Cảnh báo tội phạm
Ma túy – “Thử một lần – hối hận một đời”
Cập nhật ngày: 5-11-2020 | 07:57:09 GMT +7, lượt xem: 32
Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh (ấp Hương Phụ C, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành), nơi giáo dưỡng, phục hồi sức khỏe cho 106 người nghiện ma túy. Tại đây, có rất nhiều người nghiện lâu năm, tái nghiện nhiều lần nhưng vẫn rất “ngờ nghệch” về ma túy, đặc biệt là ma túy đá. Hiện nay, ma túy đá dần thay thế cho heroin, bởi nhiều người lầm tưởng chơi ma túy đá sẽ không nghiện, ít nguy hiểm. Thực tế cho thấy, ma túy đá rất nguy hiểm cho người dùng và những người xung quanh, bởi khi sử dụng quá liều sẽ gây loạn thần do chất amphetamin trong ma túy đá giết chết những nơ thần kinh, kích động người dùng, mất khả năng kiểm soát. Và khi đã nghiện thì khó khăn, vật vả với việc chống tái nghiện.
Huỳnh Hải Đăng (24 tuổi, ở xã Tân An, huyện Càng Long), một học viên đang cai nghiện ma túy tại Cơ sở được 9 tháng tâm sự rằng, do ham chơi, nghe lời rủ rê của một số bạn nhàn rỗi ở địa phương nên Đăng đã bỏ dở việc học và sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay. Ban đầu, Đăng cũng định “thử” một lần cho biết, vì quan niệm rằng “chơi ma túy đá” sẽ không nghiện và chủ quan tin rằng, mình có thể làm chủ bản thân, muốn chơi hay không là do mình quyết định. Chính sự chủ quan và thiếu hiểu biết nên em đã trượt dài trên con đường nghiện ngập. Nhiều lần em cũng muốn thoát ra khỏi “cái chết trắng” nên đã quyết tâm đi học nghề sửa xe, để có công việc ổn định, trước nhất là tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, không làm phiền lòng cha mẹ, kế đến là khi có việc làm ổn định, bản thân sẽ tự ép mình vào công việc, để thật bận rộn mà không có thời gian suy nghĩ đến ma túy. Tuy nhiên, có công việc ổn định, nhưng em cũng không vượt qua được sự cám dỗ, lôi kéo từ bạn bè, không đủ ý chí trước cám dỗ nên em vẫn nghiện và không bỏ được ma túy. Đăng biện minh rằng, cũng có quyết tâm từ bỏ, nhưng từ khi mẹ em mất sau cơn bạo bệnh nên em đã tiếp tục tìm đến ma túy cho vơi nỗi buồn. Huỳnh Hải Đăng cho biết, em sẽ quyết tâm cai nghiện về làm lại cuộc đời, với nghề sửa xe, khuyên mọi người đừng thử một lần, thử lần 1 sẽ có lần thứ 2, càng ngày càng nghiện.
Lớn lên trong một gia khó khăn, Nguyễn Thành Âu (30 tuổi, ngụ xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long) trưởng thành trong bao nhọc nhằn của cha mẹ. Tuy nhiên, đó không phải là lý do Âu vướng vào ma túy đá. Âu kể rằng, vào năm 2009, Âu đi làm tài xế xe nâng ở Thành phố Hồ Chí Minh, có khi hàng nhiều, em phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Một hôm, em được một người tài xế chủ động cho ma túy đá sử dụng. Người đó nói rằng, chơi ma túy đá không chỉ giúp con người minh mẫn mà còn có thêm sức khỏe để làm việc mà không thấy mệt mỏi. Tin lời, em đã “thử”. Vì nghĩ về ma túy đá muốn “chơi” thì “chơi”, không “chơi” chắc cũng không sao, nhưng không phải vậy, bản thân từ từ đã lệ thuộc vào ma túy. Đến khi về quê, có vợ, có con, nhưng em vẫn giấu gia đình tụ tập bạn bè để sử dụng. Đến khi em bị lực lượng chức năng phát hiện thì gia đình vỡ lẽ.
Nguyễn Văn Cường (30 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành), từng có công việc ổn định, làm thợ hàn cửa nhôm, sắt, nhưng đã “dính” vào ma túy đá. Và đây là lần thứ 2 Cường trở lại Cơ sở cai nghiện ma túy. Cường tâm sự, lần đầu tiên khi vướng vào ma túy, em cũng không biết ma túy là gì, tác hại ra sao. Do tuổi còn nhỏ, từ quê lên thành phố làm thuê, rồi có quen với một số bạn, một hôm có người bạn rủ đến nhà dự tiệc sinh nhật, sau khi đã uống rượu, người bạn đó mới đưa ma túy và hướng dẫn Cường sử dụng. Cường nghĩ bạn bè rủ chơi thì chơi cho vui. Sau lần đó, những lúc nhàn rỗi, Cường hay nhớ đến cảm giác khi sử dụng ma túy và tìm cách kiếm ma túy để sử dụng. Ban đầu, khi mới lên thành phố làm thuê, mỗi tháng Cường còn gửi ít tiền về cho gia đình, nhưng từ khi “dính” vào ma túy, tiền bao nhiêu cũng không còn, mà sức khỏe, năng suất, hiệu quả làm việc cũng không được như trước. Không trụ lại được thành phố, Cường về quê, hái dừa thuê kiếm sống, nhưng vẫn không từ bỏ được ma túy. Năm 2018, Cường được lực lượng chức năng đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy để cai nghiện. Cường cũng có quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đờ, nhưng rồi lại tiếp tục tái nghiện.
Mới 30 tuổi, nhưng nghiện ma túy đã gần 10 năm, vất vả lắm mới cắt được cơn nghiện nhưng rồi lại tiếp tục tái nghiện, nên Cường mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của câu nói “không thử ma túy, dù chỉ một lần”. Vì khi dùng thử một lần thì hệ thần kinh đã bị ảnh hưởng, không còn ổn định nữa, những lúc mệt mỏi và buồn thì vô thức sẽ dẫn dắt đến những cảm giác cũ, trừ khi có quyết tâm từ bỏ mới vượt qua được. Giờ Cường mong rằng mình có đủ lòng tin và nghị lực để vượt qua được những cơn “đói thuốc”, để người thân yên lòng.
Nói đến tệ nạn ma túy, nhiều người thường nhắc đến những người nghiện, những người vì ham vui mà mang lại gánh nặng không hề nhỏ cho gia đình và xã hội. Nhưng hơn hết, nỗi đau vẫn thuộc về người thân họ. Bà Trần Thị Mỹ Dung (mẹ Cường) vẫn hàng ngày mong nhớ con trai, nhưng vì không có tiền nên từ khi Cường được đưa vào Cơ sở cai nghiện, bà cũng chưa đến thăm lần nào. Gia đình không đất sản xuất, các con lớn đều có gia đình riêng, bà nay ốm, mai đau nên không làm được việc nặng, chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào 3 đứa em của Cường, nhưng cũng không được bao nhiêu.Và bà luôn hy vọng, mong chờ ngày Cường cai nghiện thành công trở về.
Bà Dung cho biết, với bà con lối xóm, bà cũng không tránh khỏi những cảm giác mặc cảm. Chỉ cần có một ai đó nhìn bà với ánh mắt bất thường là đêm đó về nhà bà lại xót xa, mất ngủ. Nhưng điều lo lắng nhất của bà bây giờ chính là sợ sau khi Cường cai nghiện trở về, sẽ không vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh của mọi người rồi tiếp tục tìm đến ma túy.
Với kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó tại Cơ sở cai nghiện, ông Võ Đấu Hoa, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh cho biết: đối với những em mà có trường hợp tái nghiện trở lại cơ sở lần thứ 2 trở lên thì các em có thể trạng nặng hơn, tức là sức khỏe kém hơn so với lần trước. Sau thời gian cắt cơn giải độc, các em được đưa về khu ở sinh hoạt, được ăn uống điều độ, sinh hoạt theo giờ, có thể dục thể thao, sức khỏe của các em phục hồi nhanh. Sau thời gian cắt cơn giải độc, điều trị cai nghiện tại cơ sở đến khi các em trở về hòa nhập với cộng đồng, đa số các em bình phục được sức khỏe, đảm bảo cho cuộc sống.
Nhiều người nghiện vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình, nhưng chủ yếu là do chính bản thân họ. Hy vọng rằng sau khi cai nghiện thành công, trở về hòa nhập cộng đồng, những người đã từng sa chân, lỡ bước cần lắm sự cảm thông, giúp đỡ để họ vươn tới một tương lai tươi sáng.
—–Xuân Thảo—–