Người Trung Hoa có câu: “Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng, độc tận thi thư diệc uổng nhiên”, nghĩa là: Mở lời không nói chuyện Hồng Lâu Mộng, đọc hết thi thư liệu ích gì!
Hồng Lâu Mộng mở đầu bằng một huyền thoại. Khi Thần Nữ Oa luyện đá vá trời xong còn thừa lại một viên đá. Tuy không đắc dụng như những viên đá kia, nhưng nó đã trở thành một linh vật, về sau được đưa về cõi tiên giữ chức coi vườn, chuyên lo bón tưới cho một cây Giáng Châu. Đá có ơn với cây, cây chịu ơn của đá, kết nên một mối duyên nợ, nên cả hai đều phải đầu thai làm người để trang trải mối duyên nợ ấy: Đá là Bảo Ngọc, cây là Đại Ngọc.
Từ câu chuyện huyền thoại khởi đầu ấy, tiểu thuyết triển khai.
Bảo Ngọc được bà nội nuông chiều, cho ở trong vườn Đại Quan, sống giữa đám a hoàn nhan sắc như Tập Nhân, Tình Văn… là những thiếu nữ xuất thân nghèo khổ, được họ Giả mua về hầu hạ. Bản chất vị tha tốt đẹp và tính cách dịu dàng của đám nữ tì này đã ảnh hưởng nhiều đến Bảo Ngọc. Ở Giả phủ lúc đó còn có cô chị họ Tiết Bảo Thoa ở nhờ. Đó là một cô gái đẹp, nết na theo đúng khuôn phép truyền thống. Bảo Ngọc cũng có cảm tình với cô. Nhưng chỉ có Đại Ngọc kiều diễm và đa cảm là người duy nhất hiểu được tâm hồn Bảo Ngọc, chàng trai đã chán ngấy cái con đường mòn “học giỏi – thi đỗ – làm quan” đang là niềm khao khát kỳ vọng của cả nhà họ Giả ký thác vào chàng.
Họ yêu nhau nhưng tình yêu của họ đã bị dập vùi trong đau khổ. Cả nhà họ Giả đã quyết định chọn Tiết Bảo Thoa cho Bảo Ngọc bằng kế “đánh tráo” của Phượng Thư. Bảo Ngọc cứ yên chí là “cưới em Lâm”, nhưng khi giở khăn che mặt, hóa ra là Bảo Thoa. Còn Lâm Đại Ngọc thì sau cơn ốm nặng đã đau đớn oán hờn, đốt thơ, đốt khăn tặng mà chết giữa lúc cả nhà họ Giả linh đình làm đám cưới cho người yêu của nàng.
Bảo Ngọc bỏ nhà đi tu, còn Bảo Thoa thành một quả phụ trẻ đau khổ…
Tái hiện lại 3 nhân vật trong phim Hồng Lâu Mộng (1987).
Vậy, ý nghĩa rốt ráo của Hồng Lâu Mộng là gì?
Người ta hàng trăm năm nay đã tranh luận mãi về việc ấy, lập ra cả những hội nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng, đặt tên là “Hồng học” để phân tích tìm tòi từng giá trị và ý nghĩa của tác phẩm. Nhân tâm vốn đa dạng, ngộ tính cũng nhiều mức độ. Có người cho rằng đó là cuốn sách nói về tình yêu nam nữ. Người khác lại cho rằng đây là cuốn biên khảo về văn hóa của xã hội phong kiến một cách đầy đủ và sinh động nhất. Có người lại cho là sách ám chỉ đến việc riêng tây của một dòng dõi danh gia thế phiệt nào đương thời không tiện nêu tên. Có người lại thấy tư tưởng chống Mãn Thanh nên gán cho nó màu sắc chính trị. Người thì thấy nó là tác phẩm tố cáo cái gọi là “chế độ phong kiến suy đồi”. Người thì thấy giá trị văn học của nó nên khen ngợi hết lời về lối khai phá cho một phong cách tiểu thuyết chương hồi hoàn toàn mới… Vì thâu tóm trong mình giá trị đa diện như vậy, nên Hồng Lâu Mộng mới xứng là một trong Tứ đại danh tác Trung Hoa.
Hồng Lâu Mộng quả thực đã đề cập đến hết thảy những gì thuộc về đời sống con người trong bối cảnh xã hội lúc ấy. Theo lời GS Phan Văn Các thì:
“… Hồng Lâu Mộng hầu như đã bao chứa toàn bộ tư tưởng và cuộc sống của xã hội phong kiến Trung Hoa, là một bộ bách khoa toàn thư về xã hội ấy. Mọi thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa của xã hội ấy như ruộng đất, thương nghiệp, pháp luật, tôn giáo, quan lại, nô tì, hôn nhân, đích thứ, khoa cử… đều được phản ánh trên mức độ khác nhau. Trên từ hoàng thất, dưới đến lê dân, mọi trạng huống kinh tế chính trị, đời sống tâm lý và tính cách văn hóa, quan hệ qua lại và ảnh hưởng hỗ tương của các giai cấp, các tầng lớp đều được miêu tả tỉ mỉ và sinh động. Văn học, nghệ thuật, viên lâm, kiến trúc, y dược, nấu nướng cho đến tham thiền ngộ đạo, xem bói đoán chữ… đều có đủ cả, có thể gọi là tổng hòa văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa”.
Như thế, Hồng Lâu Mộng là cuốn sách cuộc đời đầy đủ và đa diện, sâu sắc, bao chứa toàn bộ đời sống xã hội. Chúng ta chỉ là một cá nhân trong đời sống xã hội ấy, chịu sự va đập ràng buộc của nó. Ta muốn đứng độc lập bên trong nó mà nhận thức toàn diện về nó thì có làm được không? Thế thì rõ ràng tùy thế đứng của chúng ta trong đời sống xã hội ấy, ta chỉ thấy được một góc của nó gần gũi nhất với cuộc sống riêng của chúng ta mà thôi. Đó cũng là lý do cho nhận thức đa dạng của thế nhân về Hồng Lâu Mộng.
Nên chăng hãy nhảy thoát ra khỏi những rối rắm của cuộc đời, tâm đặt ở ngoài cõi hồng trần ấy mà nhìn nhận nó? Khi thân ở trong cảnh nhưng tâm ở ngoài cảnh thì mới thấy cuộc đời là một trường ảo mộng. Cao Ngạc, người viết 40 hồi cuối đã chẳng đổi tên nó từ “Thạch Đầu Ký” thành “Hồng Lâu Mộng” (giấc mộng lầu hồng) đó sao? Dù sống trong lầu hồng giàu sang nhung lụa hay ở cái lều rách thì nhân sinh cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi. Và khi đã đứng ở bên ngoài cuộc đời mà nhìn vào Hồng Lâu Mộng thì sẽ không bị lạc vào các tình tiết, các mảng miếng dù cầu kỳ, khuất khúc, ý tứ, ảo diệu, biến hóa đa đoan muôn hình vạn trạng như chính cuộc đời… nhưng rút cục vẫn là ở trong một giấc mộng ngắn ngủi.
Chúng ta đừng quên rằng Tào Tuyết Cần là một người có tâm ngộ Đạo. Cũng theo GS. Phan Văn Các: “Tào Tuyết Cần viết Hồng Lâu Mộng khi cả nhà đã phải sống cảnh rau cháo qua ngày ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh, bản thân phải vẽ tranh lấy tiền đong gạo. Tuy nhiên ông vẫn thường uống rượu giải sầu và nhìn bọn người dung tục trong xã hội bằng con mắt khinh bỉ. Lúc nhàn tản ngao du chốn lâm tuyền, lúc nương mình nơi cổ tự hoang phế, lúc tìm đến tăng xá thăm đám thầy tu tầm thi luận đạo, lúc giao du với cánh tông thất nhàn tản bất đắc chí như anh em Đôn Mẫn, Đôn Thành”. Do vậy, muốn hiểu Tào Tuyết Cần và Hồng Lâu Mộng, ta cần phải nhìn bằng con mắt của người tu Đạo.
Khi đã nhất trí như vậy, thì ta hoàn toàn thấy rằng Hồng Lâu Mộng giống như một vở kịch lớn mà các tuyến nhân vật của tác phẩm đang ở trong vai diễn cuộc đời. Cuộc đời họ hay là cuộc đời ta trong màn kịch nhân loại này? Rốt cuộc cũng đều là mộng cả. Mọi nhân vật đều theo an bài mà xuống cõi trần, sắm một vai của mình, hoặc để báo ân, hoặc vì báo oán, cũng chẳng qua để kết lại cái duyên nợ đã có với nhau từ trước. Nếu cây Giáng Châu mà không nợ ơn tưới tắm của Thần Anh thị giả thì làm gì có chuyện hóa thân thành Đại Ngọc mà trả nợ nước mắt cho Bảo Ngọc (Thần Anh)? Rồi Kim Lăng thập nhị thoa, mười hai cô gái đẹp người xuống trước, kẻ xuống sau đều qua an bài của vị tiên Cảnh Ảo mà tề tựu nơi vườn Đại Quan để đóng cái vở kịch của kiếp người nơi Giả phủ ấy. Đại Quan Viên kia là một sân khấu nhỏ của “cái bọn oan gia phong lưu sắp sửa đầu thai xuống trần”, nó nằm giữa sân khấu lớn hơn là xã hội nhân loại, cũng là một vở kịch cực lớn và vô cùng phức tạp mà thôi.
Bức họa tả một cảnh trong “Hồng Lâu Mộng” vẽ bởi họa sĩ Tôn Văn thời nhà Thanh. (Ảnh: Wiki)
Từ nhân vật Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn
Cảnh mở màn là hai nhân vật phụ Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn ra giới thiệu nội dung vở kịch, căn nguyên của những sự việc sẽ xảy ra về sau, ấy là ở hồi thứ nhất. Trước khi vở kịch hạ màn, cũng hai nhân vật ấy qua vấn đáp mà khéo léo kết lại các tình tiết. Khi vở kịch ấy qua đi, độc giả say mê có cảm giác bàng hoàng như đã trôi qua một đời người, giống như tỉnh dậy sau một giấc mộng Nam Kha có đủ mọi hỉ, nộ, ai, lạc, oán, hận, tình, thù mà thở dài biết bao cảm khái, thấy lòng nguội lạnh với danh lợi tình. Thế thì mới gọi là Hồng Lâu Mộng.
Văn chương Á Đông không có lối trực diện và minh bạch trên bề mặt như của người phương Tây. Cách biểu đạt của phương Đông ý nhị, mang nhiều hàm ý và liên tưởng, nhiều khi là ngôn tại ý ngoại, tức là nói vậy mà không phải vậy, hoặc mượn cảnh mà tả tình. Cho nên các nhà văn Trung Hoa xưa đối với câu chữ không hề tùy tiện. Một cái tên nhân vật phải được gửi gắm trong đó biết bao nhiêu là ý tứ và nó phải phục vụ cho ý đồ chung của tác phẩm. Hán văn lại là một dạng ngôn ngữ cực kỳ phong phú và khúc triết.
Chân Sĩ Ẩn 甄士隐 đồng âm (hài âm) với Chân sự ẩn 真事隐 (việc thật bị ẩn giấu), Giả Vũ Thôn 贾雨村 hài âm với Giả ngữ tồn 假语存 (lời giả dối tồn tại) hay Giả ngữ thôn thôn (lời bịa đặt).
Chân Sĩ Ẩn có họ là Chân 甄, tên gọi là Phí 费, tự là Sĩ Ẩn 士隐. Riêng cái tên “Chân Phí” cũng đã hài âm với “Chân phế” 真废 ý nghĩa là đồ vô dụng. Đây cũng chính là sự đánh giá về Chân Sĩ Ẩn, một con người đạm bạc với danh lợi lúc bấy giờ.
Giả Vũ Thôn, họ là Giả 贾, tên Hoá 化, tự là Thời Phi 时非, biệt hiệu là Vũ Thôn 雨村. Giả Hoá hài âm với “Giả thoại” 假话 (những lời giả dối). Còn “Thời Phi” hài âm với “Thực phi” 实非, là phi thực tế, tức thực tế không phải như vậy.
Theo người viết, tinh thần của tác phẩm, ý tứ của tác giả về bộ kỳ thư này đã nằm cả ở câu đối làm tiêu đề của hồi thứ nhất (hay hồi mở đầu):
“Chân Sĩ Ẩn trong mộng ảo biết đá thiêng
Giả Vũ Thôn lúc phong trần mơ người đẹp”
Chân Sĩ Ẩn là ai? Giả Vũ Thôn là người thế nào? Nếu độc giả không nắm được hai nhân vật này thì cũng khó nắm bắt nội hàm thâm sâu của tiêu đề trên. Thế thì đây.
Chân Sĩ Ẩn là ai? Giả Vũ Thôn là người thế nào? (Ảnh minh họa: amefird.com)
Chân Sĩ Ẩn vốn là con nhà thân hào trong vùng, gia cảnh tuy không lừng lẫy nhưng cũng là hạng có tiếng tăm, thực sự là người quân tử có đạo, kẻ sĩ thanh cao. Không giàu có vương giả như nhà họ Giả nhưng sống cuộc sống rất phong lưu không biết đến cơ hàn là gì, “không thích công danh, hàng ngày chỉ lấy ngắm hoa, trồng trúc, uống rượu, ngâm thơ làm vui”. Người sống được như thế là gần với Đạo, đã phần nào thấy được sự vô thường của đời sống, nên không ham tranh đấu.
Nhưng nếu không có những biến cố cuộc đời dồn dập xảy đến thì Chân Sĩ Ẩn khi nào mới thực sự bước chân vào Đạo? Hay chỉ dừng ở mức sống cuộc đời lấy nhàn làm vui, không ham bon chen kèn cựa. Ngày ngày thưởng hoa, đêm về ngắm nguyệt, “khi chén rượu khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”. Sống cuộc đời vô lo vô nghĩ, đêm về thảnh thơi kê cao gối mà ngủ. Thế rồi trăm năm thấm thoắt trôi qua, thân xác lại về với cát bụi. Rốt cuộc vẫn bị hãm trong vòng sinh tử, phí mất một kiếp làm người. Nhưng cái duyên bước vào Đạo lại bắt đầu từ những sự việc ghê gớm để rồi ông thực sự nhận ra cõi đời mộng ảo. Đa phần với thường nhân chúng ta là như thế, không kinh qua khổ nạn sao có chút tỉnh ngộ về ảo ảnh cuộc đời?
Đời ông hiếm muộn, về già mới có độc một mụn con gái. Trong đêm Nguyên Tiêu thì con gái ông bị người ta bắt cóc đi. Đó là một thử thách về chữ TÌNH: tình máu mủ. Chưa nguôi nỗi đau về mất con, thì đến hỏa tai, nhà cửa cháy sạch, của cải cũng thành tro bụi. Đành rằng không chấp vào LỢI, là kẻ sĩ thanh cao nhưng rốt cuộc bây giờ sống bằng cái gì? Liệu có còn duy trì lối sống phong lưu an nhàn được nữa không? Tâm dựa dẫm vào tiền bạc cũng bị thử thách. Đành kéo nhau về quê sống, sinh hoạt trông cả vào lợi tức từ hoa màu ở trang trại. Nhưng gặp năm đói kém, đã mất mùa lại gặp cảnh trộm cướp như ong. Lại phải bán trang trại để về nhà bố vợ ở.
Một người gia cảnh đang phong lưu như thế, lại là hạng trí thức cao đạo, chắc nhiều sĩ diện, thế mà lại phải đi ở rể ở nhà ông bố vợ làm ruộng. Không nói thì ai cũng hiểu việc này khổ sở về tinh thần thế nào rồi. Còn có chút tiền nhờ bố vợ mua hộ ít ruộng đất để cấy hái, thì bị bố vợ ăn bớt nên chỉ mua được ruộng đất xấu. Bản thân ông lại là anh học trò không quen lam lũ, dài lưng tốn vải nên dần dần vốn liếng hết sạch. Bố vợ thấy con rể xuống dốc như thế thì nói ra nói vào. Thật là trăm cái khổ, đang phong lưu sống ở cao hơn đời một bậc như thế mà phải hạ mình để nghe những lời ong tiếng ve của người thân và thiên hạ.
Chấp vào cái danh đâu phải chỉ là truy cầu quyền cao chức trọng. Cái sĩ diện của anh học trò, người trí thức trong sáng cũng là chấp vào cái danh đấy chứ. “Thất phu bị nhục, tuốt kiếm tương đấu” hoặc “kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục” cũng là chấp vào cái danh. Dù cho cái danh dự ấy thanh cao thật cũng vẫn là lý lẽ của thường nhân. Và cái DANH ấy của Chân Sĩ Ẩn cũng đang bị thử thách. Cả DANH, LỢI, TÌNH ông đều gặp thử thách. Tuổi già thì đến rồi, những ngày tháng tới sống ra làm sao? Thật vô cùng chán nản. Thấy đời này chả phải giấc mộng tan hoang thì là gì?
Có thế thì ngay khi gặp vị đạo nhân, ông nhận ngay ra ý nghĩa chân chính của cuộc đời trong bài “Hảo Liễu ca” đầy ẩn ý của đạo sĩ. Có lẽ là một điểm hóa cho ông: “Người đời thường cho thần tiên hay, mà chuyện công danh lại vẫn say…”.
Chân Sĩ Ẩn nghe thấy, lại ngay trước mặt hỏi: “Người đọc những câu gì mà chỉ nghe thấy “hảo liễu” “hảo liễu” thôi”.
Đạo sĩ cười đáp: “Nếu đã nghe thấy hai chữ “hảo” và “liễu” thì cũng đáng khen cho ngươi là sáng suốt. Phải biết muôn việc ở đời, “hảo” tức là “liễu”, “liễu” tức là “hảo”, nếu không “liễu” thì không “hảo”, mà muốn “hảo” thì phải “liễu”. Vì thế bài hát này ta gọi là Hảo Liễu ca”.
Chân Sĩ Ẩn vốn người thông minh, ngộ tính lại cao nên liễu giải được ngay. “Hảo” là tốt, “liễu” là hết. Muôn sự ở đời phải biết buông “hết”, bỏ “hết” thì mới “tốt”. Nên muốn “tốt” thì phải “hết”, trong lòng “hết” vương vấn sự đời, “hết” truy cầu, ham muốn, “hết” chấp trước và quan niệm, thì mới thực sự “tốt”. Chứ tích cho đầy mọi của cải, ham muốn, quan niệm, danh lợi tình thì đâu phải tốt. Vì như thế thì mãi mãi không “hết” được kiếp chúng sinh, mãi mãi vẫn luân hồi, mãi mãi không được giải thoát và mãi mãi đau khổ. Thế thì “tốt” làm sao được? Nên “hết” là “tốt”, “tốt” là “hết”, không “hết” thì không “tốt”, muốn “tốt” thì phải “hết”. Nếu tâm ngộ Đạo mà giống quan niệm đời thường thì ai cũng đắc Đạo “hết” chăng? Thế thì “tốt” quá rồi… Vậy đấy. Nó sẽ không giống như cách hiểu thông thường của người đời.
Ngay lập tức Chân Sĩ Ẩn họa lại bằng một bài thơ đầy thức tỉnh rồi khoác tay nải theo đạo sĩ vùn vụt đi đâu không rõ.
Như vậy, Chân Sĩ Ẩn đại diện cho những người có căn cơ lớn, ngộ tính cao, sau bao nhiêu biến cố của cuộc đời đã nhìn thấu bản chất của cõi đời giả tạm mà dốc lòng tu Đạo. Còn Giả Vũ Thôn vẫn lưu luyến, chấp vào những giá trị vô thường của nhân sinh, lại là một hạng người hoàn toàn khác.
Giả Vũ Thôn có tài, mang chí lớn, muốn có phen đua chen với đời để được thỏa sức vẫy vùng. Và những bậc tài cao ham danh lợi như thế thì thời nào cũng giống nhau. Thời nay, thì họp báo, công bố, viết bài, phát ngôn, kết giao với giới chức quyền, gây ảnh hưởng với xã hội… cũng là một cách biểu hiện. Thời xưa, thì người ta dùng văn thơ thể hiện chí khí “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”, tham gia vào khoa cử, lặn ngụp trong quan trường. Giả Vũ Thôn khi còn là anh học trò rách đã không giấu chí lớn của mình qua câu thơ: “Ngọc giấu đáy hòm chờ giá bán, Thoa nằm trên giá đợi thời bay”.
Rồi đâu chỉ có danh lợi, còn tình sắc nữa chứ. Lúc hàn vi không một xu dính túi đã tơ tưởng a hoàn xinh đẹp nhà Chân Sĩ Ẩn. Sau này khi đã đỗ đạt, võng lọng nghênh ngang thì đi tìm người đẹp ngay tắp lự để nạp làm vợ bé. Có quan tước thì cũng lợi dụng để bòn rút, đánh quả, tính cũng tham tàn vơ vét nên bị vua cách chức. Giả Vũ Thôn chính là một đại diện của bộ phận lớn tầng lớp trí thức biết nhiều hiểu rộng nhưng không ngộ ra được ý nghĩa rốt ráo của cuộc đời. Ông ta dốc lòng theo đuổi danh, lợi, tình, thậm chí còn lạm dụng tài năng để làm việc trái đạo, chung cuộc thì vạn sự giai không, cũng như con dã tràng xe cát mà thôi. Lúc ấy gặp lại bậc chân tu như Chân Sĩ Ẩn mới tỉnh ra được phần nào.
Đến tiêu đề hồi mở đầu
“Chân Sĩ Ẩn trong mộng ảo biết đá thiêng
Giả Vũ Thôn lúc phong trần mơ người đẹp”
18 chữ của tiêu đề mà đủ nói lên được tinh thần, nội dung của hồi mở đầu, cũng là ý tứ của cả tác phẩm gần 2000 trang này. Phi Tào Tuyết Cần, có ai mà làm nổi? Ông không phải là tiểu thuyết gia đại tài hạng nhất thì còn ai nữa?
Chúng ta cùng lãnh giáo trí huệ và bút lực phi phàm của Tào Tuyết Cần qua hai vế đối trên.
Câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán, người Trung Hoa quan niệm: Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa.
Người viết bài không rành về câu đối nhưng ít nhất hiểu được rằng:
Đối thanh: chữ của vế trên bằng thì chữ của vế dưới phải trắc, và ngược lại.
Đối loại: nếu vế trên sử dụng danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ hay sử dụng các thành ngữ, tục ngữ, điển cố… tại vị trí nào thì vế dưới nó, ở tại vị trí đó cũng phải sử dụng đúng từ loại như vậy.
Câu đối đúng quy cách thì vế trên có vần trắc, vế dưới có vần bằng. So hai vế đối thì chữ đối chữ, từ đối từ, câu đối câu về ngữ nghĩa.
Chân (thật) đối với Giả.
Sĩ Ẩn (đọc lên giống Sự Ẩn – sự tình ẩn giấu) đối với Vũ Thôn (đọc lên giống Ngữ Tồn – lời nói khơi khơi). Chân Sĩ Ẩn hàm ý “Sự thật ẩn giấu” đối với Giả Vũ Thôn hàm ý “Lời nói dối khơi khơi”.
“Trong mộng ảo” đối nghĩa với “lúc phong trần” (lúc phong trần tức là trong cuộc sống thật).
“Biết” đối nghĩa với “mơ” hay là “mê”.
“Đá thiêng” đối với “người đẹp”.
Dụng công đến như thế để nắn nót, hàm ý từng câu từng chữ một thì xem ra lời trần tình của tác giả là không nói quá: “Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết, Cay đắng mười năm khéo lạ lùng”.
Còn câu đối câu? Trong khi “Chân Sĩ Ẩn trong mộng ảo biết đá thiêng” thì “Giả Vũ Thôn lúc phong trần mơ người đẹp”. Chân Sĩ Ẩn trong giấc mộng, tưởng là không thật mà lại biết được chân tướng của sự vật. Xưa nay ai bảo giấc mộng là có thực? Người ta vẫn bảo tôi mê thấy, mơ thấy đó chứ. Nghĩa là trong mê. Nhưng Chân Sĩ Ẩn chỉ cần trong cái mà người đời nghĩ là giấc mộng ấy, ảo ảnh ấy cũng nhìn được, biết được nguyên lai của sự việc.
Đó chính là việc Giả Bảo Ngọc có một phần hồn là hòn đá thiêng do Nữ Oa bỏ sót lại khi vá trời, vì ham phù hoa náo nhiệt nên xuống thế gian, phần hồn chính yếu lại là vị Thần Anh chuyên tưới tắm cho cây Giáng Châu trên trời, xuống trần để kết lại mối duyên với nhau. Kể cả những nhân vật nữ lưu trong Giả Phủ cũng thế, giáng trần là có lý do từ trước. Thế là ông ta biết được nguyên nhân thực sự của vở kịch đời trong Giả phủ, với những tình tiết kia chỉ là để biến hóa ra cho phù hợp với an bài từ cõi trên mà thôi, là giả , là ảo đấy. Nhưng đó là sự thật mà người đời đa phần không nhìn thấy, do vậy mới gọi là Chân Sĩ Ẩn, tức Sự thật bị ẩn giấu
Còn Giả Vũ Thôn thì sao? Ông ta không nằm mộng, ông ta sống giữa cõi đời này có vẻ như thật tỉnh táo, nhiệt tình theo đuổi danh lợi, có vẻ như đúng là mục đích chính đáng của người đời, ông ta còn theo đuổi cả sắc tình nữa. Nên “mơ người đẹp” là như thế. Nhưng đời lại là một Giấc Mộng Lầu Hồng, một vở kịch. Đa phần nhân loại chúng ta chẳng giống như Giả Vũ Thôn hay sao? Sống giữa cuộc đời (lúc phong trần) ngắn ngủi và vô thường, cho mình là tỉnh táo thực dụng nhưng mê man cái bả vinh hoa phú quý và nữ sắc (mơ người đẹp). Rốt cuộc cũng chỉ là một Giấc Mộng Lầu Hồng mà thôi. Thế nên sống giữa đời thực phong trần hóa ra lại là luôn theo đuổi những giấc mơ, những huyễn hóa và ham muốn tạm bợ, vụt đến vụt đi vô cùng ngắn ngủi trong kiếp nhân sinh. Vậy mới gọi là “Lời nói dối khơi khơi”. Đại thi hào Nguyễn Du chả đã từng viết: “Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi” hay sao?
Một người trong MỘNG ẢO mà BIẾT, người kia tưởng sống ĐỜI THẬT hóa ra lại MƠ. Vậy thực sự ai mới là BIẾT, ai mới là MÊ? Giả Vũ Thôn hay Giả Ngữ Tồn – lời nói giả dối khơi khơi? Thế gian chẳng qua chỉ là giả tướng, huyễn tướng, là hư ảo không thật, sao con người cứ đắm đuối mãi với màn kịch ái hận tình thù này nhỉ? Những thứ phơi bày trong đời sống nhân thế đều là những điều không có thật (Giả Vũ Thôn), còn sự thật thì bị ẩn giấu đi (Chân Sĩ Ẩn), có khi chỉ được điểm hóa một cách thực thực hư hư như bài Hảo Liễu ca mà thôi. Không ngộ Đạo thì sao biết được sự thật là gì? Ô hay, người tỉnh như Giả Vũ Thôn hóa ra mê, người mơ như Chân Sĩ Ẩn lại là tỉnh. Nhưng từ cái giả lồ lộ kia tìm ra sự thật ẩn giấu, thì nhiều khi là phải trải qua cả một quá trình đau đớn.
Một người trong MỘNG ẢO mà BIẾT, người kia tưởng sống ĐỜI THẬT hóa ra lại MƠ. Vậy thực sự ai mới là BIẾT, ai mới là MÊ? (Ảnh minh họa: soha.vn)
Thế mới là:
“Lẵng đẵng trên đời khéo khổ công
Tiệc tùng rốt cuộc chỉ là không
Muôn trò mừng tủi đều hư ảo
Một giấc xưa nay rõ viển vông…”
Tóm lại, chỉ có hai vế đối của hồi thứ nhất của Hồng Lâu Mộng mà đại tác gia thiên tài Tào Tuyết Cần đã lột tả được nguyên ý của toàn bộ tác phẩm. Người viết bài đọc Hồng Lâu Mộng bao nhiêu năm mà cái “sự thật ẩn giấu” này vẫn lướt qua trước mắt như không. Nhìn câu chữ mà chẳng thấy được nội hàm bên trong. Giờ đây may gặp được Chính Đạo, có ngộ ra được tí chút đã thấy giật mình kinh sợ cho năng lực ngôn ngữ và trí huệ của người xưa. Càng đọc càng thấy mình nhỏ bé quá. Thực sự là “Văn dĩ tải Đạo”, chưa bao giờ người viết thấy thấm thía điều này đến thế.
Tuy nhiên, người viết cô lậu quả văn, ngộ tính thấp kém, mong được bạn đọc xa gần góp ý thêm đôi chút cho người viết được sáng ra. Cảm ơn bạn đọc đã kiên nhẫn xem hết và bình giải. Người viết mời các bạn đắm chìm trong không gian hư hư thực thực của Hồng Lâu Mộng trong khúc nhạc mở đầu tuyệt diệu của tác phẩm điện ảnh vô tiền khoáng hậu: Hồng Lâu Mộng 1987. Khi nghe khúc nhạc này thì ngôn ngữ của người viết thực sự bất lực rồi, nên dừng ở đây thôi. Mong là bài viết mang lại cho bạn đọc một chút yêu quý đến văn hóa truyền thống đẹp đẽ vô song và thâm hậu khôn cùng.
Văn Nguyễn