(QBĐT) – Viết về Đảng, về Bác, các thế hệ nhà thơ Việt Nam đều ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng trước công lao to lớn của Đảng đối với dân tộc, đối với bản thân bằng những vần thơ chân thành, giàu cảm xúc.
Đầu thế kỷ 20, thấu hiểu được nỗi khổ đau của nhân dân Việt Nam khi phải chịu ách thống trị của thực dân – phong kiến trong đêm trường nô lệ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm ra đi tìm đường cứu nước. Với lòng yêu nước nồng nàn, Người đã nhận ra ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tìm thấy con đường đúng đắn, phù hợp nhất để giải phóng dân tộc. Nhà thơ Chế Lan Viên với niềm kính yêu vô hạn và cảm xúc mãnh liệt đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã tái hiện giây phút thiêng liêng và hạnh phúc vô bờ bến của Bác và cũng là của nhân dân Việt Nam khi được tiếp xúc với bản Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê nin:
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin.
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.
(Người đi tìm hình của nước)
Sau khi đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Người nhanh chóng bắt tay vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào trong nước, nhằm trang bị cho giai cấp công nhân Việt Nam kiến thức lý luận chính trị khoa học và tiến bộ để xúc tiến thành lập một chính đảng vô sản đủ khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng. Và ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập trên nền tảng kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong nước. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại trong tiến trình cách mạng Việt Nam, mở ra trang sử mới, tươi sáng hơn cho dân tộc. Ánh sáng của những chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn mà Đảng đề ra đã soi rọi vào mọi tâm hồn, lý trí của nhân dân Việt Nam, xua đi cảnh tối tăm, u ám và mang lại niềm tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng, niềm lạc quan về tương lai dân tộc. Trải qua thực tiễn đấu tranh, uy tín và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng ngày càng được nâng cao. Điều đó đã được nhà cách mạng Trường Chinh – nhà thơ Sóng Hồng diễn tả một cách cụ thể, gợi cảm qua hình ảnh ẩn dụ:
Bình minh bừng sáng ở phương đông
Xé toạc màn sương phủ cánh đồng
Đêm sẽ qua đi, ngày sẽ lại
Trời quang, mây tạnh, ánh dương hồng.
(Tin tưởng)
Còn với Tố Hữu – nhà thơ cộng sản đã gắn bó cả cuộc đời với Đảng và cách mạng, một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có một loạt bài ca ngợi Đảng, như: Với Đảng, mùa xuân, Một nhành xuân, Bài ca xuân 61, Bài ca xuân 67, Bài ca xuân 68… Với Tố Hữu, Đảng luôn là niềm tin, là lẽ sống, lẽ yêu đời. Trong bài Ba mươi năm đời ta có Đảng, với những vần thơ cô đọng súc tích, Tố Hữu đã thể hiện niềm tự hào, tin tưởng đối với Đảng, đối với chế độ xã hội mới; đồng thời nhà thơ cũng đề cao sức mạnh cũng như vai trò của Đảng đối với dân tộc và lòng biết ơn sâu nặng của nhân dân đối với Đảng:
Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt
Đảng ta đây, xương sắt da đồng
Đảng ta, muôn vạn công nông
Đảng ta, muôn vạn tấm lòng, niềm tin
Đảng ta Mác – Lê nin vĩ đại
Lại hồi sinh, trả lại cho ta
Trời cao đất rộng bao la
Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người.
Sức mạnh to lớn của Đảng đã bao trùm, bất diệt trong lịch sử dân tộc bởi Đảng đã được xây dựng bằng trí tuệ minh triết của lãnh tụ và niềm tin tuyệt đối của nhân dân cùng sự đoàn kết chung sức chung lòng của những người cộng sản:
Đảng Cộng sản Việt Nam, là một đó
Kim Tự Tháp diệu kỳ trong vũ trụ
Hồ Chí Minh là đỉnh sáng: ngôi sao
Và thân mình dám ngạo cả trời cao
Là vai gắn của biết bao đồng chí
Và nền tảng vững vàng hơn chiến luỹ
Là nhân dân, là dân tộc quật cường.
(Gánh – Xuân Diệu)
Ở mọi lúc mọi nơi, nhân dân vẫn luôn là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng và phát triển Đảng. Đã có biết bao người con của Đảng được nhân dân nuôi dưỡng, chăm sóc, chở che đùm bọc. Đặc biệt, trong những thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng, nhân dân càng thể hiện niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng:
– Thằng này là cộng sản
Không được đứa nào chôn!
– Không được đứa nào chôn!
Lũ chúng vừa quay lưng
Chiếc quan tài sơn son
Đã đưa anh về mộ.
Đi theo sau hồn anh
Cả làng quê đường phố
Cả lớn nhỏ, gái trai
Đám càng đi càng dài
Càng dài càng đông mãi.
(Mồ anh hoa nở – Thanh Hải)
Lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chúng ta luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, là Bác – một con người chủ nghĩa Mác sinh ra (Hải Như):
Đừng dệt nhé chuyện thần kỳ về Bác
Chữ thần kỳ Bác riêng tặng nhân dân
Đảng ta lập ra gian khổ muôn phần
Lập ra Đảng là một người giản dị
Người nguyện sống trọn cuộc đời chiến sĩ
Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra
Bất cứ hoàn cảnh nào cũng vậy, Đảng và Bác Hồ luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn, từ người miền xuôi đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhà thơ Lương Quý Nhân đã ca ngợi và khắc ghi công lao của Đảng đối với nhân dân ta bằng những câu thơ với hình ảnh giản dị, gần gũi và mang tính khái quát cao:
Bà mẹ lo cho cả năm chục triệu đứa con
Khối óc tinh tường
Mắt nhìn sáng rõ
Trái tim dũng cảm…
Có một bà mẹ nào như vậy?
Đảng Cộng sản Việt Nam – đó chính là bà mẹ ấy!
(Bà mẹ)
Hình ảnh so sánh Đảng với Bà mẹ đã phần nào thể hiện vai trò, tránh nhiệm của Đảng đối với nhân dân cũng như thể hiện tấm lòng của nhân dân ta đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Một điều dễ nhận thấy là những vần thơ ca ngợi Đảng đều có giọng điệu hào hùng mà chân thành tha thiết. Đó là tình cảm, tấm lòng của nhân dân ta dâng lên Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại.
Trần Văn Lợi