Luật nhân quả là quy luật vận hành của vũ trụ, là “hành động” và “kết quả của hành động” sẽ có tương quan với nhau. Cũng như cha ông ta đã từng nói “gieo nhân nào, gặt quả ấy”.
Dưới đây là những câu nói (stt nhân quả hay) ý nghĩa, sâu sắc về luật nhân quả để chúng ta cùng suy ngẫm và hiểu hơn về hành động của chính mình.
1. “Nếu chưa chấp nhận điều gì đó xảy ra với mình thì có nghĩa là bạn chưa chấp nhận nhân quả.”
Trích Trà đàm “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” – Đà Nẵng 2015
2. “Từ thiện cũng chẳng chứng tỏ mình đặc biệt hay mình giỏi.
Nó chẳng chứng tỏ mình tốt. Từ thiện không phải do tôi giỏi, tôi tốt, tôi giàu hay tôi hay.
Từ thiện chỉ là hoạt động tự nhiên của nhân quả. Do nhân quả thì từ thiện xảy ra. Chẳng phải là ai hay, ai giỏi.
Giống như là ở đâu có lửa cháy thì lấy nước để dập. Cứ tự nhiên thế thôi, tự nhiên xảy ra, nhân quả làm việc ấy.”
– Trích Trà đàm “Nhập thế, lạc mà không lạc”, Sài Gòn 2017
3. Hiểu nhân quả để nhận ra:
Yêu đương, rung động đều là do duyên.
– Vijayputri –
4. Muốn biết nhân đời trước,
Xem sự hưởng đời nay,
Muốn biết quả đời sau,
Xem việc làm kiếp này.
– Kinh Nhân Quả Ba Đời –
5. “Mình phán xét người khác thế nào thì mình sẽ gặp chuyện như vậy, đó là nguyên tắc đơn giản của nhân quả.
Điều mà mình phán xét họ thì chắn chắn sẽ xảy ra với mình, không đời này thì đời sau. Vì thế, không nên phán xét ai hết.”
– Trích Trà đàm “Tình yêu luôn ở đây” – Hà Nội 2012
6. “Đạo Phật tìm cách chữa bệnh từ gốc. Vì hiểu rằng mọi chuyện đều do nhân quả, nên tôi chữa bệnh từ gốc, đó là giải quyết những cái nhân đã gây ra ốm bệnh.”
– Trích Trà đàm: “Nhân quả và Sức khỏe” – Hà Nội 2013
7. “Những nhân tốt sẽ biến thành bức tường nghiệp tốt, còn những nghiệp xấu giống như những cơn sóng đánh đến bức tường đấy. Nhân tốt càng nhiều thì càng chặn được nhiều sóng; nên liên tục gieo nhân tốt và hạn chế gieo nhân xấu.”
Trích Trà đàm “Nhân quả và sức khỏe”- Hà Nội 2013
8. Mỗi người nhận được từ cuộc đời những gì mà mình đã bỏ vào đó
9. TẬP CHẤP NHẬN NHÂN QUẢ
Khi thấy mình đang khổ
Hãy chịu khó tập ngay
Chấp nhận rằng nhân quả
Của mình, đã từng gây.
Đừng quá oán trách người
Khi nhận ra xuất xứ
Nhân xấu trong quá khứ
Bây giờ nở, nhận thôi!
Cứ kiên trì mà tập
Tâm sẽ nhẹ nhàng hơn
Dù mọi chuyện vẫn vậy
Nhưng lòng đã bình an.
– Sarasawati –
10. Nhân quả là gì? Nhân quả hay còn gọi là nghiệp, hành động. Hành động này thì ra kết quả kia. Tất cả mọi hành động của mình đều tạo ra một kết quả. Làm gì hay không làm gì cũng là gieo nhân.
Không thể nào có một cái quả mà không có nhân, và không thể nào có một cái nhân mà không có quả. Khi hiểu nhân quả thì mình cẩn thận chứ không phải làm cho mình phóng túng, đổ thừa cho nhân quả, kệ nhân quả. Kệ cũng là nhân rồi. Nên trong từng hành động, lời nói, thậm chí ý nghĩ, càng hiểu nhân quả thì mình càng cẩn thận hơn chứ không phải càn rỡ hơn.
Hiểu nhân quả để bên trong thả lỏng, không còn kiểm soát, sợ hãi. Nhưng bên ngoài xiết chặt nghĩa là phải không ngừng gieo nhân phù hợp. Khi bạn “KỆ NHÂN QUẢ” chính là bạn đang gieo một nhân xấu. Người thông minh hiểu nhân quả sẽ liên tục gieo nhân lành, không chỉ là phóng sinh, mà còn bằng những suy nghĩ. Căm ghét là một nhân xấu. Một cơn sân hận có thể thiêu cháy cả rừng công đức. Hiểu nhân quả thì sẽ càng cẩn thận trong từng hành xử.
Trích trà đàm: “Lần đầu Trong Suốt đến Nha Trang” – Nha Trang 2017.
11.
Chiến thắng nuôi thù hận,
Chiến bại chuốc khổ đau.
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau.
Hạnh phúc thay được sống,
Không hận giữa hận thù.
Giữa những kẻ hận thù,
Ta sống không thù hận.
Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không thể có.
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.
– Kinh Pháp Cú –
12. “Nhân quả ngoài hành động còn phải xét đến tác ý.
Một hành động xấu nhưng động cơ tốt sẽ có quả khác với hành động xấu đi kèm động cơ xấu.”
Trích: “Trong Suốt dạy gì? – Chỉ Vô thường” – Hà Nội 2016
13. HIỂU NHÂN QUẢ
“Có hiểu nhân quả mới quan tâm đến tích tập nhân tốt. Người hiểu nhân quả, hiểu nghiệp sẽ có thái độ sống chủ động: “Tôi sẽ liên tục tích tập nghiệp tốt vì sớm muộn nó cũng sẽ nở ra và tôi sẽ có kết quả tốt.” Ngược lại, khi chưa hiểu nhân quả sẽ rất bị động. Trong xã hội hiện đại, mọi người hầu hết sống một cách bị động. Chúng ta cứ cố làm cái này cái kia, nếu không được thì than thân trách phận. Người có sự thực hành tốt thì sẽ luôn quan tâm tích tập nghiệp tốt, nếu muốn có kết quả tốt.”
– Trích Trà đàm: “Hiểu Nghiệp mới thành công, tùy Duyên nên Hạnh phúc” – Sài Gòn 2012
14. HIỂU ĐÚNG VỀ NHÂN QUẢ, BUÔNG XẢ LỖI LẦM XƯA
Nếu mình đang bị người khác làm một điều xấu, thì chắc chắn mình đã từng làm điều xấu gì đó với họ, không phải đời này thì đời trước. Nếu mình cứ cố đòi, thì thường sẽ đòi quá. Còn căm tức ai đó, mình thường đòi quá, và loanh quanh trong vòng luẩn quẩn, đời sau người ta đến đòi lại. Nên là có câu: “Oán thù chỉ nên gỡ, không nên buộc!”, gỡ hết ra thì tốt hơn!
Giỏi hơn nữa là mình tập khả năng buông xả. Người khác vừa gây ra lỗi với mình, thay vì đợi đến cuối đời kiểm kê tên từng người, mình tập buông xả ngay lúc đó. Muốn làm được điều này không khó! Hiểu nhân quả chắc chắn sẽ làm được! Bởi vì nhân quả là một điều vô cùng kỳ diệu! Hiểu đúng về nó rồi thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn rất nhiều, mình có thể bỏ qua tất cả những oán thù cũ, những người đã từng gây cho mình nhầm lẫn, sai lầm và đau khổ!
Trích Trà đàm “Nhân quả và Sức khỏe”, Hà Nội 2013.
15. Nhân quả không sai được. Nên khi đang khổ thì phải hiểu rằng: mình đang phải trả quả của những nghiệp xấu mà bản thân đã gây ra. Nếu không hiểu điều đó thì mình sẽ đi trách móc người gây khổ cho mình.
Trích trà đàm: “Vì sao người tốt vẫn khổ” – Đà Nẵng, 2017
(Nguồn: Tổng hợp)
> Xem thêm: 12 lời Phật dạy về cuộc sống
>> Mời bạn theo dõi fanpage Hiên Nhà để nhận thêm những thông điệp Bình An mỗi ngày: Hiên Nhà