Dành chút thời gian đọc và suy ngẫm với những status sâu sắc chào tháng 7 âm lịch, tháng của những Ân Tình hay được blog tuyển chọn và chia sẻ để mọi người lựa chọn làm status trong tháng 7 âm lịch của mình. Tháng 7 âm lịch vẫn được người Việt gọi là tháng cô hồn với đủ điều cần kiêng kị như: tránh sát sinh, tránh xa những cuộc xung đột… Nhưng, trong tháng “tăm tối” này, lại chất chứa những ân tình sâu sắc.
Tuyển tập những câu nói hay về tháng 7 với tâm trạng buồn và những cơn mưa
Dưới đây là những status sâu sắc chào tháng 7 âm lịch, tháng của những Ân Tình hay :
Thời gian lững thững qua đi để tháng 7 về trong cơn mưa ngâu bất chợt! Hứng tay đón lấy những hạt mưa, bần thần trôi theo dòng cảm xúc. Mưa luôn mang đến nhiều xúc cảm đặc biệt, làm lòng người cũng dịu theo những dòng tuôn chảy của hạt mưa.
Mọi người vẫn thường quen với quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, tháng của ma quỷ, tháng sẽ mang đến nhiều vận xui, tháng quỷ lễ và đặt ra rất nhiều điều cấm kỵ. Nhưng nếu tinh ý một chút sẽ nhận ra, đối với người phương Đông, thì tháng 7 còn là tháng của ân tình.
Cúng Rằm tháng 7 hay cúng xá tội vong nhân chính là hoạt động tâm linh thường niên của người phương Đông. Lễ này xuất phát từ lễ cúng Quỷ Diệm Khẩu của Phật giáo, tức là cúng quỷ miệng lửa, hay quỷ đói. Sau dần dần trở thành lễ cúng cô hồn, hay cúng xá tội vong nhân, cúng thí thực cho những linh hồn vất vưởng, không nơi nương tựa, không có người thân lang thang chốn dương gian vào tháng 7 âm lịch – thời điểm quỷ môn mở cửa.
Cúng Rằm tháng 7 Hoạt động này không chỉ để quỷ đói không quấy nhiễu gia đình mình mà còn ẩn chứa tinh thần tương trợ, cứu giúp đầy tình nghĩa, cả khi đó là những người không còn trên nhân thế. Là hoạt động mở rộng tấm lòng, cưu mang sự côi cút, bơ vơ một cách thiện lương nhất.
Tháng 7 âm lịch còn là mùa Vu Lan báo hiếu, mùa của những đứa con hướng về cha mẹ. Cũng là một dịp lễ tâm linh bắt nguồn từ tích Phật Giáo, Vu Lan đề cao tinh thần hiếu đạo và tình cảm gia đình. Trong trăm thiện, thiện nhất là hiếu, trong trăm phúc, phúc nhất là hiếu, tấm lòng cha mẹ với con cái là quanh năm tháng ngày, tháng 7 Vu Lan, mỗi năm một lần, nhất định phải bày tỏ chân tình với đấng sinh thành.
Không biết đã có tự bao giờ và trải qua bao nhiêu những tháng 7 mặt trăng, một câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt của lòng thủy chung đợi chờ, của một ngày sum họp và ly biệt làm tan chảy bao trái tim nhân gian hàng ngàn đời nay, như một biều tượng tình yêu thủy chung vừa đẹp vừa đau đớn.
Đau đến đá cũng tan chảy thành nước, đến cảm động lòng trời, để nước mắt Thiên đình rớt xuống trần gian cả tuần lễ không ngưng, thần tiên cũng bồi hồi xao xuyến mà sai khiến những thiên thần áo đen bắc cầu Ô Thước qua sông Ngân Hà, cho hồng trần chứng kiến khoảnh khắc trăm năm hạnh phúc dồn lại một ngày,
Đẹp đến thấu tâm can cả nhân thế cùng rưng rưng những châu lệ, để các tao nhân mặc khách cầm – kỳ- thi- họa tác tạo thành bao nhiêu áng văn thơ trác tuyệt, những danh họa truyền kỳ lưu từ đời này sang đời khác, những khúc nhạc tình say đắm mà bi thương muôn thuở đọng mãi ở nhân gian…
Tháng 7, một câu chuyện mang tính triết lý về chữ Hiếu của phương Đông rất phàm trần mà có sức mạnh vô biên cảm hóa thu phục trái tim cả ba cõi. Cái tâm thành của những người con hiếu thảo từ ngàn xưa bình dị mà có thể rung cảm được lòng người sâu xa, để nhân gian luôn soi mình trong “Nhị thập tứ hiếu”- 24 tấm gương hiếu thảo, sống cho trọn vẹn tình thương yêu với các đấng sinh thành, dưỡng dục… tỏ lòng hiếu kính công cha nghĩa mẹ bằng biểu tượng đẹp nhất của tình yêu là những bông hồng màu đỏ màu trắng cài trên ngực áo trong Lễ Vu Lan…
Tháng 7, một câu chuyện khác đầy huyền hoặc hư ảo cõi thực cõi mê, cõi âm cõi dương trùng phùng trong không gian giữa Đạo – Đời, để vương vấn thương nhớ, để tạo thiện phúc trừ ác lai, để hỉ – xả với tấm lòng từ – bi bác ái với mọi người. Và mở lòng từ xót thương đến cả những linh hồn vất vưởng bằng những chén cháo lá đa, những hạt muối nắm gạo, bánh trái sản vật cõi trần… trong Lễ Xá tội vong nhân.
Chợt như vẫn thoang thoảng đâu đó câu thơ thấm đẫm tình yêu chúng sinh nhân loại, không phân biệt kẻ khó người sang của Đại thi hào Nguyễn Du trong “Văn tế thập loại chúng sinh”: “Còn chi ai quí ai hèn/ Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?/ Tiết đầu thu lập đàn giải thoát/ Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi/ Muôn nhờ đức Phật từ bi/ Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương…”
Trần gian cũng lạ, tháng 7 lịch mặt trăng, bao cảm xúc miên man trong chữ Tình.
Thương cảm cho mối tình thần thoại Ngưu Lang- Chức Nữ, để luôn chúc phúc cho họ muôn đời bất tử. Bày tỏ tấm tình hiếu thảo khôn nguôi với công cha như núi, nghĩa mẹ như nước nguồn, như một tình yêu bất tận không chỉ mùa Vu Lan báo hiếu. Và hướng lòng thiện lương quảng đại cầu siêu giải thoát cho hàng triệu linh hồn cũng là để cho tâm tịnh, thân nhàn, thanh thản cõi thế, làm việc thiện tạo phúc nhân gian.
Tình yêu trên đời có trăm ngàn cách, nhưng người phương Đông chọn tháng 7 mưa ngâu để thể hiện tình yêu vượt ngàn cách trở, tạo thành lễ tình nhân phương Đông 7/7 Thất Tịch. Chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ vượt qua thân phận, vượt qua chia cách mà yêu nhau, mỗi năm một lần gặp gỡ trên cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân Hà, khóc nước mắt thành mưa từ ngàn đời nay vẫn không thôi xúc động.
Tháng 7 âm lịch, xin đừng chỉ thấy là tháng tâm linh, hãy nhớ đến nó như tháng của ân tình, tháng của tình yêu đôi lứa, của tình cảm gia đình và tình thương con người. Một tháng ba lễ khác nhau nhưng lễ nào cũng đong đầy giá trị và mang ý nghĩa sâu sắc.