Nhiều người sinh ra và lớn lên không may khi cơ thể bị khuyết tật. Trong hoàn cảnh đó, có người thì buông xuôi số phận, mặc cảm với mọi người xung quanh nhưng trái lại có rất nhiều người đã không chịu đầu hàng số phận, từ bi quan họ vươn lên thành những con người có ích cho xã hội. Cùng điểm qua những tấm gương người khuyết tật tiêu biểu nhất của Việt Nam bằng nghị lực và tài năng đã khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.
Hiệp sĩ công nghệ thông tin – Nguyễn Công Hùng
Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 2 tuổi, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng mắc phải một căn bệnh khiến anh bị bại liệt toàn thân, từ đó thường xuyên phải điều trị trong bệnh viện. Thương cha mẹ vất vả, bằng nghị lực cùng sự thông minh, năm 2003, anh đã thành lập Trung tâm Nghị lực sống. nhằm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Từ những đóng góp và cống hiến không biết mệt mỏi, anh đã được Tạp chí eChip trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin cùng nhiều danh hiệu khác do Nhà nước trao thưởng. Cuối năm 2012, trên đường vào Vĩnh Long, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đã đột ngột qua đời.
Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng
Nguyễn Sơn Lâm – chinh phục Phan xi păng bằng nạng gỗ
Quê ở Quảng Ninh, ngay từ khi sinh ra, do ảnh hưởng của chất độc màu da cam để lại sau chiến tranh, anh đã bị dị tật ở hệ xương khiến chân tay mềm yếu. Khi các bạn cùng trang lứa bắt đầu đi học mẫu giáo làm quen với con chữ thì Lâm lại phải ở nhà vì sức khỏe không đáp ứng được. Thương con không được như bạn bè, mẹ của anh đã sưu tầm sách báo, những câu chuyện nói về tấm gương vượt khó vươn lên để kể cho anh nghe. Có được nguồn động viên lớn lao từ người mẹ, Nguyễn Sơn Lâm đã từng ngày xua tan mặc cảm tật nguyền. Hết lớp 12, anh thi đỗ liền 2 trường đại học. Hiện nay, anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Đào tạo Tỏa sáng đồng thời là một diễn giả chuyên nghiệp. Không chỉ vậy, là một người niềm đam mê ngoại ngữ, anh có thể nói thành thạo 3 thứ tiếng Anh, Nhật, Pháp. Đặc biệt, với cơ thể chưa đầy 27kg và cao khoảng 90cm, vào tháng 10/2011, anh là người đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Phan xi păng – nóc nhà Đông Dương bằng nạng gỗ.
Nguyễn Sơn Lâm – chinh phục Phan xi păng bằng nạng gỗ
Cô gái “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Anh
Tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s got talent 2011), cô gái xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh đã bất ngờ lọt vào vòng chung kết và được đông đảo mọi người biết tới. Dù không đoạt giải nhưng hình ảnh cô gái có thân hình nhỏ bé với nghị lực phi thường đã khiến nhiều khán giả thán phục. Ngoài ra, cô cũng từng đạt giải nhì trong một cuộc thi hát tiếng anh. Hiện nay, Phương Anh đang theo học tại trường THPT Việt Đức, dù mang trong mình căn bệnh quái ác, nhưng không vì thế mà cô sống khép mình hay tủi thân trái lại rất hòa đồng tham gia vào rất nhiều các hoạt động cùng bạn bè. Câu chuyện về nghị lực của cô gái xương thủy tinh như một tấm gương để các bạn trẻ thêm tin yêu và lạc quan trong cuộc sống.
Cô gái “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Anh
Linh Chi: “Nick Vujicic” Việt Nam
Xuất hiện trong sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam giao lưu, cô bé Nguyễn Linh Chi, quê ở Yên Bái được nhiều người chú ý và gọi bằng cái tên đặc biệt “Nick Vujicic” Việt Nam. Ngay từ khi lọt lòng, bị ảnh hưởng của chất độc da cam, cô bé Linh Chi sinh ra không có chân tay. Vượt lên trên nỗi đau và số phận nghiệt ngã, cùng tình yêu thương của cha mẹ, mọi người trong gia đình, Linh Chi đã cố gắng để có thể tự lập trong cuộc sống. Sau những ngày tháng khổ luyện tập đi trên hai ống inox, bây giờ Linh Chi cũng đã cầm được đồ vật hay rót nước uống. Đặc biệt hơn, Chi cũng đã thành thạo trong việc đọc và tập viết bằng cách kẹp vào cằm. Trở thành tấm gương tiêu biểu về nghị lực sống và tinh thần hiếu học, vừa qua Linh Chi đã xứng đáng được nhận học bổng.
Linh Chi: “Nick Vujicic” Việt Nam
Trần Trà My: Nhà văn của nghị lực
Trà My sinh ra và lớn lên tại Đông Hà, Quảng Trị, ngay từ bé Trà My đã từng phải trải qua một ca đại phẫu thuật không thành công để lại biến chứng khiến đôi chân bị bại liệt, chỉ có thể nằm một chỗ và ú ớ nói không thành lời. Không chịu buông xuôi, sau thời gian dài tập luyện vất vả, sự cố gắng, động viên của người thân, cùng niềm đam mê với tình yêu văn chương, giờ đây chị đã trở thành một nhà văn. Là cây bút quen thuộc với khá nhiều độc giả qua những tập truyện ngắn như Yêu… trên từng ngón tay, Giấc mơ đôi chân thiên thần… tất cả đều tràn đầy tình yêu vào cuộc sống và niềm tin mãnh liệt ở tương lai. Ngoài việc sáng tác, Trà My cũng rất hay tham gia tình nguyện, để hỗ trợ những bạn khuyết tật có đam mê và khát vọng sống hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Trần Trà My: Nhà văn của nghị lực
Hiệp sĩ Nguyễn Thảo Vân
Là em gái của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, ngay từ nhỏ Vân đã phải ngồi xe lăn do bị liệt cả tay và chân. Bằng tinh thần mạnh mẽ, Vân đã khiến nhiều người phải nể phục qua thành tích học tập và một số danh hiệu như giải nhất cờ vua, học sinh giỏi môn anh văn. Tiếp bước anh trai, năm 2006, Thảo Vân cùng sự hỗ trợ của các bạn đã quyết định mở Trung tâm Nghị lực sống ở Hà Nội để giới thiệu cũng như hướng nghiệp và đào tạo miễn phí cho người khuyết tật.
Hiệp sĩ Nguyễn Thảo Vân
Trần Quốc Hoàn – Thầy giáo dạy học ngồi xe lăn
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị, thầy giáo Trần Quốc Hoàn bị liệt nửa người, đôi chân không thể đi lại được. Vượt qua trăm khó khăn, thương bố mẹ đã chịu nhiều vất vả, anh đã quyết tâm học tập. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh quyết định ở nhà mở lớp học để dạy cho những đứa trẻ em nghèo nơi mình sống. Một lớp học đặc biệt, không bảng, không phấn mà chỉ là hai dãy bàn ghế gỗ và chiếc xe lăn và được mở ra hoàn toàn miễn phí. Cứ thế trong suốt nhiều năm qua, không biết có bao nhiêu thế hệ học trò đã từ đây mà bước tới giảng đường đại học. Không chỉ là một người thầy giỏi, anh còn được biết đến là một vận động viên thể thao với nhiều thành tích đáng nể 12 huy chương vàng, 19 huy chương bạc và 8 huy chương đồng tại các giải thể dục thể thao người khuyết tật.
Trần Quốc Hoàn – Thầy giáo dạy học ngồi xe lăn
Đoàn Phạm Khiêm – Người soạn từ điển cho trẻ câm điếc
Có lẽ với người bình thường, theo học hết phổ thông rồi bước tới đại học đã là một sự cố gắng thì đối với những người điếc câm, lại là cả một sự phi thường. Đoàn Phạm Khiêm, anh được mọi người biết đến không chỉ là học sinh khá giỏi suốt nhiều năm mà còn là thủ khoa Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Anh chính là sinh viên câm điếc đầu tiên theo học một trường đại học chính quy trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Khi mới hơn 1 tuổi, một cơn sốt ập đến như một tai họa đã cướp đi vĩnh viễn khả năng nói và nghe của anh. Tưởng như cuộc sống xung quanh anh sụp đổ, nhưng với sự nỗ lực, Khiêm bắt đầu tới trường để làm quen với con chữ qua những ngôn ngữ ký hiệu bằng cử chỉ. Trước những thành công nối tiếp nhau, anh vinh dự là 1 trong 5 người xuất sắc nhất trong dự án biên soạn bộ Từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để dạy cho người câm điếc trong cả nước. Anh cũng đồng thời là giảng viên chính giảng dạy miễn phí cho người câm điếc nhằm giúp họ được học cao hơn, hòa nhập với cuộc sống.
Đoàn Phạm Khiêm – Người soạn từ điển cho trẻ câm điếc
Bùi Ngọc Thịnh – Kỷ lục gia châu Á 12 tuổi chơi 7 nhạc cụ
Tấm gương nghị lực của cậu bé mù Bùi Ngọc Thịnh quê Khánh Hòa, được mọi người biết đến là khả năng chơi được nhiều nhạc cụ và đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận. Ngay từ lúc 6 tuổi, Thịnh đã bắt đầu làm quen với dàn trống, tiếp đến khám phá guitar cổ, rồi thử sức với đàn organ, đàn sến, đàn cò, mới đây nhất là đàn tranh, đàn kim và chinh phục đàn piano. Là người con duy nhất trong gia đình có bố mẹ đều bị mù, nhưng với tình yêu thương của cha mẹ, sự cố gắng không ngừng học hỏi, đến nay Thịnh đã chơi được hơn một trăm bài hát bằng nhiều loại đàn khác nhau.
Bùi Ngọc Thịnh – Kỷ lục gia châu Á 12 tuổi chơi 7 nhạc cụ
Phan Thị Rát – Cô sinh viên khuyết tật chăm học
Khiến nhiều bạn trẻ phải nể phục, cô sinh viên của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, Phan Thị Rát là một tấm gương hiếu học. Gia đình cô có 6 người nhưng có tới 4 người bị khuyết tật từ nhỏ. Đó là bố, chị, em gái và bản thân cô. Nguyên nhân là do một chứng bệnh di truyền đến tuổi nào đó sẽ bị co rút các chân tay và dần dần tứ chi bị liệt hẳn, không thể cử động được. Tình yêu thương của cha mẹ, ý chí tự vươn lên, cô đã bước qua được nghịch cảnh bằng thành tích học tập đáng khen ngợi, liên tục đạt học sinh giỏi và trở thành sinh viên bước vào giảng đường đại học. Dù phải di chuyển bằng xe lăn nhưng cô sinh viên khuyết tật này lại rất say mê với các hoạt động xã hội, thích được đi khắp mọi nơi để nâng cao hiểu biết. Với nghị lực vượt khó và tinh thần hoạt động xã hội, cô chính là một trong những tấm gương người khuyết tật tiêu biểu.
Phan Thị Rát – Cô sinh viên khuyết tật chăm học
Nguyễn Minh Trí – chàng sinh viên không tay kiên cường
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại đông con, không được may mắn như bạn bè khi không có hai cánh tay do dị tật bẩm sinh nhưng Trí vẫn lạc quan, quyết tâm học để đổi đời. Thương cha mẹ, Trí đã tự mình vươn lên, rèn luyện đôi chân để sinh tồn và điều khiến mọi người bất ngờ là Trí có thể viết được chữ. Người đã truyền nghị lực cho Trí chính là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Với ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, bằng tất cả sự nỗ lực và cố gắng, Trí đã thi đỗ vào Trường Đại học An Giang theo đúng chuyên ngành.
Nguyễn Minh Trí – chàng sinh viên không tay kiên cường
Có thể nói, những tấm gương về người khuyết tật trên đã và đang thành công trên những con đường khác nhau chính là động lực về ý chí, nghị lực cho chúng ta trong cuộc sống.