Phải chăng các nhà nghiên cứu, phê bình không muốn làm điều đó, nghĩa là không muốn thống kê những câu Kiều hay nhất vì sợ “tủi thân” những câu không được nhắc tới, trong khi chúng vẫn là những câu thơ hay trong thi đàn nói chung. Hay là các nhà nghiên cứu, phê bình sợ những câu mình nêu ra không đúng với cách thẩm định của người khác? Tôi nghĩ rằng, mọi sự so sánh, lựa chọn là tương đối, tuy nhiên với những người thấu hiểu Truyện Kiều, những câu họ chọn lựa, dù không được bạn đọc đồng tình một trăm phần trăm, thì phần lớn cũng được đông đảo chấp nhận.
Một trong rất nhiều lý do để Truyện kiều trở thành tuyệt tác có một không hai trong lịch sử văn học nước ta hơn hai thế kỷ qua là nhiều câu thơ trong tác phẩm này có sức thoát ly hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm để tự lập sống cuộc đời riêng trong từng hoàn cảnh của độc giả. Không chỉ những “năm Gia Tĩnh triều Minh”, không chỉ thời cụ Nguyễn Du, mà ngày nay, khi yêu nhau, một chàng trai tặng quà cho bạn gái của mình, thì có thể dùng ngay lời của Kim Trọng nói khi tặng quà cho Thúy Kiều, hết sức văn hóa và tế nhị vì biết giảm nhẹ giá trị vật chất, nhấn mạnh giá trị kỷ niệm:
Rằng: trăm năm kể từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi.
Rồi khi tình yêu đang nồng nàn, vì lẽ gì đó, đôi lứa phải xa nhau, chàng trai nào mà chẳng muốn dặn dò người tình chung thủy, giữ gìn mọi thứ vì tình yêu của họ. Dặn người yêu chung thủy, giữ gìn là một câu không dễ tìm ra lời, vì có thể làm người yêu phật ý… Trong khi bạn đang lúng túng chưa biết dùng lời lẽ thế nào để chuyển tải ý ấy, thì tốt nhất, hãy mượn ngay lời chàng Kim đã dặn Thúy Kiều trước lúc chia tay về nhà hộ tang chú:
Gìn vàng, giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Hồi còn trai trẻ, tôi yêu một cô gái là giáo viên. Hôm cô bạn dẫn về nhà để tôi “thư…