Hương vị chua chua, cay cay, giòn giòn của măng ớt lôi cuốn bao tín đồ thích ăn cay. Cách ngâm măng ớt ngon không khó!
Măng ớt ngâm là loại gia vị ăn kèm hấp dẫn, tuyệt vời trong bữa cơm gia đình của nhiều người. Hương vị chua chua, cay cay, giòn giòn của măng ớt lôi cuốn bao tín đồ thích ăn cay. Chỉ cần mở lọ măng ớt ra, mùi tỏi, mùi giấm, mùi măng kèm ớt bay lên kích thích vị giác vô cùng.
Măng ớt ngâm có thể gắp ra bát nước mắm rồi ăn kèm thức ăn hoặc có thể cho vào ăn kèm bún, phở, mì… đều rất hấp dẫn.
Măng để để ngâm cùng giấm ớt có thể là các loại măng như măng tre, măng bát độ… Giờ đang là mùa măng bát độ, chị em có thể tha hồ mua để làm cho cả nhà thưởng thức. Măng ớt ngâm quen thuộc là thế nhưng không phải ai cũng biết cách ngâm sao cho không bị màng, nổi váng.
Vì thế, chị em tham khảo cách ngâm măng ớt ngon và sạch dưới đây nhé!
PHẦN 1: NGUYÊN LIỆU NGÂM MĂNG ỚT
– Măng tươi: 1 – 2 cái khoảng 2kg
– Các gia vị: tỏi, ớt, muối, đường, 1 ít giấm gạo ngon nếu thích.
– 1 bình thủy tinh sạch
Lưu ý khi chọn nguyên liệu:
Chọn măng tươi:
– Quan sát củ măng, thấy bên ngoài vỏ còn tươi, mới, bóp vào chắc, cứng là được.
– Chọn những củ măng có hình thô, to nhỏ phải đều nhau, không cong, giòn nhưng non.
– Bên cạnh đó, măng ngon là loại không xuất hiện lá vàng – nát. Bề mặt không có đốm, vỏ mỏng và không bị héo.
– Nhìn bằng mắt thường măng có vỏ mỏng, chất giòn, nhiều nước; vị tươi ngon có mùi thơm đặc trưng. Trường hợp măng có màu trắng, vàng bất thường và có mùi hôi, chảy nước thì không nên sử dụng.
Chọn ớt
– Ớt để ngâm măng nên chọn ớt cay như ớt chỉ thiên.
– Chọn những quả tươi, sờ chắc tay, không mềm hay nhũn.
Chọn tỏi
– Nên chọn tỏi ta để ngâm cho thơm.
– Chọn những củ có tép đều nhau, cầm nặng, chắc tay.
PHẦN 2: CÁCH NGÂM MĂNG ỚT
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Măng bóc bỏ lớp vỏ, gọt bớt phần già, rửa sạch, cắt bỏ phần già, để khô ráo. Sau đó, đem bào mỏng như khoai tây chiên hoặc thái sợi ngắn to cỡ chiếc đũa ăn cơm.
– Ớt nếu quả to thì thái lát, còn ớt nhỏ thì chỉ cần bỏ cuống.
– Tỏi thái lát dọc
– Bình thủy tinh rửa thật sạch, để khô.
Lưu ý, khi sơ chế các nguyên liệu, tay cần sạch và khô. Các nguyên liệu trước khi đem ngâm cùng măng cũng cần khô ráo. Nếu tay và các nguyên liệu ướt sẽ khiến măng ngâm nhanh bị màng.
Bước 2: Ngâm măng trong nước muối
– Ngâm măng trong nước có pha chút muối loãng khoảng 2 giờ, thỉnh thoảng thay nước ngâm.
– Sau đó vớt ra để thật khô ráo. Việc để khô ráo măng rất quan trọng vì măng còn ướt, khi ngâm sẽ nhanh bị màng.
Bước 3: Làm nước ngâm măng
– Cho khoảng 2 lít nước đun sôi để nguội vào bình, thêm 2 – 3 thìa muối, nêm nếm sao cho mặn hơn nấu canh một chút. Sau đó thêm ½ thìa đường, hòa tan, tiếp đến cho tỏi, ớt ở trên vào, khuấy đều.
– Nếu muốn có thể cho thêm một chút giấm gạo cho thơm và làm măng nhanh chua hơn.
Bước 4: Hoàn thiện cách ngâm măng ớt
– Thả măng vào bình nước ngâm rồi đảo đều.
– Đậy nắp kín để khoảng 4-5 ngày là được tùy theo nhiệt độ môi trường bên ngoài. Khi măng đã chua bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần hoặc để ngoài đều được.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách ngâm măng ớt kiểu này!
– Khi ăn, dùng đũa sạch gắp, không nên dùng đũa bẩn hay ướt sẽ làm măng bị màng.
Lưu ý khi làm măng ớt
– Để bảo quản lọ măng ớt ngâm lâu, bạn có thể dùng muối tinh hoặc muối chuyên dùng cho việc ngâm dấm.
– Cần chọn loại giấm có chất lượng tốt, tuyệt đối không thay thế dấm bằng các thành phần có tính axit khác vì chúng có sự khác nhau về độ pH của nước ngâm dấm và có thể gây hại cho sức khỏe.
Măng ớt có thêm mắc mật rất thơm
– Ngoài ra, nếu có quả mắc mật bạn có thể cho thêm vào ngâm măng ớt ăn cũng rất ngon và hấp dẫn.
Tỏi ngâm dấm chuyển màu xanh có nên ăn?
Tỏi ngâm dấm ngả màu xanh vẫn dùng được chứ không nên đổ đi. Tuy nhiên, chất lượng hỗ trợ điều trị bệnh sẽ giảm so với loại tỏi già và ngâm đúng cách.
Bấm xem >>
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp – Ảnh: Chun Chun Mai (Khám phá)