Bé 6 tháng tuổi nên ăn dặm ngày mấy lần? Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi như thế nào? Đây là những câu hỏi được rất nhiều mẹ quan tâm khi con đến tuổi ăn dặm. Bài viết hôm nay sẽ giúp các mẹ gỡ rối để có kinh nghiệm chăm con tốt hơn.
1, Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng tuổi
Thời điểm 6 tháng tuổi là giai đoạn bé bắt đầu làm quen với thức ăn đặc. Theo chuyên gia dinh dưỡng, ở độ tuổi này con cần được bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện.
Tinh bột
Là nguồn cung cấp năng lượng và nhiên liệu chính cho hệ thống thần kinh trung ương cùng các cơ quan trong cơ thể làm việc. Tinh bột đến từ các loại thực phẩm chẳng hạn như ngô, khoai, sắn, gạo, ngũ cốc, các loại đậu,… vì vậy mẹ nên thường xuyên thay đổi đa dạng các bữa ăn, giúp bé ngon miệng.
Chất đạm
Chất đạm hay còn gọi là protein, là nguyên liệu chính để xây dựng và duy trì cơ bắp, máu, da, xương, và các cơ quan tổ chức khác của cơ thể. Đạm có rất nhiều trong các loại thịt, trứng, cá, hải sản…. Tuy nhiên, cần lưu ý không được cho bé ăn quá nhiều đạm, dễ gây rối loạn tiêu hóa, nguy cơ mắc chứng biếng ăn. Với bé 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé thử từng chút một để kiểm tra phản ứng dị ứng của cơ thể con với từng loại đồ ăn.
Chất béo
Chất béo là nguồn thực phẩm giàu năng lượng, thành phần của màng tế bào, giúp cơ thể hấp thu tốt các loại vitamin. Mẹ nên bổ sung chất béo tốt từ dầu oliu, các loại cá béo như cá hồi, quả bơ chín, các loại hạt, phô mai…
Chất xơ, vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất còn gọi là các vi chất dinh dưỡng chất, là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chất xơ và các loại vitamin chứa nhiều trong rau củ và trái cây.
2, Bé 6 tháng tuổi ăn dặm ngày mấy lần?
Ăn dặm là khoảng thời gian chuyển đổi giúp bé tập nhai, nuốt và cảm nhận vị của thức ăn. Mặc dù mỗi bé có một tốc độ phát triển riêng biệt nhưng nhìn chung, thời điểm 6 tháng tuổi thường là giai đoạn lý tưởng nhất cho hầu hết các bé để bắt đầu ăn dặm. Thời điểm bắt đầu này mẹ có thể cho bé làm quen với đồ ăn 1 lần/ ngày. Sau đó tăng dần lượng thức ăn và tần suất lên 2 – 3 lần/ ngày.
Mới đầu, nhiều bé chỉ ăn rất ít, từ 1-2 thìa khiến các bà mẹ lo lắng. Thực ra, ở giai đoạn 6 tháng, việc ăn được bao nhiêu không quá quan trọng. Điều quan trọng là cho con làm quen với các món ăn từ loãng đến đặc và thử đa dạng món ăn khác nhau để bé hứng thú khám phá thức ăn. Đây là điều mà ba mẹ nên làm hơn cả việc bé 6 tháng ăn dặm ngày mấy lần hay bao nhiêu là đủ.
Dù bé ăn dặm đã tốt hơn, nhưng cũng đừng quên sữa mẹ hoặc sữa công thức, các cữ sữa nên cách nhau 4 tiếng. Sữa vẫn đóng vai trò quan trọng trong suốt một năm đầu đời của các bé.
3, Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng tuổi trong một tuần
Dưới đây là gợi ý các món ăn tốt nhất cho những tuần đầu tiên trong hành trình ăn dặm của bé. Theo thời gian, khi bé đã quen dần với thức ăn đặc, mẹ có thể thêm các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, tôm, cá hồi… vào thực đơn ăn dặm của bé để đa dạng và giới thiệu các hương vị mới.
Thứ 2: Súp bí đỏ, sữa.
Thứ 3: Cháo mịn cà rốt, bông cải xanh.
Thứ 4: Khoai lang nghiền
Thứ 5: Súp khoai tây với sữa
Thứ 6: Cháo mịn trứng, cà chua.
Thứ 7: Cháo bí đỏ, cải xoăn.
Chủ nhật: Súp khoai tây, cà rốt.
4, Cách chế biến một số món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi ăn ngon miệng
Nếu mẹ vẫn còn băn khoăn, chưa biết nấu món gì ngon cho bé thì dưới đây là một số gợi ý để mẹ tham khảo qua cách chế biến một số món ăn dặm phổ biến. Các công thức này đều rất đơn giản, dễ làm và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con.
Khoai lang nghiền
Chuẩn bị: 1 củ khoai lang, 60ml sữa hoặc nước
Thực hiện:
- Rửa sạch khoai lang, gọt vỏ rồi cắt thành miếng nhỏ đem ngâm qua
- Cho khoai vào hấp chín mềm, đem ra rồi làm mịn
- Thêm sữa hoặc nước và rồi quấy trên lửa nhỏ cho đến khi thấy sánh mịn
Bơ trộn sữa
Chuẩn bị: ¼ quả bơ chín, 60ml sữa mẹ hoặc sữa công thức
Thực hiện:
- Bơ sau khi bỏ vỏ, thái lát rồi đem làm nát bơ, để mịn
- Dùng sữa cho vào bơ, xay nhuyễn cho đến khi đạt độ sánh mịn
Súp khoai tây với sữa
Chuẩn bị: nửa củ khoai tây, 60ml sữa mẹ/ sữa công thức
Thực hiện:
- Rửa sạch, gọt vỏ khoai tây, thái nhỏ rồi đem hấp
- Đổ sữa vào khoai tây đã hấp chín rồi nấu trên lửa nhỏ
- Quấy cho tới khi có được hỗn hợp sánh, mịn
Cháo mịn nấu với cà rốt
Chuẩn bị: 1 củ cà rốt, cháo trắng
Thực hiện:
- Nấu cháo trắng theo tỉ lệ 1:10 gạo/nước. Tiếp đó, rây qua lưới cho thật mịn rồi lấy nước cất.
- Cà rốt gọt vỏ và rửa sạch. Đem luộc hoặc hấp cho chín mềm, xong đem ra ray hoặc nghiền nhỏ.
- Trộn cháo trắng với cà rốt nhuyễn và cho bé ăn.
Trên đây là những thông tin liên quan đến việc cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm cũng như gợi ý thực đơn giúp con ăn ngon miệng. Hy vọng bài viết này có thể giúp các mẹ hiểu rõ hơn và có thể cho con ăn dặm hiệu quả và đủ dinh dưỡng.