga, dẫn đến thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, giữa lúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) đang diễn ra.

      Ngay những ngày đầu đến với chủ nghĩa Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Cuộc đấu tranh du kích phải phản ánh được lợi ích của quảng đại quần chúng nông dân và phải có tình thế cách mạng trực tiếp thì mới có thể giành được thắng lợi”. Chính vì vậy, khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, để khi thời cơ đến, phải nhanh chóng phát động quần chúng nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngoài sử dụng thuật ngữ “tình thế cách mạng”, Người còn sử dụng một số thuật ngữ tương tự như: “thời cơ”, “thời cơ cách mạng” …

      Ở nước ta, đến tháng 8 năm 1945, tình thế cách mạng xuất hiện với những biểu hiện rõ nét theo quan điểm của Lênin: Phong trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân lên cao, quần chúng nhân dân sẵn sàng nổi dậy. Phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh và rơi vào khủng hoảng. Đảng Cộng sản Đông Dương đã sẵn sàng lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và quyết định phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Ngày 13 và 14/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng họp và thống nhất với quyết định của Ban Thường vụ. Đồng thời, Hội nghị đề ra phương châm phải hành động khẩn trương, phải giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào nước ta. Những nơi nào giành được chính quyền thì phải thành lập ngay ủy ban nhân dân.

      Sau thời gian chuẩn bị thực lực, ngay trong ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. Ngay sau đó, Ủy ban khởi nghĩa ra tờ Quân lệnh số 1, phát lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Từ ngày 16/8, diễn ra Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, Đại hội có sự tham dự của 60 đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đồng bào các tôn giáo, … Tại Đại hội, Chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập. Đại hội kết thúc, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hiện nay quân đội Nhật đã tan rã, phong trào cứu quốc lan tràn khắp nước. … Trong Việt Minh đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo”. Người ra lời kêu gọi:

      “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

      Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ”.

      Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra và nhanh chóng giành thắng lợi trên phạm vi cả nước. Tiêu biểu ở một số thành phố lớn như: ngày 19/8 giành chính quyền tại Hà Nội, ngày 23/8 giành chính quyền ở Huế, ngày 25/8 giành chính quyền ở Sài Gòn, ngày 28/8 giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Đến ngày 02/9, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước.

      Tại Đại hội XIII của Đảng, đánh giá những thành công đạt được của công cuộc đổi mới và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII giúp “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Đảng ta khẳng định một trong những bài học là: “chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, … Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Như vậy, quan điểm về tình thế cách mạng của Lênin vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn hiện nay trong điều kiện nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu. Vì vậy cần nắm và vận dụng tối đa các cơ hội, những thời cơ thuận lợi của thế giới, kết hợp phát huy tổng hợp sức mạnh nội lực trong nước để thực hiện thành công công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

      * Tài liệu tham khảo

        2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, 3.

        3. V.I. Lênin (2006): Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 26.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *