Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, “Bố Già” là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, “Bố Già” gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là “Mafia” theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.
Bạn đang xem: Những câu nói hay trong tiểu thuyết bố già
Sự toàn năng tối thượng của “Bố Già” một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra.
Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và”The Godfather” cho chúng ta biết rằng nhân vật “Bố Già” ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhóm “Mano Nero” (Bàn tay đen), một nhóm chuyên tống tiền và cưỡng đoạt. Nhóm này chính là tiền thân của giới Mafia Mỹ, hiện nay được gọi là tổ chức “La Cosa Nostra” (Chuyện làm ăn của chúng ta). Những người nghiên cứu về vấn đề Mafia viết rằng cách đây hơn 50 năm, trong bè đảng của Don Vito Cascio Ferro đã sản sinh ra các thủ lãnh Mafia mới ở Mỹ và họ đã du nhập những ngành làm ăn bất chính vào Mỹ rồi phát triển chúng lên.
Ngoài “Bố Già” thực Don Vito Cascio Ferro, trong truyện còn có một nhân vật thực khác rất thú vị.”Kép” Johnny Fontane lại chính là Frank Sinatra, ca sĩ và tài tử nổi tiếng của Mỹ trong thập niên 60, bạn thân của Tổng Thống Reagan và là một trong những nghệ sĩ Mỹ giàu nhất hiện nay.
Xem thêm: Những Câu Nói Hay Về Tình Anh Em Kết Nghĩa Và Chính Xác!, Câu Nói Hay Về Tình Anh Em Giang Hồ Kết Nghĩa
… Tuy Mario Puzo vẽ lên những nhân vật tiểu thuyết là cái bóng phản của ông X, ông Y… sừng sỏ có thực ngoài đời như đã dẫn ở trên, những điều ông tiết lộ chẳng phải là cái gì khiến độc giả bàng hoàng, sửng sốt lắm. Ngay cả những cảnh bạo lực, bắn giết trong truyện cũng vậy. Họ thích thú đọc, hồi hộp theo dõi, và dường như sẵn sàng tin vào tính chất xác thực của nó. Tin dễ dàng. Tin thanh thản. Báo chí Mỹ ngày ấy viết rằng tuy có rất nhiều máu chảy trong”Bố Già”, nó dường như lại bao phủ lên giới giang hồ một màu sắc lãng mạn nào đó. Trong khía cạnh này thì “Bố Già”cũng giống phần lớn các sách, phim Mỹ viết về đề tài các tổ chức tội ác. Các nhân vật chính trong đó không chỉ là bọn găng-tơ, hay găng-tơ mại bản, mà còn mang dáng dấp của một anh hùng, một thần tượng. Họ có những cá tính độc đáo, họ sống trong những gia đình quyền quý xây dựng trên một nền tảng gia tộc chặt chẽ, vợ họ sùng đạo và cương trực, v.v… Hơn hết, người viết không lên giọng miệt thị tố cáo giới giang hồ, cái mầm độc gây nguy hại cho xã hội Mỹ. Bằng một cách nào đó, người đọc hay người xem được cho thấy rằng tội ác rõ ràng không thể tiêu diệt được, nó là một bộ phận không xóa bỏ được.”Thời Báo” đã có lần nhận xét: chính sự lãng mạn hóa các ông Trùm Mafia và giới giang hồ đó đã khiến cho nó trở thành một hiện tượng xã hội chấp nhận được và giúp nó phát triển.”
Phải chăng Mario Puzo chỉ dừng lại ở chỗ lãng mạn hóa một ông Trùm Mafia và những sự kiện bạo lực ác liệt chung quanh ông Trùm đó? Xây dựng nhân vật dựa trên những chất liệu có thật, ông đã tiểu thuyết hóa các con người thật dưới những nét miêu tả chân chất. Và chúng ta cũng không quên chủ định của tác giả ẩn sau câu trích dẫn đầu quyển sách: “Đằng sau mọi gia sản kếch xù là một tội ác.”
*Dưới đây là 17 câu trích dẫn để đời được tổng hợp lại từ quyển sách “Bố già” của tác giả Mario Puzo
Công ty phát hànhĐông ANhà xuất bảnNhà Xuất Bản Văn HọcTác giảMario PuzoSố trang642Ngày xuất bản03-2015Giá bánXem giá bán
Đám cưới con gái Ông trùm
“Vậy có phải hay không? bạn sẽ được thỏa nguyện. Rất có thể một ngày kia tôi sẽ có việc nhờ lại bạn, mà ngày đó có thể chẳng bao giờ có. Cứ tạm coi như một món quà nho nhỏ của nhà tôi tặng cho đứa con gái đỡ đầu đi. Được không?”
“Đúng, họ không chấp nhận vì mày bù nhìn! Mày không phải một thằng chồng chớ có gì lạ? Vì mày chu cấp nhiều hơn tòa dạy. Vì mày đập một con đàn bà còn chừa cái mặt cho nó đi đóng phim mà? Mày để cho đàn bà xỏ mũi dẫn đi trong khi cả thiên hạ cùng đồng ý là có dở cách mấy cũng là đàn ông và có bảnh bao nhiêu cũng chỉ là đàn bà. Biết chưa?”
Gặp anh em thân tín Genco đang hấp hối tại bệnh viện
“Coi, tôi làm thế nào được… mà bảo từ chối? Đó là quyền của Thượng đế tối cao. Nhưng có tôi đây bạn đừng sợ chết. Chết thì có quái gì mà sợ? Tội lỗi cũng khỏi sợ. Sẽ có người cầu nguyện cho linh hồn bạn hàng ngày thì bao nhiêu tội cũng chẳng sợ!”
Chuẩn bị quyết chiến với cánh Sollozzo
“Trải nệm là một truyền thống Mafia. Có trải nệm là có đổ máu. Thế nào cũng phải lo kiếm một chỗ kín, một căn nhà trống để các chiến sĩ tập hợp lại… trải nệm ở đỡ. Một phần vì chết chóc là công việc của người lớn với nhau, đàn bà con nít phải để ra ngoài, đâu có thể bắt chết lây? Giết cả đàn bà con nít thì giết đến bao giờ? Nhưng lý do chính là vì trước và trong khi đại chiến bên nào cũng bắt buộc phải có căn cứ mật để che mắt địch quân… lỡ cớm can thiệp bậy vô thì sao?”
Bảo vệ Bố già tại bệnh viện
“Uất quá, lão gầm lên: “Nắm đầu nó”. Hai thằng mang sắc phục bèn chia hai bên giữ Michael thật chặt. Quả đấm khổng lồ của lão tung lên xáng ngay mặt nhưng Michael kịp né qua một bên nên lãnh trọn cú nháng lửa ngay gò má. Michael nghe như lựu đạn nổ trong đầu, miệng nó tóe máu và lổn nhổn những răng gãy. Rõ ràng nó có cảm giác trẹo quai hàm, chân nó khụyu xuống, nếu không bị giữ đã bị té rồi.
…
Mắt Michael hoa lên nhưng vẫn kịp thấy mấy chiếc xe lao tới vun vút. Mấy bóng người nhảy ra. Gã luật sư quen của Clemenza chạy tới trước mặt Đại úy, thông báo một cách dõng dạc:
– Xin cho hay là gia đình Corleone đã mướn một công ty trinh thám tư bảo vệ an ninh cho Ông Trùm. Những vị thám tử tư này có giấy phép mang vũ khí đàng hoàng. Nếu Đại úy câu lưu họ thì sáng mai xin mời ra biện lý cuộc giải thích lý do.
Luật sư quay tiếp sang Michael: “Còn ông, ông có cần vô đơn thưa kẻ nào vừa bạo hành?”
Michael ấp úng mãi mới bật ra một câu ấm ớ. Hàm nó bể rồi, cất tiếng nói khó quá: “Không… Tôi trượt chân… Tôi té…”
Lão Đại úy ngó Michael một phát thật hách song nó vẫn cười nhạt. Tội gì để lộ luồng phẫn nộ, uất ức đang làm tê dại cả đầu óc, thân xác nó? Tội gì để người ta biết nó nghĩ gì, nó định làm gì sau khi lãnh cú đấm vừa rồi? Bố Già in hệt vậy!”
Thanh toán Sollozzo và tay cảnh sát bẩn
“Như một triết nhân. Clemenza suy luận:
-… Có điều mươi, mười hai năm là phải có đổ máu lớn một lần. Kể như một dịp để tẩy bớt thứ máu ở dơ, máu vô dụng! Bề nào cũng phải đổ máu một lần vì không chặn ngay từ đầu, tụi nó tỉa dần mình rồi cũng nuốt sống luôn chớ đâu có tha? Như Hitler vậy, nếu chặn lại ngay từ hồi Munich thì đâu nó có thể làm điên đảo toàn thế giới?”
Johnny biết tin Bố Già bị bắn
“Có lần lái xe chán quá, mệt quá tao đã mở miệng xin Bố-Già cho làm một chân gì trong việc nhà để kiếm nhiều tiền một chút. Mày biết Bố-Già biểu tao sao không? Ổng biểu mỗi người mỗi phần số và phần số của tao là làm nghệ sĩ. Nghĩa là tao không thể làm găng-tơ được.”
Từng nút thắt cuộc đời Bố Già
“Nụ cười mỉm của Vito vốn dễ sợ ở chỗ nó lạnh tanh, không đe dọa gì nhưng ai nấy đều rởn ốc. Chỉ có một mình Vito là hiểu được cái cười đó, vả lại chỉ mỉm miệng cười trong những vụ hung hiểm ghê gớm, có cười là có chuyện! Vì cả đời Vito có mấy khi cười đâu, lúc nào cũng chỉ lì lì, trầm lặng. Vả lại ai chẳng thấy miệng nó cười nhưng mắt nó có cười bao giờ? Nhưng hồi đó chính Vito cũng chưa hiểu tác dụng nụ cười của nó khủng khiếp thế nào.”
Ông Trùm cất tiếng thở dài. “Nếu vậy thì tao hết nói được mày thực. Bây giờ mày hết muốn học, mày không muốn làm luật sư? Mày không biết một thằng luật sư ôm cạc-táp “làm ăn” còn mạnh hơn cả ngàn thằng bịt mặt có súng?”
Có ngày nào Vito Corleone không cảnh cáo thằng con lớn về tật dễ nổi nóng? “Mở miệng ra là đe doạ” là sơ hở lớn nhất, điên khùng nhất. Không suy nghĩ, nổi khùng lên cái gì cũng “dám làm” là dễ mất mạng nhất. Con người Vito Corleone không thể như vậy, tuyệt đối cả đời chẳng đe dọa ai, chẳng nổi sùng ẩu. Ông bố muốn nhét thằng con lớn vào khuôn khổ kỷ luật đó nên luôn miệng nhắc nhở: “Trên đời không có cái gì lợi cho bằng mình lỗi một đối phương cứ tưởng mười… và mình bảnh mười mà anh em bồ bịch vẫn đinh ninh mới có một”.
Đi giảng hòa với kẻ thù
“- Quả thực tôi muốn bình an. Bên Tattaglia mất một đứa con, phía tôi mất một. Kể như huề. Thử hỏi nếu ai nấy cùng nhắm mắt đòi ăn miếng trả miếng nhau mãi… thì thế giới này sẽ ra sao? Dám tái diễn cái thảm cảnh quê nhà mình ngày nào: Cứ hùng hục tranh chấp bắn giết nhau hoài, quên cả vợ con chết đói. Đúng là cả một sự điên khùng! Vậy tôi đề nghị trước sao bây giờ cứ thế. Tôi bỏ, tôi không tra xét, truy cứu kẻ giết con tôi. Hòa là bỏ hết. Tôi có thằng con hiện còn phải bỏ đi xa. Tôi phải thu xếp để đưa nó về, với điều kiện chắc chắn không ai bới móc làm khó. Xong vụ đó ta mới có thể bàn nhiều chuyện làm ăn với nhau để tất cả cùng có miếng ăn. Thực sự tôi chỉ muốn có vậy, có bấy nhiêu đó thôi.”
Michael đi lánh nạn
“Tổ chức Mafia củng cố uy quyền bằng luật omerta nghĩa là làm thinh, câm nín. Dân quê Sicily kín miệng đến nỗi người lạ hỏi đường cũng làm thinh. Trong nội bộ Mafia có tội nào đánh chết bằng tội mật báo Cảnh sát? Dù chỉ đi thưa lính, tố cáo một thằng vừa giết hụt mình hay vừa đánh đập mình có thương tích. Sau cùng luật omerta trở thành một đạo sống của mọi giới. Chồng con bị giết con gái bị hãm hiếp, người đàn bà chính gốc Sicily chẳng bao giờ đi thưa lính, nhờ nhà nước giải quyết.”
Michael đối mặt với Kay
“Có điều phải nói ngay là ông già không hề muốn anh bị ảnh hưởng, ổng không muốn anh dính dáng đến công việc nhà. Ông muốn nuôi anh ăn học nên người… làm bác sĩ giáo sư gì đó kìa! Nhưng gặp tình trạng khẩn trương, anh buộc lòng phải đứng ra đương đầu với kẻ thù để cứu vãn cả gia đình. Anh phải chấp nhận súng đạn vì đối với ông già, anh một niềm yêu thương kính phục. Đời anh chưa hề thấy một người nào đáng kính trọng bằng. Theo anh, ổng xứng là chồng tốt, cha hiền, và bạn thảo. Những người nào không may mắn bằng ổng… ông già anh bao giờ cũng cứu giúp hết. Dĩ nhiên cuộc sống của ổng còn một khía cạnh khác, nhưng phận làm con không cho phép anh hỏi đến, biết đến.”
“Ông già là một người làm ăn, ổng chỉ muốn làm ra tiền để nuôi vợ nuôi con… và cho những người mà sau này ổng phải cần đến những lúc lâm nguy. Ổng không chịu chấp nhận luật lệ của xã hội này vì nó không cho phép ổng sống một cuộc đời thích nghi với một người cỡ ổng, một con người có đầu óc, có sức mạnh đặc biệt. Em phải hiểu rằng ổng tự cho là chẳng có gì thua kém mấy thằng cha làm lớn, từ Thống đốc lên Tổng Thống hoặc Thủ Tướng hay Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện. Ổng từ chối cuộc sống bị chi phối bở những thứ luật lệ do kẻ khác làm ra… vì theo ổng chấp nhận một cuộc sống như vậy là thua chúng rồi. Mục tiêu tối thượng của ổng là nhảy vào cái xã hội đương thời với cả một sức mạnh vì xã hội này có bảo vệ những thằng yếu đâu? Ổng có thứ luật lệ riêng, có căn bản đạo đức riêng mà ổng cho rằng xã hội này còn lâu mới bằng!”
Michael tiếp quản gia đình
“- Fred, anh là anh… dĩ nhiên tôi quý mến. Anh chớ dại dột theo người ngoài, đi ngược với quyền lợi gia đình một lần nữa. Điều lầm lỗi trước tôi sẽ bỏ qua, không nói lại cho ông già biết… Còn anh bạn, đừng có chửi vào mặt những người đã cứu giúp anh chớ? Anh bạn muốn làm gì thì cứ việc nhưng theo tôi, nên để cái thời giờ đó, công phu đó tìm hiểu coi tại sao làm sòng bạc mà lại có thể lỗ vốn được. Tiền bạc chúng tôi đầu tư vô đâu phải ít mà sanh lợi có đáng gì? Nhưng thực sự tôi không phải xuống đây để hiếp đáp anh bạn… mà để cho anh bạn một lối thoát. Nếu anh bạn không thèm nhờ đến thì đó là quyền của anh. Tôi không còn gì để nói hơn nữa.”
“- Sẽ có một đề nghị mà chắc chắn đương sự khó lòng từ chối. Vì gia đình Corleone phải xuống làm ăn dưới đó thì thế nào cũng phải có giải pháp đích đáng. Sẽ khởi sự bằng 4 cái lữ quán có sòng bạc… nhưng không phải có thể làm ngay bây giờ mà phải cần một thời gian. Riêng với 2 ông caporegime tôi chỉ xin một điều: Trong vòng một năm tới, xin sát cánh cùng tôi, làm tận tình, không thắc mắc, đừng hỏi tại sao. Chỉ cần đúng một năm thôi, sau đó hai ông toàn quyền tách ra làm ăn riêng, lập cánh riêng. Khỏi nói là làm ăn riêng nhưng mình vẫn là bồ bịch, tôi không hề có ý nghĩ gì khác, không trách oán gì hết. Nhưng cho tới lúc đó, tôi yêu cầu hai ông theo đúng chỉ thị của tôi, nhắm mắt mà thi hành. Sẽ có nhiều vụ thương thuyết để giải quyết bằng được tất cả những vấn đề mà hai ông cho là không sao giải quyết nổi. Chỉ xin kiên nhẫn một chút.”
Bố già mất
“Chắc phải cố gắng lắm lắm, Ông-Trùm mới mở mắt ra nổi để nhìn thằng con lần chót. Khuôn mặt già nua nhăn nhúm, xanh lè vì chứng đau tim trở nặng. Chỉ một cơn là tuyệt vọng. Dường như mùi hương của mảnh đất vườn phả vào mũi, ánh nắng chói chang làm chóa mắt, Ông-Trùm chỉ lẩm bẩm có mỗi một câu “Đời đẹp quá” là đi luôn.”
Sự công nhận của giới giang hồ về địa vị của Michael
“- Ông-Trùm Michael…
Rõ ràng Kay bắt gặp một hình ảnh mà nàng không bao giờ quên nổi. Michael đứng cùng đám người nhà… nhưng trông in hệt những pho tượng cổ La-Mã ngày nào. Đúng cung cách của một đấng quân vương toàn quyền sinh sát đang khoan thai chấp nhận sự thần phục, ngưỡng mộ của đám bề tôi. Không phải vậy là gì kìa. Michael đứng chống nạnh, khuôn mặt cao ngạo lạnh lùng hất lên, đứng kiểu chân trước chân sau thật thản nhiên, bề thế. Thần dân của hắn là mấy gã caporegime kia chớ còn gì?”