Rằm tháng Giêng: Cúng phóng sinh như thế nào để tạo phúc?

BNEWS

Theo quan niệm Phật giáo, cúng phóng sinh, đặc biệt trong dịp rằm tháng Giêng luôn mang ý nghĩa nhân văn, mang đến điềm lành, tạo phúc đức và giúp cho gia chủ giải được các nghiệp xấu.

Cúng phóng sinh là nét văn hoá tâm linh mang ý nghĩa cao đẹp. Cúng phóng sinh có thể làm quanh năm nhưng đặc biệt có ý nghĩa trong dịp rằm tháng Giêng-mở đầu cho một năm mới. Cúng phóng sinh dịp rằm tháng Giêng có thể bắt đầu từ ngày 11-15 âm lịch. 

Kinh Dược Sư Lưu Ly Bổn Nguyện Công Đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn. Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn”.

Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện dạy rằng: “Chúng sinh thương yêu nhất là thân mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”.

Theo hướng dẫn của tu viện Tường Vân (Thành phố Hồ Chí Minh), trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật. Nhờ đó, chúng ta có thể khởi tâm từ bi với hết thảy chúng sinh, lại còn tôn trọng trân quí. Tiến thêm một bước nữa, trong cuộc sống hằng ngày có thể thực hiện việc giữ giới sát, ăn chay, cứu giúp sinh mạng muôn loài.
Phóng sinh là khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Người học Phật tăng trưởng lòng từ bi là điều rất cần thiết nhưng từ bi phải có trí tuệ. Ở góc độ tương đối, khi thực hiện phóng sinh, chúng ta có thể hành theo ý nghĩa sau:
– Phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh,…). Vì nếu không như vậy, việc phóng sinh tuy có tốt, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế. Tâm từ bi không khởi sinh, còn nói gì đến chuyện nuôi dưỡng!
– Phóng sinh bằng cái tâm chứ đừng theo phong trào, làm việc bằng chánh kiến chứ không chạy theo số đông.
– Phóng sinh là tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác,…. Vì các loại lươn, cá, ốc, thú rừng,… bị săn bắt phục vụ cho người ăn thịt lúc nào, ngày nào cũng có; mà thời lượng nào thì sự nguy cấp cũng đều như nhau. Nên khi ta phát tâm từ bi thì liền thực hiện – tùy vào khả năng từ một, hai con đến muôn ngàn con cũng phải lập tức cứu thoát chúng – càng nhanh càng tốt, mà chẳng cầu được ai biết đến.
– Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.
– Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng, việc làm tốt trong Đạo Phật, thể hiện lòng Đại từ Đại bi nên trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh. Nhưng chúng ta cũng không nên quá chấp vào hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà, câu nệ. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ; không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích”.

*Lễ vật cúng phóng sinh tại nhà
Tôm, cá, cua, trạch, ốc, chim để phóng sinh. Lồng chim, thau nước sạch chứa cá, tôm chuẩn bị phóng sinh.
Về số lượng mỗi loài sinh vật: Tuỳ khả năng và tuỳ tâm của gia chủ.
Mâm cơm chay, hoa quả, gạo nước, nhang đèn, thắp hương trước bàn thờ gia chủ. 

*Bài khấn cúng phóng sinh:
-Ôm Lam , Ôm Sĩ Lâm  (7 lần ) 
-Nam mô tam mãn đa, một đà nẫm, án độ rô độ rô, địa vĩ tát bà ha (7 lần )
-Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật (10 lần ) 
-Nam mô A Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát (10 lần ) . 
Hôm nay là ngày …con tên…trú tại …phường …quận ….
Con xin phóng sinh (chim, cua, ốc, lươn, trạch, cá ) cầu cho bổn mạng bình an, nội ngoại hưng long, nghiệp chướng tiêu trừ ( hoặc cầu điều gì tùy ý )
Đọc chú phóng sinh:
Khấn thỉnh Thành Hoàng Bổn cảnh gia/Xã Quan Thổ Địa chứng giang hà/Hư không quá vãng chư Thần Hộ/Vật Sứ Tứ Sanh Đới Nhập La/Phi cầm Điễu Tước Qui Sơn Khứ/Ngũ triệt Hà Giải Lạc Thanh sa/Nhược Hoàn Nhứt cá, Bất năng Thoát Hộ pháp Sơn Thần tức cứu tha/Thiên Già Già/Địa Già Già/La vãng Hóa Tác 
(Vái 3 lần)
PHẬT CÀ SA, OM NI ƯNG HUMBA HI.
(Vái 3 lần)
*Cách phóng sinh:

Sau khi đọc xong các bài cúng, mang các loài sinh vật thả đúng nơi đúng chỗ. Ví dụ như cua, cá nước ngọt thì đem ra sông, hồ thả; chim mang ra chỗ có nhiều lùm cây cao thả để đảm bảo các loài được sống. 

Khi thả phóng sinh xong thì đọc kinh hồi hướng: Nguyện đem công đức này/hồi hướng về khắp cả/đệ tử và chúng sinh/đều tròn thành phật đạo. Nam mô A Di Đà Phật (10 lần)./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *