Thanh lý hợp đồng giúp cho các chủ thể thực hiện hợp đồng nhìn nhận lại các quyền và nghĩa vụ đã thực hiện, những quyền và nghĩa vụ còn tồn đọng. Thanh lý hợp đồng sẽ do cả 02 bên cùng thực hiện và được ghi nhận bằng biên bản. Vậy biên bản thanh lý hợp đồng là gì? Thanh lý hợp đồng có mẫu như thế nào? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung bài viết sau.
Biên bản thanh lý hợp đồng là gì?
Biên bản thanh lý hợp đồng là biên bản ghi nhận sau khi hoàn tất một công việc bất ký được 02 bên tham gia xác nhận lại khối lượng, chất lượng, các vấn đề phát sinh sau quá trình hoàn thành công việc đó và hai bên cùng đồng ý ký tên.
Thanh lý hợp đồng là một thuật ngữ được ghi nhận trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế vào năm 1989. Tuy nhiên Bộ Luật dân sự năm 2015 hiện nay không có ghi nhận về khái niệm này, nhưng cụm từ này vẫn được sử dụng khi các cá nhân, doanh nghiệp muốn nói đến chấm dứt giao dịch dân sự.
Pháp luật dân sự hiện nay không có nội dung quy định về điều kiện để thực hiện thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, theo Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận miễn là không trái quy định của pháp luật, cụ thể:
– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
– Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
– Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
– Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Căn cứ theo định nghĩa của thanh lý hợp đồng, thì thanh lý hợp đồng sẽ được đặt ra khi hợp đồng đã hoàn thành hoặc theo sự thỏa thuận của các bên. Cụ thể tại Điều 422 của Bộ Luật Dân sự năm 2015, các trường hợp sau đây sẽ chấm dứt hợp đồng:
– Hợp đồng đã được hoàn thành
– Theo sự thỏa thuận của các bên về chấm dứt hợp đồng
– Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân thực hiện giao kết hợp đồng chất dứt sự tồn tại mà hợp đồng đó do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.
– Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
– Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
– Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thanh lý hợp đồng được đặt ra phần lớn là theo các trường hợp chấm dứt hợp đồng. Thông thường trên thực tế, các bên thực hiện thanh lý hợp đồng khi cả hai bên đã đạt được mục đích của hợp đồng hoặc chấm dứt theo thỏa thuận để cả hai bên ghi nhận việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ thông qua hợp đồng đã giao kết.
Mục đích của biên bản thanh lý hợp đồng
Thông qua việc thanh lý hợp đồng (lập biên bản thanh lý hợp đồng) sẽ giúp cho các bên xác định được mức độ thực hiện công việc trong hợp đồng để từ đó xác định nghĩa vụ của mỗi bên sau khi thanh lý hợp đồng cũng như xác định các vấn đề về tài sản, hậu quả pháp lý của các bên trong giao kết hợp đồng. Khi cả hai bên ký vào biên bản thanh lý thì quan hệ hợp đồng đó coi như đã chấm dứt trừ những quyền và nghĩa vụ đã được xác định vẫn có hiệu lực cho bên khi các bên hoàn thành.
Cụ thể, mục đích của việc thanh lý hợp đồng và giúp cho các bên xác hận lại việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đến đâu, những trách nhiệm còn tồn đọng và hệ quả là gì. Có thể hiểu, mục đích sâu xa của thanh lý hợp đồng chính là giải phóng các quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện đối với bên kia, tránh các tranh chấp về sau liên quan đến các quyền và nghĩa vụ đã thực hiện.
Biên bản nghiệm thu là gì?
Biên bản nghiệm thu là biên bản được các đơn vị, tổ chức lập ra nhằm mục đích để chứng minh sự kiểm nghiệm và bàn giao giữa hai bên dựa trên những thỏa thuận trước đó.
Như vậy biên bản nghiệm thu chỉ được lập ra khi công việc đã được hoàn thành một phần hoặc là hoàn thành toàn bộ. Việc nghiệm thu này sẽ giúp cho cá nhân, doanh nghiệp kiểm tra được chất lượng sản phẩm, dự án, dịch vụ trước khi bàn giao, áp dụng cho khách hàng.
T
rường hợp nào cần biên bản thanh lý hợp đồng?
Thanh lý hợp đồng được đặt ra khi hợp đồng chấm dứt. Hiện nay, kể từ khi có Bộ luật dân sự năm 2005, thuật “ngữ thanh lý hợp đồng” cũng như các quy định có liên quan đến thanh lý hợp đồng đã không còn được đề cập đến nữa. Tuy nhiên trước đó, theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 quy định các trường hợp thanh lý hợp đồng như sau:
– Khi hợp đồng kinh tế được thực hiện xong.
– Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế đã hết và không có sự thỏa thuận kéo dài thời hạn có hiệu lực của hợp đồng.
– Hợp đồng bị đình chỉ thực hiện hoặc bị hủy bỏ.
– Hợp đồng kinh tế không còn được thực hiện khi một trong hai bên hoặc cả hai bên pháp nhân thực hiện hợp đồng giải thể.
– Người nhận chuyển giao thực hiện hợp đồng kinh tế không có đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng kinh tế.
Mặc dù hiện nay pháp luật không còn quy định những trường hợp cụ thể về thanh lý hợp đồng, nhưng trên thực tế, khi hợp đồng được thực hiện xong hoặc theo sự thỏa thuận của các bên về chấm dứt hợp đồng thì các bên vẫn tiến hành lập biên bản thanh lý hợp đồng.
Có bắt buộc lập Biên bản thanh lý hợp đồng?
Hiện nay, không có quy định pháp luật nào yêu cầu 02 bên phải lập Biên bản thanh lý hợp đồng. Nội dung biên bản này 02 bên cũng thoải mái thỏa thuận, miễn không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Ngoài ra, nếu các bên không muốn ký Biên bản thanh lý thì có thể chèn thêm nội dung trong hợp đồng chính. Ví dụ:
– Khi hai bên hoàn thành xong các nghĩa vụ của mình và không có khúc mắc gì xảy ra thì hợp đồng tự thanh lý;
– Sau 15 ngày kể từ ngày các bên hoàn thành hết nghĩa vụ với nhau thì hợp đồng này tự đồng thanh lý;…
Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng mới nhất
Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về một vấn đề nào đó bất kỳ, nội dung của hợp đồng sẽ khác nhau tùy theo sự thỏa thuận của các bên. Chính vì thế, việc thỏa thuận thanh lý hợp đồng cũng sẽ có sự khác nhau tùy theo từng đối tượng của hợp đồng. Và ở nội dung này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến Quý vị một số mẫu biên bản thanh lý phổ biến.
Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng xây dựng
Xây dựng hiện nay là một ngành nghề đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, theo xu hướng phát triển chung của nền kinh tế. Việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng giao thông… chính là sự thể hiện cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như của sự phát triển chung của đất nước. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu hoặc bên nhận thầu để thực hiện một phần, toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Thanh lý hợp đồng xây dựng được đặt ra khi các bên đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc hợp đồng bị chấm dứt hoặc hủy bỏ theo quy định của pháp luật.
Quý vị có thể tham khảo mẫu biên bản thanh lý hợp đồng xây dựng dưới đây:
Tải (Download) Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng xây dựng
Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng trước thời hạn
Thanh lý hợp đồng không chỉ được đặt ra khi các công việc của hợp đồng được thực hiện xong mà còn theo thỏa thuận của các bên dựa theo quy định tại Khoản 2 Điều 422 Bộ luật dân sự về chấm dứt hợp đồng. Theo đó, có thể hiểu, việc chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận hoàn toàn có thể được chấm dứt trước thời hạn của hợp đồng. Điều này hoàn toàn theo ý chí của các bên và phải có sự đồng thuận của các bên.
Thanh lý hợp đồng trước thời hạn có điểm gì khác? Quý vị có thể tải mẫu sau đây để có thể so sánh.
Tải (Download) Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng trước thời hạn
Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà
Khi hợp đồng thuê nhà đã hết hạn, một trong hai bên hoặc các bên thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng thuê nhà thì hợp đồng sẽ chấm dứt và tiến hành thanh lý hợp đồng. Trong nội dung thanh lý hợp đồng thuê nhà sẽ ghi nhận các nội dung về thời hạn chấm dứt hợp đồng, về các quyền và nghĩa vụ khi bàn giao nhà và thanh toán tiền thuê.
Cụ thể, quý vị có thể tham khảo hợp mẫu thanh lý đồng thuê nhà như sau:
Tải (Download) Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà
Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng không thực hiện
Hiện nay, không có nội dung quy định của pháp luật liên quan đến việc bắt buộc phải thanh lý hợp đồng và nội dung của biên bản này cũng không được quy định cụ thể mà hoàn toàn phụ thuộc theo sự thỏa thuận của các bên nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Đối với hợp đồng không thực hiện, quý vị có thể tham khảo mẫu biên bản thanh lý dưới đây.
Tải (Download) Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng không thực hiện
Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê bảo vệ
Dịch vụ thuê bảo vệ hiện nay rất phổ biến, đặc biệt là đối với các tòa nhà chung cư, các khu văn phòng và nhiều địa điểm khác. Hợp đồng cho thuê bảo vệ sẽ được thực hiện bởi chủ thể là một bên cung cấp dịch vụ bảo vệ và một bên là cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu thuê bảo vệ. Cũng giống như các loại hợp đồng khác, khi chấm dứt hợp đồng dịch vụ cho thuê bảo vệ cần phải thực hiện thanh lý hợp đồng để giải phóng các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Quý vị nếu chưa biết lập mẫu thanh lý hợp đồng thuê bảo vệ thì có thể tham khảo mẫu do chúng tôi cung cấp dưới đây.
Tải (Download) Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê bảo vệ
Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng kinh tế
Hợp đồng kinh tế là một trong những loại hợp đồng phổ biến, thường gặp nhất trên thực tế. Hợp đồng này ghi nhận mối quan hệ kinh tế, ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của các bên trong một vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế ví dụ như hợp đồng mua bán, cung cấp nguyên vật liệu, gia công hàng hóa… Cũng chính vì thế mà thanh lý hợp đồng kinh tế cũng được rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp quan tâm để phục vụ cho công việc của mình.
Quý vị có thể tham khảo biên bản thanh lý hợp đồng kinh tế dưới đây.
Tải (Download) Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng kinh tế
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Hoàng Phi về biên bản thanh lý hợp đồng. Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Hoàng Phi.