Ngôn từ xứ Huế

Ngôn từ xứ Huế

Vùng Huế với tên xưa Thuận Hoá đã tham gia vào lịch sử Việt Nam từ lâu và thế kỉ XVIII là thủ phủ của chúa Nguyễn, là kinh đô của nhà Tây Sơn, nhất là sang thế kỷ XIX thành kinh đô nhà Nguyễn thì Huế dần xác lập lại vị trí là trung tâm văn hoá của nước ta.

Tiếng Huế không chỉ đơn giản “mô, tê, răng, rứa” như thỉnh thoảng vẫn thường xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu phức tạp, nhiều khi đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tuỳ vào từng địa phương của Huế cách phát âm có nặng nơi nhẹ, lúc thanh tao khi khó hiểu nhưng nó là một thứ ngôn ngữ thật hay đầy cảm xúc lôi cuốn người nghe, với giọng nói trầm lắng nhẹ nhàng, lời nói êm êm mang đậm xứ Huế.

Huế là một chấm nhỏ màu tím trên dải đất đậm đặc màu xanh nhiệt đới, hình chữ S, vốn là dáng nằm nghiêng tuyệt đẹp của mảnh đất Việt bên bờ biển Đông. Trong cái dáng nằm nghiêng của toàn thể địa thế Việt Nam, thành Huế, viên ngọc tím biếc ấy phát sáng ở trung tâm đất nước. Không hề là ngẫu nhiên, nằm giữa dải đất miền Trung nắng gió, trong cả một thời gian lịch sử của vương triều nhà Nguyễn, Huế là một kinh thành mĩ lệ. Theo cái nhìn phong thuỷ về thế đất truyền thống, Huế – viên – ngọc – tím dường như đã sẵn mang trong mình vị thế đế đô, có biển rộng mênh mang trước mặt, có núi Ngự Bình đứng cao vời ở phía sau lưng, sông Hương trôi chầm chậm uốn quanh thành nội “. Giữa cái hình thế hoà hợp âm dương núi non sông biển ấy, kinh thành Huế lấp lánh ánh sáng tím thuỷ chung, đằm thắm, khiến ai đã đến một lần, thì không thể nào quên.[1,5]   

 Xuyên qua ngôn từ của người Huế cũng như các lời hò dân gian của xứ Huế, chúng ta có thể biết được cuộc sống bên trong của người xứ Huế , có thể hiểu được lối suy nghĩ, tâm tư, về đời sống, về hình ảnh của họ. Nói chung ta có thể nhìn thấy được bản chất con người xứ Huế qua ngôn từ của họ.

Trước hết khi nói đến”Ngôn từ xứ Huế”, bao gồm cả “Ngôn” và “Từ”. Tiếng Huế không chỉ có các từ đơn mà còn có cả những câu, những thành ngữ, những ca dao, tục ngữ mà người Huế thường hay dùng trong đời sống hàng ngày của họ. Ngôn từ phản ánh đầy đủ tâm tư và cuộc sống của con người nên không thể tách biệt các từ Huế ra khỏi ngôn từ xứ Huế, cũng không thể tách vua ra khỏi các quan nếu muốn có hình ảnh của một triều đình.

Ngôn từ của người Huế có nhiều loại và được dùng với nhiều cách:

Trước hết người dân Huế dùng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của họ với các “phương ngữ” tức là tiếng địa phương của người Huế, những tiếng chỉ dùng ở Huế mà ít nơi nào khác trên đất nước dùng đến. Như: “Mô, tê, răng, rứa” hoặc “Côi” là  trên, “Chộ” là thấy, “Trốt” là đầu… Ngoài ra nhiều vùng khác còn dùng những thổ ngữ của họ, đặt biệt và hiếm hoi hơn. Ví dụ như ở Hương Toàn từ “Đột” nghĩa là đọc…

Ngoài ra người dân Huế còn dùng nhiều từ, các chữ chung của toàn dân nhưng có một số lớn những chữ, những câu dân Huế dùng rất Huế trong đời sống hàng ngày của họ, với “tần số sử dụng” rất cao so với các vùng khác của đất nước. Họ đã dùng với nhiều cách:

Cách nói văn hoa: Họ dùng nhiều tục ngữ, ca dao và nhiều thành ngữ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của họ. Họ nói một cách tự nhiên, song suốt, không có vẽ gì là sáo ngữ, làm cho câu văn tự nhiên, trơn tru, bóng bẩy. Không một nơi nào trong nước đã dùng các chữ văn hoa trong câu chuyện hàng ngày như vậy.  Người Huế dùng lối nói văn hoa này chủ ý để nhấn mạnh ý mình muốn nói và vì thế câu nói đầy xúc tích hơn phù hợp với tật cố hữu “Nói ít hiểu nhiều”của dân Huế hơn. Ví dụ như: “Đèn nhà ai nấy sáng”, “Tích cốc phòng cơ”… Đó là đặt tính nói theo lối Huế, một khía cạnh đặt biệt của tiếng Huế, một đặc thù của ngôn từ xứ Huế.

Cách nói lái: Thường là mục đích châm chọc, hoặc châm biếm hoặc phê bình người khác, một tật cố hữu của người Huế. Ví dụ: tên o nớ là bách diệp tức “Trăm lá” nghĩa là tra lắm (tức già lắm) để chê cô gái đã già . [1,15]. Ông chú mà bắt xưng thì gọi là “Chú trong họ” tức “Chó trong hụ” hoặc ông anh không ra ông anh là “Anh chi mà anh, anh quẻ” tức là ẻ quanh, thứ ông anh chưa đủ lớn.

Cách nói bóng nói gió: Họ thường thích đàm tiếu dị nghị chuyện nhà người ta, với xu hướng dạy đời. Ví dụ như: “Chị đó đang trung hưng” tức ” Chị ấy đang dấy lên” trong trường hợp không chồng mà cái bụng chị ấy phình lên… Người phụ nữ nấu cơm bị nhão thì người trong nhà sẽ nói hôm nay cơm dẻo ghê, cô dâu đơm chén cơm quá đầy thì bị ông gia nhận xét là “Núi Ngự Bình bữa ni cao hơn mọi ngày”… Cách nói bóng nói gió, nói xa nói gần đó cũng là một tật cố hữu của dân Huế.

Cách nói lắt léo: Không những nói lái để châm chọc hoặc phê bình người khác mà người Huế còn hay nói lắt léo, “Nói cù lần”,”nói nguỵ biện để chữa thẹn, để đánh lạc hướng câu chuyện đang nói không mấy lợi cho họ. Đã say mèm mà cũng còn chối là “Tau mô mà say, say tình say nghĩa chứ ai say bia say rượu” rồi nói lái qua tình nghĩa ở đời. Đó cũng là một bản sắc con người xứ Huế. Ngụy biện có đâu cũng là một khía cạnh dễ thương của các cụ đồ xưa lúc đuối lý hay cả đang say lướt khướt. Cũng là quan trọng hoá mình, luôn luôn nghĩ mình là “phương diện quốc gia”.

Cách nói tiếng lóng: Dân Huế cũng có những tiếng lóng thông dụng riêng, cũng biết dùng tiếng lóng trong câu chuyện hàng ngày như mọi nơi khác. Tiếng lóng của họ được dùng với mục đích chế giễu vui cười với nhau chứ không ác ý chi. Chẳng hạn như: “Cá long hội” là “Cá lôi họng” tức thứ cá rẻ tiền ăn vào dễ bị mắc xương phải lôi họng ra lấy. Ngoài ra người Huế còn dùng nhiều thứ tiếng khác như cách nói lạc nghĩa và bệch trệch, cách nói kiểu cách, cách nói trong nội là nơi của cung vua quan…

Phong thái con người xứ Huế

Thông qua ngôn từ của con người xứ Huế cũng như qua cách xử sự trong đời sống của xứ Huế, chúng ta có thể biết đựơc nhiều về cuộc sống bên trong con người xứ Huế, có thể hiểu lối suy nghĩ, hiểu được cảm nhận, đôi khi thấy được đôi chút về cá tính của họ,… Nói chung ta có thể thấy được phong thái của con người xứ Huế qua ngôn từ của họ. Phong thái của họ thể hiện qua bản sắc của con người xứ Huế. Người Huế trọng đạo lý, trọng nếp sống trong khuôn khổ Khổng – Mạnh như “chữ Nhân được lấy hàng đầu, những đạo lý dạy con cháu luôn phải ghi nhớ như “uống nước nhớ nguồn” hay “thương người như thể thương thân”. Do đó, lối nói văn hoá của họ là phương tiện để họ dạy con cháu và họ hàng, nói ít mà hiểu nhiều, nói ngắn gọn xúc tích, không cần nói dong nói dài, để dễ sinh chán ghét. “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một tục ngữ của dân gian ta nhưng họ đã dùng như sau: “Con nà! Nhà mình nghèo nhưng mình có danh giá của nhà mình, mô có bỏ qua được. Đói cho sạch, rách cho thơm con nà!” . Khuyên con không nên vay mượn làm đám cưới cho lớn thì bà mẹ thủ thỉ: “Con ơi! Giàu làm kép, hẹp làm đơn, ai chê đám cưới, ai cười đám ma, chuyện chi làm khổ lấy mình”. [1,24].

Cái phong thái thanh thoát, nhẹ nhàng không chỉ thể hiện ở các sản phẩm văn hoá do họ tạo ra mà còn được bộc lộ ngay trong tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái, trong cách giao tiếp ứng xử giữa con người với con người trong đời thường. Điều này được hung đúc qua ca dao, dân ca. Luận bàn về phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát,… của người Huế là để khẳng định một “nét trội” của văn hoá vùng đất được thể hiện trên phương diện nếp sống, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử của con người. Nói như vậy không có nghĩa nét đẹp này con người các vùng đất khác, miền quê khác không có, hoặc ít có… ví dụ như: “Con làm rứa mạ buồn” hay “Em ơi, em về đi, em không về chị buồn đó!”. Đó là lời những bà mẹ, những bà chị la em, nghe đến kì lạ, không thét lên mà chỉ như năn nỉ. Bởi vậy mà những đứa con xứ Huế, rất sợ mình có lỗi, có lỗi thì chị buồn, mạ buồn… Người Huế thường dấu kín những khó khăn riêng của mình trước bạn bè, không để điều to tiếng, đối với khách khứa láng giềng. Mạ tôi thường dặn: khi nhà có khách, có đong gạo nấu cơm cũng phải nhẹ tay, đừng để khách biết mình đong mấy lon càng không để khách biết mình hết gạo…  

Tính cách người Huế, được kết tinh và phát lộ qua ca dao, dân ca Huế, nó buồn và sâu lắng. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có nhận xét rất tinh tế: “Dân ca Huế là dân ca của sông Hương, dân ca của ban đêm. Nếu ca Huế là lời ca giao đãi của người con gái chèo đò với những người bạn đang chèo những con đò xuôi ngược với những ai đó trên bờ sông, thà Lý Huế là lời tâm tính của những con người cùng chung một con đò với ngổn ngang tâm trạng: “Trước bến Văn Lâu, ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai mong” hay “Anh về ngoài Bắc lâu vô, vẽ tranh hoạ đồ để lại cho em.” [3,1].

Có thể có người hỏi tôi, cớ sao nói đến tính cách người Huế mà chỉ nói tới người phụ nữ Huế? Tôi mong có sự lượng thứ về sự thiên vị này, bởi một lẽ, theo tôi thà tính cách người phụ nữ – người mẹ, người chị có ảnh hưởng rất lớn tới tính cách những người con, người em – (Trong đó có cả nam giới). Người đàn ông Huế thường ít lời, trầm tư, ôn hòa, trân trọng đời sống nội tâm và có phần đa nghĩ.

Huế ở tâm điểm của miền trung đất nước lại có thêm thời kỳ hơn 200 năm là trung tâm chính trị của nhà nước phong kiến, từng thu hút nhân tài, vật lực, giá trị văn hoá của cả nước. Huế có một khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, nắng đến khô cằn mà lúc mưa thà dầm dề, triền miên, lúc thì xối xả, bởi vậy mà con người Huế yêu thiên nhiên đến vô cùng. Nhưng cũng chính mưa nhiều, nên người Huế có cảm giác cô đơn, cảm giác buồn. Điều đó có thể là nét nhược điệu trong tính cách người Huế. Nhưng đó cũng chính là yếu tố mà người ta không thể không nhắc đến khi nói tới tính cách người Huế.

Người Huế còn trọng lễ nghĩa trong lời ăn tiếng nói. Trong khi hầu chuyện với các bậc trưởng thượng nhất là ở chốn quan trường, trong các gia đình quan lại, trong các gia đình thể giá, họ dùng những chữ không nơi nào khác dùng, với các từ ngữ riêng biệt, ví dụ như “thời” thay vì chữ “ăn” (Xin mời anh chị thời). Nếu ăn đã no muốn rời mâm đứng dậy, họ phải xin lỗi trước khi gác đũa: “Em xin phép mấy anh cho em được phép đứng dậy” hay “Con xin kiếu mấy bác”. Họ không nói “ăn cơm” mà họ nói là “dùng cơm”, họ không nói “ăn đã no” mà họ nói “ăn đã vừa” (dạ thôi, em ăn đã vừa rồi). Họ vòng tay khi nói chuyện với các vị bậc bề trên của họ, ngay cả cái vòng tay, cũng có rất nhiều cách: quá kính cẩn thì họ “chắp tay vái” hoặc “vòng tay trước ngực”, lễ phép thì họ “chắp tay trước bụng”… họ không “chào nhau” mà thường là vái nhau, ví dụ như trong những ngày tết, để chúc lộc đầu năm cho nhau thường họ chấp tay lại nhau như tỏ vẽ là lời chào hay trong nhà có đám tang cũng vậy. Khi nói chuyện với ai, họ dùng toàn “thưa” và “dạ”. Mỗi “ông dôn” là một ông xếp trong nhà, một ông quan uy quyền tuyệt đối, một ông chồng thứ “chồng chúa, vợ tôi”. Người dân xứ Huế vốn thích nghịch ngợm, bông đùa. Họ thích nói lái, ví dụ như “Mụ Đắc ngậm miệng nói không được”… Qua những lời tôi vừa dẫn trên đã cho thấy hiểu được đôi phần đặc tính của con người xứ Huế.

Tiếng Huế chơn chất, tiếng Huế thật thà

Tiếng Huế sở dĩ nghe ra đặc biệt đối với những người các nơi khác là vì ba yếu tố chính: Giọng nói đặc biệt của Huế, các chữ riêng biệt của Huế như “Mô, tê, ri, răng, rứa” và nhất  là cách nói chất phát với các chữ “Chơn chất quê mùa” riêng biệt của nông thôn xứ Huế. Người Huế khi có dịp xa Huế hoặc có dịp tiếp xúc nhiều với người khác xứ trong nước đã thông hiểu được tiếng nói của mình, của người Huế mình. Vì thế, khi giao tiếp với dân các xứ, họ phải tự bỏ bớt không dùng các chữ quá đặc thù của Huế, họ phải làm nhẹ bớt giọng nói của mình bằng cách bắt chước giọng nói cư dân vùng đó và nhất là họ dùng các chữ Việt chuẩn, thứ chữ của chữ Việt của “Tự lực văn đoàn” trong lời ăn tiếng nói của họ. Ngay cả những người Huế ở phương xa trở về Huế khi nghe một người Huế “Chính tông” ở thôn quê nói chuyện, nhiều khi cũng không thật hiểu ý họ muốn nói gì, nghe “Chữ được chữ mất” và tạm hiểu ý chính của họ mà thôi. Nghe ra thì chẳng khác gì ngày nay, dân Nhật khi họ nói chuyện với nhau chỉ hiểu được 75% lời nói của nhau.

Tiếng Huế riêng biệt đó thường là các chữ Huế ở nông thôn quê mùa, dân dã, ở những nơi xa lạ với thị thành mà người dân vẫn còn lưu giữ các chữ của những ngày xa xưa do cha ông họ để lại qua nhiều đời. Các chữ xa lạ “Quê mùa” đã là vết tích của “Dấu phèn trên chân” của người Huế ngày trước. Tuy nhiên các chữ “quê mùa” này lại đi đôi cá tính thật thà giản dị của những người chân quê sử dụng nên vì thế gọi “Tiếng Huế chơn chớt, tiếng Huế thật thà” Điều này có thể hiểu thêm tiếng Huế quê mùa mộc mạc còn tiềm ẩn trong lời ăn tiếng nói của một số đông cư dân ở các vùng quê hẻo lánh ở Huế ngày hôm nay.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ở chân quê mới dùng những chữ đó mà thật ra ngay cả những người tại thành phố mà không có dịp đi ra ngoài, không có dịp đi ra khỏi xứ Huế, vẫn còn lưu giữ đặc tính quê mùa trong lời ăn tiếng nói của họ. Để hiểu thêm những từ ngữ quê mùa mộc mạc này, tôi xin dẫn chững những cụm từ sau giúp cho các bạn dễ hiểu hơn.

–   Chi hung dữ ri = Làm gì nhiều thể (Anh cho tui hung dữ ri à).

–   Hung a rứ thê! = Nhiều lắm (Quán cafê người hung a rứ thê).

–   Mệt i = Mệt quá (Làm chi mà sai mệt rứa).

–  Tời (trời) ơi, nói rứa có tời đất (Trời đất làm chứng) = Hãy tin tôi đi (Nói có tời, tui làm rứa tui không phải là người).

–   Làm răng chừ hè = Làm sao bây giờ (Mạ biết được thì làm răng chừ ).

–   Răng ri = Sao lại thế này (Trời ơi răng ri, không gỡ được à).

–   Chơ răng = Chứ sao (Làm sai thì ngu chơ răng).

–  Làm chi rứa = Làm sao thế (Mi làm chi rứa, tau thấy ngại ghê).

–  Đừng có ồn = Không được bàn tán (Vợ tui làm đó đừng có ồn).

–   Đừng có rên = Không than van hối hận (Làm ẩu bị đập đừng có rên).

–    Nì = Này, đưa (nì, lấy đi).

–    Đừng vơ đũa cả nắm = Không phải ai cũng thế (Đàn bà cũng có ba bảy hạng đàn bà, không phải ai lấy chồng rồi cũng ngoại tình, đừng vơ đũa cả nắm).

–   Đừng xỏ miệng vô = Đừng nói vào (Chuyện của tui đừng xỏ miệng vô).

–   Đường cấy = Đường cái (Từ nhà ra đường cấy chỉ mất mấy phút).

–   Bất no = No (Nhìn mâm cơm thấy mà bất no).  

– Doai mỏ = Đưa miệng ra (Doai mỏ chửi người ta).

–   Giơ xương = ốm yếu (mi ốm bắt giơ xương).

–   Đã bưa = Đã vừa (ăn một trận đã bưa).

–   Huế mềm = Người xứ Huế mình (Huế mềm đẹp, thơ mộng ghê).

–   Ba đàng ba sá = Nói không đúng (Chuyện ngoài đường bà đàng ba sá).

–   Cái chi tề = Cái gì mà quên mất (Mạ dặn cái chi tề  mà ngồi với anh quên rồi).

–   Thâm căn cố đế = Lâu ngày (Tui ghét hắn thâm căn cố đế).

–   Rủ tốp rủ đảng = Lập phe lập cánh (ở đời thời nay họ hay rủ tốp rủ đảng với nhau).

–   Té ra rứa = thì ra vì thế (té ra rứa, anh nói chuyện với cô bồ cũ nên em giận).

–   Đấy = Đi đái (Nửa khuya dậy đi đấy, mò lộn buồng).

Qua những ví dụ về tiếng Huế quê mùa ở phần trên , những tiếng Huế chơn chớt và thật thà, ta thấy quả thật tiếng Huế có nhiều bề mặt khác nhau. Đi đâu và ở đâu, nghe được tiếng Huế chơn chất thật thà này , người Huế xa nhà mà không thể nào mà không bước tới để chào hỏi nhau, chuyện trò với nhau và nhìn bà con “Dây mơ rễ má” của xứ Huế. Thông thường các gia đình ở Huế không bà con thân quen thuộc trực tiếp dòng họ với nhau thì cũng quen biết nhau qua người khác, qua bà con khác. Xem lại thì người Huế ai cũng có bà con với nhau. Mỗi khi nghe tiếng Huế thật thà thôn dã còn sót lại như trên, người Huế tự nhiên thấy lòng mình ấm lại, biết là mình đang được bao quanh bởi những con người chơn chất cùng xứ, những con người không mộc mạc bên ngoài, những con người ăn ở thật lòng thật dạ với nhau. Nói chung tiếng Huế chơn chất, thật thà mang đậm nét con người xứ Huế nó được biểu hiện qua lời ăn tiếng nói, qua sinh hoạt của cư dân xứ Huế.

