Người mẫu béo vẫn phải có eo thon, bị đối xử bất công trong hậu trường

Để có chỗ đứng trong nghề, những người mẫu ngoại cỡ phải cố vượt qua sự tự ti và tập luyện theo tiêu chuẩn kép.

Người mẫu giống như khái niệm về chuẩn mực của sự hoàn hảo. Họ sở hữu đường cong quyến rũ, thân hình không chút mỡ thừa và thần thái chẳng lẫn vào đâu mỗi khi catwalk. Cái đẹp mà bao phụ nữ ước mơ, khiến đàn ông phải đổ gục đều hội tụ ở các chân dài này.

Tuy nhiên, đó không phải định nghĩa chung về người mẫu. Trong giới này, một bộ phận nhỏ đang đi ngược lại tôn chỉ hoàn hảo về cái đẹp. Họ là những người mẫu ngoại cỡ với thân hình “đồ sộ”, 3 vòng quá khổ…

Dù sở hữu vẻ ngoài không chuẩn mực, họ đã và đang gây dựng tên tuổi trong làng mốt bằng nỗ lực, tài năng cùng ý chí vượt qua sự mặc cảm “body shaming” (kỳ thị ngoại hình).

mau ngoai co anh 1

Người mẫu ngoại cỡ ngày càng xuất hiện nhiều trong các chiến dịch quảng cáo thời trang. Ảnh: Stern.

Béo có phải là cái tội?

Cao 1,75 m, ngực và mông cỡ 86 cm, vòng eo 60 cm là những con số tạo nên nữ siêu mẫu hoàn hảo theo suy nghĩ của nhiều người. Nỗi ám ảnh về hình thể lý tưởng khiến các cô gái tìm tới những phương thức giảm cân gây tổn hại cơ thể, thậm chí họ còn nhịn ăn đến mức suy kiệt.

Taylor Tak – một người mẫu ngoại cỡ người Hàn Quốc – từng sống trong những ngày tháng u tối, gắn liền với nỗi ám ảnh về thân hình của chính mình. Ở trong môi trường mà ai cũng lấy người mẫu làm tiêu chuẩn cho cái đẹp, Tak và gia đình phải trải qua cuộc đấu tranh lớn.

“Tôi từng rất ghét cơ thể mình. Béo giống như là một cái tội ở đất nước chúng tôi vậy. Thậm chí, tôi còn muốn tự tử. Bạn có hiểu cảm giác không ai muốn mình?”, người mẫu nặng gần 90 kg chia sẻ với Asian Boss.

Cha mẹ Tak cũng rất buồn khi chứng kiến cảnh con mình liên tục bị bắt nạt, phải nghe những lời bình luận không hay. Mỗi lần nghe ai đó nói về con mình, họ lại trở về nhà và không cho Tak ăn. Cha mẹ cô còn gửi cô đến trường học chuyên về việc ăn kiêng với mong muốn Tak sẽ giống những đứa trẻ bình thường.

mau ngoai co anh 2mau ngoai co anh 3

Taylor Tak từng muốn tự tử vì ghét thân hình quá khổ của mình. Ảnh: Next Shark, Matain news.

“Họ cứ nói tôi đẹp. Tuy nhiên, họ không thể chịu đựng được khi thấy tôi bị những đứa trẻ khác bắt nạt. Họ chỉ muốn tôi được yêu thương và bình thường”, Tak kể lại.

Khi lớn lên, Tak biết bản thân muốn trở thành người mẫu. Tuy nhiên, cô không thể chia sẻ mục tiêu nghề nghiệp với gia đình vì lo lắng bị chỉ trích. Điều khiến Tak vẫn ám ảnh là anh trai đã cười nhạo khi nhìn các bức ảnh của cô.

Taylor Tak nhiều lần tự đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ có những người sở hữu thân hình thon thả mới được cư xử đúng mực”.

Khi không thể tìm thấy con đường nào dành cho mình ở quê nhà, cô đã chuyển đến Australia với mong muốn gây dựng sự nhiệp.

Béo nhưng không béo quá

Khi thời kỳ mẫu ngoại cỡ bùng nổ, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có tiêu chuẩn chung nào được áp đặt cho những cô gái này không? Thậm chí, một số dân mạng còn đoán rằng mẫu ngoại cỡ phải cố ăn nhiều chất béo để giữ việc.

Thực tế, họ cũng phải trải qua những ngày tháng khó khăn tương tự việc giảm cân của siêu mẫu dáng chuẩn.

“Béo nhưng không béo quá” chẳng khác gì thứ tiêu chuẩn kép ngầm mà người mẫu ngoại cỡ phải chịu đựng khi dấn thân vào ngành công nghiệp thời trang. Điều này có nghĩa họ phải duy trì một số phần như những người mẫu thường. Tuy nhiên, vài phần cơ thể khác lại phải đạt kích cỡ đủ to để xếp vào hàng ngoại cỡ.

“Các nhãn hàng muốn phiên bản hấp dẫn hơn của những người mẫu ngoại cỡ. Họ muốn béo nhưng không béo quá”, Abby Russell – một chân dài ngoại cỡ ở Anh – chia sẻ.

Sở hữu thân hình size 16, Abby may mắn có được công việc ổn định trong làng mẫu. Với Danielle Gardiner (người mẫu size 20), đó lại là câu chuyện khác. Khi nói đến người mẫu ngoại cỡ, các thương hiệu muốn trong khoảng size 14-16.

“Họ nói cần người mẫu ngoại cỡ nhưng phần bụng lại yêu cầu thật gọn và vòng 3 cần to tròn trông như trái đào. Có lần tôi đến thử làm mẫu cho một thương hiệu thời trang đường phố. Số đo của tôi chính xác như những gì họ cần. Dù vậy, khi tôi mặc không vừa một chiếc quần jeans, họ lại nhìn tôi bằng con mắt khinh bỉ”, Gardiner nói với tạp chí You.

Theo Holly Fowden – một người mẫu ngoại cỡ khác, tiêu chuẩn của các hãng đặt ra đôi khi quá khó để đáp ứng. Cô cho biết cơ thể đẹp nhưng vẫn đảm bảo tính ngoại cỡ là vòng eo phải nhỏ hơn hông khoảng 20 cm. Để sở hữu thân hình toàn vẹn như vậy là điều không đơn giản.

mau ngoai co anh 4

Dù có thân hình “đồ sộ”, khuôn mặt của các người mẫu ngoại cỡ vẫn cần đảm bạo sự thon gọn, cuốn hút. Ảnh: Suitapp.

Bên cạnh đó, người mẫu cũng thường phải đáp ứng tiêu chí mặt thon gọn, gò má đẹp. “Đa số người mẫu ngoại cỡ đều có khuôn mặt tròn. Thật khó hiểu”, Fowden bực tức.

Yêu cầu thân hình đồng hồ cát với người mẫu ngoại cỡ thường gặp khó khăn ở vòng eo. Để giải quyết điều này, nhiều hãng thời trang đã sử dụng một số công cụ “độn” cho chân dài size 10-12.

“Tôi thực sự sốc khi nhìn thấy cảnh đó trong hậu trường buổi catwalk. Cô ấy phải mặc thêm 2 chiếc quần shorts để có phần dưới to hơn. Đó là buổi diễn của một thương hiệu nổi tiếng. Họ không thể tìm thấy những người mẫu ngoại cỡ đủ tiêu chuẩn và đã làm giả nó. Với tôi, đó là sự xúc phạm”, Gardiner kể lại.

Hình ảnh những người mẫu ngoại cỡ vẫn thường được nhìn dưới lăng kính tích cực. Nhiều người tin rằng trong thế giới đó, họ có thể sống thật với cơ thể mình.

“Họ muốn chúng tôi hét lên mình yêu cơ thể này thế nào. Nhưng phía sau cánh gà, chúng tôi cảm thấy căm ghét cơ thể mình. Chúng tôi phải thay đổi để phù hợp với tiêu chuẩn kép của ngành công nghiệp thời trang”, Gardiner khẳng định.

Thân hình lệnh chuẩn ‘càn quét’ làng thời trang

Huyền thoại trong làng thời trang Karl Lagerfeld từng nói: “Một vẻ ngoài đáng kính sẽ giúp người khác chú ý hơn đến tâm hồn của bạn”.

Theo đó, những đường cong nóng bỏng không đánh giá được tất cả. Một thân hình khỏe mạnh, năng động và linh hoạt, dẻo dai mới chứng minh được bạn yêu cơ thể tới mức nào.

Cùng suy nghĩ, Tak đã cứng rắn hơn và tìm được con đường riêng cho mình. Cô nhanh chóng bén duyên với nghề mẫu sau một lần nhận lời chụp ảnh cùng nhiếp ảnh gia nổi tiếng.

Hiện tại, cô đạt được những thành công nhất định khi xuất hiện trong tạp chí Cosmopolitan Korea và Queen Size Magazine. Ngoài ra, cô cũng làm việc với các thương hiệu quần áo nổi tiếng như Fashion Nova, Curvy Sense, Hotping và Romwe.

Không chỉ tiêng Taylor Tak, nhiều cô gái mang số cân nặng vượt chuẩn cũng thực hiện được giấc mơ dấng thân vào làng mẫu. Đây được coi như kết quả tất yếu của cuộc chiến mang tên “body shaming”. Phong trào “Metoo” và bình đẳng giới lớn mạnh cũng là nguyên nhân lớn khiến người mẫu béo có chỗ đứng hơn trong làng thời trang.

Lùi về nằm 2014, các nhà mốt bắt đầu săn lùng những cô gái sở hữu thân hình có sức sống hơn thay vì trung thành với chân dài size 0-4. Khi đó, nhiều vị tổng biên tập của tạp chí nổi tiếng cũng tuyên bố họ muốn trao cơ hội cho tất cả cô gái thuộc bất cứ size nào.

Lúc bấy giờ, một trong những gương mặt ghi dấu ấn đậm nhất là Ashley Graham – người mẫu size 16. Cô được xem là minh chứng sống cho sự thay đổi về gu thẩm mỹ của công chúng qua nhiều thập kỷ. Khi đó, Graham truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trẻ trên khắp thế giới. Cô khích lệ phái đẹp hãy yêu cơ thể của mình và không nên lệ thuộc vào các xu hướng thời trang.

Người đẹp từng xuất hiện trên trang bìa rất nhiều tạp chí thời trang danh tiếng như Vogue, Harper’s Bazaar, Glamour, Latina. Cô được chọn là một trong ba gương mặt trang bìa của tạp chí áo tắm hàng đầu thế giới Sports Illustrateds vào năm 2016.

mau ngoai co anh 5

Ashley Graham là một trong những người mẫu ngoại cỡ nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: The Independent.

Không chỉ chụp ảnh tạp chí, các người mẫu ngoại cỡ còn chứng minh sức hút thông qua việc đổ bộ lên sàn diễn thời trang. Tại Tuần lễ thời trang váy cưới New York năm 2014, hai người mẫu ngoại cỡ đã có cơ hội đảm nhận vai trò mở và kết màn cho show của một nhà mốt. Sau đó một năm, show trình diễn dành riêng cho người mẫu béo được tổ chức tại Tuần lễ thời trang London năm 2015. Điều này chưa từng có tiền lệ.

Tess Holliday – người mẫu size 22 – cũng từng khiến cả làng mốt thế giới xôn xao. Tạp chí Plus Model tuyên bố cô là người mẫu sở hữu số đo “chưa từng có trong lịch sử”. Phía công ty đại diện của Holliday cho rằng cô là người đầy bản lĩnh và tự tin. Cô yêu bản thân mình hơn bất cứ ai.

Vào tháng 9/2018, Rihanna trình làng bộ sưu tập Savage x Fenty tại Tuần lễ thời trang New York với sự góp mặt của dàn mẫu ngoài cỡ cùng các tên tuổi nổi tiếng như Gigi hay Bella Hadid. Tạp chí Vogue cho rằng Rihanna đã “vượt mặt” Victoria’s Secret khi hãng nội y này vẫn trung thành với những cô mẫu có thân hình nóng bỏng.

Không để mình tụt hậu trước xu hướng chung, Victoria’s Secret lần đầu tiên sử dụng một người mẫu ngoại cỡ Ali Tate-Cutler (size 14) cho bộ sưu tập thu đông 2019 với khẩu hiệu “Love yourself”.

“Khi chọn người mẫu, các nhà mốt cần đề cao tới sự đa dạng trên đường băng”, Steven Kolb – chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ – truyền thông điệp đến các nhà mốt tuyển mẫu cho tuần lễ thời trang năm 2019.

Hiệu ứng ăn theo

Trước hiệu ứng tích cực của người mẫu ngoại cỡ mang lại cùng phong trào chống kỳ thị ngoại hình bùng nổ dữ dội, các nhà mốt không thể đứng ngoài cuộc.

Theo đó, việc Victoria’s Secret thuê mẫu ngoại cỡ được cho là để vớt vát tình hình thương hiệu đang sụt giảm danh tiếng và doanh số. Trước đây, hãng đồ lót này chỉ chú ý đến những nàng mẫu chân dài, sở hữu số đo 3 vòng hoàn hảo. Họ xem dàn “thiên thần” là đại diện cho vẻ đẹp chuẩn của phụ nữ.

Ngoài ra, một hãng đồ lót ở Mỹ cũng đạt doanh số bán hàng cao khi quyết định chạy chiến dịch quảng cáo không lạm dụng photoshop. Họ khuyến khích nữ giới hãy yêu lấy cơ thể của mình và không nên chạy theo vẻ đẹp hoàn hảo.

“Ông lớn” lĩnh vực thời trang thể thao Nike cũng từng được cộng đồng mạng ủng hộ nhiệt tình khi thuê mẫu béo chụp hình quảng cáo cho sản phẩm sports bra.

Theo một khảo sát của các sinh viên thuộc trường Nottingham Trent – đại học nghiên cứu công lập hàng đầu ở Anh, các nhãn hàng đều muốn tung ra hình ảnh để chứng minh họ không kỳ thị, phân biệt đối xử. Họ nắm bắt được tâm lý khách hàng làm muốn được thấy hình ảnh chân thật. Từ đó, những vị “thượng đế” sẽ cảm thấy có sự gần gũi, kết nối và ngay lập tức chú ý đến sản phẩm.

Từ nghiên cứu, nhiều người đã “vỡ mộng” và cho rằng các thương hiệu thời trang chỉ lợi dụng thời cơ để kiếm lời, không thực sự thay đổi quan điểm về mẫu ngoại cỡ.

Những bí mật nghề nghiệp từng được Ashley Graham tiết lộ cũng phần nào kiểm chứng thêm cho vấn đề này.

“Không có nhiều cơ hội cho những người có hình thể đặc biệt như tôi. Các nhà thiết kế thường thuê chân dài có hình thể chuẩn và hiếm khi dành suất trình diễn cho cô gái sở hữu thân hình nở nang, đầy đặn”, người mẫu 32 tuổi từng nói với tờ New York Times.

Cô cho rằng thực tế ngành công nghiệp thời trang vẫn không mở lối cho người mẫu có số đo đa dạng. Phần lớn nhà tổ chức các buổi diễn chỉ thuê người mẫu có số đo từ size 0-4. Graham gọi đó là kích cỡ “phẳng lỳ”.

Với Taylor Tak, cô vẫn tìm kiếm mọi cơ hội để tiếp tục bám trụ cùng nghề mẫu ở một đất nước khác thay vì quê nhà.

“Tại Hàn Quốc, mẫu ngoại cỡ vẫn là khái niệm xa vời. Các người mẫu cứ làm tự to và vẫn chưa có công ty nào đứng ra đại diện cả”, Tak bộc bạch.

mau ngoai co anh 6mau ngoai co anh 7

Nhờ sự xuất hiện của những người mẫu ngoại cỡ, nhiều thương hiệu đã được khách hàng chú ý hơn. Ảnh: Glamour, InStyle.

Người mẫu gần 90 kg ở Hàn Quốc từng muốn tự tử vì quá béo Taylor Tak là người mẫu ngoại cỡ nổi tiếng xứ kim chi. Trước khi thành công như hiện tại, cô từng trải qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *