Tri Mẫu

1. Tri Mẫu: (Rhizoma Anemarrhenae)

+ Tên khác: Liên mẫu, Dã liêu, Địa sâm.

+ Cây thuốc: Tri mẫu là một loại cỏ sống lâu năm, thân rễ chạy ngang. Lá mọc vòng, dài khoảng 20-30cm, hẹp, đầu nhọn, phía dưới ôm vào nhau. Mùa hạ, ra cành mang hoa. Cao chừng 60-90cm. Cụm hoa thành bông hoa nhỏ, màu trắng.

+ Dược liệu: Vị thuốc Tri mẫu là rễ hình khúc dẹt hoặc trụ, hơi cong queo, có khi phân nhánh, dài 3 – 15 cm, đường kính 0,8 – 1,5 cm. Một đầu còn sót lại gốc thân và vết cuống lá màu vàng nhạt. Mặt ngoài có màu vàng nâu đến nâu. Mặt trên của thân rễ có một rãnh lớn và có nhiều đốt vòng xếp sít nhau, trên đốt có nhiều gốc lá còn sót lại màu nâu vàng mọc ra 2 bên, mặt dưới có nếp nhăn và nhiều vết rễ nhỏ hình chấm tròn lồi lõm. Chất cứng, dễ bẻ gẫy. Mặt gẫy màu vàng nhạt. Mùi nhẹ. Vị hơi ngọt, đắng, nhai có chất nhớt.

+ Phân bố: Cho đến nay vị tri mẫu vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Chưa thấy trồng ở nước ta.

+ Xuất xứ: Hà Bắc, Trung Quốc .

+ Bộ phận dùng: Dùng thân, rễ làm thuốc.

2. Thu hái – sơ chế:

+ Vào các tháng 3-4, người ta đào lấy thân rễ, rửa sạch phơi hay sấy khô. Thân củ thu hái vào mùa thu hoặc mùa xuân. Sau khi loại bỏ rễ xơ, rửa sạch, phơi khô và ngâm ngập nước, lột vỏ, thái thành lát mỏng và nướng với muối.

3. Bào chế – bảo quản:

Bào chế:

+ Cho vào thuốc thanh nhiệt thì nên dùng sống, cho vào thuốc bổ Thận thì sao với Muối và Rượu,  muốn cho đi lên thì sao với Rượu.

Bảo quản: Để nơi khô ráo thoáng gió, phòng độc.

4. Thành phần:

+ Tri mẫu có chất Saponin gọi là Asphonin, ngoài ra có một số chất có tinh thể chưa xác định. 

+ Theo các nghiên cứu hiện đại, Tri mẫu hàm chứa nhiều chất nhầy, vitamin PP, chất dính, có tác dụng chống khuẩn, giải nhiệt, trấn tĩnh…

5. Tính vị- quy kinh:

Tính vị: Vị Ngọt, đắng, tính hàn.

Quy kinh: Vào các kinh Phế, Vị và Thận.

6. Tác dụng – chủ trị:

Tác dụng dược lý:

+ Hạ nhiệt: Đối với hư hoặc thực nhiệt, thuốc đều có tác dụng hạ nhiệt. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh Tri mẫu có tác dụng hạ nhiệt rõ.
Kháng khuẩn: In vitro, thuốc có tác dụng ức chế mạnh các loại trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn đường ruột, tụ cầu khuẩn.
+ An thần: Thuốc làm giảm tính hưng phấn của hệ thần kinh, ví dụ phối hợp với Hoàng bá làm giảm tính kích thích tình dục ( y học cổ truyền gọi là tả thận hỏa) phối hợp với Toan táo nhân làm giảm tính hưng phấn vỏ đại não, trị mất ngủ, phối hợp với Quế chi có tác dụng làm giảm đau đối với viêm khớp (thấp khớp), phối hợp với Bạch thược trị chứng run co giật cơ (do tăng hưng phấn thần kinh cơ).
+ Hóa đờm: Về mặt dược lý cổ truyền thuốc có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, tư thận bổ thủy.

Tác dụng:

+ Tu thận, bổ thùy, tá hỏa, thường được dùng chữa bệnh tiêu khát (đái đường), hạ thuỷ, ích khí.

Chủ trị:

+ Sốt cao, khát nước, phế nhiệt, đờm đặc vàng.

+ Ho do nhiệt ở Phế hoặc ho khan do âm hư.

+ Thiếu âm ở phổi và thận kèm dấu hiệu nhiệt biểu hiện như sốt về chiều, ra mồ hôi buổi tối và nóng nhẹ lòng bàn tay, lòng bàn chân và ngực

+ Đái đường biểu hiện như háo khát, đói và đi tiểu nhiều.

+ Tri mẫu thường được dùng làm thuốc chữa ho, tiêu đờm, chữa sốt, sốt do viêm phổi.

7. Kiêng kỵ:

+ Không dùng cho người tỳ hư phân nát, hoặc cơ địa biểu chứng chưa được giải.

+ Không nên uống nhiều dề bị đi tả, lại nói uống nhiếu làm cho khí tiết ra, phàm chứng ho vì trong Phế hàn, khí của Thận hư thoát không có hỏa chứng và mạch Xích bên phải hư nhược thì cấm dùng.

+ Người tỳ vị hư hàn, ỉa chảy kiêng không dùng.

+ Người nào vị khí khuy tổn kiêng không dùng.

8. Một số cách dùng thông dụng:

+ Dùng chữa chứng thực nhiệt: ở phần khí trong bệnh viêm nhiễm (bệnh ôn) phối hợp với Thạch cao có tác dụng giải nhiệt an thần.

+ Dùng chữa chứng hư nhiệt: (âm hư nhiệt thịnh, chứng sốt chưng triều nhiệt, sốt về chiều, về đêm ra mồ hôi trộm, thường gặp trong các bệnh mạn tính hư nhược, sốt kéo dài như bệnh lao, ung thư, chất tạo keo) mạch trầm tế sác, thường phối hợp với Sinh địa, Miết giáp, Địa cốt bì, Đơn bì. Bài thuốc thường dùng: Tri bá địa hoàn hoàn ( Tri mẫu, Hoàng bá 8 -12g, Sanh địa 12 – 20g, Đơn bì 12g, Sơn thù 12g, Sơn dược 12g – 16g, Phục linh 12g, Trạch tả 12g sắc nước uống).

+ Nhuận phế chỉ khái: dùng trị chứng âm hư phế nhiệt, ho khan trong các bệnh viêm phế quản mạn tính, viêm phổi kéo dài hoặc ho đờm vàng. Bài thuốc thường dùng: Nhị mẫu tán (Tri mẫu, Bối mẫu mỗi thứ 12g) hoặc bài Tri mẫu tán (Tri mẫu 12g, Bối mẫu 8 – 12g, Sài hồ 8g, Hoàng kỳ 12g, Tử uyển 12g, Mã đầu linh 12g, Hạnh nhân 12g, Pháp Bán hạ 8 – 12g, Tang bạch bì 12g, Bạch phàn 2g, Khoản đông hoa 12g, sắc nước uống).

+ Dùng chữa viêm đường tiết niệu mạn tính kéo dài: Viêm thận có hội chứng âm hư hỏa vượng, có thể dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn uống với nước sắc Rễ tranh hoặc Kim ngân hoa có kết quả tốt nhất là đối với bệnh nhân đã nhờn thuốc trụ sinh.

+ Dùng chữa viêm loét mồm, viêm họng mạn: Có chứng hư nhiệt thường phối hợp Huyền sâm, Sinh địa, Liên kiều.

+ Chữa bụng chướng to, rất cứng rắn, chân tay nhỏ, ăn uống không được: Uống thuốc gì cũng không khỏi, sau uống bài ngũ linh tán gồm các vị tri mẫu, đan sâm, độc hoạt, hải tảo, quỉ vũ tiến, tần bông (hai vị sau chưa xác định) thì thấy lợi tiểu tiện, ăn uống được bệnh dần dần khỏi (theo sách Thiên Kim ngoại đài).

+ Chữa viêm phổi: Tri mẫu 5g, tang bạch bì l0g, mạch môn đông 8g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

+ Dương vật cường luôn: Tri mẫu, hoàng bá, xa tiền, mộc thông, thiên môn đông, sinh thảo (cam thảo sống) các vị bằng nhau, mỗi vị 4g sắc uống.

+ Có mang động thai: Tri mẫu 80g, tán nhỏ, viên với mật bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 20 viên, chiêu với nước cháo.

+ Hắc lào: Tri mẫu mài với dấm, bôi lên.

+ Bốc nhiệt do khí: Dùng phối hợp với thạch cao dưới dạng bạch hổ thang.

+ Ho do nhiệt ở phế hoặc ho khan do thiếu âm: Dùng phối hợp với xuyên bối mẫu dưới dạng nhị mộc tán.

+ Thiếu âm ở phổi và thận kèm dấu hiệu nhiệt biểu hiện như sốt về chiều, ra mồ hôi buổi tối và nóng nhẹ lòng bàn tay, lòng bàn chân và ngực: Dùng phối hợp với hoàng bá.

+ Đái đường biểu hiện như háo khát, đói và đi tiểu nhiều: Dùng phối hợp với thiên hoa phấn, ngũ vị tử mạch đông và cát căn dưới dạng ngũ diệp thang.

+ Dùng chữa viêm đường tiết niệu mạn tính kéo dài: Dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn uống với nước sắc rễ tranh hoặc Kim ngân hoa có kết quả tốt nhất là đối với bệnh nhân đã nhờn thuốc trụ sinh.

+ Chữa bệnh tiêu khát: Như bệnh tiểu đường có hội chứng phế vị táo nhiệt (mồm khô, bứt rứt, khát nước) thường phối hợp Cát căn, Thiên hoa phấn (Qua lâu căn), Mạch môn, có tác dụng sinh tân chỉ khát.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *