Soạn giản lược bài cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học

Phần luyện tập

Câu 1: Phát biểu cảm nghĩ bài thơ “cảnh khuya”

Gợi ý làm bài

1. Tìm hiểu đề, tìm ý

a. Tìm hiểu đề

  • Thể loại: Biểu cảm về tác phẩm văn học
  • Đối tượng biểu cảm: Bài thơ “Cảnh khuya” – Hồ Chí Minh
  • Nội dung biểu cảm: Tình cảm, cảm xúc trước cảnh và người trong bài thơ

b. Tìm ý:

  • Cảm nghĩ về cảnh đêm trăng rừng thơ mộng (câu 1, câu 2)
    • Câu 1: Thích thú trước hình ảnh so sánh mới mẻ, hấp dẫn …: tiếng suối, tiếng hát
    • Câu 2: Hình ảnh bóng trăng, bóng cây, bóng hoa quấn quýt, lung linh, huyền ảo … bởi âm hưởng của hai từ “lồng” ở một câu thơ
  • Cảm nghĩ về tâm trạng của Bác trong đêm khuya (câu 3, câu 4)
    • Điệp ngữ “chưa ngủ” đặt ở cuối câu thứ 3 và đầu câu thứ 4 là một bản lề mở ra phai phía của tâm trạng trong cùng một con người.
    • Cảm động về tấm lòng yêu thiên nhiên, đất nước và phong thái ung dung tự tại của Bác

2. Dàn ý

a. Mở bài:

  • Giới thiệu về tỏc gi? Hồ Chí Minh
  • Hoàn cảnh sáng tác : Những năm đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
  • Ấn tượng chung: Cảnh đẹp trong đêm khuya ở rừng Việt Bắc và tâm trạng của Bác.

b. Thân bài:

* Câu 1+2: Cảnh đêm trăng rừng êm đềm thơ mộng.

  • Giữa không gian tĩnh lặng của đêm, nổi bật tiếng suối chảy róc rách. Câu thơ sử dụng nghệ thuật so sánh độc đáo.
  • Ánh trăng chiếu sáng mặt đất với những mảng sáng tối đan xen hoà quện tạo khung cảnh lung linh huyền ảo.

=> Tạo nên bức tranh đêm trăng rừng tuyệt đẹp cuốn hút người đọc.

* Câu 3+4 : Tâm trạng của Bác trong đêm khuya.

  • Trước khung cảnh lung linh huyền ảo của chốn rừng Việt Bắc, Bác say mê ngắm cảnh.
  • Bác chưa ngủ một phần vì cảnh đêm khuya quá đẹp làm say dắm tâm hồn nghệ sĩ, phần vì lo lắng cho đất nước.

=> Tình yêu thiên nhiên luôn gắn liền với tình yêu nước tha thiết trong con người Bác.

c. Kết bài:

  • Khẳng định lại tình cảm của người viết: Đây là bài thơ hay thể hiện tâm hồn tinh tế nhạy cảm, tinh thần yêu nước sâu nặng của Bác

Bài làm:

Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà chính trị tài ba, một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, mà Bác còn được biết đến với tư cách là một người nghệ sĩ với tâm hồn phóng khoáng, yêu đời và tự do. Bài thơ Cảnh khuya ra đời năm 1947, khi Bác đang sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với ngôn ngữ giản dị, trong sáng nhưng vẫn hiện lên tâm hồn, tình yêu thiên nhiên và sự trăn trở, suy tư của Bác với non sông, đất nước:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Cảnh hiện lên là buổi đêm vô cùng tĩnh lặng của núi rừng Việt Bắc. Tôi hình dung về khoảng không rộng lớn của thiên nhiên, khi trăng lên lên cao vút, ánh sáng chiếu xuyên qua từng kẽ lá, tạo nên những vệt sáng lốm đốm dưới mặt đất như những đóa hoa. Tiếng suối chảy róc rách chảy trong đêm lại đặc biệt trong trẻo, tinh khôi như tiếng hát. Âm thanh ấy lại gợi cho tôi về tiếng suối trong những vần thơ của Nguyễn Trãi trước đây:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Cả hai câu thơ đều là âm thanh tiếng suối nhưng tiếng suối trong mỗi bài hiện lên với vẻ đẹp khác nhau. Nếu tiếng suối trong thơ Nguyễn Trãi là tiếng suối ở Côn Sơn, rì rầm như tiếng đàn cầm du dương, thanh thoát thì tiếng suối trong thơ Bác là tiếng suối ở Việt Bắc trong trẻo, cao vút như tiếng hát của người ca sĩ. Dù thế nào thì những âm thanh tưởng như vô thức ấy cũng hiện lên trong những câu chữ của cả hai người nghệ sĩ với những cung bậc, tình cảm, cảm xúc tuyệt vời.

Người ta cứ nghĩ, thiên nhiên là cái mà Hồ Chí Minh hướng tới, nhưng không, con người suy tư về vận mệnh của đất nước mới chính là tâm điểm của bức tranh:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Nước nhà vẫn đang bị giày xéo dưới gót giày của kẻ xâm lược, nhân dân vẫn đang lầm than, è cổ chịu sự áp bức thì người lãnh tụ làm sao có thể ngon giấc được? Thiên nhiên có đẹp đến mấy, thơ mộng đến mấy, âm thanh có trong trẻo, có du dương đến mấy mà con người phải sống trong cảnh nô lệ, tù đày thì cũng không còn ý nghĩa gì cả. Hình bóng của người chiến sĩ cách mạng bỗng trở nên kì vĩ, lớn lao hơn bao giờ hết. Không phải vì bóng dáng của Người trong đêm tối tĩnh mịch được ánh trăng cắt hình trên nền đất mà chính vì suy nghĩ, trăn trở lớn lao của Người với vận mệnh của non sông, đất nước.

Bài thơ khép lại bằng hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng với suy tư về cuộc chiến nhưng lại mở ra trong lòng người đọc một tấm lòng của con người hết lòng vì dân, vì nước, đấu tranh vì quyền tự do, dân chủ cho con người. 

Câu 2: Lập dàn ý cho bài phát biểu cảm tưởng về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê.

Bài làm

a. Mở bài: Giới thiệu đôi nét về Hạ Tri Chương và bài thơ.

b. Thân bài: Cảm xúc, suy nghĩ về các hình ảnh và cảm xúc của tác phẩm.

  • Hoàn cảnh viết bài thơ có nét gì độc đáo, đặc biệt.
  • Sự đối lập các trạng thái trẻ – già, đi xa – trở về và sự thay đổi của tác giả (tóc mai đã rụng).
  • Điểm không thay đổi sau bao năm xa cách: giọng quê (cũng chính là cái tình đối với quê hương).
  • Cuộc gặp gỡ với lũ trẻ con trong làng.
  • Sự xót xa của tác giả khi bị lũ trẻ coi là người khách lạ.
  • Chính sự trớ trêu này lại càng làm nổi rõ tình yêu quê hương của nhà thơ.

c. Kết bài: Cảm xúc chung về tác phẩm. Tình cảm của người viết đối với quê hương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *