1. Đặc điểm của cây ích mẫu
Ích mẫu còn gọi là ích mẫu thảo, sung úy, chói đèn.
Tên khoa học Leonurus heterophyllus Sw. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Cây ích mẫu cung cấp cho ta hai vị thuốc:
- Ích mẫu hay ích mẫu thảo (Herba Leonuri) là toàn bộ phận trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây ích mẫu.
- Sung úy tử (Fructus Leonuri) là quả chín phơi hay sấy khô của cây ích mẫu. Nhiều người vẫn gọi nhầm là hạt ích mẫu.
Ích mẫu là một loại cỏ sống 1 – 2 năm, cao 0,6m đến 1m. Thân hình vuông, ít phân nhánh, toàn thân có phủ lông nhỏ ngắn.
Lá mọc đối, tùy theo lá mọc ở gốc, giữa thân hay đầu cành mà có hình dạng khác nhau. Lá ở gốc, có cuống dài, phiến lá hình tim, mép có răng cưa thô và sâu; lá ở thân có cuống ngắn hơn, phiến lá thường xẻ sâu thành 3 thùy, trên mỗi thùy lại có răng cưa thưa; lá trên cùng phần lớn không chia thùy và hầu như không cuống.
Hoa mọc vòng ở kẽ lá. Tràng hoa màu hồng hay tím hồng, xẻ thành hai môi gần đều nhau.
Quả nhỏ, 3 cạnh, vỏ màu xám nâu.
Ngoài cây ích mẫu mô tả ở trên, cần chú ý phát hiện và phân biệt cây ích mẫu Leonurus sibiricus L. (tạm gọi là cây ích mẫu hoa to) vì cây này khác cây ích mẫu nói trên ở hoa to hơn, dài hơn, lá phía trên vẫn chia 3 thùy.
Cây ích mẫu.
Ích mẫu chủ yếu mọc hoang, thường thấy ở ven suối, ven sông nơi đất cát, còn mọc hoang ở ruộng hoang, ven đường. Một số nơi đã trồng để làm thuốc.
Tỉ lệ alkaloid cao nhất trong cây ích mẫu vào tháng 5, sau đó giảm xuống. Ngoài ra, trong cây ích mẫu còn có tannin, chất đắng, saponin và 0,03% tinh dầu.
Hoạt chất của ích mẫu như thế cũng chưa được xác định chắc chắn, nhưng trên cơ sở dược lý người ta thấy trong ích mẫu có hai loại hoạt chất: Một hoạt chất tan trong ête có tác dụng ức chế tử cung, một loại hoạt chất không tan trong ête có tác dụng kích thích tử cung.
Trong ích mẫu có 3 flavonozid, một trong số flavonozid được xác định là rutin, một glucozid có cấu tạo steroid, một ít tannin, trong toàn cây có leocacdin cùng cấu trúc với stachydrin, một ít tinh dầu. Alcaloid không có tác dụng chữa bệnh.
2. Tác dụng dược lý của ích mẫu
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ích mẫu có các tác dụng dược lý sau:
2.1. Tác dụng trên tử cung: Nước sắc ích mẫu Leonurus sibiricus 1/5.000 hay 1/1.000 có tác dụng kích thích đối với tử cung cô lập của thỏ cái (dù có thai hay không có thai cũng vậy).
Thỏ cái gây mê bằng urêtan rồi cho uống nước sắc ích mẫu cũng thấy có tác dụng kích thích trên tử cung tại chỗ của thỏ.
Dung dịch nước 10% ích mẫu khô tác dụng trên tử cung mạnh hơn dung dịch rượu 20%.
2.2. Tác dụng trên huyết áp: Nước sắc ích mẫu tuy không tác dụng trực tiếp trên huyết áp nhưng làm giảm tác dụng của adrenalin trên mạch máu.
Cao ích mẫu làm giảm huyết áp, nhất là đối với thời kỳ đầu của bệnh tăng huyết áp.
2.3. Tác dụng trên tim mạch: Loài ích mẫu Leonurus quiquelobatus và Leonurus cordia có tác dụng tốt trên tim mạch và đối với cơ tim có bệnh.
2.4. Tác dụng kháng sinh đối với một số vi trùng ngoài da: Theo Trung Hoa bì phụ khoa tạp chí một số tác giả nghiên cứu thấy nước chiết ích mẫu 1:4 có tác dụng ức chế đối với một số vi trùng gây bệnh ngoài da.
2.5. Tác dụng trên viêm thận và phù cấp tính: Trên lâm sàng, ích mẫu chữa khỏi một số trường hợp viêm thận và phù (Trung y tạp chí và Trung y dược).
Ích mẫu thảo phơi khô.
3. Công dụng và liều dùng
Từ lâu vị ích mẫu được nhân dân ta dùng chữa bệnh phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ sau khi sinh nở, do đó có câu ca dao: Nhân trần, ích mẫu đi đâu/ Để cho gái đẻ đớn đau thế này?
Thường ích mẫu dùng trong trường hợp đẻ xong bị rong huyết (cầm máu tử cung), chữa viêm niêm mạc tử cung, kinh nguyệt quá nhiều.
Ngoài ra, ích mẫu còn dùng chữa tăng huyết áp, thuốc bổ huyết, các bệnh về tuần hoàn cơ tim, thần kinh của tim, chứng tim hẹp nhẹ (stenocardie), chữa lỵ.
Quả ích mẫu dùng với tên sung úy tử làm thuốc thông tiểu, chữa phù thũng, thiên đầu thống (glôcôm).
Dùng ngoài: Thân và quả ích mẫu giã đắp hay sắc lấy nước rửa chữa một số bệnh như sưng vú, chốc đầu, lở ngứa.
Theo sách cổ, ích mẫu có tính chất: Vị cay, đắng, tính hơi hàn, có khả năng trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoạt huyết điều kinh.
Lưu ý: Những người có đồng tử mở rộng không dùng được.
Liều dùng hàng ngày từ 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc hay nấu thành cao. Quả ích mẫu dùng với liều 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc có ích mẫu
– Cao ích mẫu: Cây ích mẫu nấu với nước, cô đặc thành cao mềm. Trong nhân dân trước đây thường dùng loại cao này.
Cao ích mẫu bán trên thị trường thường không phải chỉ có vị ích mẫu mà thường phối hợp nhiều vị khác nhau, ví dụ gồm ích mẫu nước 800g, ngải diệp 200g, hương phụ tứ chế 250g. Hay ích mẫu 70%, xuyên khung 2%, đương quy 10%, bạch thược 3%, thục địa 1%, bắc mộc hương 1%, đại táo 2%, trần bì 1%, hương phụ chế 5%, ô dược 2%.
Cao ích mẫu được thống nhất theo đơn: Ích mẫu 800g, ngải cứu 200g, hương phụ 250g, tá dược (siro, cồn 15 độ) vừa đủ 1000g.
– Cao hương ngải: Hương phụ, ngải cứu, ích mẫu, lá bạch đồng nữ mỗi thứ 1g, thêm nước vào sắc kỹ, cô đến còn 10ml, thêm đường vào cho đủ ngọt. Đóng vào ống 10ml, hàn và hấp tiệt trùng (đun sôi và giữ sôi trong 1 giờ). Thuốc có thể bảo quản trong nhiều năm không hỏng.
Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, khó sinh nở, khí hư bạch đới. Ngày uống từ 3 đến 6 ống. Muốn cho kinh nguyệt đều uống đón kinh, 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh. Uống luôn như vậy trong 2 hay 3 tháng. Có thể dùng lâu hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?