Huế nói văn hoa, Huế nói chữ

Lời ăn tiếng nói của người Huế đã được người các xứ cho là một lối nói riêng biệt của người Huế và họ thường nôm na gọi là “nói theo lối Huế”. Đó là lối nói theo nhiều chữ Hán, chữ Nho trong các câu nói thường ngày, lối sử dụng nhiều điển tích hay các tích tuồng hát bội. Đó cũng là cách nói xúc tích qua các câu ca dao tục ngữ của xứ Huế hay qua các lời thơ của các áng văn chương bất hủ như Truyện Kiều chẳng hạn. Đó cũng là lối ăn nói với các tiếng ngoại quốc đã được Việt hoá. Một đặc điểm nổi bậc về ngôn từ của con dân xứ Huế là họ rất sính dùng cách thức gợi ý bóng bẩy trong lời ăn tiếng nói khi họ giao tiếp với nhau ở ngoài đời.

Lối nói chuyện bằng cách dùng câu bóng bẩy để gợi ý mình muốn nói thay vì những lời nói thẳng thừng sống sượng hoặc quyết đoán được người dân xứ Huế sử dụng rất rộng rãi trong lời ăn tiếng nói của họ, đó là một đặc điểm tiếng Huế không nơi nào có. Sinh sống tại đế đô Huế, hàng ngày dân chúng Huế đã được tiếp xúc với biết bao là văn nhân sĩ tú khắc nước tụ hội tại kinh thành để chuẩn bị và tham dự các khoa thi do triều đình tổ chức. Tiếp xúc với các nhân vật thượng đẳng của xã hội Việt Nam thời xưa đó, không ít thì nhiều, dân chúng xứ Huế đã xâm nhập được những triết lý, những thói quen cũng như lối sống và những ngôn từ “Chảy chuốt” nhưng rất sâu sắc của các người thuộc giới này. Thuyết chính danh quân tử mà họ được đọc từ các thầy đồ các phương đã khiến dân Huế mở rộng cánh cửa giữa các căn nhà  mình khi khách quý đến thăm phải ” Vận áo dài, chít khăn đóng ” mỗi khi ra đường phải đúng tư cách người quân tử. Thuyết chính danh đó cũng đã ngẩu biến với thời gian thành một tập tục địa phương còn duy trì đến ngày nay với tà “Áo nối” trên vai và chiếc nón lá đội trên đầu của những o bán chè bán cháo sách trên tay trong đêm khuya tại Huế. Người Huế hay dùng “Con nhà có nề có nếp” là vì thế.

Lối nói văn hoa này cho phép người dân Huế ăn nói ngắn gọn dễ hiểu và nhờ thế, có thể nhấn mạnh ý mình muốn nói ra. Họ “nói ít nhưng hiểu nhiều”, họ ăn nói rất súc tích. Xuyên qua cách nói theo lối Huế “đó, những câu nói khuyên răn dạy dỗ con cái của họ đã trở nên giản dị, rất dễ nhớ và dễ đi sâu vào tâm trí của các trẻ con đang lớn lên. Các câu nói của họ đã trở nên trơn tru, bóng bẩy và hay ho, cho chúng ta có cảm tưởng họ là những người có học thức, có trình độ. Đã không biết bao nhiêu người ngoài xứ khi đến Huế, được nghe từ cửa miệng người Huế buôn thúng bán bưng những câu nói văn hoa ý nhị với các câu ca dao tục ngữ, với những tràn dài chữ Nho diễn tả một cách bóng bẩy hay ho lưu loát, đã không khỏi không cảm phục những con người xứ Huế. Ngay trong môi trường xứ Huế cũng vậy, một khi đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường xứ Huế, đã được ghi đậm vào trong tâm trí các câu nói văn hoa và các câu nói chữ mà ba mẹ thường dùng, chắc chắn họ sẽ không bao giờ có thể quên được những lời dạy dỗ đó. Người Huế thường nói “Ghi lòng tạc dạ” là thế. Trong cuộc sống thực tại ngày nay đòi hỏi người ta phải “Nói ngay nói thẳng”, do đó gia tài văn hoá to lớn với lối “Nói văn hoa, lối nói chữ” của tiếng Huế đó chắc chắn rồi cũng sẽ bị mòn dần và mất dần với thời gian. Vì thế cần ghi lại những chữ Nho, những tích tuồng Hán, những câu ca dao tục ngữ mà một thời người Huế đã sử dụng dồi dào trong ngôn từ họ, trong cách nói đặc biệt của họ, trong lối “Nói văn hoa, nói chữ” của họ.

Người Huế nhất là mấy o, mấy mệ thì ưa ăn nói văn hoa, chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa… làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dong nói dài. Thêm vào đó phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì “tụng” mới phê! Cái phong cách nói lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẽ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thuý hơn nữa.

Để mô tả cái lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm. Người Huế ít khi dùng chữ lắm hay chữ quá mà dùng điệp ngữ: Cái con nớ, lanh cha lanh chanh! mấy mụ o giọn (nhọn) mồm tức mấy bà chị chồng mỏng mép của Huế vẫn đôi khi chê em dâu: Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè! (Sao mà nó vô phép quá vậy) [2,4].

 Về màu sắc người Huế thường nói điệp ngữ để nhấn mạnh: Xanh lè lè, đỏ lòm lòm, đen thùi thui, vàng khè khè, tím giắt giắt (tím ngắt). “Bởi, cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn! Còn nữa để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy o ngồi chò hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: Mưa chi mưa thúi đất thúi đai! Một bà mẹ tụng cô con gái, một bà chị cà mô – ran cô em thứ mà nghe cứ như là đang đọc một bài đồng giao với vần điệu, trầm bổng cũng là một trong những sinh hoạt dưới mái gia đình: Mi phải suy đi nghĩ lại cho kỹ! Mi coi, là con gái con lứa, đừng có đụng chăn hay chớ, cũng đừng lật đa lật đật, cũng đừng có mặt sa mày sỉa. Bọ mạ thì quần ống cao ống thấp, tất ba tất bậc để nuôi mình. Tau thấy mi rứa, tau cũng rầu thúi ruột thúi gan! ” [2,4].

Để dẫn chứng cho điều này tôi xin nêu ra những ví dụ minh hoạ chứng minh điều này mà người dân xứ Huế đã dùng nói:

Huế nói văn hoa bằng tục ngữ:

Người Huế hay dùng các tục ngữ của đất nước trong lời ăn tiếng nói của họ, các câu tục ngữ mà người Huế thường sử dụng:

– Ai giàu ba họ, ai khó ba đời = Không ai giàu lâu, cũng không ai nghèo lâu (Lẽ tuần hoàn của tạo hoá nên không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời).

– Anh em khinh trước, làng nước khinh sau = Anh em phải thương yêu nhau.

– Anh em rể như ghế ba chân = Anh em bạn rể khó lòng thiệt nhau.

– Ăn có nơi chơi có chốn = Đâu có chỗ đó.

– Ăn cơm chúa múa tối ngày = Đã ăn thì phải cùng trả.

– Ăn thì cúi trốt, đẩy nốt thì vang làng = Ham ăn mà lại nhác làm.

– Ăn vụng không biết chùi mép = Phải biết che đậy.

– Cái khó bó cái khôn = Nghèo nên không xoay sở gì được.

– Bụng làm dạ chịu = Do mình gây ra phải gánh hậu quả.

– Biết một mà không biết hai = Biết giới hạn.

– Cám treo heo nhịn đói = Có mà không được hưởng.

Các tục ngữ mà người Huế thường dùng còn rất dài nhưng tôi chỉ nói qua một số câu như trên để minh chứng lời nói. Như vậy đủ thấy kho tàng ăn nói bằng tục ngữ của dân Huế rất dồi dào. Một điểm đặc biệt khác mà chúng ta nhận thấy là trong khi dùng các tục ngữ trong các câu nói của mình, người Huế không phân biệt đó là tục ngữ của vùng nào. Họ đã sử dụng tất cả các tục ngữ của tất cả các vùng, của mọi nẻo đường của đất nước. Những tục ngữ đó như đã trình bày, phần lớn do các Nho sinh tử sĩ từ khắp nơi khi đến đất kinh kỳ để dự thí đã mang theo và sử dụng ở Huế. Vì thế mà ở Huế bây giờ người ta vẫn còn nhắc đến nhiều chuyện liên quan đến chuyện “Các ông thầy đồ vô Huế” như câu hò Huế “Hò ơi! Ơi anh nghệ ơi! Ba tháng mười ngày mới hết phong long, anh cho em một chút để em xoa trong với xức ngoài”. Nhờ vào tục ngữ mà lời ăn tiếng nói của người Huế đã trở nên bóng bẩy, súc tích, hay ho và gợi cảm. Người ở xa đến Huế chỉ cần “Nghe không mà đã nghe mệt” là vì thế.

Như vậy, chúng ta đã nghiên cứu tiếng nói văn hoa của người huế qua lời ăn tiếng nói  của người dân huế. Và chúng ta cũng thấy rõ qua cách nói chữ của họ, qua cách sử dụng tục nhữ tài tình của họ để nói ra những câu nói hay ho bóng bẩy, văn hoa chữ nghĩa, ý nghĩa xúc tích trong khi giao tiếp với các người cùng sống trong một môi trường sống với họ. Lối nói đó là lối nói chữ, nói văn hoa và nói theo lối Huế đó cũng là nét đặc thù của ngôn ngữ Huế.

Huế nói hoang, huế nói tục, huế nói tiếu lâm

Mỗi lần ngồi lại với nhau người Huế thích nói khôi hài, kể cho nhau nghe những chuyện Tiếu Lâm thật vui để mua tiếng cười thông qua những lần gặp mặt. Người Huế thích nói khôi hài, thích nói bông đùa với nhau. Họ thích nói để mà cười, gặp khi làm lụng mệt nhọc, họ hóm hĩnh kể cho nhau nghe những chuyện dính líu đến phòng the để cùng cười vang cho thư giản, những chuyện này được họ gọi là “Chuyện Tiếu Lâm”, là những chuyện để cười một mình trong rừng vắng vì câu chuyện luôn luôn dính đến tình dục. Toàn là những câu chuyện “Cấm cười” của ngành “Tiếu lâm học”. Họ thích nói bóng nói gió, họ nói một đường mà nghĩ một nẻo. Mỗi câu họ thường nói hai nghĩa. Những câu chuyện mà họ nói bóng nói gió cũng là những câu chuyện họ khó nói nên lời, những chuyện khá sống sượng vì dính líu đến vấn đề sinh lý nên họ cũng không dám nói rõ ra vì thế họ phải dùng những kỹ thuật “Lời thanh ý tục” để đạt được mục đích khôi hài, vui cười của họ. Họ thích nói hoang, thích nói tục. Họ thường dùng những câu, những chữ ẩn nhiều nghĩa tục, dính líu đến chuyện này chuyện khác của các cặp trai gái, những chuyện phòng the của đàn ông đàn bà. Những câu chuyện tục này đưa ra cho nhau nghe cũng không ngoài mục đích “Nói để mà cười”, để có những giây phút thư giãn khi phải lao động vất vả. Các câu nói của họ xem ra thì vô tội vạ nhưng nếu nói lại, đọc ngược lại thì lại có nghĩa khác và thường là nghĩa rất tục, họ phải che đậy kĩ là vì thế. Bản sắc thích nói hoang, nói tục, nói lái nói bóng gió của họ thường được biểu lộ không chỉ trong các câu nói thường ngày mà cả trong lời hò của họ, các câu ca dao để lại đời cũng như trong các câu chuyện kể của họ. Cả một gia tài văn hoá Huế nằm trong những câu chuyện hoang đó, nằm trong các câu khôi hài ấy. Để hiểu hơn Huế nói hoang, huế nói tục, nói tiếu lâm của người Huế qua ngôn từ thường ngày của họ là:

 Đàn ông Huế mà thân thiết gặp nhau là nhắc đi nhắc lại chuyện cũ xưa của nhau, của một thời trai trẻ của họ. Họ đề cập đến những tiếc nuối của mình khi đã để mất những cơ hội ngàn vàng hoặc nói đến những trường hợp hi hữu của đời người trong cuộc chiến nam nữ. Truyền kinh nghiệm cho nhau, họ bàn đến những câu chuyện “Tán gái” mà họ đã trải qua. Họ nói đến chiến thuật “Đánh mạnh, đánh nhanh”, chiến thuật “Trồng cây si”, chiến thuật “Mần nhà giàu mà tung tiền tung của”. Họ bàn đến những chiến thuật gây ấn tượng cho người ta để ý như khoát một bộ mặt lầm lì bí hiểm khi đi tán gái, hay dùng những câu triết lý cao siêu thâm thuý khi nói chuyện với gái, nói chuyện hoặc bác để tỏ mình có bộ óc thông minh lanh lẹ cho gái phục lăn , phục lóc… Họ khuyên nhau khi bị vợ giận thì dùng hai trái mù u và cái của quý riêng tư của mình mà làm lành lại: “mù u hai trái mù u, vợ chồng cãi lộn con cu giảng hoà” hay có người nói khi tui bị vợ giận mỗi lần nhậu về say tui bị vợ mắn, tui xờ trái mù u là vợ cười liền ngay.

Huế nói lái:

Người Huế thường hay dùng lối nói láy để người nghe tự chiêm nghiệm ra và hiểu ngay một cách kín đáo ý nghĩa câu nói của họ. Thông thường họ dùng chữ để nói ngược lại ra một ý nghĩa khác, thường có nghĩa tục đượm màu sinh lý. Qua lối nói láy này, họ dám đưa ra các chữ hoang mà họ không dám đưa ra các chữ trong câu nói của họ. Thường khi những người nói lái thường những người “Nói hoang mà không cười” vì thế cái thi vị nói hoang của họ được thiên hạ hưởng ứng mà “Cười sặc, cười sụa”.

Người Huế không chỉ nói hoang bằng cách nói lái, họ lại còn dùng lối nói lái để làm bài “Thơ hoang” đặc sắc, với những lời bóng bẩy, súc tích.

Về phương diện văn hoá đối chiếu của nói lái thì trong tiếng Việt nói chung, người mình cũng quan niệm đó là một lối chơi chữ, một thứ tiếng lóng, một quy ước ngầm giữa những người đối thoại. Thường là một thứ đùa giỡn, chọc cười giữa bạn bè với nhau, biến các từ thanh nhã thành các từ dung tục ví dụ như “Hạ cờ tây” thành “Hạ cầy tơ”. Cách nói lái đôi khi cũg được dân các nơi sử dụng để đã kích nhau, phê phán nhau, nói xỏ nói xiên nhau. Ví dụ “Vừa đi, vừa lủi, vừa mổ “là “Lỗ mũi” hay “Chợ trong không bán, bán tránh chợ ngoà ” là “Bánh tráng”,… Nói lái thường nhiều kiểu cách: Hoán đổi phần sau của chữ trước và chữ sau nhưng vẫn giữ nguyên dấu, ví dụ như “Đào mầu “là” Đầu mào”, “Chái đó” là “Chó đái” cách này thường dùng nhất; Hoán đổi chữ trước ra sau và hoán đổi dấu, ví dụ như “Đấu tranh” là “Tranh đấu”, cách này ít dùng hơn; Hoán đổi phần sau của chữ trước, chữ sau và hoán đổi dấu, ví dụ như “Khó đi” là “Khi đó”.

Huế kể chuyện hoang: Chuyện hoang mà người Huế thường kể cho nhau nghe thường là những chuyện “Tiếu Lâm”, những chuyện nghe để mà cười. Phần lớn những chuyện này điều dính dáng không nhiều thì ít đến tình dục và những chuyện Tiếu Lâm đó, người Anh Mỹ gọi là “Dirty jokes” tức là “Những chuyện khôi hài nhớp nhúa”. Phần lớn đàn ông con trai huế kể cho nhau nghe lúc trà dư tửu hậu chứ không bao giờ người đàn bà huế  dám cả gan ngồi nghe những chuyện đó chứ đừng nói ngồi kể chuyện hoang cho nhau nghe. Chuyện “Tiếu Lâm” theo đúng nghĩa là những chuyện “Cười một mình trong rừng” mỗi khi chợt nghĩ đến.

 “Những chuyện hoang, chuyện tục” để kể cho nhau nghe những lúc nhàn nhã. Họ thường nghe xong là cười như te toét, cười một cách sung sướng thoả mái.

 Như vậy chuyện “Nói hoang, nói tục, nói khôi hài” của người dân xứ Huế, chúng ta thấy không phải tự nhiên mà họ “Thích nói hoang, nói tục” hàng ngày mà thật ra bản sắc văn hoá này của họ bắt nguồn từ một cội rể sâu xa lâu đời, từ thời ông bà tổ tiên của họ để lại. Chuyện nói hoang, nói tục của người dân Huế thật ra đã phát xuất từ tín ngưỡng “Phồn thực” của tiền nhân của họ với mục đích “Cầu Đinh” để phát triển đất đai dựng nước, giữ nước. Bây giờ chúng ta mới thấy chẳng phải tự nhiên mà các câu “Nói hoang nói tục” đã chểm chệ có mặt trong gia tài ca dao của dân chúng xứ Huế, một gia tài văn hoá của cội rễ của mỗi quốc gia dân tộc. Đó là một gia tài ca dao về sự “Truyền thống” đã được ông bà họ truyền lại để tiếp nối “Dây chuỗi ngàn đời”, có mục đích dặn dò các con cháu hậu sinh của mình cần phải sinh sôi nảy nở để di truyền nòi giống của tổ tiên. Xem ra như thế, quả thật chuyện ” Nói hoang, nói tục” của người dân xứ Huế chẳng phải bắt nguồn từ một sự dâm ô hoang đường trong máu hay trong trí não của họ, cũng chẳng phải chỉ là những chuyện “Nói để mà cười”. chuyện “Nói hoang, nói tục” của dân xứ Huế chẳng qua chỉ là dấu tích văn hoá của ông bà để lại, bắt nguồn từ tín ngưỡng “Phồn thực” của tổ tiên họ từ ngàn xưa, khiến họ phải tiếp tục duy trì tập tục đó để còn truyền lại về sau cho con cháu hậu sinh của họ.

Như ông Bùi Minh Đức đã từng nói: “muốn nhờ các chữ nghĩa Huế đó để vẽ nên bức tranh văn hoá của xứ Huế, để tạc rõ hình tượng của con người xứ Huế”

Đề tài này là một trong những đề tài mới và hay, nó có ý nghĩa thiết thật liên quan đến thực tiễn cuộc sống của mỗi người dân địa phương xứ Huế, với những ngôn từ diễn đạt sâu sắc với nhiều ý nghĩa mang phong cách của Cố Đô. Mục đích tôi chọn đề tài này nhằm giúp cho người dân Cố Đô và tất cả mọi người trên toàn đất nước hiểu thêm phần nào về những ngôn từ mang đậm tiếng Huế và cũng muốn giáo dục cho con cháu sau này nếu có đi đâu dù làm gì hay ở đâu vẫn giữ được tiếng nói của quê hương mình, luôn luôn mang trong mình màu sắc xứ Huế dù có như thế nào đi chăng nữa cũng không thay đổi thổ ngữ Huế và qua đây để quản bá với nhân dân trong nước cũng như nhân dân thế giới biết được ngôn ngữ Huế dịu dàng và lắn động, mỗi du khách đến Huế họ điều cảm nhận những từ ngữ nói ra của những cô, những anh hướng dẫn du lịch vừa nhẹ nhàng lịch sự và trao nhã. Nghiên cứu về thổ ngữ xứ Huế, tiếng Huế chơn chất, tiếng Huế thật thà, Huế nói văn hoa Huế nói chữ, Huế nói hoang Huế nói tục, Huế nói tiếu lâm, Huế nói kháy, nói móc, nói xỏ, Huế nói trạng,…

Tôi hy vọng rằng những đóng góp phần nhỏ trong việc giúp các bạn được hiểu thêm đôi phần về con người xứ huế thông qua ngôn từ mà tôi đã trình bày. Mặt dầu bài viết khá công phu nhưng không khỏi những thiếu sót, tôi mong sự đóng góp ý của các bạn!

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 [1] Bùi Minh Đức(2008) Chữ nghĩa tiếng Huế, NXB Thuận Hoá Huế.

 [2] http:// www.vietnamcayda.com

 [3] htpp:// www.quochochue.net

 [4] htpp:// www.dha.violet.vn

 [5] htpp:// www. diendansonghuong.com.vn

 [6] htpp:// www. hoa-viet.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *