Vì câu này của GẤM RÁCH
Sinh mệnh là một chiếc áo gấm hoa lệ, hóa ra em chỉ là một bông hoa trên chiếc áo gấm đó, nở rộ rực rỡ, sau khi xé rách nó lặng lẽ tàn lụi
Phỉ Ngã Tư Tồn
Giữa hai hàng kệ sách dài thượt trưng bày những cuốn sách tiểu thuyết ngôn tình, có khoảng ba bốn người đang chăm chú tìm, có người đang cầm trên tay một cuốn lật lật, mỗi lần như thế tôi rất thích ngắm họ, nói ra thì kì cục lắm vào nhà sách thì tìm sách, ngắm sách chứ sao lại ngắm người? Không hiểu sao họ có bộ dáng rất bắt mắt như thế, nói theo cách tôi nghĩ có lẽ dạo này người đọc sách càng lúc càng ít đi, người trẻ thì họ đã có màn hình điện thoại, màn hình vi tính họ có những trang web truyện phong phú, chỉ cần bỏ ít thời gian là được đọc vô số những cái hay cái dở, chỉ cần click chuột gõ vài từ tìm kiếm là có vô số tựa sách để tìm đọc. Chắc chắn dáng vẻ đọc ấy không làm mê hoặc tôi bằng cái đầu nghiêng trên trang sách kia…
Ngắm họ và tôi dựa theo lời họ giới thiệu mà tìm tựa sách cho mình, vừa tiết kiệm thời gian vừa đỡ tốn tiền và quan trọng nhất là được trao đổi bình luận sôi nổi, nếu vô tình người bạn mới quen trên hành lang nhà sách với mình có cùng đọc qua một tác phẩm nào đó tâm đắc. Cũng từ những câu chuyện bên lề như thế tôi được một cô bé tóc dài đeo cặp mắt kiếng dày cộp giới thiệu tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn với những cái tựa mà cô bé ấy cho là rất hay: Đông cung, Hẹn đẹp như mơ, Không kịp nói yêu em, Gấm rách… Cô bé nói tác giả này chuyên viết kết thúc buồn, tôi và một người bạn ghiền sách như tôi có kết luận như vầy: tiểu thuyết có cái kết buồn thường làm cho người đọc nhớ nội dung tác phẩm đó nhiều hơn những cái kết vui, mĩ mãn. Từ lúc tôi đọc Đông Cung xong và chuyển đến cuốn thứ hai Gấm Rách điều mà tôi ngạc nhiên duy nhất là tại sao cô gái trẻ đó lại thích Cái kết buồn, thích Phỉ Ngã Tư Tồn, Không phải giới trẻ thì thích những điều tươi vui và hạnh phúc sao?!
Đọc Gấm Rách, Tôi bỗng nhớ đến nhân vật Hethelif trong đồi gió hú của Emily Bronti, tình yêu bị lòng thù hận che lấp, tại sao tác giả lại tạo ra những nhân vật đau khổ như thế để làm gì? Tại sao phải kết tội một người con gái rồi dày công toan tính âm mưu trả thù, muốn trả thù thì một mình cũng đủ làm cho người con gái ấy bại hoại đàng này trong Gấm rách cả hai người đàn ông liên thủ với nhau liệu có ác quá không? cuối cùng lộ ra tình cảm liệu tình cảm này có tàn nhẫn cho cả hai người hay kh? Tình yêu và quan hệ giao tiếp của giới làm kinh tế trong xã hội đương thời hôm nay, thông qua nội dung Gấm rách cũng hé lộ một chút sự tàn bạo trong kinh doanh, chà đạp lên nhau để gọi là thương trường như chiến trường thật khắc nghiệt, thật khủng khiếp.
Tôi tội nghiệp cô gái Phó Thánh Hâm trong Gấm rách, từ khi biết mình được ngồi trên cái ghế kéo quân bài, một quân bài ngửa trí mạng đánh cược cùng thời gian, cô vẫn can đảm kéo quân bài ấy, dù cho đó là sự lựa chọn đớn đau, tôi thương cho tình yêu của Thánh Hâm khi con tim cô ấy đơm hoa tình yêu với một người đáng ra không nên có. Mối tình ấy ngay từ đầu đã không có ngày mai. Giữa tình yêu và lợi ích khó có thể so sánh thiệt hơn, với một số người tình yêu là tất cả, còn với số khác thì tình yêu không bằng lợi ích cá nhân, tất cả đều được lựa chọn. Bạn chọn tình yêu hay sự nghiệp, chọn gia đình hay người yêu, chọn người yêu mình hay chọn người mình yêu? Nói chung trong tình yêu nếu là đem hận thù chen vào thì tình yêu đó sẽ có ít nhiều toan tính. Tôi buồn thật sự khi Dịch Chí Duy đeo mặt nạ lừa tình rồi cái mặt nạ ấy cứ thế mà ăn vào da thịt của Duy, tại sao không dùng cách trả thù bằng tình yêu…?!
Trong truyện bi kịch là do Phó Thánh Hâm lựa chọn tình yêu, Dịch Chí Duy lựa chọn hận thù anh biện hộ đó là vì gia đình, Giản Tử Tuấn lựa chọn lợi ích. Rốt cuộc tình yêu không đủ để mà hóa giải tất cả, cái kết thúc có người không chấp nhận có người cho rằng Thánh Hâm hèn nhát, yếu đuối, khi đã chọn cái chết cho mình sao không lôi kéo hai người đàn ông theo cùng, sao phải dùng cái chết để đối mặt với tình yêu, liệu cái chết có chấm dứt thù hận, đớn đau, dối trá. Cũng có nhiều người đồng tình với cái chết của Thánh Hâm, đồng tình nhưng vẫn là cảm giác quá buồn cho một kết thúc như thế.
Trong Gấm rách tôi đọc như còn thiếu một chút sức thuyết phục nào đó, cách giải quyết câu chuyện còn nhiều mơ hồ, những vấn đề nêu ra còn rời rạc chưa được mổ xẻ thỏa đáng, chẳng hạn đầu chương tác giả đã nêu vấn đề thông qua câu nói của nhân vật chính: “Cô không được phép yêu tôi…” từ ý mở đầu này tôi tìm điểm nào đó, mà nhân vật Chí Duy này mang đến nhưng thật sự thất vọng, nếu tác giả đưa chiều sâu vào nội tâm của Dịch Chí Duy thêm chút nữa tôi nghĩ người đọc sẽ thấy câu chuyện có logic hơn, nhưng dù sao tôi cũng cùng mọi người công nhận rằng Gấm rách là một tiểu thuyết ngôn tình cảm động và hay, nó đã làm tôi khóc và nôn nao hết một ngày khi đọc xong.
Thật là ngẫu nhiên, sáng nay vô tình tôi lại đọc: MÃN BÀN GIAI THÂU của Phỉ Ngã Tư Tồn và nhận ra đó là đoạn kết của câu chuyện trong Gấm Rách, cái kết này làm cho câu chuyện có một “hồn văn”. Đúng vậy nó làm cho tôi nghĩ đến luật nhân quả ở đời, giống như câu nói gieo gì gặt ấy. Té ra là Phó Thánh Hâm không chết, hai mươi sáu năm sau đối diện với Dịch Chí Duy là một lá bài mới được đặt lên bàn cờ, người ngồi kéo những lá bài với Duy lúc này là một quân cờ trộn lẫn tình sâu và đau đớn. Cái cách thua của đứa con đã làm kinh động nội tâm của người đàn ông quá thực dụng, đây là điểm sáng trong “Mãn bàn giai thâu” Dịch Chí Duy hay Giản Tử Tuấn lúc này ngoài tuổi tác chất chồng cũng chỉ còn lại là một khúc cây vô tri, cuộc sống thiếu đi độ ấm của trái tim dù có đoạt được điều gì trong đời đi nữa cũng chỉ là vô nghĩa, thông điệp này tôi rất thích, có thêm 10 chương ngoại truyện mà câu chuyện trong Gấm Rách có một cái kết không còn là cái kết buồn nữa, và đặc biệt tác giả lại mở ra những nhân vật mới tôi trộm nghĩ chắc lại có câu chuyện mới cho những nhân vật đáng yêu này. 😀
K. 15-4-2014
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…