Thành ngữ ‘Qua cầu rút ván’ và ý nghĩa ẩn giấu bên trong

Mỗi câu thành ngữ đều có ý nghĩa riêng và câu chuyện liên quan đến nó. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay ý nghĩa của câu thành ngữ “qua cầu rút ván” nhé!

1. Qua cầu rút ván là gì?

Chắc chắn bạn đã từng nghe qua thành ngữ “qua cầu rút ván” rất nhiều lần. Tuy nhiên bạn có chắc mình đã hiểu được ý nghĩa của nó? Đây là câu thành ngữ nói đến sự tráo trở, lật lọng của một số người.

  • Cầu – Ván: Đây là những chiếc ván được dùng để làm thành những cây cầu đơn sơ. Vào ngày xưa, việc dùng ván để làm 1 chiếc cầu rất thường thấy ở vùng nông thôn.
  • Qua – Rút: Đây là từ chỉ hành động của con người. “Qua” là từ chỉ hành động đi bằng chân, “rút” là từ chỉ hành động của đôi tay.

Hiểu đơn giản, “Qua câu rút ván” chính là một cây cầu được dựng lên để tất cả mọi người có thể di chuyển qua sông. Thế nhưng một người xấu tính nào đó sau khi đi qua cầu liền rút cây cầu đó, khiến cho những người còn lại không thể di chuyển.

Ấn ý hơn thì đây là câu thành ngữ phê phán một số người vô lương tâm, khi thành công lại quên đi sự giúp đỡ của người khác, làm những việc trái ngược với đạo lý sống mà ông cha ta ngàn đời truyền dạy.

2. Qua cầu rút ván có ý nghĩa gì?

Từ nghĩa đen, có thể thấy rằng câu thành ngữ “qua cầu rút ván” phê phán sự vô lương tâm của nhiều người, khi đạt được mục đích thì bắt đầu thể hiện sự tráo trở, phản bội. Đây là tính cách xấu, đi ngược lại với đạo đức xã hội. 

Từ trước đến nay, lòng biết ơn luôn được xem là một trong những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Thế nhưng, xã hội ngày nay có rất nhiều người đã quên đi đạo lý đó và sống “vô ơn bạc nghĩa”. Đây là một căn bệnh vô cùng đáng sợ, nhất là trong đời sống xã hội hiện nay. 

qua-cau-rut-van-voh-0

Qua cầu rút ván là câu nói chỉ sự tráo trở, vô lương tâm

Vô ơn, bạc nghĩa là một trong những dấu hiệu suy thoái đạo đức hay là ngược nghĩa với nhớ ơn hay biết ơn. Người vô ơn không chỉ khiến cho người “làm ơn” buồn, thất vọng mà còn cảm thấy bị lợi dụng.

Có lẽ, rất nhiều người cho rằng ‘vô ơn’ chỉ là chuyện nhỏ, thế nhưng trên thực tế hậu quả của tình trạng này là vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân mà cả cộng đồng xã hội.

Những kẻ không những quên ơn mà còn quay lại hãm hại người giúp đỡ mình là rất tàn nhẫn. Đây là những người chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình. Vì vậy, chúng ta cần lên án hành vi này, đồng thời tránh để bản thân trở thành người qua cầu rút ván.

Trong xã hội, người có bản chất “Qua cầu rút ván” vốn không ít. Đã có rất nhiều kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác, sau khi đạt được ý muốn thì thay đổi bản chất, xấu tính. Vì vậy, việc nhận ra những người có tính cách này và tránh tiếp xúc là cần thiết. Ngoài ra, bạn cần biết bảo vệ bản thân trong mọi tình huống, tránh đặt niềm tin sai chỗ.

Hơn thế, ý nghĩa sâu xa của câu thành ngữ “Qua cầu rút ván” còn muốn nhắc nhở chúng ta phải biết nhớ ơn những người từng giúp đỡ mình. Họ có thể là cha mẹ, thầy cô, hay những người bạn đã đồng hành cùng bạn trong cuộc sống.

Nếu không sự hỗ trợ, giúp đỡ từ họ, bạn sẽ không có được sự thành công như hôm nay. Vì vậy, hãy sống một cách nhân ái, biết ơn với những người đã giúp đỡ mình.

3. Câu chuyện liên quan đến câu thành ngữ “qua cầu rút ván”

Ngày xưa có hai người học trò chơi với nhau rất thân, một người tên là Lưu Cải, một người tên là Lễ Châu. Cả hai đều chăm chỉ đèn sách, mong có ngày đỗ đạt, vinh quy bái tổ.

Không may, gần đến kỳ thi thì Lễ Châu bị bệnh nặng. Sợ rằng mình không qua khỏi, Lễ Châu nói với Lưu Cải:

– Tôi nay chắc không thể vượt qua được bệnh tật. Tài sản cha mẹ tôi để lại gồm có ngôi nhà nhỏ và mảnh đất vườn. Bây giờ, anh hãy bán chúng đi, lấy tiền làm kinh phí đi thi. Nếu còn dư, hãy dùng để làm ma chay cho tôi. Chỉ cần anh thi đỗ, công thành danh toại là tôi mãn nguyện lắm rồi.

Lưu Cải nghe bạn nói thì khóc lóc không ngừng. Sau đó, Cải theo lời bạn bán lấy ngôi nhà và mảnh vườn, vừa lo thuốc thang cho bạn, vừa để làm lộ phí đi thi. Kỳ thi năm ấy, Lưu Cải đỗ cao, được làm quan trong triều đình. Nhờ được điều trị đúng cách, thuốc thang đầy đủ nên Lễ Châu cũng dần khỏe lại, đẩy lùi bệnh tật.

Sau khi khỏi bệnh, Lễ Châu tìm đến Lưu Cải, trước là để anh em gặp nhau, sau là nhờ Cải đỡ đần giúp mình ôn tập để đi thi. Tuy nhiên, Châu không biết rằng từ ngày làm quan, Cải đã thay đổi tính cách. Biết tin Châu đến, Cải tìm mọi cách né tránh bạn xưa. Ngược lại, Lễ Châu vẫn chân thành với bạn, không hề có chút đề phòng.

Một ngày nọ, Châu tìm được Cải khi trời đã tối và theo bạn về nhà. Lúc bấy giờ, người dân đào hào xung quanh nhà để đề phòng trộm cắp. Để vào được nhà phải đi qua một chiếc cầu.

Dưới chiếc cầu là chông nhọn và rất nhiều rắn rết. Cải đi trước, nhân khi trời tối, sau khi bước sang bên kia bờ, hắn vội vàng rút lại ván để hại Châu. Tuy nhiên hắn không biết rằng khi nghe tiếng rút ván, Châu đã hiểu ra và kịp thời dừng chân.

qua-cau-rut-van-voh-1

Qua cầu rút ván bắt nguồn từ câu chuyện về sự phản bội

Châu tuy thoát chết nhưng không thôi buồn rầu vì sự phản bội của bạn. Lưu Cải làm quan được vài năm thì bị sét đánh chết. Hôm ma chay bạn, Châu đến dự, sau đó kể lại chuyện năm xưa cho thầy dạy mình nghe. Thầy nghe xong mới bảo:

– Đó là kẻ Qua cầu rút ván, con người này tính cách không tốt, tráo trở, vô lương tâm. Vì vậy, việc hắn chết bất ngờ cũng là gieo nhân nào, gặt quả nấy, không đáng thương tiếc.

Xem thêm: Cá không ăn muối là gì và liệu câu tục ngữ đó còn đúng trong cuộc sống hiện đại

4. Những câu thành ngữ, tục ngữ nói về sự vô ơn

qua-cau-rut-van-voh-2

Có rất nhiều thành ngữ tục ngữ Việt Nam mang nhiều ý nghĩa

Ngoài câu thành ngữ Qua cầu rút ván thì văn hóa dân gian còn có nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ tương tự để chỉ về sự vô ơn. Một số câu vô cùng phổ biến như:

  1. Ăn cây táo rào cây sung
    Chỉ kẻ hưởng quyền lợi từ nơi này, nhưng lại vun vén ở nơi khác. Đây là loại người vô ơn, bạc tình mà bạn nên tránh xa.
  2. Ăn cháo đá bát
    Đối xử tàn nhẫn, độc ác với người đã từng giúp đỡ mình. Hành vi này chắc chắn không được tha thứ, đời đời kiếp kiếp bị nguyền rủa.
  3. Ăn mật trả gừng
    Hình ảnh “mật” và “gừng” đối lập nhau trong câu thành ngữ này. Dùng để chỉ những người được người khác đối xử tốt nhưng không biết ân tình.
  4. Vắt chanh bỏ vỏ
    Lợi dụng sức lực từ người khác, sau đó đối xử tệ bạc với họ.

Trên đây là phần giải thích ý nghĩa câu thành ngữ qua cầu rút ván mà chúng tôi giới thiệu đến bạn. Mong rằng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về nội dung câu nói này, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm quý giá cho mình. 

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *