Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, sử dụng tinh dầu tràm, dùng gừng và mật ong, uống siro… là những cách chữa sổ mũi an toàn cho trẻ tại nhà mẹ có thể áp dụng. Những cách chữa sổ mũi an toàn cho trẻ tại nhà sẽ được chia sẻ ngay dưới đây!
1. Rửa và hút mũi bằng nước muối sinh lý
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị sổ mũi, mẹ nên hút, rửa mũi cho con 4 lần/ngày bằng Natri Clorid 0,9% và dụng cụ hút mũi.
Với trẻ lớn,mẹ có thể xịt mũi cho con để làm loãng dịch mũi, sau đó hướng dẫn con tự xì/hỉ mũi từng bên một bằng giấy sạch, mềm, loại dùng một lần.
Đây là cách vệ sinh mũi tại nhà đơn giản, giúp mũi trẻ luôn sạch sẽ, khô, thông thoáng. Lưu ý: Nước muối dùng cho trẻ nên mua từ hiệu thuốc, mẹ không nên tự pha nước muối ở nhà vì dụng cụ không vệ sinh, tỉ lệ pha không chuẩn; không tự ý thêm nước ép tỏi vì tỏi có thể làm bỏng niêm mạc của bé; không được dùng tay bịt hai bên mũi để hỉ mũi; không dùng miệng hút mũi cho con vì khoang miệng người lớn nhiều vi khuẩn; hút mũi bằng miệng sẽ rất mất vệ sinh, làm con bị viêm mũi nặng hơn…
Khi rửa mũi cho con, mẹ nên đặt con nằm nghiên và từ từ xịt nước muối sinh lý vào lỗ mũi bên trên của trẻ cho đến khi dịch mũi chảy qua lỗ mũi kia hoặc miệng.
2. Dùng tinh dầu tràm
Khi trẻ bị sổ mũi, mẹ có thể dùng tinh dầu tràm hoặc các loại dầu dành riêng cho em bé bôi vào gan bàn chân, bàn tay, cổ, ngực… để giữ ấm cơ thể. Bôi tinh dầu tràm vào khăn quàng cổ, khăn sữa, quần áo của con để con hít thở. Cách này có thể để chữa sổ mũi cũng như nghẹt mũi.
3. Dùng gừng và mật ong
Mẹ lấy 1 miếng gừng nhỏ, rửa sạch, bỏ vỏ và giã nát cho vào đun với một chút nước và 1 thìa mật ong, khuấy đều rồi cho bé uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1 muỗng café.
Cách này có thể dùng khi bé bị sổ mũi, nhiễm lạnh cũng như ngạt mũi.
Lưu ý: Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
4. Uống siro
Hiện có nhiều dạng siro chữa sổ mũi cho trẻ. Mẹ có thể tham khảo và cho bé uống siro để nhanh chóng chữa dứt các triệu chứng của sổ mũi.
Sổ mũi là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết giao mùa. Khi thấy trẻ có triệu chứng, cha mẹ nên bình tĩnh theo dõi, vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày, đảm bảo mũi trẻ luôn khô, thoáng.
Lưu ý: Sau khi áp dụng những cách điều trị tại nhà nêu trên, trẻ không có dấu hiệu giảm thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa hô hấp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp