Nhớ ơi nguội bớt cho nhờ với… | Nguyễn Ngọc Tư

 

Nhớ ơi nguội
bớt cho nhờ với…

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Hồi trước, lần nào tôi gọi điện
thì chị cũng giòn tan nói nhằm nhò chi có sao đâu, buồn gì buồn
hoài. Lúc đầu mấy mẹ con cũng sốc, giờ quen rồi, vui lại rồi, trước
người ta cũng vắng nhà, đi công tác suốt, giờ không khác gì mấy…

 

Sau câu nói đó, tôi tin ở chỗ
thị trấn Ga xa xôi kia, chị đang cắn môi nhừ. “Người ta” mà chị nhắc
qua là anh chồng mủ mỉ ít nói hay cười yêu chiều vợ con, chị vẫn
thường khoe và tôi cũng đã gặp vài lần, thầm khen chị ấy lấy được
thằng cha tử tế. Như thường lệ, bảy tháng rồi anh vắng nhà, điều duy
nhất khác là anh bỏ đi sống cùng người đàn bà khác. Ba mẹ con chị
như gặp ác mộng, sống những ngày ngơ ngẩn, choáng váng bước hụt bước
hẫng, liêu xiêu sống dựa vào nhau. Thời gian trôi cũng chông chênh
như người chông chênh đau. Lâu lâu tôi hoặc gọi điện hoặc nhắn tin,
nói vài câu tếu táo vui, hỏi thăm chuyện trên trời dưới đất, tự thấy
mình như đưa cho chị chiếc khăn thấm bớt nước mắt. Lại nghe chị
cười, khoe, mấy mẹ con mới đi núi về nè, tuần tới chở nhau đi biển,
còn tính viếng chùa xa… Lại nghe tôi nói, ừa, ráng vui vẻ nghen thay
cho câu tạm biệt. Lại giật mình sau đó, trời đất, chị có than buồn
đâu mà mình kêu vui. Rõ ràng là chị nói, “chuyện như chiêm bao vậy
mà, tỉnh ra là hết. Nghỉ hè nên tranh thủ đi chơi thôi. Ờ, ờ, hè năm
trước…”

 

Câu nói bỗng dừng phắt ở đó, đứt
đột ngột, tôi đoán là do bóng anh chồng xuất hiện thấp thoáng trong
cái “hè năm trước…”. Và anh này sẽ còn trở đi trở lại trong ngày tám
tháng ba năm trước, quốc khánh năm trước, đám giỗ ba năm trước, đám
cưới đứa em năm trước, ngày này năm trước… Cái năm trước từng rất
ngọt ngào, đầm ấm. Năm trước của thời chưa mất, hạnh phúc chưa bị
bão, tình yêu chưa tỉnh chiêm bao. Giờ thì trở thành nỗi ám ảnh của
đỉnh núi với vực sâu.

 

Giờ thì năm trước hay dẫn anh
chồng quay về nhà. Bứt không đứt, dứt không rời, bứng không xong.
Anh ta vẫn lảng vảng, vẫn âu yếm nói cười, nhưng lại gây đau như cầm
cây dao lụt nhách mà cứa trên da thịt chị. Thiệt không biết làm sao
để quên phứt cho rồi, có bữa đang khoe vui lắm vui thiệt bỗng chị
thở dài, than vậy.

 

Tôi nói tôi cũng không biết,
chưa có kinh nghiệm vụ này (mà cũng không mong có kinh nghiệm đâu
nghen). Tôi hình dung ra một cách là chờ, cứ để người đàn ông (từng)
yêu dấu quay đi quay lại với cây dao gỉ sét đó (nỗi đau đôi khi cũng
giết người như bệnh uốn ván, chớ giỡn). Chờ tới ngày thứ ba trăm sáu
mươi sáu, ký ức cũng mòn, chị không đủ kiên nhẫn mà ngậm ngùi dài
nhằng, “ngày này năm trước năm trước nữa…”. Thật ra cái năm trước
năm trước đó tự nó không muốn quay lại, đã xa xôi, mòn mỏi lắm rồi.
Anh chồng chị sẽ về nhà ngày một ít dần, chỉ còn mỗi năm một lần,
đúng ngày kỷ niệm cơn lốc mang tên Bội Bạc cuốn anh ta đi mất.

 

Ờ, thì chờ. Như thể chờ củi tàn,
bớt lửa. Một mùa hè nữa. Gọi tìm nhau hỏi chị lúc này sao, chị giòn
tan vui lắm em ơi hết sạch buồn rồi, mấy bữa trước mấy mẹ con dọn
cái kho, thấy đôi dép của người ta, chị không còn cảm giác gì hết,
đem bán ve chai.

 

Trời, tôi nghe  mà tuyệt
vọng quá, thì ra anh ta vẫn về nhà phá rối mẹ con chị bằng nhiều
cách khác, bằng đôi dép, cái khăn, bậc thềm, cánh cỗng… Những thứ vô
tình nên đã vô tình giữ lại hình ảnh anh trên sợi vải, cây đinh, thớ
gỗ, viên gạch…

 

Chắc chị chỉ có cách bán nhà đi
khỏi chỗ này, nhưng con đường, hàng cây, cái chợ, và thị trấn Ga
buồn xo run rẩy mỗi khi có tàu qua, cả những đoàn tàu kia làm sao mà
bán được? Ngay khi chị yêu một người đàn ông khác, cũng không sao
trốn khỏi những ý nghĩ bỗng dưng, chồng cũ của mình không có nhiều
râu như người này, ông chồng cũ thẳng thớm lắm, không phong trần như
người này, hồi xưa ông chồng kia cũng vậy, rất dịu dàng…

 

Cây dao lụt của anh chồng, thời
gian đã làm mòn tận cán, nhưng hình ảnh anh trong ký ức tự nó cũng
gây đau. Chị ơi cố chờ đến năm sau năm sau năm sau năm sau…

 

 

Trở về
trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 4-7-09
Dùng bản Tư gởi

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *