Nam Cao là một trong những tác gia lớn của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Các tác phẩm của ông chủ yếu xoay quanh số phận của những con người bần cùng, lầm than, hay nói cách khác là những con người sống dưới đáy của xã hội đương thời. Họ có thể là những người nông dân bình thường, những người chân lấm tay bùn ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cũng có thể là những con người vốn hiền lành bị đẩy vào con đường bần cùng hoá như Lão Hạc, Binh Chức, Chí Phèo, hay những người như văn sĩ Hộ…
Bằng ngòi bút của mình, ông đã phác hoạ lên một xã hội đầy rẫy những bất công, một xã hội bóp nghẹt những quyền tự do của con người, đẩy những người nông dân vào cảnh cùng cực, từ đó tố cáo những tội ác mà chế độ thực dân, phong kiến gây ra. Bên cạnh những giá trị hiện thực và nhân đạo, đọc những tác phẩm của Nam Cao ta không thể không nhắc đến những câu văn chứa đầy những triết lý và nhân sinh sâu sắc. Sau đây mình xin phép tổng hợp một số câu mà mình thấy hay và ý nghĩa.
– “Hỡi ôi! Trời thật bất công khi dựng ra cái đẹp và cái xấu. Loài người thích đẹp, ghét xấu đã phụ họa vào sự bất công của trời!” – Điếu văn
– “Sự đời không thể mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên bên trên nấm mồ anh và bên trên đầu hai đứa con côi anh để lại. Một bàn tay bạn bè sẽ nắm lấy bàn tay chúng và dắt chúng cùng đi tới một cuộc đời đẹp hơn…” – Điếu văn
– “Mong manh thay tình yêu bồng bột của tuổi hai mươi! Người ta tưởng có thể chết vì một người, rồi đột nhiên người ta thấy chẳng có nghĩa lý gì đối với lòng mình nữa” – Một chuyện Xuvơnia
– “Trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ” – Một chuyện Xuvơnia
– “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân” – Chí Phèo
– “Người ta hay ăn năn hối hận về tội ác khi không đủ sức để ác nữa” – Chí Phèo
– “Ðàn bà không men như rượu nhưng cũng làm người say” – Chí Phèo
– “Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm” – Chí Phèo
– “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ. Và nước mắt là tấm kính làm biến hình vũ trụ” – Nước mắt
– “Có đọc văn thơ, mới biết giăng là một cái đẹp và quý lắm. Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn” – Giăng sáng
– “Những kẻ chỉ suốt đời tính toán là những kẻ tự làm khổ thân suốt đời…” – Giăng sáng
– “Nghệ thuật chính là cái ánh trăng xanh huyền ảo nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa…” – Giăng sáng
– “Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” – Giăng sáng
– “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện” – Đời thừa
– “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” – Đời thừa
– “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình” – Đời thừa
– “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” – Đời thừa
– “Ai làm cho gió lên giời,
Cho mưa xuống đất, cho người biệt li;
Ai làm cho Nam, Bắc phân kỳ,
Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân…”
(Đời thừa)
– “Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao? Thức ăn không bao giờ tự nhiên chạy vào mồm” – Một bữa no
– “Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết” – Một bữa no
– “Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…” – Tư cách mõ
– “Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…” – Lão Hạc
– “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất” – Lão Hạc
Nguồn: Đào Thị Lệ Quyên