Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người sinh ra từ chân lý. Cùng đọc lại những câu chuyện hay kể về Bác để có thể cảm nhận rõ hơn về vị lãnh tụ của chúng ta.
Bác Hồ – Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hình ảnh về một vị lãnh tụ vĩ đại, đáng kính sẽ mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế.
Ở phần trước chúng ta đã tìm hiểu được 15 câu chuyện hay và ý nghĩa về Bác Hồ. Bài viết dưới đây của Hồ Sơ Doanh Nhân sẽ giới thiệu cho các bạn thêm 15 câu chuyện thú vị về chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
16. Câu chuyện 16: Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với Đại hội; Ba đảm đang của phụ nữ thủ đô
* Nội dung câu chuyện:
Đại hội Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô lần thứ nhất, khai mạc rất trọng thể vào tối 01-12-1965 tại hội trường Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Chiều 02-12-1965 (ngày họp thứ 2) vào khoảng 16 giờ, Đại hội vô cùng sung sướng, phấn khởi được đón Bác. Cùng đi với Người có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Anh hùng miền Nam Tạ Thị Kiều.
Vừa thấy Bác, cả Hội trường đứng bật dậy, vỗ tay ran như sấm lẫn với tiếng reo vô cùng phấn khởi.
Bác! Bác đến! Bác đến!… Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!
Sau mấy phút vô cùng sôi nổi, Bác giơ tay ra hiệu (một cử chỉ thường có của Bác) cho Đại hội im lặng, rồi Bác tươi cười chỉ vào chị Kiều và nói:
Hôm nay, Bác dẫn “cô bé này” đến với Đại hội, các cô, các chú (Đại hội có một số đại biểu là nam giới) có phấn khởi không?
Cả Đại hội vỗ tay rầm rầm xen lẫn tiếng:
Thưa Bác, có ạ!
Không khí Đại hội thật vô cùng náo nhiệt, sôi nổi. Bác đã kể cho Đại hội nghe về những gương anh hùng của phụ nữ ta trong thời kỳ bí mật, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sự hy sinh anh dũng của chị em miền Nam trong chống Mỹ.
Thật bất ngờ, Bác rút trong túi ra một cột báo của Báo Thủ đô ngày hôm đó, đọc tên bảy bà và chị, xong Bác hỏi:
Các cô ấy có mặt ở Đại hội này không?
Hội trường lại vang lên:
Thưa Bác, có ạ!
Bác tươi cười nói:
Hôm nay, Bác đọc báo thấy có đăng thành tích của bảy cô là công nhân, là nông dân, là giáo viên… Bác rất vui, Bác có mấy chiếc huy hiệu để tặng các cô ấy.
Mọi người sung sướng vỗ tay tưởng làm vỡ phòng họp.
Sau cùng Bác hỏi:
Các cô có muốn được Bác thưởng Huy hiệu của Bác không?
Cả Hội trường lại phấn khởi trả lời vang lên:
Thưa Bác, có ạ, có ạ!
Vậy các cô về làm công tác cho tốt, Bác sẽ thưởng!
Cả Hội trường lại vang lên như sấm.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện nói lên truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, tinh thần yêu nước quật cường chống giặc ngoại xăm, cần cù thông minh sáng tạo trong lao động, sản xuất, luôn giữ gìn phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, có trách nhiệm nuôi, dạy con cái, quản lý tốt gia đình, có lòng nhân hậu, có tính cộng đồng, vì lợi ích của mọi người và xã hội.
Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô ngày 02/12/1965, Bác nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”.
Không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong các phong trào cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Bác Hồ còn quan tâm sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam, nữ, quan tâm giúp đỡ phụ nữ; từ đó chị em phụ nữ phải có quyết tâm, đạo đức, tác phong để làm tròn nghĩa vụ của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
* Bài học kinh nghiệm:
Trong những năm qua, không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, chị em phụ nữ đã ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội.
Đảng và Nhà nước ta cũng luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, thông qua các chủ trương, chính sách về phụ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò của phụ nữ.
Không chỉ là những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình, nhiều phụ nữ đã đạt được những thành tích nổi bật, được xã hội ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ…
Ngày nay, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chị em phụ nữ, công tác phụ nữ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đất nước.
Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành và các cấp Hội cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội tiếp thu những tiến bộ khoa học, công nghệ thích ứng với cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
17. Câu chuyện 17: Ai ngoan sẽ được thưởng
* Nội dung câu chuyện:
Vào một buổi sáng, Bác Hồ đến thăm trại nhi đồng. Vừa thấy Bác, các em nhỏ đã chạy ùa tới, quây quanh Bác. Ai cũng muốn nhìn Bác cho thật rõ.
Bác đi giữa đoàn học sinh, tay dắt hai em nhỏ nhất. Mắt Bác sáng, da Bác hồng hào. Bác cùng các em đi thăm phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, nơi tắm rửa…
Khi trở lại phòng họp, Bác ngồi giữa các em và hỏi:
Các cháu chơi có vui không?
Những lời non nớt vang lên:
Thưa Bác, vui lắm ạ!
Bác lại hỏi:
Các cháu ăn có no không?
No ạ!
Các cô có mắng phạt các cháu không?
Không ạ!
Bác khen:
Thế thì tốt lắm! Bây giờ Bác chia kẹo cho các cháu. Các cháu có thích kẹo không?
Tất cả cùng reo lên:
Có ạ! Có ạ!
Một em bé giơ tay xin nói:
Thưa Bác, ai ngoan thì được ăn kẹo, ai không ngoan thì không được ăn kẹo ạ!
Các cháu có đồng ý không?
Đồng ý ạ!
Các em nhỏ đứng thành vòng tròn rộng. Bác cầm gói kẹo chia cho từng em. Đến lượt Tộ, em không dám nhận, chỉ khẽ thưa:
Thưa Bác, hôm nay cháu không vâng lời cô. Cháu chưa ngoan nên không được ăn kẹo của Bác.
Bác cười trìu mến:
Cháu biết nhận lỗi, thế là ngoan lắm! Cháu vẫn được phần kẹo như các bạn khác.
Tộ mừng rỡ nhận lấy kẹo Bác cho.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện cho ta thấy Bác Hồ rất yêu quý thiếu nhi, Bác luôn quan tâm xem thiếu nhi ăn ở học tập. Bác khen ngợi khi các em có lỗi biết tự nhận lỗi. Là thiếu nhi chúng ta phải thật thà, dũng cảm, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.
* Bài học kinh nghiệm:
Bên cạnh đó còn dạy cho chúng ta phải có sự bao dung, cảm thông, gần gũi trong cách nuôi dạy con, trong công tác Hội, trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc, tình làng nghĩa xóm, mà đó còn là sự giản dị chân thành từ Bác là bài học về đạo đức, bài học nhân cách cao cả của con người, chúng ta phấn đấu hết mình để quê hương ngày một giàu đẹp hơn, văn minh hơn.
18. Câu chuyện 18: Mừng cho các cháu Bác càng thương mẹ
* Nội dung câu chuyện:
Một lần trên đường đi thăm hợp tác xã trồng cây giỏi ở huyện Quảng Oai (Hà Tây), Bác Hồ đã nhắc đến mẹ Bác.
Hôm ấy khi xe ôtô đến Quảng Oai, một đoàn các em bé gái cổ quàng khăn đỏ, em mặc áo hoa, em mặc áo trắng, tay cắp sách vừa ở trong trường ra, líu ríu như chim sổ lồng. Nhìn thấy các cháu vui, Bác Hồ cũng vui theo. Người nói với chú Vũ Kỳ và các chú ngồi cùng xe:
Này! Các chú thấy không, các cháu được ăn mặc đẹp, được đi học, cháu nào cũng vui vẻ phấn khởi, Bác mừng cho các cháu.
Rồi giọng Bác bỗng trầm hẳn xuống.
Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác. Mẹ Bác rất thông minh, lại là con gái ông đồ nho. Thế mà mẹ Bác lại không được đến lớp, đến trường đâu các chú ạ. Cũng như phụ nữ ngày xưa, từ nhỏ mẹ Bác đã phải lo việc nhà.
Mọi người cùng đi không nén nổi cảm xúc trước tình cảm của Bác đối với mẹ Bác là cụ Hoàng Thị Loan.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Qua câu chuyện cho chúng ta thấy dù Bác bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn dành trọn vẹn tình cảm thiêng liêng đặc biệt cho mẹ, mẹ là người gần gũi quan tâm, chăm lo, dạy dỗ, mẹ vừa là người mẹ, vừa là người chị, người bạn và là người thầy đầu tiên của người.
* Bài học kinh nghiệm:
Bác mượn hình ảnh người mẹ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bao đời nay đã chịu nhiều bất công trong xã hội phong kiến không được đến trường để học. Nên từ rất sớm Bác đã nhận thức phải giải phóng cho phụ nữ được quyền bình đẳng tham gia mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vì vậy phụ nữ ngày nay cần phát huy vai trò là người phụ nữ có lòng yêu nước, có tri thức, năng động, sáng tạo, có sức khỏe, lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, bao dung, tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ mọi mặt, phấn đấu vươn lên, tham gia công tác trên mọi lĩnh vực, có nhiều địa vị trong xã hội.
19. Câu chuyện 19: Việc chi tiêu của Bác Hồ
* Nội dung câu chuyện:
Các đồng chí ở gần Bác đều cho biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:
Cái gì còn dùng được nên dùng. Bỏ đi không nên…Khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa:
Đấy, có trông thấy rách nữa đâu…Có quả chuối hơi nẫu, anh cán bộ chê không ăn, Bác lấy dao gọt phần nẫu đi, bóc ăn ngon lành, rồi nói:
Ở chiến khu có được quả chuối này cũng đã quý…
Câu nói và việc làm của Bác làm đồng chí cán bộ hối hận mãi. Dù cho đã làm đến Chủ tịch nước, suốt trong những năm ở Việt Bắc, ở Hà Nội, Bác chưa bao giờ “có tiền” (như anh em cán bộ, chiến sĩ, công tác quanh Bác thường nhận xét).
Thực tế lịch sử cho thấy rằng: suốt thời gian hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do những nguyên nhân khác nhau. Được đồng nào, chủ yếu do lao động tự thân mà có, Bác dành cho công tác cách mạng. Bác chi tiêu rất dè sẻn, cân nhắc từng xu.
Liên hoan mừng thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh, đĩa cá. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc, người đã mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng về tặng Người (năm 1939), Bác cũng chỉ “khao một món canh và 2 đĩa thức ăn, thêm hai lạng rượu, tổng cộng chưa hết một đồng bạc”.
Tự thết đãi mình “khi nghe tin Hồng quân bắt sống 33 vạn quân Hít le ở Xtalingrát năm 1943”, tại nhà tù, trong túi chỉ còn vẻn vẹn một đồng bạc, Bác đã “nhờ người lính gác mua giùm cho ít kẹo và dầu chả quẩy”. Sau khi phấn khởi hô mấy khẩu hiệu hoan nghênh thắng lợi của Liên Xô, Bác “ngồi một mình, chén tạc, chén thù rất đàng hoàng vui vẻ”…
Năm 1957, Bác về thăm Nghệ Tĩnh, khi ăn cơm chung với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Diệm, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: “Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình”.
Có thể dẫn ra nhiều nữa những ví dụ về cách chi tiêu sử dụng tiền bạc, cơ sở vật chất của Bác, rất “mâu thuẫn thống nhất”: chắt chiu, tằn tiện nhưng vẫn rộng rãi, không hoang phí mà cũng không keo kiệt, “ki bo”.
Thế giới, loài người tự hào về Bác. Là người Việt Nam, đồng hương của Bác, chúng ta càng tự hào biết bao! Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với cái ăn, cái mặc, với cơ sở vật chất nói chung đâu có phải là cao quá mà chúng ta không học tập được, đâu có phải là một tòa thánh cấm uy nghiêm mà chúng ta không đặt chân lên được thềm bậc, dù là bậc thềm thứ nhất?
* Ý nghĩa câu chuyện:
Muốn mọi người đều có ý thức tiết kiệm thì người lãnh đạo phải làm gương trước, phải bằng hành động cụ thể không được nói suông, hô hào chung chung, muốn người dân tiết kiệm thì cán bộ, công chức…phải tiết kiệm đã.
Không phải lúc khó khăn, gian khổ thì mới tiết kiệm còn lúc đầy đủ thì không cần, mà phải biến ý thức tiết kiệm thành bản tính của mỗi người, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh, địa vị nào cũng phải biết tiết kiệm.
* Bài học kinh nghiệm:
Trong công việc phải tận tụy, toàn tâm toàn ý không được lãng phí thời gian và sức khỏe của mình vào những việc vô bổ, dù ở cương vị nào cũng cần phải tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng tài sản công. Trong cuộc sống gia đình chị em phụ nữ phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng cụ thể, tránh lãng phí, đảm bảo cuộc sống kinh tế gia đình được ổn định, an tâm lao động, sản xuất.
20. Câu chuyện 20: Phải biết quan tâm với mọi người hơn
* Nội dung câu chuyện:
Hội trường Đảng Nguyễn Ái Quốc còn ở căn cứ kháng chiến Việt Bắc, một lần Bác Hồ đến dự lễ bế giảng của trường. Xuống thăm nhà bếp, Bác thấy làm cỗ có vẻ linh đình, Bác nói với đồng chí phụ trách trường: “Này, bế mạc, chứ không phải ” Bế bụng” đâu nhé! Kháng chiến còn khó khăn lắm đấy, các chú ạ”.
Đến bữa ăn, thấy mâm cơm chỉ có một bát, một đôi đũa, Bác hỏi: “Thế Bác ăn với ai?”. Đồng chí phụ trách gãi đầu gãi tai: “Dạ, xin để Bác ăn riêng cho tiện…”. Bác ngắt lời: “Không tiện gì cả. Thế ra các chú muốn cho Bác ăn trên ngồi trước à?”.
Bác đòi phải bê các món ăn của cán bộ, nhân viên nhà trường lên cho Bác xem, rồi Bác bảo kê thêm bàn ghế cho mọi người cùng ăn với Bác. Bố trí xong xuôi cả rồi, Bác mới vui vẻ, bảo mọi người: Ngồi cả vào đây, ăn chung với Bác, ăn một mình thì Bác ăn sao được?
Khi Bác lên nói chuyện với các học viên, đồng chí phụ trách trường giới thiệu: “Bác Hồ sẽ huấn thị cho chúng ta”. Bác cười mà bảo rằng: “Tôi nói chuyện với các đồng chí thôi, chứ có “huấn thị” gì đâu”.
Buổi tối, Bác ở lại trường để làm việc. Các đồng chí mang đến cho Bác một chiếc đèn tọa đăng rất sáng. Khoảng 9-10 giờ tối, Bác cầm đèn đó xuống văn phòng trường và bảo rằng: “Đèn này to, tốn dầu lắm! Bác còn làm việc khuya, một chiếc đèn con thôi cũng đủ.Các đồng chí đổi cho Bác chiếc đèn khác”.
