Phóng sinh làm sao để tích đức cho mình và cứu được loài vật?

Phóng sinh làm sao để tích đức cho mình và cứu được loài vật? - Ảnh 1.

Một người trẻ mua chim phóng sinh tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM) – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Như đã thông tin, những hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi nhận vào sáng 12-8 (15-7 âm lịch) tại một số nơi tâm linh trên địa bàn TP.HCM, những hình ảnh chú chim được mua thả ra khỏi lồng, những đàn cá được thả xuống sông, xong có người chực chờ chích điện bắt lại, khiến nhiều bạn đọc hết sức bất bình.

Rất nhiều ý kiến gởi đến phần bình luận ngay sau đó, bạn đọc đã phê phán hành vi phản cảm của những người lợi dụng lòng từ tâm của người phóng sinh để trục lợi.

Báo hiếu tốt nhất là bản thân sống tốt, về nhà phụng dưỡng cha mẹ, thay vì mua cá, thả cá, mua chim, thả chim. Có người mua mới có người bán, cũng là một vòng tròn cung cầu!

Trích ý kiến bạn đọc Anh Trần

Phải cương quyết dẹp bỏ những hình ảnh phản cảm khi có người vừa thả cá xuống sông, ngay lập tức có kẻ chực chờ chích điện, bạn đọc Van Duc viết: “Chẳng lẽ không còn cách nào để xử lý hành động chích điện vô cùng phản cảm này khi diễn ra công khai, lặp đi lặp lại gần sát nơi thờ tự linh thiêng?”.

Theo bạn đọc Van Duc, chỉ cần ở mỗi điểm có một người đứng trên bờ quay phim làm bằng chứng và một tổ trực với canô là tóm sạch nhóm chích điện, bởi chích điện kiểu này là tàn phá môi trường sống của tôm cá.

Rất đồng tình, bạn đọc Quốc bổ sung: “Luật thì có nhưng không ai thi hành. Hành vi dùng điện bắt cá bị cấm nhưng không ai bị xử lý nên tôm cá sông ngòi bây giờ đã cạn kiệt. Mong báo Tuổi Trẻ hãy quan tâm đến vấn đề này”.

Như trên đã nói, không chỉ lên án hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật của những người dùng điện bắt cá, rất nhiều bạn đọc đã góp ý làm sao để việc phóng sinh thêm ý nghĩa đối với những người làm việc thiện.

Về ý này, bạn đọc Văn Việt viết: “Những người phóng sinh đều không hiểu lời Phật dạy. Hành động phóng sinh cứu con vật là thấy chúng bị nạn (như săn bắt, bẫy…) thì ra tay cứu mạng thả chúng về cuộc sống; nay lại ra chợ mua chúng về để mang đi thả phóng sinh để mong cầu phước, cầu bình an cho bản thân và gia đình”.

Và theo bạn đọc Văn Việt, chính những hành động này vô tình lại gây họa cho những con vật và mang thêm nghiệp chướng cho bản thân vì đã vô tình kích thích những kẻ chuyên đi bẫy, săn bắt động vật về bán cho người đi phóng sinh kiếm lời.

Rất đồng tình, một bạn đọc bổ sung: “Những ai đi chùa và nghe giảng pháp thường xuyên thì biết việc phóng sinh không phải là chủ ý đi chợ mua động vật bị bắt và nhốt rồi giải phóng chúng đi. Phóng sinh là việc thấy một con vật bị nhốt/hành hạ/sắp bị giết thì bạn cứu giúp chúng”.

Cũng theo bạn đọc này, những ngày lễ lớn như rằm tháng bảy chỉ cần ăn chay là đã phóng sinh rồi. Để tạo phước cho mình và nếu có lòng thương loài vật thì đừng chủ ý đi mua các con vật bị nhốt rồi đem vào chùa phóng sinh nữa.

“Người này bắt lên người kia thả xuống như vậy chính là đang làm hại và khiến cho những con vật này thêm khổ. Những con chim con cá liên tục bị chích điện đang nằm thoi thóp kia chẳng phải là để phục vụ nhu cầu phóng sinh của người dân hay sao? Vậy hành động phóng sinh như vậy là đang tích đức hay là đang tạo nghiệp đây?” – bạn đọc tên Hiệp viết.

Lý giải thực tế và “đời” hơn, bạn đọc Chú ÚT viết: “Kẻ bắt đem bán. Người mua về thả. Bắt, bán, mua, thả…. cái vòng tuần hoàn đó hình thành nên chu kỳ. Người vui mừng khi vừa thả cá, kẻ hân hoan vì bắt được và bán kiếm tiền. Cả hai đều thấy hạnh phúc trong suy nghĩ theo cái cách của mình”.

Cùng nhìn nhận thực tế, có người mua chim cá phóng sinh, ắt có người săn bắt đem đi bán, bạn đọc nick name Mo Mo bổ sung: “Có cầu ắt phải có cung. Nếu không có nhu cầu mua cá hay chim phóng sinh thì không ai đi bắt làm gì cả. Còn nhu cầu phóng sinh thì bá tánh phải bằng mọi giá để đánh bắt…”.

Kết thúc phần đóng góp của mình, bạn đọc Mo Mo đưa ra câu hỏi: “Con chim non chờ mẹ mang mồi về chắc chắn sẽ chết vì chim mẹ đã dính bẫy. Vậy ý nghĩa tốt đẹp bạn làm là gì nhỉ?”.

Hỏi ắt có người đáp, bạn đọc Duy tức khắc đáp lời: “Rồi phần lớn cũng chỉ là con người hành hạ những con vật đó mà thôi. Để có cá, có chim phóng sinh, người ta đi đánh bắt chim cá khiến những đàn cá mất mẹ, những con chim mất tổ. Rồi khi mang về họ nhốt bỏ đói chúng. Đến lúc người mua phóng sinh thì có kẻ chực chờ gom lại”.

Theo bạn đọc Duy, nếu không có cảnh phóng sinh thì đa phần những con chim, cá sẽ được tự do như chúng vốn có. Như vậy, phóng sinh như thế nào là đúng cách, vừa tạo phước cho mình, vừa cứu được loài vật?

“Phải hiểu đúng phóng sinh là khi tình cờ gặp con vật hay con cá mắc cạn thì con người giúp nó trở lại môi trường nó sống trước đây an toàn, đó là việc làm có ý nghĩa” – bạn đọc Võ Tá Luân hiến kế.

Theo bạn đọc Thanh Tâm, có những nơi làm rất tốt việc phóng sinh, cần nhân rộng, chẳng hạn như thả cá giống nước ngọt xuống sông, kênh nước ngọt kèm theo tuyên truyền như vài tỉnh ven sông Hậu đã làm.

“Bạn tôi là chủ một doanh nghiệp nhỏ vẫn thường phóng sinh cá giống nước ngọt. Nếu quản lý tốt (nhất là cấm chích điện) thì việc phóng sinh giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các kênh khu vực tôi ở giờ các loại cá nước ngọt rất nhiều” – bạn đọc Thanh Tâm viết.

Về lâu về dài, để không còn những hình ảnh phản cảm như có một đội ngũ chực chờ bắt chim cá vừa phóng sinh, bạn đọc Do kiến nghị: “Giáo hội Phật giáo có thể vận động bỏ tập quán phóng sinh chim cá không? Thay vào đó là mua cá bột thả ở ao, hồ, sông suối được phép; trồng cây và tạo môi trường cho chim thú sinh sống; vận động Phật tử không ăn thịt cá con và chim thú hoang dã”.

Viếng chùa mùa Vu Lan: Người thả cá phóng sanh, kẻ chực chờ... chích điện Viếng chùa mùa Vu Lan: Người thả cá phóng sanh, kẻ chực chờ… chích điện

TTO – Rằm tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu, nhiều người dân tại TP.HCM mang nhang đèn đến viếng chùa, thả chim, thả cá phóng sanh cầu bình an. Nhưng không ít người cũng chực chờ để chích điện số cá mà người dân vừa thả phóng sanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *