Với sự thật giả lẫn lộn hiện nay trên thị trường thì xu hướng quét mã vạch sản phẩm để tìm hiểu rõ vè nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa đó đang trở nên ngày một thịnh hành tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng. Thế nhưng, nhiều sản phẩm mua về khi check lại qua các app chuyên để check mã vạch trên điện thoại thì lại không ra kết quả khiến người tiêu dùng hoang mang và cho rằng đây là hàng giả, hàng kém chất lượng. Vậy nguyên nhân check mã vạch không ra là do đâu ?
Vì sao check mã vạch sản phẩm nhưng không ra kết quả ?
Hiện nay có rất nhiều người tiêu dùng dùng biện pháp check mã vạch để xem đó có phải là hàng thật hay không nhưng có rất nhiều người không hiểu về mã vạch cũng như tác dụng của nó. Vậy nên để trả lời cho câu hỏi trên, trước tiên chúng ta cần phải có cái nhìn tổng quan về mã số mã vạch trước đã.
Mã vạch hay còn gọi là Barcode theo định nghĩa là phương pháp lưu trữ và truyền tải thông tin bằng một loại ký hiệu gọi là ký mã vạch (Barcode symbology). Ký mã vạch hay gọi tắt cũng là mã vạch, là 1 ký hiệu tổ hợp các khoảng trắng và vạch thẳng để biểu diễn các mẫu tự, ký hiệu và các con số. Sự thay đổi trong độ rộng của vạch và khoảng trắng biểu diễn thông tin số hay chữ số dưới dạng mà máy có thể đọc được.
Có rất nhiều loại mã vạch nhưng để truy xuất thông tin sản phẩm người ta thường dùng mã EAN vì chúng là mã vạch toàn cầu. Mỗi mã EAN được cấu tạo bởi 4 thành phần: mã quốc gia, mã doanh nghiệp, mã sản phẩm và số kiểm tra.
Mã quốc gia thường mã 3 số đầu, của Việt Nam là 893, 690 – 695 là của Trung Quốc, 880 là của Hàn Quốc, 885 là của Thái Lan (Thailand). Chính vì mã số quốc gia mà nhiều người tiêu dùng tinh ý chỉ cần nhìn vào mã vạch là biết chúng có xuất xứ từ đất nước nào.
Một số ứng dụng quét mã vạch trên điện thoại cũng có thể giúp bạn biết được nguồn gốc xuất xứ, thông tin của sản phẩm một cách chi tiết.
Nhưng không phải mã vạch nào check cũng ra cho dù bạn đến hãng sản xuất để mua hàng. Vậy nguyên nhân là do đâu ?
Tại sao sản phẩm chất lượng nhưng Check mã vạch lại không ra ?
Mình đã từng rất nhiều lần đến tại các Showroom bán hàng của các thương hiệu lớn để mua như khi về đến nhà check mã vạch lại không cho ra kết quả vậy có phải do showroom đó bán hàng không phải do họ sản xuất hay không ? Bạn không thể nói như thế được.
Khi bạn check mã vạch không ra bằng iCheck sẽ hiển thị như hình
Khi không quét được mã vạch, rất nhiều người tiêu dùng thường sẽ nghĩ rằng đó là hàng kém chất lượng nhưng các bạn phải hiểu rằng mã vạch không đại diện cho chất lượng sản phẩm, có rất nhiều sản phẩm thậm chí còn không có cả mã vạch nhưng vẫn chất lượng đấy thôi.
Quay lại vấn đề chính là tại sao check mã vạch nhưng không ra ? Vậy vấn đề nằm ở đâu ?
Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần phải biết, các phần mềm check mã vạch hiện nay có trên CH Play hay App Store chỉ là một công cụ, một ứng dụng thuộc quyền sở hữu của một cá nhân hay tổ chức độc lập nào đó tạo ra (chứ không thuộc các bộ, ngành quản lý như mã FDA) nhằm giúp người tiêu dùng có thể check được mã vạch. Nhưng không phải mã vạch nào ứng dụng (App) đó cũng có thể check ra.
Vậy vì sao mà có sản phẩm check ra mà có sản phẩm lại check không ra ?
Vấn đề check mã vạch có ra hay không phụ thuộc vào việc dữ liệu (thông tin) mã vạch đó có nằm trong App check mã vạch mà bạn đang sử dụng hay không. Nếu dữ liệu về mã vạch đó không có trong app thì dù bạn có đến hãng để mua thì check thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng check ra đâu.
Vậy có thể thấy rằng nếu muốn check ra mã vạch của 1 sản phẩm nào đó thì mã vạch đó phải được đăng ký vào cơ sở dữ liệu của App đó và việc đăng ký này thường sẽ mất phí nên đa phần các nhà sản xuất, các thương hiệu chẳng thèm đăng ký làm gì vì nó chẳng có tác dụng gì cả.
Một số nhà sản xuất chủ động bỏ tiền ra đăng ký mã vạch trên khắp các ứng dụng cũng chỉ để che mắt các bạn tiêu dùng tưởng rằng việc check mã vạch mà ra thì đó đúng là hàng thật nhưng các bạn đâu biết rằng mã vạch chỉ đại diện cho thông tin về nguồn gốc sản phẩm chứ không đại diện cho chất lượng sản phẩm và mã vạch hoàn toàn có thể làm giả chỉ bằng 1 cái máy in.
Và các bạn có thể thấy chi phí để đăng ký mã vạch lên 1 ứng dụng chuyên về check mã vạch như iCheck thì các bạn phải mất từ 3-4 triệu đồng cho 1 sản phẩm mặc dù nó chả có tác dụng gì cả.
Và nếu các bạn đã đăng ký mã vạch với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mà bạn không đăng ký mã vạch đó trên các App check mã vạch như iCheck, ICONIT, Baracode Việt, VietCheck, Buycott,… thì bạn dùng các ứng dụng này để check sản phẩm sẽ không cho ra kết quả mà sẽ hiển thị như hình:
Vậy nếu bạn check vạch đó không ra thì tức có nghĩa là nhà sản xuất sản phẩm đó không hợp tác với nhà sản xuất ứng dụng check mã vạch mà bạn đang sử dụng chứ không phải đây là hàng giả, hàng kém chất lượng đâu nhé.
Nhưng cũng có thể nói là vì chiều lòng người tiêu dùng nên đa phần các công ty, các nhà sản xuất đều đăng ký mã vạch của mình lên các ứng dụng (các App) check mã vạch HOT nhất hiện nay nên có thể nói với các sản phẩm nổi tiếng và HOT thì hầu như các bạn đều có thể check ra mã vạch đó.
Tuy vậy cũng có 1 số ứng dụng (App) chủ động cập nhật miễn phí hay cho người dùng tự động cập nhật thông các mã vạch mới nhưng cho dù là như thế đi nữa thì các bạn cũng phải biết rằng trong 1 ngày trên thế giới xuất hiện hàng tỷ sản phẩm mới được đăng ký mã số mã vạch. Do vậy không thể trong 1 vài ngày là có thể cập nhật đầy đủ cho các bạn bởi thông tin mã vạch đó lấy từ đâu ? Không 1 ai cung cấp cả, không 1 công ty hay cơ quan nào quản lý cả. Bạn không thể qua Nigeria để hỏi xem quốc gia của họ hôm nay đã có các sản phẩm nào được đăng ký mã vạch mới để chúng tôi cập nhật vào cơ sở dữ liệu của chống tôi. Bạn không thể làm thế vì vậy khi check mã vạch không ra là điều rất bình thường mà thôi.
Người tiêu dùng đang lạm dụng việc check mã vạch khi mua hàng
Tiếp tới là những thông tin mà người tiêu dùng được hiển thị trên điện thoại sẽ chỉ có được nếu doanh nghiệp của sản phẩm đó đăng ký mã số mã vạch với nhà sản xuất ứng dụng hoặc đăng ký một dịch vụ truy xuất thông tin. Bởi, doanh nghiệp có cung cấp thông tin sản phẩm cho bên sản xuất phần mềm thì mới có thông tin để họ update chính xác cho người dùng kiểm tra.
Khi check mã vạch thành công thì cũng chẳng có quá nhiều thông tin về sản phẩm
Nhưng hiện nay người tiêu dùng quá lạm dụng việc check mã vạch khi mua sản phẩm và áp đặt rằng sản phẩm check mã vạch không ra là hàng kém chất lượng, không đáng để mua ? Ủa vậy nếu sản phẩm không có mã vạch thì sao ? Vậy sản phẩm không có mã vạch là sản phẩm không có nguồn gốc hay sao ạ ? Nếu không có nguồn gốc sao trên bao bì lại có ?
Phải biết rằng theo luật của Việt Nam hiện tại thì không có luật nào bắt buộc 1 sản phẩm lưu hành phải có mã vạch tức không có mã vạch cũng không sao. Vấn đề các nhà chức trách cần ở 1 sản phẩm được lưu hành trên thị trường đó chính là chất lượng. Vậy nếu sản phẩm đó đảm bảo các yêu cầu về chất lượng có các cơ quan chức năng đề ra thì sản phẩm hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn để lưu hành. Và tiêu chuẩn chất lượng đó là các tiêu chuẩn như ISO, FDA, GMP, An toàn vệ sinh thực phẩm, vân vân và mây mây.
Vì vậy có thể thấy không phải sản phẩm nào cũng có mã vạch mà kể cả khi có mã vạch cũng chưa chắc có thể check ra. Và khi check mã vạch ra kết quả cũng không thể đảm bảo đó là hàng chất lượng được vì các tiêu chuẩn về chất lượng không nằm trên mã vạch nên việc check mã vạch để xem đó có phải là hàng thật, hàng chính hãng không là 1 suy nghĩ hoàn toàn sai.
Vậy để mua các sản phẩm chất lượng các bạn cần phải chú ý mua hàng ở các cơ sở uy tín chứ không phải đem điện thoại ra check không ra rồi khẳng định đây là hàng kém chất lượng rồi trả hàng. Như thế là người mua hàng thiếu kiến thức đó ạ.
Cách kiểm tra sản phẩm trong trường hợp check mã không ra
Không có gì chính xác bằng việc check mã vạch để truy xuất thông tin nhưng trong trường hợp không thể check thì chúng ta cũng cần có phương án dự phòng, cho dù chúng có hơi mất thời gian. Cách mà chũng ta sẽ áp dụng ở đây là cách tính mã vạch thủ công.
Với mã vạch EAN – 13, chúng ta áp dụng công thức sau:
Tổng số lẻ (trừ số thứ 13) + tổng số chẵn x 3 + số thứ 13
Nếu kết quả cho ra chữ số cuối cùng khác 0 thì mã vạch là không chính xác, bước đầu nghi ngờ đây là hàng fake, nhái.
Với sản phẩm có mã vạch: 8809013351046 ta sẽ tính như sau
(Mã vạch của sản phẩm nước ép hồng sâm Hàn Quốc)
Lấy tổng số lẻ: A = 8+0+0+3+5+0=16
Tổng số chẵn: B = 8+9+1+3+1+4=26
A + B x 3 + (số thứ 13) = 16+26×3+6 = 100
Như vậy, sản phẩm này có mã vạch chuẩn vì tổng sau khi cộng có số 0 cuối cùng
Trong nhiều trường hợp, bạn check sản phẩm không ra mã thì đừng vội quy chụp là hàng kém chất lượng mà nên xem xét nhiều khía cạnh khác của sản phẩm.
Chốt lại thì không phải lúc nào bạn check mã vạch ra thì đó là hàng thật và không phải lúc nào bạn check mã vạch không ra thì đó cũng là hàng giả và việc check mã vạch có ra hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều những vấn đề phức tạp khác. Cái mà các bạn cần chú ý vào lúc này khi mua hàng đó chính là chất lượng. Các bạn không thể bắt ép 1 con cá ngoài chợ phải có mã vạch mà chỉ có những con cá đã chết ở trong siêu thị mới có mã vạch mà thôi bởi vậy bạn không thể bảo con cá ngoài chợ là 1 con cá giả được.
Hãy là người tiêu dùng thông thái trong mọi trường hợp bạn nhé !