Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ không làm mất dinh dưỡng

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng vô giá cho trẻ nhỏ trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên không phải ai cũng biết bảo quản sữa mẹ như thế nào. Bài  viết sau mình xin hướng dẫn với các bà mẹ cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh và những lưu ý cần thiết khi trữ đông, rã đông và hâm nóng sữa mẹ trước khi cho bé bú, đảm bảo giữ được giá trị dinh dưỡng và các protein quan trọng trong thành phần sữa mẹ.

Lưu ý cách trữ sữa mẹ trong tủ lạnh:

  • Rửa tay sạch sẽ trước khi tiến hành bảo quản sữa, hoặc rã đông sữa.
  • Khử trùng các dụng cụ trữ sữa và chiết sữa.
  • Sữa đã cho bú hoặc đã qua làm ấm nếu dùng không hết phải bỏ đi.
  • Nếu mẹ không định cho bé dùng sữa vừa vắt, hãy trữ sữa trong tủ lạnh càng sớm càng tốt.
  • Tốt nhất nên trữ sữa trong bình thủy tinh do các thành phần trong sữa mẹ luôn được bảo quản tốt nhất trong môi trường này.
  • Hoặc có thể dùng bình nhựa cứng có chất lượng tốt, chuyên dùng cho việc trữ sữa, loại chuyên dụng.
  • Không dùng khay đá để trữ sữa mẹ.
  • Không cho thêm sữa mẹ mới vắt vào sữa đã đông lạnh.
  • Không lắc bình sữa sau khi rã đông làm ảnh hưởng cấu trúc protein.
  • Không rã đông hoặc làm ấm sữa trong lò vi sóng hoặc bằng nước ấm.
  • Không hâm lại sữa mẹ đã được rã đông (nếu dùng trong ngày không hết nên bỏ đi)

I. Cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra ngoài

Với các bé dưới 6 tháng tuổi, mỗi lần mẹ hút hay vắt sữa chỉ cần một lượng khoảng 100 – 150ml mỗi lần. Với bé lớn hơn, số lượng sữa cho một lần hút tùy thuộc vào nhu cầu của bé.

1. Chuẩn bị dụng cụ trước khi hút / vắt sữa

  • Chuẩn bị bình đựng sữa, dụng cụ vắt sữa, …
  • Vệ sinh dụng cụ đựng sữa bằng xà phòng. Tiệt trùng trong nước sôi trong vài phút. Sau đó vớt ra, để khô ráo.
  • Mẹ rửa tay sạch sẽ, lau sạch đầu vú trước khi hút hay vắt sữa.

2. Bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng

Đối với sữa mẹ hút ra dùng trong ngày:

Sau khi hút, các mẹ cho sữa vào bình rồi để vào ngăn mát tủ lạnh càng sớm càng tốt.

Tùy theo liều lượng của bé uống bao nhiêu ml/lần, mẹ sẽ để lượng vừa đủ. Thông thường các mẹ để khoảng 5-6 bình sữa trong ngăn mát tủ lạnh, mỗi bình khoảng 150 ml.

Sữa bú thừa: trước mỗi lần bé bú, các mẹ hãy làm ấm và cho bé bú. Nếu bé bú không hết các mẹ nên cho bé bú lại trong vòng 1-2 giờ. Nếu vẫn thừa, các mẹ hãy bỏ đi, không được tái sử dụng lại.

3. Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?

Tùy theo nhiệt độ phòng mà xác định sữa mẹ để ngoài được bao lâu. Nếu phòng các mẹ có nhiệt độ hơi cao (trên 26oC) thì chỉ nên để từ 1-2 giờ. Nếu phòng lạnh có nhiệt độ dưới 26oC thì các mẹ có thể để từ 4-6 giờ.

II. Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

1. Chuẩn bị dụng cụ trước khi trữ sữa

Bình, ly trữ sữa bằng thuỷ tinh hoặc nhựa không chứa BPA, có thể rửa sạch và dùng lại nhiều lần.

Túi bảo quản sữa mẹ Túi đựng sữa mẹ có 2 loại: loại một lớp dây kéo, mỏng, dễ bị rách có giá thành rẻ. Loại hai lớp dây kéo, dày, giá thành đắt, chất lượng tốt hơn.

Lưu ý khi dùng túi bảo quản sữa mẹ

  • Sữa có khả năng bám dính vào thành túi nên sẽ thất thoát chất dinh dưỡng và trọng lượng sữa.
  • Có nguy cơ rò rỉ sữa vì chất lượng của túi. Sữa sẽ không đảm bảo chất lượng. Những loại túi có chất lượng tốt thì thường giá thành khá đắt.
  • Túi chỉ sử dùng một lần rồi bỏ đi, không tái sử dụng.

Túi đựng sữa mẹ có 2 khóa kéo

Các loại túi đựng sữa mẹ

Bút lông dầu: để ghi ngày, tháng, năm hút sữa lên túi trữ sữa.

Tủ đông trữ sữa mẹ: Đối với gia đình có điều kiện có thể trang bị hẳn một tủ đông chuyên dành để trữ sữa cho bé dùng dần.

Xem thêm: Kinh nghiệm chọn tủ đông mini trữ sữa mẹ chuyên dụng

2. Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách

Trong một ngày, nếu hút được hơn 6 bình hoặc bé không bú hết lượng sữa đã hút, các bạn dồn vào bình to hoặc túi trữ sữa, sau đó thực hiện đúng theo cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh như sau:

  • Ngăn đông: Dùng bút ghi ngày tháng năm lên túi trữ sữa và cho ngăn đông lạnh để bảo quản ở nhiệt độ -18oC. Không nên bảo quản ở cánh cửa ngăn đông thì nhiệt độ không đủ lạnh.
  • Ngăn mát: Để tạm túi bảo quản sữa mẹ ở ngăn mát trong 24 giờ. Do sữa để ngăn mát có hạn sử dụng 48 giờ nên có thể cứ mỗi 2 ngày một lần, nếu không dùng hết sữa, các mẹ dồn sữa lại, ghi ngày tháng năm và chuyển lên ngăn đông lạnh.

Các mẹ nên chọn loại túi 2 khóa kéo để trữ sữa sẽ có chất lượng tốt hơn. Các loại túi trữ sữa thường ghi dung tích 150-180 ml nhưng để tiết kiệm không gian tủ lạnh, các bạn có thể chứa đến gần mép cách chỗ khoá kéo khoảng 2-3 cm, sẽ được khoảng 200-250 ml tuỳ loại túi. Lưu ý, các mẹ nên làm cách này với loại túi hai khóa kéo.

3. Sữa mẹ để tủ lạnh được bao lâu?

Để có cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh hợp lý, các mẹ cần lưu ý kỹ yếu tố thời gian => nhằm đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng của sữa.

Sữa mẹ để ngăn mát tủ lạnh được bao lâu? Sữa mẹ có thể an toàn trong ngăn mát trong 2 ngày ở nhiệt độ 4°C. Nếu lấy sữa nhiều lần trong một ngày, các mẹ có thể thêm sữa vào cùng một bình chứa. Lưu trữ sữa vắt vào những ngày khác nhau trong các bình chứa khác nhau.

Sữa mẹ có thể được bảo quản an toàn trong tủ đông trong 3 – 6 tháng. Tuy nhiên thời gian tốt nhất là trước 04 tháng.

Lưu ý: Không cho thêm sữa mẹ mới vắt vào sữa đã đông lạnh.

4. Bảo vệ các túi trữ sữa tránh nhiễm khuẩn bằng túi đựng thức ăn

Để tiết kiệm không gian trong tủ lạnh, các mẹ nên ép hết không khí ra khỏi túi sữa, hàn kín miệng, mua thêm túi đựng thức ăn để đựng các túi trữ sữa trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Các bạn có thể thay túi bằng hộp nhựa nhưng sẽ tốn diện tích hơn.

Việc dùng thêm túi, hộp để cất những túi sữa nhỏ sẽ đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn chéo vào sữa nếu tủ lạnh đựng nhiều loại đồ ăn khác.

5. Cách giữ sữa khi mất điện

Các mẹ hãy chuẩn bị sẵn một số thùng xốp hoặc thùng nhựa có nắp đậy giữ nhiệt ở nhà.

Nếu bị mất điện sau 3 giờ, các mẹ hãy mua thật nhiều đá lạnh để xung quanh trong thùng xốp, sau đó nhẹ nhàng chuyển các túi sữa từ ngăn đông vào các thùng xốp này để bảo quản cho không bị tan chảy.

Khi có điện trở lại, các mẹ hãy chuyển sữa lại vào ngăn đông lạnh.

III. Bảng tra cứu thời gian bảo quản sữa mẹ

Để thực hiện đúng cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, các mẹ hãy tra cứu theo bảng thời gian bảo quản sữa mẹ sau đây:

Môi trường bảo quản sữaThời gian tối đaPhòng trên 26oC1 giờPhòng máy lạnh dưới 26oC4-6 giờNgăn mát tủ lạnh (4oC)48 giờNgăn đá tủ lạnh nhỏ (tủ lạnh một cửa)2 tuầnNgăn đá tủ lạnh hai cửa (ngăn đá có cửa riêng) (-18oC)4 thángTủ đông lạnh chuyên dụng (-18oC đến -20oC)6 tháng

Thời gian bảo quản sữa mẹ

IV. Cách rã đông sữa mẹ

Khi gần đến 4 tháng, phần sữa đông lạnh sẽ sắp hết hạn. Đây là lúc các mẹ lấy sữa đông lạnh ra sử dụng “cuốn chiếu” => hãy rã đông hay một vài nơi gọi là giã đông và cho bé bú

Đầu tiên, mẹ chuyển bình hoặc túi trữ sữa trong ngăn đá xuống ngăn mát (chỉ nên rã đông bằng cách này) trước nửa ngày hoặc 1 ngày để sữa tan dần.

1. Sữa mẹ rã đông để được bao lâu

Sữa mẹ đã rã đông ở ngăn mát tủ lạnh có thể để tối đa 24 giờ nếu vẫn bảo quản trong ngăn mát, chưa mang ra bên ngoài.

Nếu đã mang ra ngoài hâm nóng thì cho bé bú ngay, bé bú còn thừa cũng bỏ đi.

2. Lưu ý khi rã đông sữa mẹ

– Tránh rã đông nhanh trong nước sôi. hoặc lò vi sóng vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm giảm chất lượng sữa, có trường hợp bé bị đau bụng khi ăn sữa này.

– Không được pha sữa mới vắt chung với sữa rã đông.

– Không được lắc mạnh bình sữa đã rã đông. Cách lắc sữa mình sẽ nói rõ hơn ở phần hâm nóng sữa mẹ ngay bên dưới.

V. Cách hâm nóng sữa mẹ

Hâm sữa mẹ đúng cách giúp sữa giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cho cả trẻ sơ sinh và trẻ đã 1-2 tuổi.

Sữa mẹ trữ đông cần phải rã đông chậm / giã đông chậm bằng cách chuyển xuống ngăn mát trước nửa ngày hoặc một ngày để sữa tan dần.

Cứ đến giờ bú, lấy 1 phần sữa (đủ cho bé ăn một lần) đã rã đông chậm cho vào bình. Ngâm bình trong nước ấm 40oC hoặc máy hâm để tăng nhiệt độ sữa bằng với nhiệt độ cơ thể – thân nhiệt của bé.

Tuyệt đối không dùng nước nóng quá hoặc nước sôi, vì sẽ làm mất dinh dưỡng của sữa.

Sữa để tủ lạnh khi lấy ra sẽ có một lớp chất béo màu trắng đục đóng phía trên. Sau khi hâm ấm, mẹ nhớ lắc nhẹ để lớp béo hoà tan hoàn toàn.

Cách lắc nhẹ bình sữa đã hâm nóng: Dùng 2 lòng bàn tay áp vào bình sữa, thao tác giống như chà 2 bàn tay với nhau một cách nhẹ nhàng.

Trước khi cho bé bú hãy thử sữa bằng cách nhỏ một giọt sữa từ bình lên mu bàn tay hoặc trong cườm tay để đảm bảo an toàn cho bé.

1. Sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu

Sữa mẹ đã hâm nóng hay ủ ấm cần cho bé uống ngay. Nên chỉ ủ ấm đủ cho bé ăn 1 lần. Nếu bé ăn còn thừa thì cũng bỏ đi. Không hâm lại hay bảo quản lại trong tủ lạnh

2. Lưu ý hâm sữa mẹ đúng cách

– Không pha sữa mới vắt với sữa hâm nóng bé bú còn thừa.

– Không được sử dụng lại hay trữ đông lại sữa đã hâm nóng một lần sẽ rất nguy hiểm.

  • Khi lắc mạnh hay thay đổi nhiệt độ đột ngột, sữa mẹ sẽ bị thay đổi cấu trúc và tính chất của một số phân tử protein đóng vai trò là kháng thể.
  • Các kháng thể Lactoferrin, Lysozyne… chỉ phát huy được chức năng chống viêm nhiễm, chống sưng tấy trong niêm mạc ruột khi ở đúng cấu trúc phân tử ban đầu.
  • Khi bị tác động, một vài cấu trúc có thể vẫn giữ nguyên, phần còn lại có thể bị gãy thành các amino axit. Tuy vẫn còn dưỡng chất nhưng mất vai trò kháng thể.

VI. Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng

  • Sữa có mùi hôi: Sữa thường không có mùi đậm. Nếu khi rã đông và mở túi trữ sữa / bình chứa mà mẹ ngửi được mùi hôi, có nghĩa là sữa đã bị hỏng.
  • Sữa bị vón cục: Sữa phân tách lớp, có lớp váng ở trên là bình thường. Tuy nhiên sữa bị vón cục là dấu hiệu của chất lượng sữa không còn tốt nữa.
  • Sữa có mùi chua như sữa chua, sữa bò bị thiu cũng là dấu hiệu sữa bị hỏng.
  • Mẹ hãy nếm thử sữa trước khi cho bé ăn. Nếu sữa có vị chua, cảm giác khó uống thì sữa đã bị hỏng.
  • Sữa quá hạn sử dụng: theo dõi kỹ kỹ ngày lưu trữ sữa và sử dụng sữa trước khi hết hạn theo bảng thời gian bảo quản sữa mẹ ở trên.

VII. Sữa mẹ có mùi tanh

Mẹ đừng quá lo lắng. Nếu thỉnh thoảng sữa mẹ bị mùi tanh là do những chế độ ăn uống của mẹ. Chất lượng sữa vẫn bình thường.

Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, các mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục nhé.

Nguyên nhân sữa mẹ có mùi tanh

Chế độ ăn uống của mẹ

Thành phần trong thức ăn hàng ngày của người mẹ có thể làm sữa mẹ thay đổi mùi vị và màu sắc.

Một số loại thức ăn ảnh hưởng đến mùi vị của sữa mẹ:

  • Thuốc hoặc thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Ớt, tỏi, cá, hạt lạnh, …

Những mẹ uống nước trực tiếp không qua đun sôi để nguội sữa cũng có mùi lạ.

Vệ sinh bầu ngực

Bầu ngực là nơi sản sinh ra sữa liên tục. Nếu mẹ không vệ sinh bầu ngực thường xuyên và đúng cách, vi khuẩn rất dễ sinh sôi. Dòng sữa đi qua núm có nhiều vi khuẩn sẽ bị nhiễm khuẩn, có mùi và ảnh hưởng đến bé.

Sữa mẹ trữ đông

Nếu sữa mẹ mới hút hay vắt ra vẫn thơm, chỉ khi sữa sau khi trữ đông và rã đông có mùi tanh. Đây là biểu hiện bình thường của sữa mẹ khi đông lạnh.

Trong sữa mẹ có thành phần enzyme là lipase. Enzyme này có tác dụng phá vỡ liên kết chất béo, giúp cơ thể bé dễ hấp thu chất béo và các khoáng chất tan trong chất béo hơn.

Nếu hàm lượng lipase này nhiều, sẽ làm cho sữa mẹ có mùi tanh như mùi xà bông. Điều này hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ, cũng như sức khỏe của bé.

Tuy nhiên nếu mùi tanh khó chịu, có thể sữa đã nhiễm khuẩn trong quá trình trữ đông. Hãy bỏ đi. Và theo dõi lại quá trình bảo quản sau khi hút hoặc vắt đã đúng cách và điều chỉnh lại.

Lời kết

Hy vọng qua bài viết về cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, các mẹ hãy lưu tâm hơn để có thể bảo quản sữa mẹ đúng cách. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào và là nguồn cung cấp kháng thể vô cùng cần thiết cho sự phát triển của các bé, giúp bé có thể phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, mai sau trở thành những học sinh “con ngoan, trò giỏi” có ích cho gia đình và cuộc sống.

Nguồn: chamchut.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *