Báo cáo của Bộ Công an tại hội nghị phòng cháy chữa cháy sáng nay 11.9 cho biết, nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, “hành vi sử dụng thiết bị điện, chất lượng thiết bị và chất lượng thi công các hệ thống điện là 3 vấn đề tương đối căng thẳng”.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ đã rà soát và thấy rằng, đúng là trong pháp luật hiện nay về phòng chống cháy nổ, sau thông tư, chưa có quy định về an toàn điện. Khái niệm an toàn điện rộng hơn là an toàn phòng chống cháy nổ vì còn liên quan đến cả an toàn điện giật.
Thứ hai là còn khiếm khuyết trong quy định cụ thể về kiểm soát hành vi sử dụng điện. Thông tư còn đang thiếu, còn phải xử lý về pháp luật liên quan đến bất khả xâm phạm chỗ ở, quy định xâm phạm gia cư… Bộ Công thương đang đề xuất sửa đổi quy định như Bộ Công an đã nêu.
Cũng theo ông An, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn bất cập, đặc biệt là phần điện lực. Ngay cả thi công, thiết kế trong các công trình xây dựng công cộng cũng đã có cả tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng có bất cập.
“Có một số công trình có giấy phép, đặc biệt cơ sở kinh doanh có thẩm định thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt cả phương án phòng cháy chữa cháy nhưng những công trình dân doanh không cần xin giấy phép xây dựng thì ai thẩm duyệt, và thẩm duyệt rồi thì thi công, ai kiểm tra hoàn công? Kể cả những công trình công nghiệp làm rất kỹ, cơ quan phòng cháy chữa cháy kiểm tra, nghiệm thu vẫn có tình trạng bỏ qua, không báo cáo trước khi đưa vào sử dụng”, Thứ trưởng An nói.
“Lực lượng thi công PCCC lại gây cháy toà nhà”
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho rằng, rõ ràng việc này cho thấy thực thi, chấp hành quy định pháp luật đang có vấn đề mặc dù phòng cháy chữa cháy là một trong những luật nghiêm ngặt nhất vì liên kết đến luật hình sự. Hành vi làm cháy là hành vi hình sự nhưng xử lý vẫn chưa nghiêm.
“Thậm chí, những đội chuyên nghiệp nhất đến lúc hàn xì vẫn gây ra cháy nhà máy điện. Lực lượng thi công phòng cháy chữa cháy tòa nhà EVN1 cũng chính là lực lượng gây cháy tòa nhà. Đó là câu chuyện hành vi sử dụng, không chấp hành kỹ năng về an toàn. Như vậy, ngay cả phần giám sát lúc thi công công trình cũng có lỗ hổng pháp luật. Phần liên quan đến an toàn điện trong luật Xây dựng, cần suy nghĩ làm thế nào để đưa vào cuộc sống”, ông An đề xuất.
Theo Thứ trưởng An, ngay trong 11 tập đoàn do Bộ Công thương quản lý , năm vừa rồi vẫn xảy ra 160 vụ cháy, rõ ràng công tác quản lý còn chưa hiệu quả.
“Trong báo cáo của Bộ Công an nói rất đúng, phải bắt đầu ngay từ cơ sở. Chưa khi nào phương châm 4 tại chỗ về phòng cháy chữa cháy lại rõ hơn lúc này, nói rộng ra là sự nghiệp toàn dân”, lãnh đạo Bộ Công thương nhìn nhận và cho biết rất lo lắng vì các lĩnh vực của ngành tiềm ẩn cháy nổ rất lớn, kể cả điện, hóa chất, xăng dầu, dầu khí, khai thác hầm mỏ, quá trình sơ chế khí methane…
Hiện nay, các đơn vị chấp hành tương đối nghiêm, cháy nổ đã giảm nhiều nhưng vẫn xảy ra chết 75 người, bị thương 52 người.
Theo ông, trong 5 năm, cả nước đã đầu tư 9.600 tỉ đồng, trong đó 4.600 tỉ đồng đầu tư vào trang bị phòng cháy chữa cháy là rất cố gắng. Tuy nhiên, mới có 167 xe thang, 1.267 xe phòng cháy chữa cháy thì vẫn ít.
“Thứ tư là siết chặt quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh. Thợ hàn hiện nay trong báo cáo của Bộ Công an là một nhóm sử dụng nguồn nhiệt không hợp lý. Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cũng là do thợ hàn. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có”, Thứ trưởng An nêu.
Trước đó, báo cáo của Bộ Công an cho biết có tồn tại, thiếu sót khi Bộ Xây dựng chưa nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý, giám sát việc lắp đặt hệ thống thiết bị điện phù hợp; Bộ Công thương chưa có kết quả cụ thể về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình…
Vụ cháy xưởng, kho chăn ga tại xã Thanh Văn (H.Thanh Oai, Hà Nội) khiến 3 mẹ con tử vong ngày 10.9. Một ngày sau vụ cháy, đại diện Công an H.Thanh Oai thông tin, bước đầu lực lượng chức năng nhận định nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn có thể xuất phát từ việc hàn cắt. Công an huyện cũng đã làm việc với thợ hàn cắt, bước đầu người này thừa nhận bất cẩn của mình.
Vụ cháy quán karaoke ISIS (số 231 Quan Hoa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 1.8, khiến 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh. Đám cháy xuất phát từ khu vực tầng 6 đang dừng hoạt động để sửa chữa hàn xì.
Vụ cháy quán karaoke 68 phố Trần Thái Tông (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong năm 2016. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do trong lúc thợ hàn dùng máy hàn thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt bản lề thì lửa vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm, gây cháy. Khi phát hiện có khói, thợ hàn dập lửa rồi hô hoán, cùng một số người đi lấy nước dập nhưng không được nên bỏ chạy ra ngoài…