Sáng sớm hôm sau, trước khi Bác chia tay trường, đồng chí phụ trách hỏi Bác có điều gì căn dặn thêm về công việc của trường. Người nói: “Tôi chỉ mong là các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá mà phải quan tâm đến mọi người hơn”.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Qua câu chuyện cho chúng ta thấy trong cuộc sống khi làm việc gì cũng phải nghĩ đến mọi người, đừng vì lợi ích riêng tư mà xem nhẹ quyền lợi của người khác, phải sống tiết kiệm quan tâm chia sẽ với mọi người để ai cũng được hạnh phúc.
Câu chuyện thể hiện đức tính giản dị, gần gủi với nhân dân, thể hiện tình yêu thương con người, suốt đời lo cho dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
* Bài học kinh nghiệm:
Sống phải biết quan tâm đến mọi người vì lợi ích của toàn thể nhân dân, vì mục tiêu chung của đất nước, lối sống phải giản dị, khiêm tốn, có tinh thần đoàn kết, giúp đở nhau trong cuộc sống. Cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tuyên truyền, vận động chị em rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam, giúp nhau cùng tiến bộ.
21. Câu chuyện 21: Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ với phụ nữ
*Nội dung câu chuyện:
Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải cởi trói cho phụ nữ.
Bác khẳng định:“Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”.
Cách mạng Tháng 8 thành công, trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, Bác trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Những quyền ấy được Bác trích trong Tuyên ngôn độc lập năm 1976 của nước Mỹ. Nhưng trong xã hội Mỹ chỉ những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành có tài sản mới được bầu cử, các giai tầng khác mãi đến đầu thế kỷ 19 và phụ nữ Mỹ, năm 1920 mới giành được quyền đi bầu cử (sau 144 năm giành độc lập)…
Song, với Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ thì “tất cả mọi người” Việt Nam đều là những người có quyền đi bầu cử Quốc hội vào ngày 6-1-1946:“Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.
Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946“… tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với cách mạng và Bác cũng là người tiếp thêm sức mạnh cho chị em vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc.
Bác nêu ra nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh của phụ nữ vì Tổ quốc như Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ buổi bình minh của lịch sử và kêu gọi chị em: Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh.
Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại! Từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc… việc gì phụ nữ cũng hăng hái.
Trong 2 cuộc kháng chiến, nhiều chị em đã tham gia kháng chiến và làm tròn trọng trách cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Chị em là cán bộ lãnh đạo, là anh hùng, chiến sĩ thi đua trong lao động và chiến đấu, là dũng sĩ từ tiền tuyến lớn miền Nam có dịp ra thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã được Bác Hồ ân cần đón tiếp, tặng hoa và quà, được ăn cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người.
Bác Hồ luôn luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Vì vậy, ghi nhận những thành tích đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Đây chính là sự khẳng định của Bác về vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Bác không chỉ nêu lên vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội mà còn là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Người chỉ rõ: công tác phụ nữ trong xây dựng CNXH, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ.
“Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng… đều nhằm mục đích ấy”. Người nhắc nhở các cấp, các ngành… phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới.
Những lời dạy của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ tình cảm của mình giành cho “nửa thế giới”. Người luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình.
Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 – Quê hương của chị Hai Năm tấn, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Bác nhấn mạnh: “… phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau.
Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ…
Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”. Bác luôn trân trọng, thương yêu và coi “Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi”.
Bác không chỉ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ mà còn luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách.
Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người phân tích: Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước.
Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH. Người căn dặn: Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH.
Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật.
Cả cuộc đời 79 mùa xuân, Bác đã giành trọn vẹn cho dân cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất.
Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện cho thấy những thành tích mà chị em phụ nữ đã đạt được, những hy sinh to lớn của họ. Không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, đảm đang trong lo toan gia đình, phụ nữ Việt Nam còn có truyền thống “thông minh, sáng tạo”.
Ngay từ thời phong kiến, mặc dù địa vị xã hội của phụ nữ không được coi trọng, nhưng đã xuất hiện những con người làm nên lịch sữ. Cùng với những đức tính quý báu đó, chúng ta còn nghĩ đến những đức tính cần cù, hy sinh, nhẫn nhịn, vị tha, khiêm nhường, thủy chung như một nét đẹp đặc trưng của phụ nữ Việt Nam.
* Bài học kinh nghiệm:
Khắc sâu lời dạy và thực hiện tâm nguyện của Bác, phụ nữ ngày nay đã được giải phóng, bình đẳng trên mọi lĩnh vực. Được tham gia học tập nâng cao trình độ nhận thức , kỹ năng nghề nghiệp, tham gia công tác xã hội ngày càng nhiều, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ.
Trong giai đoạn hiện nay phụ nữ Việt Nam cần cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
22. Câu chuyện 22: Bác Hồ bỏ thuốc lá
*Nội dung câu chuyện:
Theo đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh hút thuốc lá rất nhiều. Việc hút thuốc lá liên quan tới hoạt động cách mạng của Người trong những năm 20 của thế kỷ XX khi Người mang tên Nguyễn Ái Quốc.
Đồng chí Vũ Kỳ đã được Bác Hồ tâm sự: Những năm ở Pháp, Người là một thanh niên kháng Pháp nên luôn bị mật thám Pháp theo dõi ở khắp mọi nơi. Người biết bị theo dõi mà không dám quay đầu lại để nhìn. Để có thể quan sát được sự theo dõi, Người nghĩ ra cách hút thuốc.
Mỗi lần như vậy, đi qua thùng đựng rác ven đường cách khoảng ba bước chân, Người dừng lại châm thuốc hút, rồi quay lại thùng rác để vứt que diêm, như vậy là Người có dịp quan sát xung quanh, liệu cách đối phó với kẻ theo dõi. Do giả vờ hút thuốc mãi mà đã trở thành thói quen của Người.
Năm 1957, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày cách mạng tháng Mười Nga thành công, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã sản xuất loại thuốc lá có đầu lọc để biếu các đại biểu dự đại hội. Đây là loại thuốc mà Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng.
Loại thuốc có đầu lọc này nhẹ và ngon hơn loại thuốc của Mỹ và Pháp sản xuất vốn nặng và thường pha thuốc phiện. Các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đã biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh hộp thuốc lá này, có lẽ vì cũng biết Người thích hút loại đó. Khi hết thuốc, đồng chí Vũ Kỳ đã giữ lại chiếc hộp để đựng các loại thuốc lá khác cho Người hút vì hộp rất vừa và thuận tiện để bỏ túi.
Về sau Trung Quốc sản xuất loại thuốc lá Seo Mao (tức Gấu Mèo) chuyên dùng cho Chủ tịch Mao Trạch Đông. Chủ tịch Mao đã gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, Người hút thuốc Gấu Mèo (thuốc đựng trong hộp giống hộp sữa bò).
Năm 1967, sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yếu nhiều, Người hay mệt và ho. Lo cho sức khoẻ của Người, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho các bác sĩ phải chăm sóc Người thật tận tình, chu đáo.
Các bác sĩ đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không hút thuốc lá nữa. Người nói với đồng chí Vũ Kỳ rằng: “Các bác sĩ bảo Bác không hút thuốc lá nữa thì chú thấy thế nào?”. Đồng chí Vũ Kỳ trả lời: “Các bác sĩ lo cho sức khoẻ của Bác là điều tốt, tôi tán thành”.
Người lại nói: “Mình đã hút thuốc gần 50 năm, bỏ cũng được, nhưng bỏ thì vẫn ho chứ không phải là hết ho” và Người kể cho đồng chí Vũ Kỳ nghe một câu chuyện cười của Pháp là “bỏ thuốc rất dễ, có người bỏ hút thuốc 50 lần nhưng vẫn hút lại, tức là sau mỗi lần bỏ dễ bị hút lại. Nhưng bác sĩ yêu cầu thì nên thôi, chú quản cho Bác”.
Từ đó đồng chí Vũ Kỳ bỏ hộp thuốc vào túi, thỉnh thoảng đưa cho Người hút một điếu.
Việc bỏ thuốc lá của Hồ Chủ tịch không phải nói là chấm dứt ngay được mà phải trải qua một quá trình như khi làm bất cứ một việc gì. Đó là phải đặt ra kế hoạch, có quyết tâm và biện pháp thực hiện. Người nói: “Quyết tâm một, kế hoạch mười, thì biện pháp phải hai mươi, có như vậy mới thực hiện được và bỏ hút thuốc cũng vậy”.
Trong thời gian làm việc ở Phủ Chủ tịch, Người ở ba nơi: nhà sàn, nhà 54, nhà 67. Người bảo đồng chí Vũ Kỳ để ba lọ penixilin ở ba nơi làm việc.
Tuần thứ nhất, mỗi lần Người hút 2/3 điếu (một ngày nhiều nhất là 10 điếu), mỗi lần hút xong cho vào lọ pe-ni-xi-lin thì tắt luôn để nhìn thấy đúng 2/3 thì dừng lại không được hút nữa.
Tuần thứ hai, Người hút 1/2 điếu rồi bỏ vào lọ.
Tuần thứ ba, Người hút 1/3 điếu rồi bỏ vào lọ.
Đến tuần thứ tư, Người hút mấy hơi rồi bỏ vào lọ.
Theo lời kể của bác sĩ Lê Văn Mẫn (bác sĩ chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1967 đến năm 1969), hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Người thường nói. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của hội đồng thầy thuốc, Người có kế hoạch quyết tâm bỏ dần.
Người nói: Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này. Rồi Người tự đề ra chương trình bỏ thuốc lá dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Người làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung.
Tuổi Người đã cao mà phải làm như vậy thật quá vất vả. Việc tập một thói quen, rồi bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Người bảo đồng chí giúp việc để cho Người một vỏ lọ pe-ni-xi-lin ở nơi làm việc và ở phòng nghỉ.
Hút chừng nửa điếu Người dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành, anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Người bảo: “Nhưng hút thế để có cữ”. Với cách làm đó Người đã giảm từ cả bao xuống ba, bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Người hút thưa dần.
Đầu tháng 3-1968 nhân khi bị cảm ho nhẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự quyết định bỏ hẳn thuốc lá. Mấy ngày sau, anh em phục vụ vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Người suốt một tuần liền nhưng Người không dùng.
Trong một tuần thấy Người quyết tâm như vậy anh em cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người nói: “Bác đã bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá”. Sau này Người đã làm bài thơ Vô đề về việc Người bỏ thuốc lá như sau:
“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa xuân”.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện cho thấy quyết tâm đầy nghị lực của Bác trong việc bỏ hút thuốc lá, tuy rất khó khăn nhưng đã quyết tâm thì sẽ làm được.
* Bài học kinh nghiệm:
Thuốc lá gây ra nhiều tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nhận thức được tác hại của khói thuốc lá, thuốc lào. Tuyên truyền mọi người tuyệt đối không hút thuốc và tránh không để bản thân hít phải khói thuốc.
Cần giữ cho môi trường không khói thuốc lá, tích cực tham gia phong trào “công sở không khói thuốc” để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, người thân, đồng nghiệp.
23. Câu chuyện 23: Tấm lòng của Bác Hồ với chiến sĩ
* Nội dung câu chuyện:
Đối với chiến sĩ là những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác Hồ thường dành cho anh em sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo nhất.
Mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở rừng núi hay bưng biền, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sĩ.
Bác thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!”. “Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi!”.
Mùa hè năm ấy (1967), trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị toát mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay. Bác không cho dùng máy điều hòa nhiệt độ. Bác bảo: Mùi nó hôi lắm, Bác không chịu được! (Bác không dùng nên nói vậy thôi, chứ máy đã có nút xả thơm).
Thấy trời oi bức quá, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:
– Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được ? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.
Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đó có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm.
Trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ hỏi:
Các đồng chí có nước ngọt uống không?
Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt!
Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng:
Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!
Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu.
Tại sao Bác có tiền tiết kiệm? Lương Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả.
Tiền tiết kiệm của Bác là do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp tết Nguyên đán, Bác lại đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh Bác, mua lợn để đón Xuân.
Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:
Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 lạng vàng).
Bác bảo:
Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!
Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần!
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái, bao la, tình thương yêu vô bờ bến của Bác đối với các chiến sĩ, luôn nghĩ về mọi người, hết lòng vì cuộc sống của mọi người. Câu chuyện còn thể hiện đức tính cần, kiệm của Bác, tiết kiệm từ cái ăn, cái mặc, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày để giúp đở đồng bào trong lúc khó khăn
* Bài học kinh nghiệm:
Hội viên, phụ nữ phải rèn luyện đạo đức cách mạng, người cách mạng thì phải có đạo đức nếu có tài giỏi đến đâu mà không có đạo đức cũng không lãnh đạo được nhân dân cho nên việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh là một công việc cần thiết là tấm gương sáng, mẫu mực để con cháu noi theo.
Ngày nay, đất nước đang phát triển, đời sống vật chất – tinh thần của người dân tuy được nâng lên, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, do đó mỗi người chúng ta sống phải biết tiết kiệm để ổn định cuộc sống và giúp đở mọi người cùng nhau tiến bộ.
24. Câu chuyện 24: Kiên trì chống lại tuổi già và bệnh tật
* Nội dung câu chuyện:
Sang đến năm 1967, Bác Hồ của chúng ta đã già và yếu đi nhiều. Nhưng ngày ba bữa, Bác vẫn tự mình từ nhà sàn, đi bộ đến nhà ăn. Một phần, không muốn phiền anh em phục vụ, phần nữa, Bác muốn đặt ra cho mình một kỷ luật, buộc mình phải vận động, rèn luyện, chống lại suy yếu của tuổi già.
Các đồng chí phục vụ Bác rất áy náy. Phần thương Bác vất vả, ngày nắng, còn ngày mưa; phần lo Bác già yếu, chẳng may vấp ngã, nếu có chuyện gì thì ảnh hưởng lớn đến công việc của đất nước và của Đảng.
Ngày đó, con đường quanh ao cá chưa được tôn tạo như hiện nay. Sau những trận mưa to, đường đi còn ngập nước. Nhưng đến giờ ăn, dù đang còn mưa, Bác vẫn xắn quần quá đầu gối, cầm ô, cùng đồng chí bảo vệ, lội nước đi sang nhà ăn. Nhìn ống chân Bác gầy gò, nổi gân xanh, anh em thương Bác, trào nước mắt, nhưng không sao thuyết phục được Bác cho phép dọn cơm bên nhà sàn.
Bác nói:
Các chú muốn chỉ một người vất vả hay muốn cho nhiều người cũng phải vất vả vì Bác.
Có hôm, buổi sớm, Bác vào thay quần áo xong, đến bữa, gặp trời mưa, Bác không muốn các đồng chí phục vụ phải giặt nhiều, Bác cởi quần dài, gập lại, cắp nách, sang đến nơi mới mặc vào. Bác coi mình cũng chỉ là một người phục vụ và xem các đồng chí phục vụ cũng như mình nên không muốn làm phiền ai.
Tuy vậy, các đồng chí phục vụ Bác vẫn cố gắng tìm mọi cách để có thể thay đổi tình hình ấy.
Một hôm, Bác cho gọi chị Trần Thị Lý, người con gái miền Nam vào ăn cơm với Bác. Bác mời vào ngày Chủ nhật, nhưng hôm đó đồng chí Lý lại đi vắng thành ra hôm sau (3-7-1967) chị mới vào được.
Hôm đó, trời mưa rất to. Đồng chí Vũ Kỳ cho dọn cơm ngay bên dưới nhà sàn để Bác ăn cùng chị Lý. Thương chị Lý thương tật, đau yếu, đường mưa trơn, đi lại khó khăn, lần đầu tiên, bữa đó Bác Hồ đồng ý ở lại ăn cơm dưới nhà sàn.
Hôm sau, các đồng chí phục vụ lại dọn cơm dưới nhà sàn, mời Bác ăn, coi như đã có một tiền lệ và không thỉnh thị Bác. Nhưng Bác đã cho gọi đồng chí Vũ Kỳ đến và phê bình:
Các chú muốn để Bác hư thân đi có phải không?
Ý Bác đã rõ ràng. Bác muốn mỗi ngày ba bận, mỗi bữa ăn, đi vòng quanh hồ một lần, như một kỷ luật bắt buộc phải rèn luyện đối với mình.
Tuổi già, cũng như trẻ thơ, đều muốn được chiều chuộng. Bác biết: Nếu dễ dãi với mình và để cho người khác dễ dãi với mình, dần dần sẽ hư thân đi.
Không ai sinh ra đã thành lãnh tụ. Muốn trở thành vĩ nhân, phải có chí rèn luyện. Làm Chủ tịch nước rồi, trở thành lãnh tụ kính yêu của cả giai cấp và dân tộc rồi, Bác Hồ vẫn không ngừng rèn luyện. Vì vậy, ở vị trí càng cao, càng nổi tiếng, tinh hoa, phẩm chất, đạo đức của Bác càng sáng, càng trong.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện nói lên ý chí nghị lực vượt khó phi thường của Bác Hồ, dù ở tuổi cao sức yếu nhưng người vẫn kiên trì luyện tập chống lại tuổi già và bệnh để có sức khỏe tốt phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn thế nữa và nhiều hơn thế nữa.
*Bài học kinh nghiệm:
Phải có lối sống giản dị, gần gũi dễ thông cảm, luôn quan tâm đến mọi người, luôn “Vì mọi người” không muốn mọi người vì mình, việc gì làm được thì hãy tự làm không nên phiền hà đến người khác. Trong cuộc sống luôn tôn trọng và quan tâm đến mọi người, yêu thương con người, đó là đức tính đáng quý chị em phụ nữ cần phải học tập ở Bác.
Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người chúng ta ai cũng mong muốn có sức khỏe tốt. Vì vậy mỗi chúng ta cần siêng năng rèn luyện thể dục thể thao để có sức khỏe tốt, tích cực tham gia học tập, lao động, sản xuất đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
25. Câu chuyện 25: Bác Hồ tăng gia sản xuất với chiến sĩ
* Nội dung câu chuyện:
Mùa đông năm 1952, lúc đó tôi đang công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng. Trụ sở cơ quan đóng tại đèo Re (núi Rồng). Cơ quan Phủ Chủ tịch cũng ở sát ngay cạnh đó. Sau Hội nghị chính quyền lần thứ 5 (tháng 3-1952), Chính phủ đã phát động phong trào tăng gia, sản xuất, tiết kiệm trong toàn quốc.
Ở Trung ương, cơ quan này thi đua tăng gia với cơ quan khác. Vì hai cơ quan gần nhau, tôi được công đoàn cử ra thi đua với cơ quan bên Phủ Chủ tịch. Bên Văn phòng Phủ Chủ tịch lại cử Bác là đại diện cá nhân thi đua tăng gia với cơ quan Văn phòng Trung ương.
Buổi lễ phát động thi đua diễn ra thật sôi nổi. Tôi đang sức trẻ nên thay mặt anh em đứng lên thách thức thi đua: Cùng một khoảng đất như nhau 36m2, trong một thời gian nhất định, tôi xin trồng rau ăn với sản lượng cao nhất.
Bác cũng đứng lên: Bác nhận thách thức thi đua tăng gia với chú Thông, với mảnh đất 36m2 trong một thời gian bằng nhau, đạt sản lượng rau nhiều hơn chú Thông. Mọi người vỗ tay hoan hô. Một số đồng chí xì xào: một cuộc thi đua không cân sức.
Bác vừa già, vừa bận nhiều việc, địch sao được với cậu Thông khỏe như voi, trồng rau đã quen. Có người nêu: “Giải thưởng thi đua là một con gà trống 2 kg”. Mọi người lại hoan hô tán thưởng. Mấy đồng chí ở Văn phòng Trung ương nói to: “Nhất định chuyến này chúng ta được ăn thịt gà của Phủ Chủ tịch”.
Bác nói vui: “Các chú muốn ăn gà của Chủ tịch thì phải tích cực tăng gia để có nhiều rau xanh cung cấp cho nhà bếp cơ quan”.
Tôi về suy nghĩ: để chắc ăn và có năng suất cao thì trồng cải củ, vì cải củ ở vùng này củ rất to, rất nặng. Tôi trao đổi với anh em công đoàn, mọi người ủng hộ, cho là sáng kiến.
Sau một tuần, tôi đã làm đất và trồng xong 36m2 cải củ. Ngay sát mảnh đất của tôi, Bác và anh em bên Phủ Chủ tịch làm rất kỹ, đất nhỏ, mịn và sạch cỏ. Hơn một tuần thì Bác gieo hạt cải mào gà (cải xanh lá xoan).
Anh em Văn phòng Phủ Chủ tịch làm chỗ đi tiểu gần nhà và mua một nồi hông lớn để hứng nước tiểu. Phía Văn phòng Trung ương tôi cũng huy động anh em làm nhà tiêu để lấy phân bón.
Sau một tuần các cây cải mọc đều và đẹp. Bác lấy nước tiểu pha loãng tưới. Còn tôi lấy phân bắc tươi hòa ra tưới. Mỗi lần tưới cả cơ quan bịt mũi.
Sau một tháng, hai vạt rau tốt ngang nhau. Nhiều người ủng hộ tôi cho rằng tôi sẽ thắng vì củ cải lớn rất nhanh.
Một hôm Bác nhổ rau bán cho nhà bếp chỉ được 15kg. Bác để lại những cây to, khỏe, mỗi cây cách nhau chừng hai gang. Một số anh em lo lắng vì thấy vườn rau Bác nhổ đi xơ xác mà chỉ được có 15kg rau cải con. Ba buổi chiều liền, sau giờ làm việc Bác đều ra vườn dùng chiếc dầm xới đất cho cải và tưới nước giải đều.
Sau hai tháng 10 ngày thì củ cải của tôi đã to bằng bắp tay và có cây đã có nụ. Tôi nhổ và cân cho nhà bếp được 60kg. Tôi vui mừng vì thắng lợi. Nhưng cũng lúc đó, cây cải mào gà của Bác đã to bằng cái nơm, cứ 5 ngày một lần Bác tỉa tàu cân cho nhà bếp khoảng 10kg. Kỳ lạ thay cải mào gà càng tỉa cây càng lớn, tàu càng to và càng trẻ lâu.
Sau 2 tháng rưỡi cải mới có ngồng. Lúc đó Bác nhổ cả cây cho nhà bếp muối dưa. Bác còn đem biếu cụ già dân tộc gần đó 2 cây rất to làm giống. Cụ già sung sướng khoe với mọi người: “Rau cải Cụ Hồ tốt thật”.
Mở sổ nhà bếp ra cộng
- Cải con: 15kg
- Tàu cải canh: 14 lần x 10kg = 140kg
- Cây cải làm dưa nén: 20kg
Cộng: 175kg
Vậy tôi thua đã rõ ràng. Công đoàn Văn phòng Trung ương phải nộp con gà trống nuôi được cho công đoàn Văn phòng Phủ Chủ tịch. Nhờ có rau tăng gia mà cả mùa đông nhà bếp đủ rau nấu, không phải ra dân mua. Buổi tổng kết thật vui vẻ.
Tôi đứng dậy xin nhận thua. Bác nói chuyện với anh em: khi tăng gia, các cô, các chú phải lưu ý bốn điều kiện: giống, cần, phân, nước.
- Giống: nên chọn loại rau trồng một lần, ăn nhiều lần, củ cải dễ trồng, năng suất cao, nhưng chỉ được ăn một lần thì không bằng cải mào gà, trẻ lâu, tỉa ăn được nhiều lần.
- Cần: người trồng rau phải chăm chỉ, chọn đúng thời vụ trồng loại rau cho hợp khí hậu, rau mới tốt. Vun xới phải đúng cách. Cải mào gà khi tốt cứ 10 ngày xới một lần cho rễ con đứt, chúng ra nhiều nhánh rễ hơn và hút được nhiều phân bón, muối khoáng trong đất.
- Phân: phải chọn loại phân bón thích hợp. Cải canh rất hợp nước tiểu pha loãng. Thứ phân tươi chú Thông bón cũng tốt đấy nhưng mất vệ sinh lắm.
- Nước: phải tưới đều và tưới đủ độ ẩm rau mới trẻ lâu và xanh tốt.
Lần ấy thua Bác, tôi hết chủ quan và rút được bài học mới về tăng gia.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện cho chúng ta thấy, khi làm việc gì cũng không được chủ quan trong quá trình sản xuất, phải dựa vào đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể, không vội vàng, có kế hoạch canh tác cụ thể, ngoài ra cần phải cần cù chăm chỉ thì mới đạt năng suất, hiệu quả cao.
*Bài học kinh nghiệm:
Trong công việc, cán bộ, đảng viên mỗi khi muốn làm bất cứ việc gì dù nhỏ hay lớn cũng không được chủ quan, phải luôn bám sát thực tế, gần gũi với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân để có kế hoạch cụ thể cho từng công việc nhằm phục vụ tốt cho nhân dân. Thường xuyên nghiên cứu đổi mới phương pháp làm việc để đạt hiệu quả, năng suất cao.
26. Câu chuyện 26: Trường học của Bác Hồ
* Nội dung câu chuyện:
Có lần nhân câu chuyện kể với các bạn trẻ trong khu Phủ Chủ tịch, Bác nói:
“Các cô, các chú bây giờ đi học có trường, có bàn ghế, có cô thầy, bạn bè, sách vở, giấy bút, có giờ giấc đàng hoàng. Tối đến có đèn điện, thế mà học một năm không lên được một lớp là không đúng.
Ngày xưa, lúc Bác đang tuổi các cô, các chú thì tất cả bàn ghế, thầy, bạn, sách vở, giấy bút chỉ có trong bàn tay này thôi”.
Bác giơ bàn tay trái lên nói tiếp:
“Hồi ấy Bác làm bồi tàu, là người quét tuyết ở Anh, rồi đi làm phụ bếp. Làm việc từ sáng đến tối, suốt ngày không được cầm đến tờ báo mà xem. Đến đêm mới hết việc, mới được đọc sách, đọc báo. Ban ngày muốn học chỉ có một cách là viết chữ lên mảnh da tay này.
Cứ mỗi buổi sáng viết mấy chữ, rồi đi cọ sàn tàu, cọ thùng, đánh nồi, rửa bát, thái thịt, băm rau, vừa làm vừa nhìn vào da bàn tay mà học. Hết ngày, người thì mồ hôi đầm đìa, chữ cũng mờ đi, cuối buổi đi tắm mới xóa được chữ ấy đi. Coi như đã thuộc. Sáng mai lại ghi chữ mới”.
Sách “Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta” gồm nhiều hồi ký của các bạn Pháp viết, Nhà xuất bản Xã hội Paris in năm 1970, có trích một đoạn Bác trả lời phóng viên A.Kan (báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp) như sau:
“Tôi không có hạnh phúc được theo học ở trường đại học. Nhưng cuộc sống đã cho tôi cơ hội học lịch sử, khoa học xã hội và ngay cả khoa học quân sự. Phải yêu cái gì? Phải ghét cái gì? Cũng như tôi, tất cả người Việt Nam cần phải yêu độc lập, lao động, Tổ quốc”. (tr. 203)…
“Tất nhiên không phải riêng tôi mà toàn thế giới đều kính trọng những nhà báo chân chính. Tôi cũng có thời gian học làm báo, cũng có thời gian tôi bỏ ngòi bút, cầm súng để chống lại kẻ thù, chống lại chủ nghĩa thực dân. Khi tôi còn ở Pháp, khi còn biết ít tiếng Pháp tôi đã là Tổng biên tập, biên tập và phát hành cả một tờ báo”. (tr. 202)
Bác thường nói với cán bộ:“Học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một cái chìa khóa để mở thêm một kho tàng tri thức. Việc học là việc suốt đời”.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Nội dung câu chuyện là những lời dạy có ý nghĩa thiết thực đối với thế hệ hôm nay và mai sau, Bác không phô trương thành quả mà Bác đạt được, hay giáo dục bằng hình thức cầu kỳ, xa xôi nào, Bác đã tác động vào tâm lý các bạn trẻ bằng lời tâm tình, dễ tiếp thu, giúp các bạn trẻ nhận thức được cần phải có ý chí, nghị lực tinh thần để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Bác đã khơi dậy lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần hiếu học, lòng yêu nước nồng nàn.
* Bài học kinh nghiệm:
Qua câu chuyện kể, cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc học tập, dù ở cương vị nào, lứa tuổi nào, thời đại nào thì việc học cũng rất cần thiết, phải học tập để nâng cao trình độ, kiến thức cho bản thân, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển.
27. Câu chuyện 27: Ngân hàng nhà nước phục vụ ai
* Nội dung câu chuyện:
Một ngày trong năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công nhân, cán bộ nhà máy dệt Nam Định. Mọi người trong phân xưởng đều làm việc. Chủ tịch đi qua một phòng thấy có ba người ngồi. Bác hỏi:
Các cô, chú làm gì đấy?
Anh Đoàn Duy Bảo đứng lên thưa:
Dạ, thưa Bác, đây là bàn tiết kiệm của ngân hàng đặt tại nhà máy.
Bác cầm một quyển sổ lên, hỏi:
Nhà máy có bao nhiêu người gửi tiền tiết kiệm?
Anh Bảo thưa:
Dạ, có tám mươi phần trăm người gửi ạ.
Bác gặng:
Thế còn hai mươi phần trăm nữa thì sao?
Anh Bảo báo cáo:
Dạ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thấy cán bộ ngân hàng trả lời chưa đúng vào câu hỏi có lẽ khó, Bác tìm hiểu sang vấn đề khác.
Mỗi lần được gửi bao nhiêu?
Dạ, gửi từ một đồng trở lên ạ.
Bác hỏi:
Thế Bác có một hào, có gửi được không?
Tất cả, từ Giám đốc nhà máy, Bí thư, cán bộ ngân hàng, quỹ tiết kiệm đều không trả lời được…
Cho đến năm 1996, nhân dịp kỷ niệm “45 năm mùa sen nở” của ngành Ngân hàng, anh Bảo bây giờ đã thành ông cụ Bảo mới nói với cán bộ ngân hàng trẻ rằng:
“Mãi về sau tôi mới hiểu ra rằng Ngân hàng Nhà nước ta là Ngân hàng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên trước hết phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo, lo cho người nghèo có vốn để sống, để làm kinh tế, để có tiền gửi Ngân hàng, để nuôi Ngân hàng và phải tạo mọi điều kiện có thể để thu hút được nhiều tiền tiết kiệm, chẳng hạn sẵn sàng nhận gửi, dù là một lần nhận gửi với số tiền rất ít…
Một câu hỏi mà hơn một phần tư thế kỷ tự tôi mới tìm ra được ý nghĩa của câu trả lời.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện kể cho thấy Ngân hàng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện nhiệm vụ ưu đãi cho người nghèo, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
* Bài học kinh nghiệm:
Ngân hàng Nhà nước ta là Ngân hàng của dân, do dân và vì dân phục vụ, hỗ trợ người nghèo vay vốn, vận động gửi tiền tiết kiệm, thành lập các tổ tiết kiệm, tư vấn và hướng dẫn phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng gia đình, sử dụng vốn vay có hiệu quả, tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình
28. Câu chuyện 28: Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh liệt sĩ
* Nội dung câu chuyện:
Ngày 10-3-1946 Báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam bộ. Trong thư có đoạn Người viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh, chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.
Tiếp sau đó, trong Thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.
Hơn nửa tháng sau khi đi Pháp về, ngày 7-11-1946, Người đã đến dự lễ “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.
Cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam, nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dù anh, chị em tình nguyện chịu đựng không kêu ca, phàn nàn.
Trước tình hình ấy, tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm ngày “Thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Có lẽ, trừ những ngày kỷ niệm quốc tế – “Ngày thương binh” là ngày kỷ niệm trong nước đầu tiên được tổ chức.
Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm là ngày thương binh, liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.
Báo Vệ quốc dân số 11, ra ngày 27-7-1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”.
Đầu thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.127 đồng để tặng thương binh.
Năm sau, ngày 27-7-1948, trong một lá thư dài đầy tình thương yêu, Bác nói:
“Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.
Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Mẫu chuyện cho thấy sự kính trọng, tình thương yêu sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc mà Bác Hồ đã dành cho các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh.
* Bài học kinh nghiệm:
Với tấm lòng chân thành, sự mẫu mực trong đời sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương sáng về hành vi, cách ứng xử, thể hiện tình cảm sâu sắc, lòng kính trọng và tôn vinh tinh thần cống hiến hy sinh của thương binh, liệt sĩ. Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, sức thuyết phục mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân.
Ngày nay, hội viên phụ nữ cần tiếp tục thực hiện và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tạo niềm tin cho các đối tượng chính sách thấy được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước về những gì mình đã đóng góp, làm tăng thêm ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
29. Câu chuyện 29: Dù tá hay tướng đều phải lo phục vụ nhân dân
* Nội dung câu chuyện:
Một người Mỹ mang hàm thiếu tá tên là Tômát làm tham mưu trưởng đại đội. Tôi thưa với Bác là nếu thiếu tá làm tham mưu trưởng, thì đại đội trưởng gọi là cấp gì, nào ngờ nét mặt Bác nghiêm lại. Bác bảo: Chú phải lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, dù tá hay tướng, đã là một chiến sĩ cách mạng cũng đều lo phục vụ nhân dân cho tốt cả.
Vào khoảng tháng 7 năm 1944, một máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi ở Hòa An, Cao Bằng. Phi công Mỹ nhảy dù rơi xuống cánh rừng đã bị du kích địa phương bắt.
Lúc này, Mỹ ở trong phe Đồng minh chống phát xít. Phi công Mỹ được đưa đến chỗ chúng tôi. Bác gọi tôi đến, chỉ thị:
Tuy ta còn thiếu thốn, nhưng các chú cố gắng cho anh ta ăn uống tương đối, cư xử tử tế, nhân đạo để họ hiểu ta.
Vâng lệnh Bác, chúng tôi đã làm như vậy. Phi công Mỹ được ăn với khẩu phần còn hơn cả chúng tôi.
Sau đó mấy ngày, Bác cho đưa anh ta đến gặp Bác. Bác hỏi chuyện bằng tiếng Anh. Người phi công vô cùng ngạc nhiên, trố mắt nhìn Bác đầy vẻ kính phục, không sao hiểu nổi ở chốn rừng núi này lại gặp được một ông già gầy guộc, mặc áo chàm với đôi mắt rực sáng lại nói tiếng Anh rất thành thạo, am hiểu phong tục nước Mỹ.
Sao (Shaw) – tên người phi công, tha thiết xin được thả về Bộ Chỉ huy Mỹ đang đóng trên đất Trung Quốc, dù có phải tốn chi phí đến bao nhiêu khi về nước cũng xin Chính phủ Mỹ và gia đình lo chịu.
Bác mỉm cười và giải thích thêm:
Các anh trong quân đội Đồng minh, cùng chung một mục đích chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình thế giới. Chúng tôi cư xử với anh như thế này là thể hiện những cam kết thiện chí chứ không phải dùng anh vào mục đích kiếm lợi.
Sao đã hiểu và càng kính phục, tin tưởng Bác. Sau đó, chính anh ta đã được Bác cho theo sang Côn Minh, trao lại cho Bộ Tư lệnh Mỹ.
Bác ở Trung Quốc về được một thời gian, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ điện cho Bác, xin được cử người sang để hợp tác bằng cách họ sẽ cho người nhảy dù xuống căn cứ Tân Trào.
Tôi lại được Bác giao nhiệm vụ đón 5 người Mỹ này. Chúng tôi đốt lửa làm ám hiệu cho máy bay biết mục tiêu. Khi họ nhảy dù xuống, chúng tôi tập hợp bộ đội hoan hô họ. Họ rất cảm động trước việc làm đó của ta.
Sau khi tiếp nhận 5 nhân viên tình báo quân sự Mỹ, họ đều được Bác giao nhiệm vụ.
Bác chỉ thị thành lập đại đội Việt – Mỹ và chỉ thị tôi làm đại đội trưởng.
Một người Mỹ mang hàm thiếu tá tên là Tômát làm tham mưu trưởng đại đội. Lúc đó, tôi còn nhớ là tôi rất tự hào. Tôi thưa với Bác là nếu thiếu tá làm tham mưu trưởng, thì đại đội trưởng gọi là cấp gì, nào ngờ nét mặt Bác nghiêm lại. Bác bảo:
Chú phải lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, dù tá hay tướng, đã là một chiến sĩ cách mạng cũng đều lo phục vụ nhân dân cho tốt cả.
Từ bấy đến nay tôi luôn luôn nhớ lời dạy ấy.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Mẫu chuyện cho chúng ta lời dạy thấm thía của Bác, trong cuộc sống, trong công việc dù chúng ta có ở vị trí nào thì trước hết phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phải nghỉ đến lợi ích của dân.
* Bài học kinh nghiệm:
Ngày nay, cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực học tập, nâng cao trình độ, phải luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đạo đức cách mạng là gốc, dù ở vị trí nào cũng phải tận tụy vì công việc, vì nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng phải làm, đem lại lợi ích cho dân, tất cả vì nhân dân.
30. Câu chuyện 30: Nâng niu tất cả chỉ quên mình
* Nội dung câu chuyện:
Đến tháng 8 năm 1969 thì bệnh tình của Bác ngày một nặng thêm. Khi phát hiện triệu chứng tim tưới máu não không đều, các bác sĩ đề nghị Bác không lên xuống cầu thang và ở nhà sàn nữa.
Vậy là có dấu hiệu nghiêm trọng về tình hình sức khoẻ của người; tuy thế Bác vẫn chưa ngừng làm việc. Mặc dù đang phải trải qua những cơn đau dữ dội, nhưng hai tay Bác vẫn để trên bụng, bình thản đến kỳ lạ.
Năm ấy, nước các triền sông dâng to, Bác nằm đó mà vẫn như lắng nghe nước các dòng sông xa gần chảy xiết. Nếu không vì ốm đau thì Bác đã đến tận nơi xung yếu như những mùa trước đó. Sợ con lũ có đột biến bất thường, Trung ương mời Bác lên An toàn khu, nhưng Bác bảo: “Bác không thể xa dân”.
Và Bác chỉ yên lòng khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo việc phân lũ cứu dân đã được tiến hành khẩn trương, chu đáo. Mỗi lần tỉnh dậy, câu đầu tiên Bác hỏi: – Mực nước sông Hồng đã rút chưa?
Hàng ngày Người vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị đến báo cáo công việc ở hậu phương và tiền tuyến, Bác vẫn đọc sách báo, bản tin và ghi lại bút tích ở những bài Bác quan tâm.
Bác bảo đồng chí phục vụ: đánh dấu nét chì đỏ ở bài: “Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được” đăng trên báo Thống nhất, và khoanh tròn chữ “Ních – xơn hoãn rút quân”…
Trong cuốn sổ tay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi rõ từ ngày 24/8 trở đi, Bác mệt nặng. Mặc dù ốm mệt, Bác vẫn rất quan tâm tình hình đất nước. Khi tỉnh lại, Bác hỏi: “Hôm nay miền Nam đánh thắng đâu?” và Đại tướng đã trả lời: “Xin Bác yên tâm chữa bệnh cho khoẻ…để rồi được báo cáo tỉ mỉ với Bác về chiến sự ở miền Nam”.
Ngày 26/8, sức khoẻ của Người diễn biến phức tạp, Hội đồng giáo sư, bác sĩ và các y tá của Viện Quân y 108 thường xuyên túc trực bên người để chăm sóc, theo dõi diễn biến sức khoẻ.
Khi tỉnh dậy, Người nói muốn được nghe một khúc dân ca. Cô y tá Ngô Thị Oanh có mặt lúc đó đã hát “Bài ca người chiến sĩ quân y” theo làn điệu dân ca, mà sau này nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết: “Người muốn đem đến tận vô cùng bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông”.`
Ngày 29/8, buổi chiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Người. Vừa tỉnh lại, Người hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe Thủ tướng báo cáo, Người dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”.
Dù cuộc sống chỉ còn trong gang tấc, Bác vẫn muốn ra dự lễ, gặp đồng bào 5 – 10 phút để đồng bào đỡ lo. Bác đã trao đổi với đồng chí Lê Văn Lương và đồng chí Vũ Kỳ rất cụ thể: “Bác sẽ buộc khăn che cổ, Bác ra ngồi sẵn trong đoàn Chủ tịch rồi mới kéo màn che của hội trường và bắt đầu cuộc mít tinh.
Bác sẽ nói thế nào để đồng bào không biết là Bác đau” (nhưng rồi Quốc khánh năm đó, trên lễ đài vắng Bác).
Vẫn như thường lệ, vào ngày đầu tháng, giờ đầu, Bác dành thời gian để nghe Ban Tuyên huấn báo cáo về gương “Người tốt, việc tốt”. Hôm 31/8, sau khi dứt cơn mê, Bác gọi đồng chí phục vụ, nói: – Mai là ngày đầu tháng, chú nhớ nhắc chú Hà Huy Giáp đến báo cáo cho Bác nghe gương “Người tốt, việc tốt”.
Bác gửi thưởng huy hiệu của Người cho 7 thiếu niên dũng cảm, thật thà, nhặt được của rơi đem trả lại người đánh mất, dũng cảm lao xuống sông cứu người bị nạn.
Bác gửi lẵng hoa tặng các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 khi được nghe báo cáo các chiến sĩ đã bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ. Ngày 01/9 năm đó, kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bác gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ Hà Nội.
Trong những ngày đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định điều động thêm một số cán bộ, nhân viên y tế giỏi của các bệnh viện lớn cùng một số thiết bị hiện đại đến cứu chữa cho Bác.
Tỉnh dậy, thấy có mấy nữ y tá ở cạnh, Bác hỏi đồng chí phục vụ: Những ai thế chú?
Thưa Bác, đó là các đồng chí nữ y tá của bệnh viện 108 quân đội được điều động đến để phục vụ Bác.
Lần trước, Bộ Chính trị cũng điều động đến một bác sĩ. Khi xin ý kiến, Bác nói:
Các chú biết đấy, người già thường khó tính, mà người già có bệnh tật lại càng khó tính hơn. Các chú hỏi xem đồng chí ấy có đồng ý vào đây không?
Lần này, các cô y tá vào lúc Bác mệt nặng. Nghe đồng chí phục vụ nói xong, Bác chậm rãi:
Các cháu còn trẻ, đang tuổi ăn ngủ. Bác biết các cháu rất thương Bác, nhưng không nên để các cháu ở đây, các cháu gái là dễ xúc động lắm.
Thoáng nhìn thấy những bông hồng cắm trong lọ để trên tủ nhỏ ở đầu giường, Bác hỏi đồng chí phục vụ:
Hoa trong vườn phải không? Nếu còn, chú hái vào tặng các cháu gái.
Khi đồng chí phục vụ ra vườn hái hoa cầm vào, Bác liền bảo: Bác đang mệt, chú thay mặt Bác tặng mỗi cháu một bông hồng.
Các nữ y tá chiến sĩ được vào phục vụ Bác Hồ đã là một vinh dự rồi. Vinh dự lớn hơn là các cô lại được Bác tặng hoa lấy trong vườn Phủ Chủ tịch. Tất cả các cô đều nhòa nước mắt, lặng yên, bởi trong lúc đang chống chọi với những cơn đau, Bác Hồ không nghĩ về mình mà còn lo cho cả miền Nam, cho hạnh phúc của nhân dân và cho niềm vui của mọi người.
Những người được chứng kiến những giây phút Bác trở bệnh đã không cầm được nước mắt khi nghe người nói:
“Quê mình ở Nam đàn, Nghệ An nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước. ở những nơi như Huế, Phan Thiết, Sài Gòn… trước lúc đi ra nước ngoài, mình dã từng sống và đã đi đến nơi, nhưng chưa về đến chốn”.
Cái chốn mà cả cha và mẹ Người đều trút hơi thở cuối cùng. Người đề nghị cho người uống chút nước dừa. Như hiểu được lòng của Bác, những người phục vụ đã ra hai cây dừa trước nhà sàn, đó là hai cây dừa giống miền Nam, hàng ngày Bác vẫn chăm sóc, lấy ở mỗi cây một trái, bổ ra lấy nước mời Bác uống.
Bác đã nhấp một chút nước dừa để coi như được mang theo mình vào cõi trường sinh sự “Nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”.
Ngày 02/9/1969, bệnh của Người diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng. 9 giờ 47 phút, Người qua đời sau một cơn đau tim đột ngột rất nặng và đến lúc này, Người mới thật sự ngừng cống hiến sức lực, trí tuệ, cuộc đời mình cho Đảng, cho dân, cho nhân loại.
Trong Di chúc Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân còn ghi: “Suốt đời tôi phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
* Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện để lại cho chúng ta sự kính phục nhân cách của Người, dâng cả cuộc đời cho dân tộc, đến những phút cuối cuộc đời Bác cũng chỉ lo do dân, cho nước.
* Bài học kinh nghiệm:
Tấm lòng vì dân, vì nước của Bác đáng cho chúng ta cảm phục, là bài học quý báu cho mọi người học tập và noi theo, trong công việc cũng như trong cuộc sống phải biết yêu thương đồng chí, đồng bào, sống có nghĩa có tình, gạt bỏ lợi ích riêng, tất cả vì lợi ích chung, cống hiến sức lực, trí tuệ vì dân, vì nước trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào.
Nguồn: Phụ nữ Trà Vinh