Giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm là loại giấy xác nhận tình trạng sức khỏe của những người trực tiếp chế biến thực phẩm. Loại giấy này là minh chứng cho việc người tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến tại các cơ sở chế biến thực phẩm bao gói sẵn có nguy cơ cao, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở phục vụ ăn uống (được gọi chung là Cơ sở kinh doanh thực phẩm) đã đáp ứng được các điều kiện sức khỏe bắt buộc để có thể làm việc trong lĩnh vực này. Do đó, nếu người lao động mong muốn làm việc trong lĩnh vực liên quan đến chế biến thực phẩm thì cần phải có mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm này. Các quy định pháp luật liên quan đến loại giấy này được thể hiện thông qua Quyết định 21/2007/QĐ-BYT.
Mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm
1. Đối tượng cần phải có giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm
Quyết định này quy định rằng, có hai loại đối tượng cần thiết phải có giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm, đó là:
- Thứ nhất là người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên lãnh thổ Việt Nam trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
- Thứ hai là tất cả các tổ chức, cá nhân là chủ của các cơ sở có sử dụng người lao động và những người lao động trực tiếp kinh doanh độc lập.
2. Nghĩa vụ khám sức khỏe khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Người lao động phải được khám sức khoẻ trước khi tuyển dụng, khám sức khoẻ định kỳ và chịu sự quản lý nhà nước. Đồng thời, người sử dụng lao động không được để cho người lao động mắc bệnh truyền nhiễm làm việc tại các vị trí tiếp xúc trực tiếp với dụng cụ chế biến thực phẩm, nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm chưa bao gói trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm được liệt kê tại Điều 3 Quyết định 21/2007, bao gồm:
- Lao tiến triển chưa được điều trị;
- Các bệnh tiêu chảy: tả, lỵ, thương hàn;
- Các chứng són đái, són phân (rối loạn cơ vòng bàng quang, hậu môn), ỉa chảy;
- Viêm gan vi rút (viêm gan vi rút A, E);
- Viêm đường hô hấp cấp tính;
- Các tổn thương ngoài da nhiễm trùng;
- Người lành mang trùng.
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm
Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định tại Công văn số 5845/BCT/KHCN. Theo đó, giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh của cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh do cơ quan y tế cấp quận/huyện trở lên cấp theo quy định. Như vậy, không phải cơ sở y tế nào cũng có quyền cấp loại giấy này. Người sử dụng lao động và người lao động cần chú ý để đến khám đúng nơi, tránh trường hợp giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm vô hiệu, vừa tốn thêm thời gian chi phí làm lại.
4. Chi phí làm giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm
Chi phí làm giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm sẽ dao động tùy thuộc vào quy định của từng cơ quan y tế có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận khám sức khỏe nơi mà người lao động đi khám.
5. Thời hạn có hiệu lực của giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm
Giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm là một loại giấy khám sức khỏe, do đó nó cũng chịu sự điều chỉnh của Thông tư 14/2018/TT-BYT, giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền ký kết luận sức khỏe. Do đó, người lao động cần phải đi khám sức khỏe hàng năm để duy trì hiệu lực của loại giấy này.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm. Khám sức khỏe an toàn thực phẩm không chỉ nhằm giúp bạn hiểu được tình hình sức khỏe của bản thân mà còn giúp bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, do đó người lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến thực phẩm nên đi khám sức khỏe an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
6. Các câu hỏi thường gặp
1. Cần chuẩn bị hồ sơ gì để chuẩn bị cho buổi khám sức khỏe?
- Ảnh chân dung nền trắng kích thước 4×6 cm có thời hạn trong vòng 6 tháng gần nhất
- Chứng minh thư hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh để đối chiếu
- Người đi khám được yêu cầu phải đủ 18 tuổi trở lên
- Trường hợp cá nhân đăng ký khám sức khỏe định kỳ, hồ sơ cần bổ sung sổ khám sức khỏe, giấy giới thiệu của cơ quan, doanh nghiệp đang công tác.
- Trong trường hợp người khám không có năng lực hành vi dân sự, hay mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự,…ngoài giấy khám sức khỏe, hồ sơ cần bổ sung văn bản cam kết đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.
2. Những lưu ý khi khám an toàn thực phẩm là gì?
Để quy trình khám sức khỏe diễn ra thuận lợi cần đảm bảo các lưu ý quan trọng dưới đây:
- Nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu.
- Không đi khám sức khỏe khi đang có kỳ kinh nguyệt (đối với nữ). Tốt nhất là chỉ thực hiện khám sức khỏe sau khi kết thúc kinh nguyệt 5 – 7 ngày.
- Vệ sinh sạch sẽ các khu vực cần kiểm tra như: tai, mũi, răng.
- Không trang điểm khi tham gia khám da liễu.
3. Hồ sơ khám sức khỏe an toàn thực phẩm bao gồm những giấy tờ gì?
- Sổ theo dõi kết quả xét nghiệm mẫu phân
- Phiếu kết quả xét nghiệm phân tìm người lành mang trùng
- Sổ theo dõi danh sách bệnh truyền nhiễm
4. Mục đích của việc khám sức khỏe an toàn thực phẩm?
Mục đích đảm bảo cho người làm trong ngành không mắc các bệnh truyền nhiễm, giảm thiểu các nguy cơ xảy ra nghiện ngập đối với các chất kích thích cấm
Đánh giá post