Những câu phán trong hầu đồng cần nhớ PHÁN TRUYỀN VĂN TRONG NGHI LỄ HẦU ĐỒNG. Phán truyền j thì cũng phải ý thức đc câu nói. Bởi khi hầu phải nghiêm trang lịch sự ! Câu từ phải chỉnh chu đúng mực để thể hiện là đồng khôn bóng ngoan các bạn nhé!
Phán truyền văn là lời lẽ phán truyền của thanh đồng trong nghi lễ hầu Thánh.
Về mặt tâm linh, người ta tin rằng khi Thánh đã giáng đồng thì những lời phán truyền của thanh đồng chính là lời của chư Thánh.
Người xưa có câu: “ miệng trần – bóng Thánh”; những lời phán truyền ý nghĩa là của chư Thánh nhưng thực chất là chủ ý của thanh đồng. Bên cạnh những mặt tích cực thì những vấn đề lợi dụng tâm linh để chuộc lợi bất chính, gây hoang mang, kích động đã khiến nhiều người điêu đứng. Chính vì vậy, những lời phán truyền cũng đã chiếm một vị trí bất thiện cảm trong lòng nhiều người. Người tin thì nói đúng – nói sai họ đều tin, kẻ không tin thì đã kích, báng bổ. Vốn từ lâu, cũng như văn khấn, văn cúng… thì văn phán truyền mang tính chất truyền miệng dân gian là chủ yếu. Để bảo tồn và góp một phần nhỏ giúp đại chúng hiểu đúng về phán truyền văn, xin mạnh dạn viết bài viết về vấn đề nhạy cảm này.
2. Nội dung phán truyền văn
Tùy từng hoàn cảnh, mà phán truyền văn được sử dụng sử dụng khác nhau. Có thể tạm phân loại các trường hợp phán truyền văn như sau:
• Nội dụng 1: Phán truyền chúc tụng – ban công thưởng lộc nhân các dịp lễ tiết, khai đàn mở phủ, mừng đồng…
• Nội dung 2: Phán truyền về quá khứ – tương lai, dạy bảo các điều ứng nhân xử thế, hành sự trước sau, …..
Nhìn chung các văn bản phán truyền có chung các đặc điểm:
Danh xưng: Các vị Thánh khi về đồng thường xưng là “ ta ”, ngoài ra mỗi ngôi vị lại có danh xưng khác nhau:
• Hàng Quan Lớn thường xưng: quan anh, quan, ông, …
• Hàng Thánh Chầu thường xưng: chầu tôi, chúa tôi, mế tôi, chầu,…
• Hàng Thánh Hoàng thường xưng: ông, hoàng, ….
• Hàng Thánh Cô thường xưng: cô, tôi
• Hàng Thánh Cậu thường xưng: cậu,…
Giọng điệu: Tương ứng với từng hàng Thánh mà giọng điệu phán truyền cũng khác nhau:
• Hàng Quan Lớn và hàng Thánh Hoàng thường phán truyền với giọng điệu oai nghiêm mang phong thái cổ xưa của quan lại thời phong kiến
• Hàng Thánh Chầu thường phán truyền với giọng điệu khoan thai đĩnh đạc
• Hàng Thánh Cô thường phán truyền với giọng điệu của các cô nương yểu điệu dịu dàng, đôi khi là chanh chua, đành hanh,…. tùy vào quan niệm về tính cách của các vị Thánh
• Hàng Thánh Cậu thường phán truyền với giọng điệu ngọng nghịu của các bé trai
• Ngoài ra, tùy vào gốc tính hương quán của các vị Thánh mà giọng điệu phán truyền mang âm điệu địa phương. Thí dụ: Chầu Lục ở Lạng Sơn phán tiếng Nùng; Ông Hoàng Mười ở Nghệ An phán tiếng Nghệ An…
Cách hành văn: Các văn bản phán truyền thường sử dụng văn vần, các câu tục ngữ, hán ngữ, hay đôi khi là thơ lục bát, thơ thất ngôn… Trong đó cũng sử dụng nhiều nghệ thuật như nghệ thuật đối, nghệ thuật so sánh, …
Thí dụ:
* Sử dụng nghệ thuật đối
– Trên thượng tấu đế đình, dưới hạ trình long cung
– Tả phù, hữu bật
– Trên lo việc thánh, dưới gánh việc trần
* Sử dụng nghệ thuật so sánh
– Tài như xuyên chí, lộc tựa vân lai ( Tiền của ( tài ) nhưng dòng nước chảy đến, những điều tốt lành ( phúc ) như mây kéo đến )
– Phúc như đông hải, thọ tỉ nam sơn ( Điều phúc nhiều như nước bể đông, sống lâu nhiều tuổi nhiều như núi Nam Sơn )
* Sử dụng tục ngữ, ca dao, thơ lục bát
Mỗi người mỗi nước mỗi non. Đã về cửa Mẫu như con một nhà. Nay các trực cửa đình thần. Nay ta chiếu công ban lộc, có phúc cho phần. Ban thanh đồng đạo quan, bách gia trăm họ, mưa chẳng quản gió chẳng nề đường xá xa xôi tới khâm cho muôn sự tốt vạn sự lành, đại tài, đại cát, đại phúc, đại lộc.
* Sử dụng hán văn
– Tân Mão niên, xuân thiên cát nhật, thụ mệnh hoàng ân, phụng sắc cửu trùng, bản Quan trắc giáng bản đền chứng minh công đức, chiếu giám gia trung thanh đồng : Nguyễn Văn A ( họ tên thanh đồng ), tâm trung mộ đạo, ý dĩ kính thiên, tu thiết kim ngân hương hoa lễ vật, long chu tượng mã, thượng phẩm trai tịnh, hạ phẩm tam sinh, cố hữu sớ văn nhất thiết chí tâm hiến cúng Phật Thánh.
– Kì thị sở dĩ, bản Quan chỉ phán thông truyền pháp sự chu viên, gia ân giáng phúc đồng tử Nguyễn gia ( họ của thanh đồng ). Thụ dữ: gia môn khang thái, bản mệnh bình an, giải nhất thiết chi tai ương, tăng hà sa chi cát khánh, phúc lai miên thế trạch, lộc mãn trấn gia thanh.
– Hậu thứ gia ban bách gia trần thế, phổ cập chúng sinh, tứ thời bát tiết, phong thuận vũ điều, phúc lai tai tống, thương mại hưng long – tài nguyên mậu thịnh.
Phán truyền j thì cũng phải ý thức đc câu nói. Bởi khi hầu phải nghiêm trang lịch sự ! Câu từ phải chỉnh chu đúng mực để thể hiện là đồng khôn bóng ngoan các bạn nhé!
Ý nghĩa của việc hầu đồng
+ Hầu Đồng là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tìm chiếc gương phản chiếu hoàn thiện mình.
+ Trong cuộc đời ai cũng có những sai lầm, nhưng không thể nhận ra. Chỉ những ai tin vào tôn giáo mới ít phạm sai lầm.
+ Tôn giáo giống như một tấm gương, vì vậy chúng ta cần tấm gương đó, để tấm gương đó phản chiếu chúng ta.
+ Tóm lại, để thành người sống có chỗ gửi thác có chỗ về thì phải có Tấm gương soi để nhắc nhở mình, có nơi gửi gắm thần hồn, có nơi nương tựa về tâm linh thì mới hoàn thiện mình.
+ Vậy có căn quả xuất thủ trình đồng, trước tiên ta phải hiểu là: Nhập đạo không phải vì sự độ trì của chư Thánh, hay để nâng cao năng lực thần thông mà là nhập đạo để học hỏi. Đó là một hành trình tìm kiếm Tâm linh là tìm lại chính mình.
+ Vì vậy, hầu đồng không có nghĩa là diễn xướng đơn thuần, mà là quá trình chuyển hóa cái tâm mình từ cuộc sống Vô Minh không có nhận Thức được đúng sai thành trí tuệ, thành thánh đức để nhìn vào những tấm gương của chư Thánh, học theo chư Thánh, khám phá Đạo cơ; để cuộc sống đời thường được chuyển hóa mang đến Hạnh phúc cho mình, cho người xung quanh, cho Thân Tâm Thanh Thản An Lạc.
Hầu đồng có phải mê tín dị đoan?
Trong tất cả những trò đồng bóng bị các cơ quan quản lý văn hóa coi là mê tín dị đoan cần được dẹp bỏ thì hầu thánh được coi là trò khiến thân chủ phải móc hầu bao nhiều nhất, khoa trương nhất và dĩ nhiên cũng tốn kém nhất. Đây chính là hoạt động văn hóa dân gian cần được gìn giữ hay là trò mê tín dị đoan nên xóa bỏ chắc hẳn còn rất nhiều tranh cãi.
Có ý kiến cho rằng mặc dù là hình thức diễn xướng, hát văn nhưng hầu đồng mang đậm màu sắc mê tín dị đoan với việc nhập hồn hay phán truyền của thần thánh. Trong khi ý kiến khác lại đánh giá đây là một nghi lễ của đạo Mẫu như vô vàn nghi lễ khác trong thế giới tín ngưỡng rộng lớn. Đến nay thì cuộc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ nhưng cuối cùng lý do cũng chỉ vì ranh giới của sự mê tín và không mê tín trong hầu đồng quá mong manh.
Hầu đồng được xem là nghi thức quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt tâm linh mà còn cả đời sống văn hóa nghệ thuật. Hầu đồng chính là một hiện tượng sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa đã và đang diễn ra một cách sống động trong đời sống người dân Việt, đặc biệt là các tỉnh thành phía Bắc. Do vậy xét trên phương diện tổng thể và bản chất hầu đồng không phải là hoạt động mê tín dị đoan.
Lâu nay người ta cứ đồn thổi hầu đồng và luôn cho rằng nó ghê gớm lắm và che phủ nó bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc. Song một số cuộc hội thảo khoa học đã đưa ra khẳng định đây chính là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng thuần Việt, xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẹ. Vấn đề là phải dần vén màn bí ẩn của hát văn hầu đồng cũng như xóa bỏ những nghi ngờ hay gán ghép với mê tín dị đoan.
Theo biến thiên lịch sử thì lên đồng từng bị coi như điều cấm kỵ, một ví dụ hùng hồn của hủ tục mê tín dị đoan cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Dù vậy, mặc những dè bỉu và lên án trong tư duy một thời thì lên đồng vẫn tồn tại và là hình thức diễn xướng dân gian cũng như là một nghi lễ không thể thiếu trong Đạo Mẫu. Có thể thấy với những giá trị và tính nhân văn vốn có thì Đạo Mẫu đã được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
Hầu đồng trong giai đoạn hiện nay có thể vẫn giữ được nhiều nét đẹp nguyên sơ,truyền thống quý giá. Tuy nhiên ở một bộ phận nào đó, trong đó có các thanh đồng đã làm trái đi những giá trị văn hóa vốn có. Nhiều vấn đề thuộc hầu đồng và các thanh đồng cũng như những người lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan đang trở nên nhức nhối cần các cơ quan chức năng vì vậy báo chí và người dân cần chung tay giải quyết để hầu đồng trở về đúng với những gì bản chất tốt đẹp nhất.
(Sưu tầm)