Tri mẫu: Vị thuốc làm mát và nhuận dưỡng thận – YouMed

Thường các vị thuốc thanh nhiệt của đông y sẽ có vị đắng (khổ), vị đắng ngoài tính thanh nhiệt thường kèm theo táo thấp nên dễ làm hao tổn âm chất trong cơ thể. Nhưng Tri mẫu lại không như vậy, vừa có thể thanh nhiệt trong thận, vừa có thể tư nhuận thận âm, gọi chung là tác dụng Tư Âm Giáng Hỏa.

1. Giới thiệu về Tri mẫu

Tên khoa học Anemarrhena aspheloides Bunge. Thuộc họ Hành Alliaceae.

Tri mẫu (Rhizoma Anemarrhenac) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Tri mẫu Anemarrhena aspheloides thuộc họ Hành Alliaceae.

Vốn tên là Chi mâu do Chi mâu là trứng con kiến, vì lúc mầm cây này mọc lên trông giống trứng con kiến. Sau đọc chệch thành Tri mẫu.

cây thuốc Tri mẫucây thuốc Tri mẫu

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cho đến nay vị thuốc Tri mẫu vẫn phải nhập từ Trung Quốc, chưa thấy trồng ở nước ta. Vào các tháng 3-4, người ta đào lấy thân rễ, rửa sạch, phơi hay sấy khô.

1.2. Mô tả toàn cây Tri Mẫu

Tri mẫu là một loại cỏ sống lâu năm, thân rễ chạy ngang. Lá mọc vòng, dài khoảng 20-30cm, hẹp, đầu nhọn, phía dưới ôm vào nhau. Mùa hạ, ra cành mang hoa. Cao chừng 60-90cm. Cụm hoa thành bông hoa nhỏ, màu trắng.

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Vị thuốc Tri mẫu là thân rễ phơi khô hay sấy khô của cây. Phần nhiều dùng tẩm nước muối để sao, dẫn thuốc đi xuống Thận. Nếu tẩm với rượu nhạt để sao cũng có thể dẫn thuốc đi lên Phế.

1.4. Bảo quản

Bảo quản nơi khô ráo

Tri Mẫu phơi khôTri Mẫu phơi khô

2. Thành phần hoá học và tác dụng của Tri Mẫu:

2.1. Thành phần hoá học

Trong Tri mẫu có một chất saponin gọi là asphonin. Ngoài ra còn một chất có tinh thể chưa xác định.

2.2. Tác dụng y học hiện đại

Hiện nay Tri mẫu được dùng làm thuốc chữa ho, tiêu đờm, chữa sốt, sốt do viêm phổi.

2.3. Tác dụng y học cổ truyền

Vị thuốc này có vị đắng tính lạnh, tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt, tư âm, giáng hoả.

Các vị thuốc có vị đắng tính lạnh như Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Chi tử tuy có thể thanh nhiệt nhưng đều có nhược điểm là hoá táo thương âm. Tri mẫu thì không có nhược điểm đó lại còn có tác dụng tư âm giáng hoả. Thường hay dùng trong các trường hợp âm hư phát nhiệt, cốt chưng, đạo hãn, di tinh, tiểu tiện vàng, ngũ tâm phiền nhiệt. Phế lao khái thấu, tiêu khát, uống nhiều nước thường lấy vị này phối hợp với Địa cốt bì, Tần giao, Sinh địa, Bạch thược, Chích miết giáp, Nguyên sâm, Hoàng bá, Bạch vi, Mạch dông,…

cây tri mẫucây tri mẫu

3. Cách dùng và liều dùng Tri mẫu

Có thể sắc theo thang hoặc tán bột.

Liều lượng 4-10g/ngày.

Người Thận dương hư mạch 2 bộ xích vi nhược và đại tiện lỏng nhão kỵ dùng.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

Chữa bụng chướng to, rất cứng rắn, chân tay nhỏ, ăn uống không được: Uống thuốc gì cũng không khỏi, sau uống bài Ngũ linh tán gồm các vị Tri mẫu, Đan sâm, Độc hoạt, Hải tảo, Qui vũ tiến, Tấn bông (hai vị sau chưa xác định) thì thấy lợi tiểu tiện, ăn uống được, bệnh dần dần khỏi (Theo sách Thiên Kim ngoại đài).

Chữa viêm phổi: Dùng 5g, Tang bạch bì 10g, Mạch môn đông 8g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Dương vật cứng luôn: Tri mẫu, Hoàng bá, Xa tiền, Mộc thông, Thiên môn đông, Sinh cam thảo, các vị bằng nhau, mỗi vị 4g sắc uống

Có mang động thai: Dùng 80g, tán nhỏ, viên với mật bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 20 viên, chiêu với nước cháo.

Hắc lào: Mài với dấm, bôi lên vết hắc lào.

Đã là thuốc ắt có ba phần độc, bất cứ vị thuốc nào khi sử dụng đều có hai mặt lợi và hại như nhau. Quý độc giả nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi dùng Tri mẫu để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *