Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ thế nào là chuẩn?

(HNMO) – Ngày mai (2-4), Việt Nam sẽ tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại tại Phủ Dầy, Nam Định.

Đây là niềm vui và tự hào của Việt Nam khi lần đầu tiên một tín ngưỡng dân gian trở thành di sản thế giới, nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý và nhà nghiên cứu văn hóa trước thực trạng biến tướng tràn làn, thương mại hóa, trục lợi. Câu hỏi về sự chuẩn mực cho Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vẫn là điều mà các nhà nghiên cứu và quản lý đau đầu.


Hiện nay việc Thực hành thờ mẫu Tam Phủ đang bị hiểu sai lệch dẫn đến biến tướng, bởi nghi lễ lên đồng chỉ là một phần cấu thành của tín ngưỡng mà thôi (ảnh minh họa).

HNMO đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban xây dựng hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt về vấn đề này.

* Khi thực hành Tín ngưỡng Tam phủ của người Việt trở thành di sản thế giới, nhiều người cho rằng đáng lo nhiều hơn là mừng, GS đánh giá thế nào về điều này?

– Thế giới công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của chúng ta là di sản phi vật thể của nhân loại, đó là vinh dự không thể chối cãi. Nhưng đúng là di sản này đang có nhiều điều để lo lắng vì bây giờ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang phát triển vượt qua sự kiểm soát. Mối lo lắng trong khâu quản lý các hiện tượng biến tướng, thương mại hóa, hiểu sai lệch về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ… là có thật và đang khiến các nhà quản lý và ngay cả bản thân những nhà khoa học như chúng tôi khá “đau đầu”.

* Theo GS, sự hiểu sai lệch, không đúng khiến xuất hiện những biến thể, biến tướng của hầu đồng là xuất phát từ đâu?

– Nhiều người lầm hiểu rằng, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chỉ là lên đồng, hầu đồng, vì thế việc công nhận tín ngưỡng này là di sản đồng nghĩa với việc mở cửa cho lên đồng, đâu đâu cũng có thể lên đồng thoải mái. Nhiều nơi, nhiều người không hiểu rõ cái gốc của di sản hoặc cố tình không hiểu để nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Tôi khẳng định, hầu đồng chỉ là một phần cấu thành của tín ngưỡng này, cái cốt lõi nhất chính là tinh thần thờ Mẫu – Mẹ, truyền thống tôn vinh đấng sinh thành, đó là vai trò của người phụ nữ.

Nói đến tín ngưỡng là nói đến nhân vật được thờ, ở đây là Thánh mẫu Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết dân gian, bà Liễu Hạnh có 3 kiếp đời là: Tiên, Phật và Người. Qua sự sáng tạo của các nhà nho, câu chuyện về bà Liễu Hạnh càng ngày càng trở nên thiêng liêng, huyền bí, bà trở thành vị thánh trong “Tứ bất tử” của Việt Nam.

Theo GS Nguyễn Chí Bền, sở dĩ lập hồ sơ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vì trong các di tích chỉ lập 3 pho tượng, tượng trưng cho Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải. Mẫu Thượng thiên chính là Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Ngày nay, việc thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 8 tháng Ba âm lịch mà trung tâm chính là Lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) với nhiều nghi thức đặc sắc như: hầu đồng, rước Mẫu thỉnh kinh, rước đuốc, Hoa trương hội (nghi lễ cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an)… Điều này để thấy, hầu đồng chỉ là một phần của tín ngưỡng thờ Mẫu mà thôi. Trong lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 2-4, chúng tôi sẽ cố gắng tái hiện những tinh hoa của nghi lễ này, trong đó có phần Hoa trương hội để khán giả cả nước hiểu rõ hơn phần quan trọng của nghi lễ thờ Mẫu sẽ như thế nào.

* Hiện nay có rất nhiều biến thể, biến tướng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, ngay cả nhiều nơi linh thiêng cũng tổ chức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không đúng, như tổ chức lên đồng ở đền Hai Bà Trưng, chùa Một Cột…, quan điểm của GS về vấn đề này?

– Cần phải có sự hiểu biết và phân định rạch ròi, ngoài tín ngưỡng thờ Mẫu, người Việt còn có nhiều tín ngưỡng khác như thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo… những tín ngưỡng này cũng có cách thực hành riêng. Trong thờ Mẫu, người ta hay gọi là ông đồng, bà đồng, nhưng trong tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo lại gọi là thanh đồng. Hiện nay, người ta gọi lẫn lộn tất cả những người thực hành tín ngưỡng là thanh đồng. Trong cách thực hành phần lên đồng của tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo có rất nhiều kiểu, cho phép người thực hành làm những điều rất “lạ mắt” như có trường hợp xuyên một que sắt qua miệng, thậm chí có người tin là có thể chữa bệnh… Đây là những tín ngưỡng dân gian, ăn vào niềm tin và tiềm thức của nhiều người nên có nhiều dị bản có thể chấp nhận được. Chỉ có điều cần phải phân định rạch ròi giữa các tín ngưỡng.

Còn về việc thực hiện nghi thức lên đồng tại một số địa điểm như chùa Một Cột, đền Hai Bà Trưng… tôi rất phản đối. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chỉ được thực hiện ở nơi có điện thờ Mẫu. Tại chùa Một Cột và đền Hai Bà Trưng không có điều này nên việc tổ chức nghi lễ lên đồng tại những địa điểm này là sai. Tôi vẫn kiến nghị Bộ VH,TT&DL cần cho dừng những hoạt động lên đồng tại những địa điểm nói trên.

* Vậy đâu là chuẩn mực của việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, thưa GS?

– Rất nhiều người hỏi tôi rằng, có quy chuẩn nào hay có bộ quy tắc riêng nào cho việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không, đó quả là câu hỏi lớn cho cả ngành Văn hóa. Cá nhân tôi cho rằng, không có quy tắc nào cả mà chỉ có thể đưa ra những quy định. Hiện nay, việc này cũng rất khó mà có thể đưa ra chi tiết, cụ thể vì những gì thuộc về văn hóa tín ngưỡng dân gian thì chắc chắn sẽ có những dị bản, biến thể và có sự khác biệt giữa các địa phương, thậm chí có sự khác nhau giữa các phủ trong cùng một địa phương. Ngay cả về số lượng giá đồng, nhiều nơi cho rằng có 36 giá, có người lại quan niệm là 64 giá, thậm chí là 72 giá… Những giá đồng này được định ra như vậy là nhờ vào những cung văn. Trong hầu đồng, nhất định là mỗi giá đồng chỉ hầu một thánh và có cung văn riêng biệt. Vừa qua, Bộ VH,TT&DL mới đưa ra ý tưởng quy định về trang phục, hạn chế việc đốt vàng mã. Mới đề xuất thế thôi mà đã có rất nhiều ý kiến tranh luận rồi.

Các thanh đồng được những hầu dâng sửa soạn xiêm y, đầu tóc.

* Trước những dị bản, biến tướng ngày càng nghiêm trọng của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là nghi lễ lên đồng, công chúng vẫn mong mỏi các nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra được một cái “khung” định hình về cách thức thực hành đúng của một giá đồng, từ kinh nghiệm của mình, GS có thể đưa ra được mẫu số chung ấy?

– Muốn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trước hết phải có phủ thờ Mẫu. Người đứng ra thực hiện việc lên đồng phải là người có “căn” – ấy là theo cách nói dân gian, hiểu nôm na một cách khoa học hơn thì đó là người có một trạng thái tâm lý không bình thường. Sau đó cần phải có người hát văn và có người hầu dâng, tạm hiểu là những người “nâng khăn sửa túi” sửa soạn mũ áo, xiêm y cho thanh đồng. Khi hương đã thắp lên, thanh đồng được phủ một tấm vải trên đầu sẽ làm các động tác và hất khăn ra phía sau. Điều bắt buộc là trước điện thờ phải có gương để thanh đồng nhìn bóng mình trong gương mới hầu được (hay còn gọi là hầu bóng).

* Hiện nay việc nhiều người tổ chức nghi lễ lên đồng tại nhà và tốn rất nhiều tiền cho việc này vì nghĩ rằng, đó là cách để trả nợ thánh, điều này đúng hay sai thưa GS?

– Người nào có “căn” xin lập điện thờ Mẫu riêng tại nhà thì có thể thực hành nghi thức lên đồng. Mỗi người có một đời sống tâm linh và nhu cầu khác nhau nên khó có thể nói rõ điều này mà phải tùy từng trường hợp cụ thể mới biết được có nên hay không, đúng hay sai. Tôi vẫn luôn nhấn mạnh yếu tố, muốn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì điều quan trọng là nó phải được thực hiện trong không gian đúng, đó là nơi có ban thờ Mẫu.

* Xin cm ơn GS!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *