Những không gian nghệ thuật trong tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao

Những tác phẩm của Nam Cao, tựa như những lưỡi dao đanh thép, xóa tan đi cái vẻ ngấm ngầm yên ả của một làng quê, một xã hội tàn tạ, một đất nước đang chịu cảnh tù đày. Ở Nam Cao, chất hiện thực tồn tại một cách nặng nề, ám ảnh. Cái đói, cái ăn, cái mặc quẩn quanh những nhân vật của ông, thi nhau giằng xé và đẩy chính nhân vật đến đường cùng. Nam Cao cũng là nhà văn đi đầu trong văn học hiện thực với những tư tưởng về nghệ thuật mới lạ. Trong đó, không thể không nhắc tới những không gian nghệ thuật trong các tác phẩm của ông. Không gian trong các sáng tác của Nam Cao hầu hết là vùng nông thôn, những căn nhà nơi thôn dã, những con đường làng. Trong những mối liên hệ của thời gian và không gian, làng quê, ngôi nhà, con đường hóa ra là cơ bản và quan trọng nhất, được thể hiện rất rõ qua tác phẩm Chí Phèo.

Những không gian nghệ thuật trong tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao

Không gian làng Vũ Đại

Khác với nhiều truyện ngắn cùng đề tài của tác giả, “Chí Phèo” có phạm vi hiện thực được phản ánh trải ra trên cả bề rộng không gian (một làng quê). Có thể nói, làng Vũ Đại trong truyện chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến nông thôn Việt Nam đương thời. Miêu tả về không gian làng Vũ Đại, tác giả đã dùng câu “ quần ngư tranh thực”, để diễn tả khung cảnh hỗn loạn trong một làng quê vốn dĩ tưởng yên bình. Quan lại ức hiếp nhân dân, địa chủ đè đầu nông dân, giai cấp thống trị tận hưởng hạnh phúc dựa trên nỗi đau và nước mắt của giai cấp bị trị. 

Không gian rộng lớn, bao trùm toàn bộ tác phẩm. Làng Vũ Đại – một cái làng đầu tỉnh cuối huyện, vừa hẻo lánh vừa xơ xác, một mảnh đất nghèo túng. Làng Vũ Đại trong “Chí Phèo” lại mang cái vẻ vắng lặng, hoang vu của một vùng quê xơ xác, chất chứa nhiều bất hạnh và đắng cay. Trong không gian u ám, tù túng ấy, đã có biết bao nhiêu số phận giống như Chí Phèo bị đày đọa. Không gian ở đây “yên tĩnh quá” đến nỗi người ta có thể nghe thấy “tiếng thở ra u ám” của những “giậu tre rậm như rừng”, thậm chí có thể nghe thấy cả “tiếng kêu rầm rĩ của những thớ gỗ trong cái kèo cái cột, hình như chúng tê mỏi mà vươn mình hay sốt ruột mà rên lên” .Cái không gian vắng lặng ấy đôi khi cũng bị khuấy lên bởi những tiếng hờ, tiếng khóc, tiếng chửi trời chửi đất, sau đó, cả làng quê lại như chìm lặng đi trong đói khát, ốm đau và tủi nhục.

Làng Vũ Đại hiện lên với một vẻ hoàn toàn khác những gì người ta mường tượng về một làng quê, không còn cái vẻ yên bình của một vùng nông thôn, mà tồn tại những cơn sóng đang đe dọa những phận đời, phận người. Tất cả đều như đang cố gắng dồn con người vào đường cùng, ép họ phải chết, phải kết thúc cuộc đời của mình ngay trước ngưỡng cửa của sự lương thiện.

Những không gian nghệ thuật trong tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao

Không gian túp lều ven sông

Không gian sống của Chí Phèo nằm cạnh bờ sông, nơi con nước trong lành , nơi duy trì nguồn sống của con người, nơi có ánh trăng vàng rực rỡ, ấm áp, có tiếng chim hót ríu rít, có tiếng nói cười vui vẻ của những người đi chợ về. Ở đấy, vào “những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối. Những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay giãy lên đành đạch như là hứng tình”. Nơi một người được cho là tên côn đồ ở, là nỗi khiếp sợ của mọi người lại tách biệt hoàn toàn với thế giới lộn xộn bên ngoài, đẹp đẽ với sự bình yên thật sự. 

Túp lều ven sông – tài sản duy nhất của Chí Phèo được miêu tả với không gian: “ẩm thấp” và ánh sáng “ hơi lờ mờ”. “Ở đâu người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”. Túp lều ấy “Ở gần một con sông con, nước lặng và trong, khắp bãi trồng toàn dâu, gió đưa đẩy những thân mềm oặt ẹo, cuộn theo nhau thành làn”. Dẫu hòa vào thiên nhiên, nhưng hoàn toàn bị cô lập tách biệt khỏi xã hội. Không gian này được xây dựng để miêu tả cảnh tượng lẻ loi, cô đơn của Chí Phèo, bị người đời xa lánh, khinh miệt. Túp lều ven sông trở thành một nơi đáng sợ với người dân trong làng, tượng trưng cho những định kiến xã hội thời bấy giờ.

Những không gian nghệ thuật trong tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao

Không gian bụi chuối ven sông

Khác hoàn toàn với những không gian trên, Nam Cao xây dựng không gian này đầy sự lãng mạn, nơi bắt đầu và chứng kiến mối tình của Thị Nở và Chí Phèo, mối tình nghịch đạo lý nhưng đã cứu sống được cả một đời người trước khi nó kịp lụi tàn. “Những tàu chuối đen nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lạy giãy lên đành đạch như là hứng tình”. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tuyệt thơ mộng thường được dùng làm bối cảnh cho các mối tình lãng mạn. Vậy mà ở đây, Nam Cao đã để Chí Phèo gặp Thị Nở – người đàn bà “ngẩn ngơ, dở hơi, xấu xí” dưới thiên nhiên vô tư, trong trẻo đầy thi vị ấy.

Không gian đầy vẻ lãng mạn, tượng trưng cho sức mạnh của tình yêu có khả năng cảm hóa con người, cứu sống một cuộc đời tưởng chừng đã tha hóa trong cốt tủy. Đây là không gian đánh dấu sự nhận thức mới trong Chí Phèo, từ một con quỷ của làng Vũ Đại, đến một người đàn ông khao khát được yêu thương. Chí đã có thể có lúc tỉnh táo để mà lắng nghe âm thanh của đất trời của những cô những chị đi chợ về. Rồi chợt Chí khao khát có thể cưới vợ rồi có mảnh đất ăn với không gian nơi sống của Chí Phèo, sự thay đổi do không gian bụi chuối ven sông tác động đã dẫn tới sự thay đổi về nhận thức, khiến Chí Phèo nhìn nơi mình sống một cách tươi tắn hơn, tràn đầy âm thanh hạnh phúc.

Chí Phèo là một tác phẩm xuất sắc trong văn học hiện thực của Việt Nam, có rất nhiều nghệ thuật được tác giả sử dụng một cách tài tình, đầy dụng ý. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này trở thành kinh điển, vừa đả kích hiện thực, vừa ca ngợi tình yêu chân thành.

Thảo Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *