Hướng dẫn chi tiết cách trồng và chăm sóc măng tây hiệu quả | Lisado

Cách trồng măng tây như thế nào? Kỹ thuật trồng cây măng tây ra sao? Cần lưu ý gì trong quy trình chăm sóc măng tây? là băn khoăn của rất nhiều người trước khi trồng loại cây này. Và nếu bạn cũng đang tìm kiếm câu trả lời cho những phân vân ấy thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Lisado.

1. Những điều cần biết khi trồng măng tây

Cây măng tây là loại rau dinh dưỡng rất được thị trường ưa chuộng gần đây. Măng tây có nguồn gốc từ các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ireland, Anh, Đức. Và hiện nay được nhập về trồng khá nhiều ở Việt Nam, nhất là các vùng Đông Anh (Hà Nội), Đức Trọng (Lâm Đồng).

Cách trồng và chăm sóc măng tây hiệu quả

Măng tây có khả năng chịu hạn khá tốt nên phù hợp sinh trưởng và phát triển trong môi trường khí hậu nhiệt đới của nước ta. Măng tây sinh trưởng tốt nhất ở vùng nhiệt độ từ 15 – 30 độ C.

Nhưng hiện nay với những tiến bộ trong việc chọn giống và cải tiến kỹ thuật, có những giống măng tây được trồng trong vùng có nhiệt độ trung bình năm cao vẫn phát triển rất tốt.

Khi chọn đất trồng măng, tốt nhất bạn nên chọn loại đất phù sa, đất đỏ, thịt nhẹ có cát pha, đất nhiều mùn giàu chất hữu cơ. Đặc biệt cần xử lý kỹ đất trước khi trồng bằng cách cày bừa kỹ, phơi ải, nhặt cỏ, xử lý nấm bệnh và phải san bằng đất.

Nếu bạn đang cần mua cây giống măng tây, mời tham khảo TẠI ĐÂY.

2. Hướng dẫn cách trồng măng tây

Cách trồng cây măng tây không quá phức tạp. Bạn có thể trồng bằng hạt hoặc bằng cây.

2.1 Cách trồng măng tây bằng hạt

Ngâm hạt

Hạt giống măng tây có vỏ khá dày nên trước khi ngâm ủ, bạn nên phơi hạt ra nắng khoảng 2 – 3 giờ cho hạt khô để tăng cường khả năng hút nước.

Ngâm hạt giống măng tây trong nước ấm nhiệt độ khoảng 40 – 45 độ C trong 15 – 20 giờ và cứ 4 tiếng thay nước một lần. Sau đó vớt hạt ra rửa sạch bụi bẩn, loại bỏ hạt lép.

Cách ủ hạt măng tây

Ủ hạt cũng là một bước rất quan trọng trong kỹ thuật trồng măng tây. Nếu ủ hạt tại nhà với số lượng ít thì bạn có thể ủ hạt trong tấm vải tối màu, nhiệt độ 30 – 40 độ C trong khoảng 1 tuần.

Bạn đặt khăn vào khay hay chậu nhựa, tránh gió và ánh sáng trực tiếp. Cứ 12 giờ sẽ phun nước ấm 1 lần. Sau 9-12 ngày ủ, hạt giống sẽ nứt nanh và có thể chuẩn bị ươm bầu đất.

Nếu ủ hạt số lượng lớn thì bạn có thể ủ trên mặt nền rộng hơn, nên chọn nơi kín gió, khuất sáng. Rải lên mặt nền hay mặt đất một lớp tro hoặc mùn dày 1 – 1.5 cm. Trải lót một tấm lưới lên trên, sau đó lại tiếp tục rải lên đó một lớp tro mỏng.

Rắc hạt giống lên lớp tro này và bên trên phủ một lớp tro trấu dày tầm 1 cm. Trên cùng, bạn phủ thêm một tấm lưới và tưới đều đặn 2 lần/ngày vào sáng và tối.

Làm đất

Như đã nói ở trên, bạn cần cần xử lý kỹ đất trước khi gieo trồng. Trước ngày ươm hạt 10 ngày cần tiến hành bón vôi để diệt sâu bệnh trong đất. Cày xới kỹ và phơi nắng để diệt mầm bệnh trong đất đồng thời bổ sung phân xanh, mùn mục, phân ure… cho các bầu đất.

Cách trồng và chăm sóc măng tây

Ươm hạt

Đây là công đoạn quan trọng nhất khi trồng cây măng tây. Thời gian ươm hạt giống có thể mất từ 2 – 3 tháng. Khi ươm nên ươm trong bầu đất để tránh bị sâu bệnh, côn trùng phá hại. Quy trình ươm hạt giống, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Cho đất vào bầu ươm, tưới 1 ít nước làm ẩm đất
  • Dùng ngón tay ấn xuống bầu để tạo một lỗ sâu khoảng 1 – 2 cm
  • Đặt hạt giống măng tây đã nứt nanh vào lỗ rồi lấp nhẹ bằng một lớp tro trấu mục hoặc đất tơi
  • Tưới phun nhẹ trên toàn bộ bầu ươm
  • Đục lỗ ở đáy bầu giúp thoát nước, đặt bầu ươm ở nơi có ánh sáng để kích thích hạt nảy mầm

2.2  Cách trồng măng tây bằng cây

Làm đất trồng măng tây

Trước khi tiến hành trồng măng tây khoảng 2 tháng, bạn cần làm và xử lý đất thật kỹ. Làm đất theo quy trình cách 15 ngày/lần.

  • Lần 1: Cày đất sâu khoảng 40 – 50 cm, làm sạch cỏ, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh cỏ mọc và tiếp tục cày xới đất.
  • Lần 2: Sau lần 1 là 15 ngày. Rải vôi khắp mặt ruộng và cày xới trộn đều vôi vào đất. Phơi nắng để tiêu diệt mầm bệnh trong đất.
  • Lần 3: Bón lót lần 1 các loại phân chuồng, rơm rạ, tro trấu hay mùn mục, phân hữu cơ tổng hợp… tăng cường dưỡng chất cho đất.
  • Lần 4: Trước ngày trồng cây 15 ngày, tiếp tục cày xới cho đất tơi xốp, dọn cỏ, làm rãnh và lên luống cho đất trồng.
  • Lần 5: Bón lót lần 2 và tiến hành xới đất cho đều, lên luống đất trồng.

Chú ý khi làm đất, cần làm rãnh thoát nước với độ rộng và sâu khoảng 20 – 30 cm; luống lên cao 20 – 30 cm, rộng 1m tránh tình trạng ngập úng gây hỏng cây.

Hướng dẫn trồng măng tây bằng cây

  • Đào hố trồng cây với chiều rộng và sâu khoảng 20 – 30 cm. Khoảng cách giữa các hố khoảng 40 – 50 cm và hàng cách hàng 1 – 1.5 m.
  • Đặt bầu cây xuống hố đất, lấp kín, đôn chặt gốc.
  • Phủ quanh gốc lớp đất, tro trấu mùn hoặc phân chuồng để bảo vệ và giữ cây măng đứng thẳng. Lưu ý, bạn nên trồng cây vào buổi chiều mát, tránh ánh nắng gay gắt.

3. Kỹ thuật chăm sóc măng tây

Tưới nước

Khi chăm sóc cây măng tây, bạn nên tưới nước cho cây từ 2-3 lần vào mùa hè nắng. Nhưng tránh tưới sau 5 giờ chiều để không làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú. Phủ rơm rạ hoặc xơ dừa để giữ ẩm.

Vào mùa mưa, làm rãnh thoát nước để măng không bị ngập úng.

Cách trồng và chăm sóc măng tây

Bón phân

Sau khi trồng măng tây được 15 – 20 ngày, bắt đầu bón thúc lần một bằng phức hợp NPK 15 – 15 – 15 pha với nước tưới vào gốc cây. Sau đó vun đất ở gốc.

Định kỳ cứ cách 10 – 15 ngày tiếp tục bón thúc phân NPK 16 – 16 – 8 kết hợp với các loại phân bón vi sinh cho đến trước khi thu hoạch tầm nửa tháng.

Nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp nhất để măng tây sinh trưởng và phát triển tốt là khoảng 25 – 30 độ C. Đồng thời, cần cho cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì đây là loại cây ưa sáng.

Xử lý sâu bệnh

Nếu được trồng trong điều kiện hợp lý về khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, chăm bón đúng kỹ thuật thì măng tây sẽ ít khi bị sâu bệnh.

Ngược lại, nếu cây bị sâu bệnh thì tùy theo mỗi loại sâu hay côn trùng gây hại sẽ có các phương pháp xử lý khác nhau như làm đất thông thoáng, lên luống cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Cách trồng và chăm sóc măng tây

Quy trình chăm sóc măng tây qua các tháng

  • 1 tháng: Lúc này, cây măng tây mọc cao nên cần cắm cọc có chiều cao từ 1 – 1.5 m ở hai đầu luống, dùng cây cước giăng thành một hàng đôi kẹp lỏng giữa thân cây để giữ cây không bị nghiêng đổ. Đồng thời, tăng thêm phân bón NPK 16 – 16 – 8, phân lân để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Có thể sử dụng vôi pha với nước để phòng trừ sâu bệnh hại cây.
  • 2 tháng:  Tỉa những cây nhỏ, còi cọc, cây bị sâu bệnh và để lại mỗi bụi từ 3 – 4 cây mẹ.
  • 3 tháng: Giăng thêm hàng dây tùy theo độ cao của cây. Vun đất cao ở gốc cây để bảo vệ rễ, lên luống cao so với mặt đất 60 – 80 cm tránh ngập úng. Tỉa bỏ cây già, cây còi cọc, cắt bỏ lá ở sát gốc và bổ sung phân chuồng ủ hoai, tro trấu, phân trùn quế…
  • 4 – 5 tháng: Tỉa bỏ cây già, cây còi, làm sạch cỏ và vun xới ở phần gốc. Chỉ nên giữ lại 4 – 6 cây mẹ khỏe. Bón thúc bằng phân NPK 16-12-8-11+TE vào gốc cây măng tây để kích thích mọc thêm cây con mới.
  • 6 – 9 tháng: Cắt ngọn cho các cây mẹ chỉ để còn cao khoảng 1 – 1.2 m để tập trung trổ măng con. Vun xới gốc cây, bón thúc thêm phân chuồng cung cấp dưỡng chất cho cây mẹ đẻ nhiều măng non.

Cắt tỉa và làm cỏ

Trong quá trình trồng và chăm sóc măng tây, cần chú ý thường xuyên cắt tỉa và làm cỏ. Chú ý kiểm tra, nhặt sạch cỏ, cắt tỉa những cây già, cành rậm rạp ở phần gốc và các cây nhỏ còi cọc.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về cách trồng măng tây và kỹ thuật chăm sóc cây măng tây. Hi vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích bạn có thể tham khảo trước khi trồng loại cây này. Đừng quên theo dõi Lisado để cập nhật thêm những bài viết hay về các loại măng tây cũng như phương pháp trồng và chăm sóc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *