Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh

(QBĐT) – Sáng tháng 6, bên trong không gian rợp bóng cây rộn rã tiếng nói cười. Mùa này, những đứa trẻ sống ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang nghỉ hè, chúng quây quần bên nhau, vui vầy và hạnh phúc như thể bất hạnh chưa bao giờ chạm tới những tâm hồn non nớt ấy. Phía dãy nhà đối diện, những gương mặt già nua cũng đang tụm 5, tụm 7 chuyện trò. Với những mảnh đời bất hạnh này, nơi đây là mái ấm vẹn tròn sau bao co quắp, lạnh lẽo giữa cuộc đời.

 

Những câu chuyện buồn

 

Trong căn phòng phía cuối hành lang, mấy đứa nhỏ đang quây quần bên người phụ nữ trẻ. Trên tay chị bồng đứa bé mũm mĩm chỉ tầm 9 tháng tuổi. Đôi mắt đen ngơ ngác của đứa bé nhìn chăm chú vào người khách lạ, thỉnh thoảng bất giác nhoẻn miệng cười. Bao nhiêu nhọc mệt tưởng như tan biến cả khi nhìn nụ cười trong veo ấy. Người phụ nữ bảo, đứa bé là kết quả của một vụ hiếp dâm từng làm rúng động dư luận cách đây một năm trước. Mẹ bé-em H.K.N.-lúc ấy chỉ tròn 14 tuổi. Sau khoảng thời gian bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần bởi người cậu ruột, khi hai mẹ con bé được đón về đây, em trở nên lầm lì, nửa tỉnh, nửa mơ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, em vui vẻ và hòa đồng với mọi người, dù có lúc em chẳng nhớ đến một sinh linh bé nhỏ đang hiện diện cạnh mình. Giờ, hai mẹ con em sống nương nhờ cả vào trung tâm, bao đau đớn, bất hạnh hẳn đã lùi dần về phía sau.

 

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh có chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng người già, người có công với cách mạng, cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Mẹ con H.K.N. chỉ là hai trong số rất nhiều phận đời bất hạnh đang nương náu nơi chốn này. 71 đối tượng hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm là chừng ấy câu chuyện đời, có nước mắt, khổ đau và cả những nỗi cô đơn vô tận. Có những số phận đau khổ đến cùng cực, tưởng rằng cuộc đời này đã lãng quên họ nhưng rồi, họ lại “hồi sinh” sau bao nổi nênh và va vấp.

Được chia sẻ buồn vui, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, những mảnh đời sống tại trung tâm sống hòa đồng, vui vẻ hơn.  Được chia sẻ buồn vui, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, những mảnh đời sống tại trung tâm sống hòa đồng, vui vẻ hơn.

Chị Mai Thị Tuyên, cán bộ trung tâm cho hay, ngoài 13 đối tượng theo diện chăm sóc tự nguyện, thì phần đa các đối tượng hiện đang có mặt tại đây đều mang những câu chuyện đời rất buồn. Người lang thang, cơ nhỡ, người không nơi nương tựa và đau buồn nhất là rất nhiều trẻ bị chính bố mẹ bỏ rơi. “Gần 13 năm gắn bó tại đây, chứng kiến những câu chuyện đời của các đối tượng nhưng có lẽ ám ảnh nhất với tôi là chỉ trong một đêm cách đây nhiều năm trước, chúng tôi tiếp nhận đến 5 trẻ bị bỏ rơi. Có bé được sinh ra chừng vài ngày tuổi, dây rốn được cắt bằng dụng cụ thô sơ dẫn đến mưng mủ, có bé bị kiến bu đầy người. Chúng tôi tiếp nhận các cháu mà không ai cầm được nước mắt bởi thực sự quá xót xa!”, chị Tuyên bồi hồi kể.

Phía hành lang dãy nhà của các cụ cao tuổi, những dáng người già cặm cụi ngồi bên nhau. Đằng sau nụ cười móm mém, thỉnh thoảng có những ánh mắt thả trôi phía khoảng không vô định như thể muốn trút tất thảy nỗi niềm vào trời xanh. Chẳng biết họ đang nghĩ ngợi điều gì nhưng chắc chắn, bên trong những đôi mắt đục ngầu ngân ngấn nước ấy là nỗi buồn đau sâu vời vợi.

Cách đó không xa, bên trong căn phòng nhỏ, hai cô bé khuyết tật đang ngồi chăm chú học bài. Những đôi chân co quắp, quấn vào nhau. Ánh mắt đen tròn và ngơ ngác đến tội nghiệp. Có lẽ các em là những số phận bất hạnh nhất khi sinh ra trong hình hài không lành lặn lại bị chính bố mẹ bỏ rơi giữa cuộc đời này.

Vun vén niềm vui

 

Giữa tăm tối của số phận, thì những cán bộ của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chính là “ánh sáng phía cuối đường hầm” để những mảnh đời bất hạnh này nương tựa và vững vàng sống tiếp. Công việc vất vả nên nếu không có cái tâm trong sáng, tình yêu thương dành cho những số phận kém may mắn, họ không thể gắn bó với trung tâm đến hôm nay. Lâu dần, cán bộ nơi đây ai cũng coi đối tượng như cha, như mẹ, như con cái mình và quan tâm, chăm sóc các đối tượng để bù đắp cho họ những thiếu hụt tình cảm.

 

Các em nhỏ sống tại trung tâm được quan tâm, chăm sóc và được học hành.Các em nhỏ sống tại trung tâm được quan tâm, chăm sóc và được học hành.

Chị Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng Quản lý, giám sát và phục hồi chức năng đối tượng cho biết, các đối tượng ở đây mỗi người, mỗi tính. Nhiều người tâm thần không ổn định nên ngày đầu mới vào trung tâm họ luôn phá phách, la hét và thường xuyên gây rối. “Có lúc chúng tôi phải dùng biện pháp để cưỡng chế, dọa nạt nhưng cũng có lúc phải tâm tình to nhỏ để họ hiểu dần. Đứng ra phân xử cho các đối tượng là việc làm thường xuyên của chúng tôi. Nhưng dần dần, họ quen với môi trường mới, hòa nhập và sống chan hòa với nhau hơn. Niềm vui của những cán bộ như chúng tôi cũng xuất phát từ những đổi thay nhỏ bé đó”, chị Nguyệt tâm sự.

Và những cán bộ nơi đây cũng chăm sóc các đối tượng như với chính gia đình mình, từ việc đau ốm, nằm viện, đưa các em nhỏ đến trường, định hướng nghề nghiệp cho các em. Với người già, họ là con cái, là người thân; với các em nhỏ, họ chính là cha, là mẹ. Với những đứa trẻ sơ sinh, họ chính là người mẹ chăm bẵm từng bữa ăn, giấc ngủ, thao thức trong bao đêm đau ốm. Niềm vui của những người mẹ đặc biệt ấy chính là được nhìn thấy những đứa trẻ lớn lên từng ngày.

 

Không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng mà để thực sự trở thành mái ấm, là ngôi nhà chung, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động góp phần phục hồi chức năng, bù đắp những tổn thương về tinh thần cho các đối tượng. Trung tâm đã thành lập CLB Người cao tuổi và người khuyết tật để các đối tượng được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, cùng tâm tình, mang đến niềm vui cho nhau.

 

Trung tâm còn tổ chức cho các cụ đi viếng nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các cháu nhỏ. Mỗi ngày qua đi là thêm một ngày niềm vui được vun vén, nỗi buồn được xóa nhòa. Em Lê Thị Minh Nguyệt, 15 tuổi, quê ở xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) xúc động chia sẻ: “Em là trẻ mồ côi, tưởng rằng cuộc sống sẽ không có tương lai nhưng từ khi được vào sống tại trung tâm, được các bố, các mẹ quan tâm, chăm sóc và được đến trường, em thấy mình được bù đắp rất nhiều. Với chúng em, đây như gia đình thứ hai của mình”.

 

Chị Trần Thị Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết, trong các trường hợp hiện đang được chăm sóc tại trung tâm có 13 đối tượng theo hình thức tự nguyện. Đề án này góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực an sinh xã hội, đáp ứng xu thế chung của xã hội và nguyện vọng của các gia đình mong muốn được người thân vào sinh sống tại trung tâm theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí.

 

Diệu Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *