Kể lại giấc mơ em gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày năm 2021
Bài văn Kể lại giấc mơ em gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày gồm dàn ý chi tiết, 4 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9.
Đề bài: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.
Bài văn mẫu 1
Có những giấc mơ thật đẹp mà bạn chẳng bao giờ muốn thoát khỏi chúng. Và tôi cũng có một giấc mơ như vậy, giấc mơ được gặp lại bà làm tôi chẳng thể nào quên và nỗi nhớ bà càng trở nên da diết, khắc khoải hơn.
Còn nhớ hôm ấy là buổi trưa hè oi nóng, tôi không ngủ được nên đành lấy truyện ra đọc. Đọc xong cuốn Cô bé bán diêm, lòng tôi bất giác chùng xuống, có một nỗi buồn đang âm thầm xâm chiếm lấy tôi. Ngay lúc này tôi nhớ đến bà của tôi biết bao. Bà tôi đã mất cách đây ba năm, bà là người yêu thương, quan tâm và chăm sóc tôi nhiều nhất. Mất bà để lại trong lòng tôi một khoảng trống lớn không thể lấp đầy. Tôi ước gì có thể gặp được bà dù chỉ một lần. Sống mũi tôi cay cay, nước mắt đầy ứ lên chỉ chờ tôi chớp mắt là trào ra. Tôi nức nở khóc vì nhớ bà và bỗng nhiên trong dòng nước mắt nhòe đi tôi thấy một dáng hình quen thuộc, một giọng nói thân thương:
– Nấm của bà sao mà khóc thế con? Con nín đi nào, kể xem ai đã bắt nạt Nấm.
Giọng bà, đúng là giọng của bà tôi rồi, tôi vừa hạnh phúc vừa lo sợ, đây là mơ hay là thực. Tôi lấy tay quẹt ngang mặt, lau những giọt nước mắt đang nhòe đẫm trên mi, tôi không thể tin vào mắt mình, đúng là bà của tôi đây rồi. Tôi chạy đến ôm chầm lấy bà và càng nức nở, khóc to hơn, tôi trách bà:
– Sao bà đi lâu thế? Mãi không về. Bà có biết con nhớ bà biết nhường nào không?
Bà nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, vẫn bàn tay khẳng khiu ấy bà vuốt nhẹ vào mái tóc tôi và dỗ dành: “Cháu cứ chăm chỉ học hành, nghe lời cha mẹ thì bà sẽ luôn luôn ở bên cháu”. Mùi trầu quen thuộc từ miệng bà phả ra thơm tho lạ thường. Hồi còn bé, tôi rất thích nhất là chuẩn bị trầu, cau cho bà, đứng cạnh bà hương trầu phả ra ngai ngái, thơm tho lạ thường. Và sau mỗi lần chuẩn bị cho bà như vậy, bà sẽ kể cho tôi nghe một câu chuyện cổ tích thật hay. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương cùng những câu chuyện cổ tích bà kể. Đã bao lâu rồi tôi không còn được cảm nhận những mùi hương thân thương, những câu chuyện cổ tích bà kể nữa. Tôi và bà ngồi xuống ghế, tôi bỗng chẳng biết nói gì, hỏi gì, chỉ muốn âu yếm nhìn bà mãi không thôi, để thỏa nỗi nhớ mong bà bấy lâu nay.
Tóc bà đã bạc đi nhiều, trên khuôn mặt nếp nhăn và những vết đồi mồi đã hằn rõ hơn, khuôn miệng món mém, bà đã thay đổi nhiều quá. Nhưng chỉ có duy nhất một thứ không thay đổi chính là đôi mắt hiền từ, nhân hậu và giọng nói ấm áp của bà. Bà mặc bộ quần áo bà ba màu tím, đã cũ đi nhiều, đây là bộ quần áo bà yêu thích nhất, bà vẫn thường để dành mặc nó vào những dịp đặc biệt nhất. Bà luôn trân trọng bộ quần áo đó và giữ gìn cẩn thận bởi đó là món quà ông đã tặng bà trước khi ông mất. Bà vẫn giản dị và hiền hậu như xưa.
Bà hỏi han tôi về tình hình học tập, về mọi vấn đề xung quanh cuộc sống của tôi. Bà vẫn vậy, vẫn luôn quan tâm và lắng nghe từng suy nghĩ, từng câu chuyện của tôi, để đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất. Tôi kể cho bà nghe mọi chuyện, như trút nỗi lòng, bởi biết bao lâu nay không còn ai đủ kiên nhẫn để nghe tôi kể nhiều đến vậy, nào là chuyện học hành vất vả, tôi bị điểm kém, bố mẹ ít quan tâm,… Tôi kể hết cho bà nghe và bao nhiêu muộn phiền dường như tan biến. Bà chăm chú nghe và dặn tôi cố gắng học tập để cải thiện kết quả và thông cảm cho bố mẹ, vì công việc bận bịu mà đã có đôi lúc xao lãng không quan tâm được tôi. Tôi ôm chặt lấy bà, thầm cảm ơn bà đã luôn luôn hiểu tôi và bên tôi những lúc tôi cảm thấy chông chênh, trống trải nhất.
Bỗng tôi nghe tiếng gọi bên tai: “Nấm, dậy đi con, sao lại ngủ giữa ghế thế này”. Tôi vẫn ôm chặt lấy bà và nghĩ bà đang đùa mình. Nhưng tôi hốt hoảng nhận ra, giọng nói ấy cũng trầm ấm nhưng không phải giọng bà nó trong trẻo hơn, tôi mở choàng hai mắt và thấy mẹ đang ở cạnh tôi. Trời ơi! Hóa ra đó chỉ là giấc mơ, giấc mơ được gặp lại bà. Vậy mà sao nó lại chân thực đến thế. Giá mẹ về muộn một chút tôi đã có thể được ở bên bà lâu hơn. Tôi bật dậy, bần thần cả người và ôm lấy mẹ: “Mẹ ơi, con vừa được gặp bà, con nhớ bà quá”. Mẹ ôm tôi vào lòng, đôi bàn tay mềm mại xoa vào lưng dỗ dành tôi,…
Giấc mơ gặp bà thật ngắn ngủi, tôi ước gì ngày nào bà cũng trở về bên tôi để động viên, an ủi tôi. Nghe lời bà dặn, tôi tự hứa sẽ học tập thật chăm chỉ để cải thiện điểm số, sẽ giúp đỡ bố mẹ và thông cảm cho bố mẹ nhiều hơn trong những lúc bố mẹ bận rộn. Chỉ cần tôi học tốt và ngoan ngoãn nhất định bà sẽ lại về với tôi – như lời bà đã hứa.
Bài văn mẫu 2
Những ngày đầu mùa đông, trời trở lạnh, em đi ngủ sớm hơn mọi khi. Em nằm bên cạnh bà và được nghe những câu hát mượt mà của ngày xưa bà thường hay hát. Chắng mấy chốc, giọng hát ngọt ngào ấy đã đưa em chìm sâu vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, em thấy ông nội trở về trò chuyện cùng với em.
Ông nội em năm nay cũng khoảng 70 tuổi nhưng ông đã không còn từ khi em mới bỡ ngỡ bước vào lớp một. Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoắt cũng đã gần chục năm rồi em không đuợc sống bên cạnh ông, không đuợc nghe giọng nói ồm ồm chứa đựng bao tình thương của ông.
Em vẫn nhớ như in giấc mơ hôm đó, em thấy ông nội với hình dáng gầy gầy thân quen đi về phía em đang học bài. Em vui sướng chạy ra ôm chầm lấy ông. Đôi bàn tây ấm áp của ông nhẹ nhàng xoa lên đầu em rồi ông dắt em từ bàn học ra chiếc ghế nhỏ ngày xưa hai ông cháu dạy nhau tập đọc đặt ở phòng ngoài. Đã lâu lắm rồi mà nhìn ông vẫn không thay đổi là bao so với trước. Khuôn mặt vấn rạng ngời phúc hậu đã xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn. Đôi mắt sâu hơi mờ đi nhưng đôi tai ông vẫn còn tinh lắm. Dường nhu chỉ có mái tóc bạc thêm là thấy rõ vì dấu ấn thời gian.
Ông hỏi han về tình hình học tập của em có tốt không? Em tự hào kể cho ông nghe về những thành tích mà mình đã đạt được. Nói đến đâu ông cũng gật đầu tỏ vẻ hài lòng và khen em đã có tiến bộ hơn ngày trước rất nhiều. Em cảm thấy ông rất vui và hãnh diện vì mình. Song ông vẫn nhắc nhở em phải biết lấy đó làm động lực để mình cố gắng. Ông mong em luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân, không lúc nào được nguôi nhớ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bố mẹ, thầy cô. Em ngồi im lặng và thấm thía những lời dạy đầy ý nghĩa của ông vào tâm trí. Rồi em hỏi thăm sức khoẻ của ông. Ông nói rằng ông rất khoẻ và luôn nhớ về mọi người. Ông hy vọng rằng em sẽ thay ông chăm sóc bà thật tốt. Em cảm động lắm, không biết nói gì em chỉ biết nhìn ông và gật đầu thay cho câu trả lời của mình. Ngồi nói chuyện được khá lâu, ông kể tiếp cho em nghe nhiều câu chuyện hay mà ngày trước ông vấn thường hay kể. hai ông cháu nói chuyện vui vẻ, giọng nói và tiếng cười ấm áp của ông vang khắp căn nhà bé nhỏ.
Trời về khuya hơn, màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Em hỏi ông hay nói đúng hơn nó là lời trách móc ngây thơ rằng: “Sao ông không thường xuyên về thăm gia đình hay là ông đã quên mọi người? Lần này về ông phải ở đây thật lâu để chơi với chúng cháu”. Ông khẽ nói với em rằng: “Hãy nhớ ông luôn ở bên cạnh mọi người”. Nói xong, ông lẳng lặng bước ra cửa, vì sợ phải xa ông em vội chạy theo nhưng hình ảnh ông cứ xa dần, chỉ thỉnh thoảng ông ngoảnh lại vẫy tay tạm biệt. Em khóc gọi theo ông. Thấy mình khóc, em tỉnh dậy thì ra những gì mình vừa thấy chỉ là mơ. Đó là một giấc mơ mà em không bao giờ quên được.
Em sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng giấc mơ quý giá này. Em tin rằng dù không có thật nhưng mỗi lời nói, cử chỉ ông dành cho em đều là động lực để em vươn lên trong cuộc sống.
Bài văn mẫu 3
“Nhớ hoài ! nhớ mãi Nội ơi !
Nhớ cây gậy gỗ,nhớ đời còn đây
Tóc sương muối bạc giờ này
Đầu con Nội gõ, còn đây nhớ hoài” ….!
Bài ca dao trên như nói hộ tâm tình của tôi. Đã lâu rồi, kể từ ngày bà mất tôi không được gặp bà và cũng không mơ thấy bà nữa. Gần đây, vào ngày giỗ và tôi có ước nguyện mong được gặp lại bà dù chỉ một lần. Ước nguyện đó của tôi đã thành sự thật.
Bà tôi rời bỏ con cháu cách đây năm năm. Căn bệnh ung thư quái ác làm bà rất đau, dần dần việc gọi tên tôi cũng trở nên khó khăn rồi bà vĩnh viễn trở về với cát bụi. Đêm hôm ấy, tôi đã khóc rất nhiều vì nhớ bà, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Khi tôi thức dậy tôi thấy mình nằm trong căn nhà của bà. Nhà bà rất đẹp, giàn thiên lý quấn quýt leo tạo thành mái hiên che bóng mát. Ngay trước nhà là khu vườn nhỏ có trồng cây bưởi, xoài và vài cây hoa nhưng tôi thích nhất cây hoa nhài nở những bông hoa trắng muốt, thơm dịu dàng. Gió từ sau nhà đưa hương ổi chín ngoài vườn sau vào khiến tôi thèm thuồng. Đài nhỏ đang bật bài kinh bà vẫn thường nghe. Lẽ nào… Tôi nhìn thấy bóng người quen thuộc. Tôi mở choàng mắt. LÀ bà nội, bà đang hái hoa thiên lý, hẳn bà muốn nấu canh thiên lý cho tôi ăn đây. Tôi lao ra ôm chầm lấy bà.
– Ôi, giật cả mình, bố nhà cô.
– Bà ơi, bà về thăm con ạ? Vui quá bà ơi!
– Ô, nói gì bà không hiểu? Bà đi đâu mà về? Mà hôm nay có phải đi học không? Sắp đến giờ rồi đấy.
– Ơ… Con không bà ạ. Thôi thế nào cũng được. Miễn bà đã về rồi…
Bà cười hiền từ xoa đầu tôi bà bảo:
– Bà chưa hề đi đâu kể từ ngày ấy con ạ. Bà vẫn ở đâu chăm vườn, chăm rau và ngắm nhìn các con khôn lớn. Dạo này nhớ con quá, bà nghe thấy con gọi bà suốt. Đây chỉ là giấc mơ thôi con ạ. Bà cũng biết con đã rất cố gắng học taajp. Năm vừa qua con còn được giải học sinh giỏi tỉnh. Con được đi thăm quan con cũng mua bánh kẹo về thắp hương cho bà. Con còn mua loại bánh bà thích nữa.
– Bà ơi, bà có buồn không? Vì giờ bà không ở cùng với con nữa? Tôi nói
– Buồn thì cũng buồn nhưng chỉ một chút thôi vì đó là quy luật sinh tử, quy luật của đời người rồi. Bà vui nhiều hơn vì bà biết các con ngày càng trưởng thành, luôn chăm ngoan và nhớ về bà. Nghe bà dặn này: Hãy sống thật tốt, biết yêu thuwong, biết quan tâm mọi người, “giấy rách phải giữ lấy nề” con nhé…
– Bà ơi! Bà kể chuyện cho cháu nghe như ngày xưa đi bà. Tôi nũng nịu nằm vào lòng bà. Bà vẫn như xưa, ngồi trên hè, vừa vuốt tóc tôi vừa kể: “ngày xửa ngày xưa…”
Tôi choàng tỉnh dậy vì tiếng chuông báo thức. Nước mắt tôi chảy dài. Bà ơi, bà vẫn luôn dõi theo con, luôn quan tâm đến con như ngày nào. Con ước con có thể nằm ngủ và mơ để được gặp bà, nghe bà nói, nghe bà kể chuyện như trong giấc mơ đẹp đẽ mà an bình ấy… Con nhớ bà.
Bài văn mẫu 4
Tình cảm gia đình là một thứ tình cảm gần gũi, bình dị mà bền vững sâu xa. Ẩn trong tâm thức, trái tim của mỗi người đều chất chứa sự yêu thương, lòng cảm thông, xót thương đối với những người thân yêu ruột thịt. Và trong gia đình tôi, bên cạnh cha mẹ, anh chị em trong gia đình thì người mà tôi luôn kính trọng và luôn tìm thấy được sự bình yên mỗi khi ở bên, đó là ông nội tôi. Mặc dù ông đã xa cách nhân gian, từ biệt mọi người về với thế giới người hiền, nơi yên nghỉ ngàn thu vĩnh hằng bất diệt nhưng không lúc nào trong tôi không nguôi ngoai đi nỗi nhớ thương, tiếc nuối về người ông quá cố. Có lẽ vì thế mà thỉnh thoảng những giấc mơ về ông cứ hiện về trong tiềm thức và vô thức, chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Tất cả đều sống động như một bức tranh hiện thực hằng ngày diễn ra vậy.
Cũng như bao ngày bình thường khác, mỗi khi trong tâm tôi nhớ về ông là trong đêm đó ông lại hiện về trong giấc mơ đó. Và giấc mơ gần nhất về người ông yêu quí của tôi đó là cách đây khoảng một tháng trước. Cứ thành lệ, hàng đêm tôi thường đọc truyện trước khi đi ngủ, hôm đó không hiểu sao mới dở quyển sách lật đi lật lại được vài trang thì tôi ngủ ngục xuống bàn tự bao giờ không hay biết. Bỗng giấc mơ đưa tôi đến ngôi đền Kim Liên Hà Nội. Đây là một ngôi đền linh thiêng bậc nhất trong “Tứ trấn Thăng Long”. Do sinh ra trong một gia đình rất sùng bái về Phật giáo và tín ngường thờ Mẫu nên trong tôi luôn có một nguồn giác quan thứ sáu rất mạnh, mọi thứ về thế giới bên kia tôi luôn được trải nghiệm và tôi cũng thường được “ngao du” khắp nơi về đình chùa miếu mạo trong dân gian Việt Nam. Chuyện chẳng đáng nói nếu như trong giấc mơ ấy tôi không gặp người ông quá cố của tôi. Đang tiến vào trong hậu cung để chiêm bái Phật Thánh, bỗng tôi gặp lại ông nội. Vẫn khuôn mặt có hai má núm đồng tiền hai bên má, ông nở nụ cười nhìn tôi âu yếm từ xa. Tôi như chết sững, bật khóc, nước mắt ngắn dài nức nở như một đứa con nít, chạy tới ôm chầm lấy ông. Ông mặc bộ quần áo màu đỏ, râu tóc bạc phơ hiền từ xoa đầu tôi. Lúc sau, có người hành hương vào gọi ông tôi là cụ Từ, rồi biếu lộc thì tôi mới biết, hóa ra ông là người coi sóc cửa đình, kính thờ Phật Thánh nơi ngôi đền thiêng này. Ngày xưa, hồi còn tại thế, vì thấy ông đức độ hơn người mà ông tôi được người dân trong làng tin tưởng, nhờ vả trông coi đình làng. Khi mất đi, hóa ra ông lại được cắt cử tiếp tục sớm chiêu chiều mộ bên nhà Ngài.
Ông bảo tôi: “Cứ vào chiêm bái các ngài đi, rồi ra đây ông cháu ta nói chuyện”. Lòng vui mừng khôn siết được gặp lại ông sau bao ngày xa cách, tôi thấp thỏm đi vào lễ, một mặt lại liếc lại phía sau, sợ ông không đợi cháu mà đi mất. Vì thế, tôi lễ bái vội vàng rồi chạy lại nơi ông đang ở. Vẫn cách sống giản dị, đơn sơ như khi còn sống, bước vào gian phòng ở của ông, khiến lòng tôi bình yên đến lạ. Mọi vật dụng trong phòng đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đang mải mê ngắm ngía xung quanh thì ông mở cửa đi vào. Tôi hỏi thăm sức khỏe của ông và còn trách ông sao đi lâu thế không chịu về thăm cháu?. Ông chỉ cười và nói: “ông vẫn luôn bên cháu và thoi dõi mọi người trong gia đình mình”. Có lẽ thế mà ông còn biết cả tôi đang loay hoay đi tìm thầy để tầm sư học đạo. Ông nói: “cháu đang tìm thầy à?. Tìm đến cô đồng Anh bên Đông Anh ý, tới đó cô ấy sẽ giúp cháu!”. Tôi nhớ như in lời ông dặn, vui mừng quá tôi cũng khoe ông cả chuyện học hành, thi cử của mình nữa. Ông đều tấm tắc ngợi khen và còn xoa đầu tôi nói: “ông yêu cháu rất nhiều. Hãy cố gắng thật nhiều, hãy nghe lời bố mẹ, ông luôn theo cháu và thương cháu nhiều lắm đấy, cháu đích tôn của ông à”.
Nói đoạn, tôi bỗng tỉnh dậy, hóa ra đó là mộng giấc mơ. Nhưng đó là giấc mơ có thật. Và tôi vẫn luôn cảm thấy ông luôn bên cạnh mình. Vì thế, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng thật nhiều để không phụ lòng mong mỏi và tình yêu thương bao la mà ông kì vọng ở tôi. Nếu như có một phép nhiệm màu nào đó, tôi sẽ ước có ông bên cạnh mỗi ngày và niềm hi vọng đó sẽ mãi theo tôi đến suốt cuộc đời. Nó trở thành động lực để tôi vươn lên, chiến thắng bản thân và đem lại thành công trong cuộc sống. Đáp đền xứng đáng công ơn nuôi dạy, bảo ban của những người thân yêu trong gia đình của tôi.
CHIA SẺ