Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có bề dày hàng trăm năm với các hệ giá trị độc đáo, gắn liền với việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên – biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam.
Đền Mẫu Thượng ngàn Đông Cuông, là một di tích lịch sử cấp quốc gia nằm trong trục văn hóa tâm linh dọc sông Hồng, gồm đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), đền Mẫu Đông Cuông (Yên Bái) và đền Bảo Hà (Lào Cai). Đây còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Đền còn có tên gọi khác là đền Đông Quang, đền Thần Vệ Quốc. Đền tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm dọc sông Hồng. Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm. Ngoài đền chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông tọa lạc bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền chính. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và đền Hùng (Phú Thọ). Trong đền chính có cung cấm thờ 2 ngôi tượng. Sau cung mẫu có cung chúa, bên phải là cung Sơn Trang, bên trái thờ Trần Triều. Cấu trúc nhà đền còn có miếu thần linh và động sơn trang. Đây là ngôi đền cổ từ xưa đến nay vẫn giữ được bản sắc dân tộc và nét văn hóa của người Tày Khao Đông Cuông
Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.
Ngoài thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc – các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên như: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng…là những người từng lãnh đạo nhân dân nơi đây chống giặc Mông – Nguyên, bị tử trận.”
Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn.
Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
“Đông Cuông cổ tích hữu tình danh lam. Tiên cô Bé trên ngàn lừng lẫy. Đất Đông Cuông đã dậy thân oai”. Hàng năm, lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín (âm lịch) với phần lễ được tổ chức tại đền Mẫu đúng với nghi thức truyền thống như: đón ông Mo về đền, lễ mổ trâu trắng tế thần, lễ rước kiệu Mẫu sang sông, lễ dâng hương. Phần hội đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, ném còn, đu tiên, đua thuyền…
Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như múa dân gian, hát chèo, diễn tích, ném còn, đánh vật… với ước vọng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành.
Ngoài lễ hội đầu năm, đền Đông Cuông còn tổ chức 1 lễ hội cơm mới vào tháng 9 âm lịch với chương trình của Festival thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu; trình diễn trang phục thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu; rước nước thiêng ở sông Hồng; triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, thực hành nghi lễ thờ Mẫu.
Năm 1995, UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định cho phép nhân dân xã Đông Cuông dựng lại ngôi đền Đông Cuông ngay trên nền của ngôi đền cũ. Năm 2000, đền được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh. Ngày 22/1/2009, đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia tại Quyết định số 296/QĐ-BVHTTDL.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại đầu năm 2016, khẳng định sức sống bền vững, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Di sản văn hóa phi vật thể ấy là một bức tranh hết sức đa dạng của đời sống văn hóa tâm linh, mang bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.
Duy Tuấn
Ảnh: Thu Hằng
Video: Hồng Khanh, Thu Hằng, Xuân Quý
19/12/2021 02:30