Dành cả cuộc đời dành cho nghiên cứu và truyền bá Phật pháp, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đúc kết ra triết lý sống khiến người ta nhớ mãi.
Sáng 22/1, thông tin từ Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tân viên tịch lúc 0h ngày 22/1 tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế), thọ 96 tuổi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Được biết, rạng sáng 22/1, các tăng ni ở chùa Từ Hiếu bắt đầu dọn dẹp khu vực thiền đường Trăng Rằm nằm bên cạnh thất Lắng Nghe – nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Đây là nơi dự kiến cử hành khâm liệm, đặt linh cữu của thiền sư Thích Nhất Hạnh để tăng ni, phật tử đến viếng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.
Năm 1949, ông rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.
Tháng 5/1966, thiền sư rời Việt Nam; hoạt động ở nhiều nước và từng trụ trì tại chùa Làng Mai, phía nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ.
Thiền sư tốt nghiệp viện Phật học Bảo Quốc, tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành nhà sư vào năm 23 tuổi. Ông vừa là thiền sư vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình.
Năm 2019, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được trao giải Hoà bình Luxembourg ở hạng mục Hòa bình nội tâm.
Theo quỹ Hoà bình Luxembourg, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhà thơ và nhà hoạt động hòa bình toàn cầu, được tôn kính trên khắp thế giới vì những bài pháp thoại đầy thuyết phục và những cuốn sách bán chạy nhất về chánh niệm và hòa bình.
Giáo lý quan trọng của thiền sư là với chánh niệm, “chúng ta có thể học cách sống hạnh phúc trong hiện tại, đây là cách duy nhất để thực sự có được bình an trong tự thân và trên thế giới”.
Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như: “Đường xưa mây trắng”, “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Hạnh phúc cầm tay”, “Phật trong ta”, “Chúa trong ta”…
Dành cả cuộc đời dành cho nghiên cứu và truyền bá Phật pháp, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đúc kết ra triết lý sống, thể hiện trong những câu nói giàu tính suy tưởng và chiêm nghiệm, khiến người ta nhớ mãi:
1. Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.
2. Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi.
3. Một người tức giận là do không giải quyết được những đau buồn của mình. Họ là nạn nhân đầu tiên của sự đau buồn đó, còn bạn là người thứ hai. Hiểu được điều này, lòng từ bi sẽ nảy nở trong tim và sự tức giận sẽ tan biến. Đừng trừng phạt họ, thay vào đó, hãy nói gì đó, làm gì đó để vơi bớt nỗi đau buồn.
4. Niềm hy vọng là điều rất quan trọng. Nó giúp cho hiện tại bớt khắc nghiệt. Nếu ta hi vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, ta sẽ chịu đựng được khó khăn của hôm nay.
5. Tĩnh lặng là điều cốt lõi. Chúng ta cần tĩnh lặng như chúng ta cần không khí, như cái cây cần ánh sáng. Nếu tâm trí chúng ta lúc nào cũng đầy những từ ngữ và suy nghĩ, thì lấy đâu ra không gian cho chính chúng ta.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (trái) gặp MC người Mỹ Oprah Winfrey tại New York năm 2009
Một số điều chỉ giảng của thiền sư từng được Oprah Winfrey, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới của Mỹ, đã có cuộc phỏng vấn ông năm 2009, chia sẻ. Bà ca ngợi những câu nói của ông có tác dụng truyền cảm hứng cho mọi người:
“Không ai có thể trao cho ta tự do. Ta phải tự mình nuôi dưỡng nó. Đó là một công việc hàng ngày”.
“Con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ. Với nỗi sợ hãi về những điều bất định, họ chọn chịu đau khổ trong những thứ quen thuộc”.
“Giác ngộ luôn luôn hiện hữu. Sự giác ngộ nhỏ bé sẽ mang tới giác ngộ lớn lao. Nếu bạn hít thở và nhận ra rằng mình vẫn đang sống, đó là lúc bạn chạm tay vào điều kỳ diệu của việc được sống. Đó cũng là một loại giác ngộ”.
“Con người đau khổ vì họ bị mắc kẹt trong quan điểm. Chỉ khi nào chúng ta giải phóng được những quan điểm đó, chúng ta mới tự do và không còn đau khổ”.
“Cuộc sống chỉ hiện hữu ở thực tại. Đó là lý do mà chúng ta nên đi theo cách mà mỗi bước đều mang ta đến thực tại”.
Huffington Post hồi cuối năm 2012 cũng đăng tải các câu nói đáng nhớ của thiền sư Thích Nhất Hạnh và gọi đó là “những bài học cuộc sống từ con người điềm đạm nhất thế giới”:
“Nếu ta tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn thì hôm nay ta có thể chịu đựng mọi khó khăn”.
“Biết bỏ qua sẽ đem cho ta sự tự do, và tự do chính là điều kiện duy nhất của hạnh phúc”.
“Mọi ý tưởng bạn nghĩ trong đầu, mọi lời bạn nói, mọi thứ bạn làm đều mang dấu ấn của riêng bạn”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết tâm thư gửi đến các chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu.
Ông dặn các đệ tử của mình: “Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung”.
Thiền sư cũng dặn các đệ tử rằng “thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền”.