Ngoài các nhóm chat, các buổi họp phụ huynh thì sổ liên lạc đóng vai trò như “bồ câu đưa thư” giữa phụ huynh và giáo viên để trao đổi, nhận xét kết quả học tập cũng như những ưu điểm cần phát huy, khuyết điểm cần cải thiện của học sinh.
Hình thức này có ý nghĩa rất thiết thực giúp gia đình và nhà trường hiểu các em hơn, đánh giá các em một cách công bằng và toàn diện. Đây còn là dịp để giáo viên lắng nghe phụ huynh để kịp thời tiếp thu và có hướng giúp các em ngày càng tiến bộ.
Thông thường, sau khi con mang sổ có nhận xét của giáo viên chủ nhiệm về, bố mẹ sẽ phê vào phần dành cho mình và gửi lại thầy, cô giáo. Phổ biến nhất là kiểu lời phê: Nhờ thầy/cô giúp đỡ cháu; Cháu còn thiếu sót mong thầy/cô dạy bảo…
Một trong những lời phê “kiểu mẫu” của phụ huynh.
Nhưng cũng có những bậc phụ huynh cực bá đạo, “bóc phốt” hết các tật xấu của con khiến mấy đứa nhỏ chỉ muốn “đào hố” chui xuống đất còn người xem thì cười lăn lộn. Thậm chí, có phụ huynh còn nhận xét trái ngược hoàn toàn so với giáo viên.
Cụ thể, một bạn mới đây “ngậm ngùi” chia sẻ về nhận xét của phụ huynh, đọc xong không biết nên cười hay mếu: “Ở nhà không chịu học bài tối”. Phần ý thức, phụ huynh của bạn này cũng thẳng thắn nhận xét: “Ở nhà vẫn còn chưa có ý thức tốt”. Phần đề nghị với giáo viên và nhà trường cũng “phũ” không kém: “Đề nghị giáo viên cùng với nhà trường, gia đình bảo ban cháu thêm”.
Bố mẹ phê thế này có phải “chết” con không?
Ngay dưới bài đăng của bạn gái này, rất nhiều bạn học sinh cũng đã “khoe” nhận xét của giáo viên trong sổ liên lạc. Trong đó, một bạn chia sẻ: “Cô giáo nhận xét: Em ở trên lớp rất nghiêm túc, hay giơ tay phát biểu, học bài làm bài đầy đủ, chăm ngoan nghe lời, có thành tích học tập tốt.
Nhưng ba mẹ mình thì ghi là: “Cháu ở nhà còn ham chơi chưa tự giác học bài, còn để gia đình nhắc nhở nhiều mong cô giáo phối hợp cùng gia đình để quản lý cháu nghiêm khắc hơn!”.
“Phũ” hơn cả chữ “phũ”.
Còn phụ huynh của một bạn khác thì ghi: “Cháu cũng ngoan nhưng ở nhà thỉnh thoảng còn bắt nạt em. Cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở cháu thêm hộ gia đình, ở nhà cháu học bài rất ít”.
Hầu hết các “khổ chủ” khi chia sẻ những lời phê bá đạo này đều than vãn rằng, các bạn lâm vào cảnh nộp không được mà giữ cũng không xong. Tất nhiên cuối cùng cũng đành ngậm ngùi trả lại sổ cho giáo viên chủ nhiệm, nhưng “lúc ấy chỉ ước lớp học bỗng dưng có cái hố rồi chui xuống chắc đỡ mắc cỡ. Không biết con đẻ hay con nhặt thùng rác nữa“, một bạn hài hước nói.