Tố Hữu – cuộc sống thơ và thơ cuộc sống – Tạp chí Sông Hương

Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, là một trong những người khai sinh ra nền văn học Việt Nam hiện đại. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp thi ca của ông hòa quyện vào nhau trong từng bước đi của lịch sử và thời đại. Trong lời tự bạch của mình, in trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, ông viết: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”.

   

Toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ Tố Hữu chính là sự quán xuyến thống nhất mối quan hệ đó. Từng tập thơ trong từng giai đoạn đều đánh dấu những bước ngoặt trọng đại của cách mạng Việt Nam. Thơ ông là tiếng nói đồng hành cùng lịch sử – dân tộc – thời đại – cách mạng, thể hiện sự nhạy cảm thi sĩ của ông trước những vấn đề lớn lao của hiện thực và tình cảm của con người Việt Nam yêu nước, yêu lý tưởng. Nó là sức mạnh tinh thần của nhiều thế hệ cho đến hôm nay và mai sau. Từ những vần thơ giàu nhiệt huyết tuổi trẻ. “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ – Mặt trời chân lý chói qua tim”, đến những vần thơ cuối đời khát khao bỏng cháy lòng yêu đời: “Ta bước tiếp trên đôi chân tráng kiện – Lại nghĩ suy bằng chính óc tim mình – Mừng thế kỷ hai mươi mốt đến – Cho sáng bừng mặt đất, ánh bình minh”, Tố Hữu đã đi trọn một hành trình thơ và hành trình đời tuyệt đẹp. “Duyên kiếp Đảng và thơ” đã làm nên một Tố Hữu – công dân và một Tố Hữu – thi sĩ hài hòa, cao cả. Từ tác phẩm đầu tay Từ ấy đến Việt Bắc, Ra trận, Máu và hoa đến tác phẩm sau cùng Một tiếng đờn là minh chứng cho cuộc sống – thơ và thơ – cuộc sống của Tố Hữu.

Từ ấy

ghi lại một thời kỳ lịch sử của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam, thông qua sự nhận thức, hoạt động và chứng nghiệm của nhà thơ. Vì vậy, rất chân thành và nồng nhiệt. Một tâm hồn luôn mở rộng, thiết tha khi “chân lý chói qua tim”, Tố Hữu đã để tình mình “trang trải khắp trăm nơi” với bao số phận hẩm hiu, trôi nổi như em bé mồ côi, vú em, lão đầy tớ… và kêu gọi mọi người cùng đồng cảm: “Tôi không muốn mời anh đi xa lạ – Tìm đau thương trong xã hội điêu tàn – Kể làm sao cho hết cảnh lầm than – Lúc trái ngược đã tràn đầy tất cả”.

Hiện tại phũ phàng ấy càng lúc càng làm cho nhà thơ dửng dưng, giận dữ: “Ta nện gót trên đường phố Huế – Dửng dưng không một cảm tình chi – Không gian sặc sụa mùi ô uế – Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi”.

Vì vậy mà tác giả nguyện “Tôi buộc hồn tôi với mọi người” để đấu tranh, hy vọng. Sau bao “máu lửa” và “xiềng xích”, Tố Hữu đã reo vui trong ngày hội Huế và Việt Nam giải phóng năm 1945.

Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi

 (…) Ai dám cấm ta say, say thần thánh

Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời.

Trong kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã có bước trưởng thành vượt bậc trong sáng tạo và nhận thức tư tưởng qua Việt Bắc – tác phẩm trữ tình hùng ca hay nhất thời này, thể hiện sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng, Bác Hồ và những tình cảm kết tinh của con người Việt Nam kháng chiến bằng tiếng nói nghệ thuật vừa dân tộc vừa hiện đại; vừa riêng vừa chung… thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân bản. Với tư cách là chủ thể trữ tình nhập vai nồng nhiệt, Tố Hữu đã thay mặt đồng đội, đồng bào ngợi ca những con người có tâm hồn sáng trong và dũng cảm. Cá nước, Phá đường, Bà Bầm, Bà Bủ, Lên Tây Bắc, Sáng tháng Năm, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc, Ta đi tới… là đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị giai đoạn này. Mãi còn đây trong ký ức chúng ta hình ảnh cô gái phá đường nén tình riêng vì nghĩa lớn: “Em là con gái Bắc Giang – Rét thì mặc rét, nước làng em lo – Nhà em phơi lúa chưa khô – Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong – Nhà em con bế con bồng – Em cũng theo chồng đi phá đường quan – Con ơi, con ngủ cho ngoan – Sang canh trăng lặn buổi tan mẹ về”.

Mãi còn đây hình ảnh bà Bầm – người mẹ yêu thương của bao nhiêu chiến sĩ để chiều chiều “có đứa con xa nhớ Bầm” trên đường ra mặt trận: “Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều – Thương con, Bầm chớ lo nhiều Bầm nghe – Con đi trăm suối, nghìn khe – Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng Bầm”.

Hình ảnh người lính cụ Hồ trong những ngày kháng chiến lại hiện lên với quy mô và tầm vóc hiên ngang, hoành tráng: “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều – Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo – Núi không đè nổi vai vươn tới – Lá ngụy trang reo với gió đèo”.

Đó chính là những “Chiến sĩ anh hùng – Đầu nung lửa sắt – Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt – Máu trộn bùn non – Gan không núng – Chí không mòn” để làm nên chiến công Điện Biên Phủ lịch sử.

Và đẹp nhất trong biển lớn nhân dân, là hình tượng Bác Hồ – hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh thiêng liêng mà gần gũi. Mối quan hệ giữa cái phi thường và cái bình thường được hóa giải trong nhau để làm nên sự hài hòa, cao quý: “Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị – Màu quê hương bền bỉ đậm đà – Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta – Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.

Khép lại chín năm kháng chiến, hồn thơ Tố Hữu lại có dịp bay cao, bay xa trên miền Bắc mùa xuân để ca ngợi con người và Tổ quốc trong công cuộc cải tạo và dựng xây. Chưa bao giờ tiếng thơ ông lại vang vọng, tươi vui như thế. Gió lộng là tập thơ thể hiện bước khẳng định mới trong nhận thức tư tưởng và năng lực sáng tạo của Tố Hữu. Cuộc sống khẩn trương lao động ở miền Bắc kết hợp với nỗi đau chia cắt Bắc – Nam đã làm nên chất trữ tình bi tráng của thơ Tố Hữu thời này. Ta bắt gặp trong thơ ông cái tươi mởn của “Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt – Nắng soi sương giọt long lanh” đến niềm vui sinh nở “Xuân ơi xuân, Xuân mới đến dăm năm – Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội”, khiến tác giả không ghìm được tiếng reo ca:

Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hát

Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta

Mùa thu đó, đã bắt đầu trái ngọt

Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa.

Trong mạch cảm xúc vui thời này, thơ Tố Hữu có thêm cung trầm xót xa khi nghĩ về miền Nam, nghĩ về Huế – quê mẹ bị cắt chia. Miền Nam – hai tiếng thiêng liêng luôn đánh thức nỗi nhớ mong da diết trong tác giả: “ Như nỗi niềm nhức nhối tim gan”, “ Như mối tình chung thuỷ không tan”.

Ôi miền Nam vì sao mỗi lúc

Mây chiều xa bay giục cánh chim

Đêm khuya một tiếng bầu, tiếng trúc

Một câu hò… cũng động trong tim?

Và nỗi nhớ nặng sâu, da diết nhất trong thơ Tố Hữu vẫn là Huế – Huế của tuổi thơ, Huế của hiện tại: “Huế ơi, quê mẹ của ta ơi! – Nhớ tự ngày xưa tuổi chín mười – Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng – Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi” giờ đây chỉ còn trong nỗi nhớ, khiến tác giả phải thốt lên “Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường”, để cuối cùng, ông tự nguyện xin được làm người hành động: “Cho ta lại trở về quê cũ – Bờ sông Hương hay bến sông Bồ – Cùng các mẹ, các o, các chú – Giành lại từng mảnh đất thành đô”.

Từ ước mơ và nguyện vọng được trở về quê mẹ, Tố Hữu đã thực sự đi vào chiến trường khu IV trong những năm chống Mỹ ác liệt. Vốn sống tiềm thức và thực tế đã giúp ông hình thành tập thơ Ra trận, mang đậm chất sử thi, hoành tráng. Và sau đó là tập Nước non ngàn dặm, Máu và hoa. Có thể nói rằng, với các tập thơ này, hành trình thơ Tố Hữu đã tái hiện bổ sung một cách sinh động diện mạo tinh thần và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam yêu nước sáng rõ nhất. Đó là cuộc diễu binh hùng vĩ, là khúc ca chiến đấu uy nghiêm của toàn dân tộc, mà hình tượng tiêu biểu nhất là “anh giải phóng quân – con người đẹp nhất – Sống hiên ngang bất khuất trên đời – Như Thạch Sanh của thế kỷ XX”; “là cô dân quân – vai súng tay cày” chân lội bùn mà mơ hạ máy bay; là anh hùng Nguyễn Văn Trỗi – “Một con người như chân lý sinh ra”; là mẹ Suốt quyết tâm đánh giặc với tư thế hiên ngang, bất khuất. “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung – Gió lay như sóng biển tung trắng bờ”. Đó là khí thế của cả dân tộc hành quân, cả dân tộc cùng ra trận.Tố Hữu, qua Gió lộng đã chứng minh một lần nữa chân lý cuộc sống và chân lý nghệ thuật bao giờ cũng thống nhất hài hòa nếu người nghệ sĩ biết giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa thi ca và cuộc sống, giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ.

Cuộc chiến tranh chia cắt 20 năm đã kết thúc vinh quang bằng đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử. Hồn thơ Tố Hữu lại có dịp reo vui, hướng về những vấn đề trọng đại và nhân bản của đất nước và con người trong chiến tranh và trong hòa bình. Ông không nén được niềm vui dâng nghẹn: “Cho chúng con giữa vui này được khóc – Hôn mỗi đứa em, hôn mỗi mẹ già”; không nén được bàng hoàng trong buổi đoàn viên đầy lệ sau “Hai mươi chín năm dằng dặc xa quê – Nay mới được về thăm mừng tái tê”, nhìn đâu cũng Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp: “Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ – Tổ quốc tôi! Chưa đẹp thế bao giờ! – Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển – Xanh trời, xanh của những ước mơ”.

Tác giả ngỡ ngàng khi đứng trước dòng Hương ngày thơ bé, tiếng thơ ông như một lời độc thoại với người thương.

Hương Giang ơi! Dòng sông êm

Qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình

Vẫn là duyên đó quê anh

Gió mưa tan, lại trong lành mặt gương.

Cuộc sống hòa bình, xây dựng sau 1975 đã đánh dấu một bước ngoặt chuyển mình trong quá trình sáng tác của các nhà văn, nhà thơ. Bước ngoặt ấy được xác định bởi ý thức của chủ thể sáng tạo trước những vấn đề mới mẻ của nhân sinh, thế sự. Tố Hữu cũng không nằm ngoài quy lụât đó. Cùng với Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận…, Tố Hữu đã suy tư, trăn trở rất nhiều về thơ ca và cuộc đời. Tuổi càng cao, tâm sự của nhà thơ càng thêm thâm thuý và gấp gáp. Tập thơ Một tiếng đờn là những tổng kết và chiêm nghiệm của chính nhà thơ, sau đó, hướng về nhân thế bằng cái nhìn nhân hậu và giàu dự cảm, thủy chung và ân nghĩa:

Ôi! Kiếp trăm năm được mấy ngày

Trời xanh không gợn bóng mây bay

Gian nan vẫn thủy chung bè bạn

Êm ấm tình yêu mỗi phút giây.

Giọng cao bao nhiêu năm, giờ tác giả thấy cần thiết phải chuyển sang giọng trầm – cái giọng trầm đủ để tâm tình và triết luận, để chia sẻ và tri âm. Tác giả có tỏ ra lo âu về chung quanh, về mình và về thơ, nhưng chủ yếu vẫn là tin yêu và hy vọng vào sự tốt đẹp của tương lai. Đó là điều không thể khác đối với bất kỳ nhà thơ lớn nào. Tố Hữu trước sau vẫn là một – không thể tách rời chân lý cách mạng mà cả cuộc đời và thơ ông đã tự nguyện tôn thờ: “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”.

Đó chính là tinh tuý một đời người, đỉnh cao của một đời thơ: “Tròn năm mươi tuổi Đảng và thơ – Từ ấy hồn vui mãi đến giờ – Mái tóc pha sương chưa cạn ý – Con tằm rút ruột vẫn còn tơ”.

Thơ Tố Hữu là thơ từ trái tim đến với trái tim, là tiếng nói “đồng ý, đồng chí, đồng tình”, là tiếng gọi kết đoàn, đồng thời cũng là thơ của trí tuệ tỉnh táo. Những phẩm chất tối ưu ấy được tích hợp trong toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ Tố Hữu, qua thời gian sàng lọc, nó càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt và hấp dẫn. Thơ Tố Hữu trở thành sức mạnh tinh thần của nhiều thế hệ con người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau. Ông là nhà thơ lớn của dân tộc, của Đảng; nhưng trước hết, ông là nhà thơ của quê hương, của Huế. Hồn thơ ông luôn hướng đến mọi người, hướng phía quê nhà, dù ông đã vĩnh viễn đi xa. Thơ và tình yêu trong thơ ông còn mãi. Phải đâu ông ra đi là vĩnh biệt cõi người.

Trước khi tạm biệt cuộc đời vô cùng yêu quý, Tố Hữu vẫn gắng cầm bút để gửi lại những dòng thơ da diết cho cuộc đời, bằng hữu và nhân dân:

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy dòng thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho và chết cũng là cho

Tố Hữu – mãi mãi cuộc sống thơ và thơ cuộc sống.

H.T.H

(262/12-10)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *