Kết hôn là việc trọng đại đối với mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bước đầu và quan trọng trong thủ tục đăng ký kết hôn là điền tờ khai đăng ký kết hôn.
Những ai đủ điều kiện để đăng ký kết hôn
Tờ khai đăng ký kết hôn dùng để làm gì?
Tờ khai đăng ký kết hôn dùng để làm gì?
Tờ khai đăng ký kết hôn hiện nay được áp dụng theo quy định tại Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định thi hành một số điều của Luật Hộ tịch, có hiệu lực từ ngày 16/7/2020.
Theo đó, nếu đi làm thủ tục đăng ký kết hôn , hai người nam nữ phải khai vào tờ khai đăng ký kết hôn để cơ quan có thẩm quyền xác định thông tin nhân thân, nơi cư trú, đã kết hôn mấy lần rồi… Qua đó, làm căn cứ để tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn cho hai người.
Những ai đủ điều kiện để đăng ký kết hôn
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nam nữ đủ tuổi kết hôn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự
– Không thuộc các trường hợp bị cấm như sau:
+ Kết hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc chồng
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
+ Yêu sách của cải trong kết hôn;
+ Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Các cặp đôi lưu ý để điền đúng mẫu Tờ khai đăng ký kết hôn (Ảnh minh họa)
Thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn
Đối với nam nữ công dân Việt Nam đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là UBND cấp xã của một trong hai bên nam nữ. (Điều 17 Luật Hộ tịch 2014)
UBND cấp huyện có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn cho các đối tượng sau:
– Công dân Việt Nam với người nước ngoài;
– Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
– Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài
(Điều 37 Luật Hộ tịch 2014)
Thủ tục thực hiện việc đăng ký kết hôn
Về thủ tục thực hiện đăng ký kết hôn thì hai người nam nữ phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định và nộp tại cơ quan có thẩm quyền. Sau khi xem xét thấy giấy tờ hợp lệ, cán bộ tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, hai bên nam nữ ký vào sổ hộ tịch, Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Lưu ý là: Khi đăng ký kết hôn, hai người phải cùng có mặt tại nơi cơ quan cấp giấy đăng ký.
Căn cứ Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, thời hạn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn là ngay sau khi hai người nam nữ chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp lệ và không quá 05 ngày làm việc khi cần xác minh thêm các giấy tờ, tài liệu chứng minh.
Ngoài ra, nếu đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước thì được miễn lệ phí đăng ký kết hôn (trước đây mức lệ phí này được quy định tối đa 30.000 đồng).
Cách ghi cụ thể và chi tiết tờ khai đăng ký kết hôn
Ví dụ cách điền Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn (Ảnh minh họa)
Hướng dẫn cách ghi Tờ khai đăng ký kết hôn
Mục “Ảnh”: Trường hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thì phải dán ảnh của hai bên nam, nữ.
Mục “Kính gửi” ghi rõ tên cơ quan đăng ký kết hôn. Nếu là cá nhân Việt Nam ở Việt Nam thì là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Nếu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ là Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã.
Ví dụ: Ủy ban nhân dân phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Mục “Họ và tên” thì ghi đầy đủ họ, tên, chữ đệm tên của hai người nam nữ, ghi chữ in hoa, có dấu
Ví dụ: NGUYỄN NGỌC LAN, NGUYỄN VIẾT SƠN…
Mục “Nơi cư trú”: Ghi theo nơi đăng ký thường trú, nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
Ví dụ: Số nhà 12, đường Bà Triệu, phường Ngọc Trạo, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Mục “Giấy tờ tùy thân”: Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế
Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2011
Mục “Kết hôn lần thứ mấy” ghi rõ bằng số về số lần kết hôn. Nếu kết hôn lần đầu thì ghi “1”, nếu ly hôn sau đó kết hôn với người khác thì ghi lần “2”…
Trên đây là hướng dẫn ghi Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn chi tiết nhất của LuatVietnam. Để tìm hiểu các biểu mẫu và hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì đọc tại đây.
Xem thêm